Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

PHÁP LUÂN (P.2 ) -Thạch Lai Kim

Pháp Luân 2

Thạch Lai Kim



Pháp luân là qui luật. Qui luật của dòng nước, là một dòng nước chảy. Nước không bao giờ chảy ngược dòng mà «nhất khứ bất phục phản». Điểm đến của nó là biển cả, là một cái gì mênh mông. Cho dù nước bốc hơi tích tụ lại thành mưa, nước trở về nguồn và bắt đầu một chu kỳ mới, nhưng nước cũng không thể đi ngoài qui luật của dòng nước: xuôi theo dòng chảy ra biển. Cứ thế mà luân chuyển theo định luật tuần hoàn, một sự chuyển động vòng "chu luân" không có khởi điểm mà cũng không có chung điểm. Bất kỳ một điểm nào trên đường vòng cũng có thể là khởi điểm vừa là chung điểm. Chung điểm của một chu kỳ lại là khởi điểm cho một chu kỳ mới. Miên viễn vô cùng tận.

Pháp luân là thời gian. Là một sự biến dịch. Ngày rồi đến đêm. Nhưng ngày này không giống một ngày nào khác. Cứ thế mà chuyển dịch: Ngày, tháng, năm, thập niên, thế kỷ… Tuổi đời con người cứ thế mà chồng chất. Hết một chu kỳ là chấm dứt một đời. Vạn vật muôn loại cũng đều chung một số phận như vậy: chuyển dịch, biến hóa, phát triển theo một qui luật nội tại.

Pháp luân là qui luật của sự sống. Con người, các sinh vật phải ăn uống mới sống, cây cối phải hấp thụ nước và màu mỡ từ trong đất mới có thể đâm chồi nẩy lộc. Đó là qui luật nội tại của thiên nhiên . Là một sự chuyển đổi vật chất từ dạng này sang dạng khác để phát sinh năng lượng cần thiết cho sự sống. Mỗi loài, mỗi giống có chung một số phận, theo một định luật thiên nhiên mặc dù loài này khác loài kia, nhưng đều qua giai đoạn: sinh – tồn – diệt. Có sinh ắt có tử. Trong cái này chứa đựng cái kia. Trong sinh tồn có chứa mầm mống của sinh và hủy diệt. Đó là sự tiến hóa của vạn vật. Sinh lão bệnh tử là một qui luật thiên nhiên. Đó là pháp luân, bánh xe của qui luật.

Cha mẹ nhìn con cái mình sẽ cảm nhận được hình ảnh của chính mình thời niên thiếu. Ngày nay với sự phát triển của ngành sinh vật học và di truyền học người ta đã chứng minh được nhân tố di truyền gene: «Mọi sinh vật đều lưu giữ thông tin di truyền của mình dưới dạng trình tự các nucleotide của phân tử DNA hoặc RNA (gọi cách khác là gene)“. Như vậy, con người khi chết đi thì «nợ trần» có dứt nhưng «hành trình của kiếp người» vẫn còn nối tiếp do ở «cơ duyên», theo thuyết nhà Phật gọi là «nhân duyên sinh», nó khiến con người bị vướng mắc mãi trong vòng «luân hồi». Muốn giải thoát khỏi luân hồi con người phải theo giáo pháp «bát chánh đạo» (tám con đường ngay) của đức Phật mà biểu tượng là một bánh xe tám nhánh 卍 gọi là pháp luân.

Tóm lại, cuộc sống con người và vạn vật phải kinh qua quá trình sinh – tồn – diệt.

Bằng chứng khoa học dựa trên di truyền học và nghiên cứu hóa thạch, con người hiện đại thuộc loài linh trưởng có tên khoa học là «loài người thông thái», dựa theo tiếng La Tinh Homo sapiens (Homo: người, sapiens: thông minh), có bộ não tiến hóa rất cao cho phép thực hiện suy luận trừu tượng, ngôn ngữ và xem xét nội tâm. Như vậy sự phân biệt giữa con người và các loài động vật khác là con người biết suy tư và thông truyền tư tưởng bằng ngôn ngữ.

Trong quá trình tiến hóa con người đã kinh qua nhiều hình thái sinh hoạt khác nhau. Từ hình thái hái lượm, săn thú vật mà sự sinh tồn hoàn toàn lệ thuộc vào thiên nhiên, con người từ từ biết cách trồng trọt ngũ cốc và chăn nuôi gia súc. Trước đây, con người phải đi từ nơi nầy đến nơi khác để tìm thức ăn thì nay họ có thể định cư tại nơi gần nguồn nước. Do đó, vào khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước CN tức cách đây khoảng 6000 năm các vùng châu thổ của các con sông trở thành cái nôi của các nền văn minh nhân loại: Sông Nile ở Ai Cập, sông Euphrates và Tigris ở Irak, sông Hằng – sông Ấn ở Ấn Độ và Pakistan, Hoàng Hà và Dương Tử Giang ở Trung Hoa v.v…Như vậy thì sự tiến hóa, phát triển của cá thể con người không thể biệt lập mà là sự tiến hóa nằm trong một tập hợp nhân loại. Nói cách khác, sự tiến hóa của «người» nằm trong khuôn khổ của sự tiến hóa chung của xã hội.

Đứa bé sơ sinh bé tí sống vô tri trong sự thương yêu của cha mẹ trong khuôn khổ gia đình. Dần dà mới có nhận thức về bản thân vào khoảng hai tuổi (ngày nay được các nhà khoa học chứng minh qua bài kiểm tra gương). Qua học tập, tiếp xúc, cảm nhận sự vật chung quanh mình rồi đưa vào nhận thức, giai đoạn định hình con người xã hội bắt đầu và diễn tiến liên tục trong suốt cuộc đời. Con người trưởng thành với những đặc tính cá biệt về ngôn ngữ, nhân sinh quan, cách hành xử, suy tư …Nói một cách khác, trong quá trình trưởng thành con người được hiểu như một chủ thể cá nhân bị đồng hóa vào xã hội mà con người đang sống với những quan niệm về giá trị, sinh hoạt văn hóa... khác biệt với những xã hội khác. Thời phong kiến con người được thừa nhận là thành niên khi được 20 tuổi sau khi đã cử hành một buổi lễ gọi là «quan lễ»(lễ đội mũ). Pháp luật ngày nay thừa nhận là thành niên tùy nơi vào lúc tròn 16 hoặc 18 tuổi.

Dòng nước cũng như dòng đời. Dòng nước chảy mang theo những gì chất chứa ven bờ. Dòng đời tương tự như dòng nước cũng cuốn theo nền văn hóa là thành tựu lâu đời của cuộc sống của xã hội mà con người mang theo trong suốt hành trình của cuộc đời. Như vậy, ngoài những thuộc tính tiên thiên thể hiện qua cảm tính con người như hỷ , nộ, ai , cụ , ái , ố , dục...con người còn bị chi phối bởi các thuộc tính của nền văn hóa mà con người hấp thụ được.

Thử nêu ra đây một vài thí dụ để nhận dạng một vài khía cạnh của nền văn hóa xưa và nay. «Hiếu thuận» là tư tưởng nòng cốt của Nho gia cũng là đặc trưng của nền văn hóa Đông phương ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống dân gian:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

(Ca dao)

Hoặc: Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã.

身体发肤,受之父母,不敢毁伤,孝之始也. (Hiếu kinh)

Thân thể tóc da, do cha mẹ mà có, không nên làm tổn thương, đó là khởi đầu của đạo hiếu vậy. Hoặc: cha mẹ già yếu con cái không nên đi xa. Con cái phải có bổn phận làm «vinh tông diệu tổ» để báo đáp công ơn cha mẹ … «Nhị thập tứ hiếu» do Quách Cư Kính đời Nguyên sưu tập các câu chuyện dân gian về các hiếu tử được xem là tác phẩm tiêu biểu cổ xúy hiếu đạo. Những tư tưởng cố cựu này dĩ nhiên không còn thích nghi trong cuộc sống hiện đại. Ý tưởng cho rằng nhục thể của một người là vật sở hữu của người khác cho dù là cha mẹ, không phù hợp với quan niệm nhân quyền trong bảng Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền cũng không phù hợp với Công Ước Quốc Tế về Quyền Lợi Nhi Đồng. Nhưng hiếu đạo hiện vẫn còn là tư tưởng chỉ đạo trong cách hành xử của nhiều người trong xã hội hiện đại. Ngoài hiếu còn nhiều quan niệm khác vốn là khuôn vàng thước ngọc của xã hội xưa kia cần phải thẩm lượng lại.

Trong biến cố 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm hồi giáo cực đoan đã uy hiếp hai chiếc máy bay dân sự đâm vào Trung Tâm Mậu Dịch Quốc Tế tại Nữu Ước làm tiêu hủy hoàn toàn, sát hại hàng ngàn nhân mạng. Cả thế giới rúng động. Lãnh tụ chính trị nhiều nước trên thế giới phát biểu, gửi điện văn chia buồn đến chính phủ và nhân dân Mỹ. Thủ Tướng Đức Schroeder trong lời phát biểu trên đài truyền hình đã lên án hành động khủng bố này như là một sự chống lại toàn thể thế giới văn minh, chống lại tự do và giá trị Tây phương. Như vậy hệ thống giá trị Tây phương là gì? Phải chăng đó là một chánh quyền dân chủ qua bầu cử, các quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lựa chọn và tập họp và việc chấp nhận ý kiến bất đồng như Tổng Thống G.W. Bush đã phát biểu trước Hội Nghị của Thượng và Hạ Viện Mỹ ngày 20.09.2001.(They hate what we see right here in this chamber -- a democratically elected government. Their leaders are self-appointed. They hate our freedoms -- our freedom of religion, our freedom of speech, our freedom to vote and assemble and disagree with each other- Address to a Joint Session of Congress and the American People September 20, 2001).

Phải chăng có sự xung đột về văn hóa giữa hai khối Tây phương và thế giới Hồi giáo? Câu trả lời thật hiển nhiên vì cuộc xung đột này vẫn còn tiếp diễn hàng ngày và hiện chưa có giải pháp thỏa đáng. Xem ra thì những bất ổn trên thế giới xuất phát từ quan niệm khác biệt về văn hóa, về quan niệm giá trị mà theo qui luật thiên nhiên và qui luật xã hội, các giá trị cũng như văn hóa này qua kinh nghiệm lịch sử cho thấy không bao giờ tuyệt đối và vĩnh cửu.

Mặc dù hiện nay đã có nhiều quốc gia chủ trương một xã hội đa văn hóa, nhưng việc dung nạp và chấp nhận phát triển hài hòa giữa các nền văn hóa vẫn còn là vấn đề nan giải. Friedrich Nietzsche (15.10.1844 - 25.08.1900) triết gia người Đức có ảnh hưởng sâu rộng qua các trước tác phê phán và bình luận về các lãnh vực tôn giáo, đạo đức, triết học, khoa học… trong sách “Also Sprach Zarathustra” đã đưa ra quan niệm “siêu nhân” (Uebermensch) như sau:

“Hiển nhiên, con người là một dòng nước dơ bẩn. Muốn dung nạp một dòng nước dơ bẩn mà không bị ô nhiễm trừ phi là biển cả. Hãy xem, ta dạy ngươi về siêu nhân: Siêu nhân chính là biển cả. Trong biển đó tất cả sự khinh miệt to lớn của các ngươi đều bị chôn vùi.”

Wahrlich, ein schmutziger Strom ist der Mensch. Man muss schon ein Meer sein, um einen schmutzigen Strom aufnehmen zu koennen, ohne unrein zu werden. Seht, ich lehre euch den Uebermenschen: der ist diess Meer, in ihm kann eure grosse Verachtung untergehn.

(Title: Also Sprach Zarathustra. Author: Friedrich Wilhelm Nietzsche

Release Date: January, 2005 [EBook #7205][This file was first posted on March 26, 2003] Edition: 10 Language: German 1.Teil, 3 Absatz)

Con người là dòng nước bẩn chuyển tải tất cả những gì xã hội đã “mớm” cho nó để lên đường. Con người chưa bao giờ và sẽ chẳng bao giờ là biển cả rộng mênh mông để dung nạp tất cả các dòng nước bẩn từ mọi nơi. Pháp luân, bánh xe của sự tiến hóa vẫn cứ xoay vòng.

Nguồn : Thụ Nhân Bắc Một Nhịp Cầu - https://tneu.blogspot.com/

Mời Xem Tiếp Pháp Luân P.3

1 nhận xét: