Vào tháng Giêng năm 1945, Liên Xô đánh chiếm thị trấn Częstochowa, miền nam Ba Lan, quân Đức thất thủ tháo chạy. Các trại lao động của quân Đức bị người dân dỡ bỏ. Một cô gái người Do Thái tên là Edith Zierer, 13 tuổi là tù nhân trại lao động Đức được phóng thích. Cô đi tìm gia đình mình dù không biết rằng họ đã chết trong các trại lao động. Cô kiệt sức không thể đi được. Nhưng một chủng sinh đã cứu cô tại một nhà ga.
Sau khi rời trại, Edith lên một toa tàu chở than. Cô đã kiệt sức. Cô xuống tại một ga xe lửa ở Jędrzejów (tỉnh Świętokrzyskie) . Hoàn toàn kiệt sức, cô ngã xuống đất. Cô nằm đó, lạnh cóng và đói, chỉ mặc một bộ đồng phục kẻ sọc của tù nhân mỏng manh đầy chấy rận. Không ai nhìn về phía cô và cô đuối sức không thể bước đi được nữa. Nhưng có một người thanh niên mặc áo chùng thâm dừng lại để giúp cô.
Sau này cô kể lại : “Anh ta có vẻ là linh mục, rất đẹp trai, đôi mắt sáng và tràn đầy sức sống”. Anh hỏi cô tên gì và đang làm gì ở một nơi như thế này. Edith Zierer trả lời rằng cô là tù nhân Do Thái đang cố gắng đến Krakow để tìm lại gia đình mình. Nước mắt cô trào ra xúc động khi Karol Wojtyła hỏi cô tên gì. Đã lâu rồi không có ai gọi cô bằng tên. Thời gian sống trong trại lao động, tất cả mọi người gọi cô bằng số hiệu tù nhân. Anh ta rời đi một lúc, rồi quay trở lại mang theo trà nóng, bánh mì và pho mát cho cô. Edith Zierer tin rằng cha mẹ và em gái Judith của cô vẫn còn sống. Wojtyła hứa rằng sẽ đưa cô đến Krakow để tìm cha mẹ.
“Tôi gầy gò, mệt mỏi và ốm yếu. Cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ lúc cắn miếng bánh đầu tiên ... Tôi ăn xong và anh bảo tôi đứng dậy và nói "Chúng ta đi nào". Nhưng tôi không thể đứng nổi với đôi chân gầy guộc của mình.”.
WOJTYLA ẴM CÔ TRÊN TAY VÀ ĐƯA CHO CÔ CHIẾC ÁO KHOÁC ĐANG MẶC
“Cố gắng lên !” - Wojtyła động viên cô. Thật không may, cô không thể. Cô kiệt sức đến mức ngã xuống dưới đất. Thấy vậy, Wojtyła đã ẵm cô trên tay và chạy suốt ba cây số đến sân ga kịp chuyến tàu đi Krakow.
Nhân viên nhà ga nói Wojtyla đặt Edith vào toa chở gia súc do thấy mình mẩy Edith dơ và chấy rận. Wojtyla đã đưa chiếc áo khoác đang mặc cho Edith để cô giữ ấm. Những người Do Thái khác đi cùng cảnh báo cô rằng “Tên linh mục kia có thể sẽ đưa cô vào dòng kín”. Vì những lời gièm pha này mà cô đã rất sợ hãi.
Nên khi tàu dừng, cô nhanh xuống xe và trốn sau những thùng sữa. Wojtyla đã tìm khắp nơi và gọi tên cô bằng tiếng Ba Lan: “Edyta, Edyta.”, nhưng không thấy. Dù Edith trốn tránh vị ân nhân của mình nhưng cô đã lưu giữ tên anh ta trong ký ức và ghi chép vào quyển nhật ký. Edith lầm tưởng Wojtyla là linh mục, nhưng lúc đó anh chỉ là chủng sinh năm thứ 4, mãi đến tháng 11 năm sau Wojtyla mới được thụ phong linh mục.
Ở Krakow, cô được một người bà con nhận nuôi và sau đó may mắn được lựa chọn trong số 100 đứa trẻ mồ côi được nhà từ thiện nổi tiếng Lena Kuchler nhận về. Cô cùng họ đến Zakopane rồi sang Tiệp Khắc và đến Pháp.
HÃY TRỞ LẠI! CON GÁI TA!
Cô nhớ rất rõ tên anh. Trong suốt cuộc đời, cô luôn tri ân người chủng sinh đã cứu sống cô. Cả hai đều không còn gia đình. Karol Wojtyła đã mất mẹ, cha và anh trai. Edith cũng vậy. Vào năm 1978, khi cô đọc tạp chí Paris Match đưa tin vị Hồng y người Ba Lan có tên là Karol Wojtyła đã trở thành vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Rôma. Edith Zierer nhận ra ngay vị ân nhân ngày xưa của mình nên đã rất vui mừng đến nỗi bật khóc. Thời điểm đó Edith đang sống ở Israel, bà rời Ba Lan năm 1951. Bà làm bác sĩ nha khoa, rồi kết hôn, làm mẹ, có cuộc sống êm ấm. Bà đã viết nhiều bức thư cho Đức Giáo Hoàng cảm tạ ơn cứu mạng nhưng không được hồi âm vì có cả hàng triệu lá thư khắp thế giới gửi cho Giáo Hoàng. Cuối cùng, vào năm 1997, bà nhận được một lá thư, trong đó Đức Giáo Hoàng đã nhớ đến bà và mời bà đến Roma. Bà đi cùng với chồng đến. Đức Giáo Hoàng và bà gặp lại nhau vào năm 1998. Đức Giáo Hoàng nói với bà: “Con hãy nói to lên chút vì ta đã già rồi". Ngài ban phúc lành cho Edith Zierer và nói: "Hãy trở lại đây nhé, con gái yêu của ta."
Năm 2000, trong chuyến hành hương đến Đất Thánh Jerusalem, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Viện Yad Vashem và đặt vòng hoa tại đây. Edith Zierer gặp Đức Giáo Hoàng thêm lần nữa và nói trước đám đông: "Ai cứu một mạng người là cứu cả thế giới". Đây là phương châm được khắc trên huy chương vinh danh những người đã cứu mạng người Do Thái trong giai đoạn thảm sát của Đức quốc xã.
Edith vẫn tiếp tục viết thư cho giáo hoàng và ngài vẫn hồi âm. Tuy nhiên, họ không còn dịp gặp lại nhau nữa. Vì năm 2005, Đức Giáo Hoàng qua đời, Edith Zierer sau đó cũng qua đời vào năm 2014.
Mong rằng hai người lại tiếp tục gặp nhau trên Nước Trời.
Chiến sĩ Chúa Kitô tổng hợp tư liệu từ các trang Aleteia, Haaretz...
vậy là đã gặp lại được ân nhân
Trả lờiXóa