Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

CON BÁN RAU Tác giả: Trần Minh

Mời Đọc  Câu Chuyện Sau Đây :

Con bán rau kia, không định bán hàng hay sao mà cứ đi vùn vụt thế! Chị Lan gọi giật giọng khi "con bán rau" đang quẩy gánh rau đi qua nhà.
Huệ, cô gái bán rau đã quá quen mặt ở cái phố này dễ cũng đến hơn hai năm rồi. Ấy vậy, mà người ta cũng chẳng quan tâm cô tên là gì. Mà việc gì phải quan tâm! Chỉ là bán rau thôi mà! Mua thì gọi, biết tên làm gì cho chật "bộ nhớ". Nếu cần, chỉ ới: "Này...", "Con kia..." là Huệ sẽ quay lại ngay rồi. Với Huệ, họ muốn gọi gì thì gọi, cô chẳng câu nệ, hay tự ái, miễn sao là bán được hàng.
- Bà mua giúp con, hôm nay ế quá! Huệ mời chào chị Lan.
Nhìn dáng người nhỏ thó, lại mặc trên mình chiếc áo đồng phục của học sinh tiểu học, chắc là đồ thải của con, nên trông Huệ như một đứa trẻ. Song nhìn kĩ khuôn mặt trái xoan, đôi mắt đượm buồn, thâm quầng vì thiếu ngủ kia, thì Huệ cũng chỉ kém chị Lan không đến chục tuổi; ấy vậy mà Huệ cứ gọi "bà", xưng "con" ngọt xớt. "Có một trăm con bán hàng rong, thì tới chín mươi chín con xưng hô theo kiểu nịnh nọt như vậy" - chị Lan nghĩ. Nhưng mà chị thích. Chị thích không phải vì muốn mình già đi, mà vì, nếu gọi như vậy, một cảm giác huyễn hoặc, tự cho mình là "quý phái", là "bề trên" như kiểu "quý bà", "bà chủ" khi "con sen", "thằng ở" xưng hô ... Vì vậy mà chị thích!
- Rau cải hôm nay bao nhiêu tiền một mớ! Chị Lan hỏi Huệ.
- Dạ năm ngàn bà ạ. Còn mấy mớ, bà mua hết cho con nhé.
- "Năm ngàn" đắt thế! Tất chỗ này, tao chỉ trả mười ngàn, có bán không?
- Chỗ này bốn mớ của con mà bà trả rẻ thế!
- Rau ế, tao chỉ trả thế thôi, mày không bán thì thôi, "nếch", nói nhiều...
Sau một phút đắn đo, nài nỉ không được, Huệ đành phải bán nốt mấy mớ rau cải cho chị Lan. Gánh rau của cô vẫn còn nhiều thứ, nếu không bán nhanh thì về nhà muộn mất.
- Này, con kia, gánh sang đây xem có cái gì mua được tao mua cho! Bà Thìn, bán phở oang oang gọi. Huệ như bắt được của, vội vã thu dọn quang gánh để gánh sang.
- Ngồi nhặt hết cho tao chỗ hành, rau thơm này thì tao mua cho... Bà Thìn nói.
- Bà ơi, bà bảo nhân viên của bà nhặt hộ con được không, con phải đi bán nốt chỗ rau này, muộn rồi!
- Không! Nhân viên có việc của nhân viên. Mày lười không nhặt thì đừng bán!
Huệ miễn cưỡng ngồi nhặt chỗ rau thơm và hành lá cho bà Thìn. Nhặt hết chỗ này cũng mất gần tiếng đồng hồ, mà không nhặt bà ý không mua cho. Thôi, bán hàng đành phải chiều khách vậy...
- Bà ơi! Con nhặt xong rồi, bà cho con xin tiền. Cả hôm nay nữa là tròn mười ngày bà nhé...
- Mười là thế nào! Bà Thìn quát. Giọng bà tru tréo: - Con bán rau này, mày điêu vừa thôi nhé, tao nhẩm chỉ có bảy ngày, tao nhớ, vừa thứ bảy trước mày đến đây, hôm nay cũng là thứ bảy mà đã khống lên mười ngày rồi. Định ăn gian của bà à, đừng hòng, gì chứ tiền bà không nhầm một xu đâu con ạ. - Vừa nói, bà Thìn vừa ném tập tiền lẻ lên gánh rau của Huệ. Nhặt từng tờ tiền nhàu nát, Huệ lẩm nhẩm đếm: có ba trăm rưỡi, thiếu gần hai trăm ngàn.
- Bà ơi, mười ngày thật mà, con có ghi ra sổ cẩn thận, từng ngày, từng khoản bà mua đây này. Con không ăn gian của bà đâu!
- Con này lằng nhằng quá, mày có định bán rau cho tao nữa không đây, hay để tao tìm con khác. Tao đường đường, chính chính là chủ một quán phở to thế này, với bao nhiêu nhân viên làm thuê, mà thèm ăn gian tiền của mày à. Chỉ có cái loại người nghèo hèn như mày mới ăn gian của người khác thôi, nghe chưa. - Nói xong, bà Thìn phủi đít đựng dậy đi vào quán, không cho Huệ có cơ hội thanh minh tiếp.
Thế là vừa không có lãi, lại thụt cả vào vốn. Thỉnh thoảng, bà Thìn lại nhầm lẫn như vậy mà phần thua thiệt bao giờ Huệ cũng phải chịu. Có làm găng cũng không được. Ngày ngày, gánh hàng rau của Huệ, thì có tới non nửa là bà Thìn mua cho. Làm cho bà Thìn phật ý bà ý cắt mối thì coi như mất cửa làm ăn. Thôi đành chịu thiệt lần này vậy - Huệ tự an ủi mình.
Huệ đội nón lên đầu, vội vã gánh rau đi. Phía sau, vang lên tiếng chị Lan gọi bà Thìn:
- Bà Thìn béo ơi! Chủ nhật tuần sau, Chi hội phụ nữ phường có kế hoạch đi làm thiện nguyện một trường hợp ở ngoại thành. Bà là hộ kinh doanh trên địa bàn tổ dân phố phải có trách nhiệm xã hội tham gia cùng chúng tôi đấy. Lần này, bà ủng hộ kha khá một chút, vì nghe đâu, gia đình chị ý có hoàn cảnh đặc biệt lắm.
Bà Thìn từ trong quán phở đi ra nói oang oảng:
- Gớm, không phải nói! Gì chứ công việc thiện nguyện là tôi giơ tay đầu tiên. Không phải làm ăn trên cái phố này mà tôi mới tham gia đâu nhé. Kể cả không kinh doanh ở đây, thấy ai nghèo khổ, khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống tôi đều giúp đỡ. Đợt vừa rồi, nhà có bao nhiêu quần áo con cháu thải ra không mặc. Có cả váy mua hàng hiệu, lỗi mốt, chúng đã thải rồi. Tôi đóng đầy bao tải gửi lên vùng cao cho bà con nghèo đấy. Trên ý, nghe đâu năm nay tuyết rơi rét lắm...!
- Ừ thì cứ nói thế! Bà tài trợ cho chúng tôi trong nhiều hoạt động thiện nguyện của địa phương, chúng tôi có quên ơn bà đâu, năm nào bà cũng được nhận giấy khen của phường còn gì - chị Lan rào đón!
- Cô nói thế, hóa ra tôi làm việc thiện để nhận giấy khen à! Bà Thìn đáp lại.
- Đùa bà tý, chứ thật ra, chị em chúng mình đều "thương người như thể thương thân"! Có thương người, quý người thì mới tự nguyện tham gia vào tổ thiện nguyện của phường chứ, đúng không?... Thôi nhé, em nhắc bà lịch thế thôi, chi phí cho chuyến thiện nguyện này hết bao nhiêu tiền, bọn em đi mua bán về sẽ báo sau nhé. Cứ theo nguyên tắc bà một nửa, chúng em góp một nửa...
Một tuần trôi qua thật nhanh, thoắng một cái hôm nay đã là chủ nhật. Chị Lan dậy thật sớm trang điểm. Chị lấy bộ áo dài đỏ gắn kim tuyến lấp lánh mặc vào người. Hôm nay mình phải ăn mặc cho đẹp, còn chụp ảnh, "pót" lên "gờ rúp" phây-búc của phường để lãnh đạo họ còn biết và ghi nhận sự nhiệt tình, năng nổ của mình khi tham gia các công tác xã hội - chị Lan nghĩ. Từ hồi chị được cơ quan cho về hưu sớm đến nay cũng đã được 3 năm. Kinh tế thì không phải lo, do trước đây chồng chị từng là giám đốc một doanh nghiệp lớn, cũng có của ăn của để. Các con đã trưởng thành, đứa thì đi làm cho công ty nước ngoài lương tháng cũng hơn 2 ngàn đô; đứa thì du học, nhà chỉ có hai vợ chồng, nhàn tênh, cơm nước xong thì chả biết việc gì làm, quanh quẩn nhìn ông chồng mà phát ốm. May mà bà chi hội trưởng phụ nữ cũ bị thấp khớp nặng, xin nghỉ, thế là họ vận động, đưa chị lên giữ cái chức này. Sau đó còn giao thêm chức Chi hội trưởng chữ thập đỏ kiêm Tổ trưởng tổ hoạt động xã hội của phường. Nhiều việc, nhưng mà vui. Thỉnh thoảng cũng được phường cử làm điển hình tiên tiến để lên quận báo cáo thành tích. Cũng mở mày mở mặt và có tiếng nói với hàng xóm láng giềng. Không như cái ông chồng, sáng thì thể dục tận trưa mới về, chiều thì cờ quạt với mấy lão hưu trong xóm, gọi về ăn cơm còn mải chơi không chịu về... Người gì mà vô tâm với thời cuộc thế chứ lỵ! - Chị Lan lẩm bẩm một mình.
- Chị Lan ơi, chuẩn bị xong chưa, ô tô đến rồi đây này. Mấy bà trong tổ thiện nguyện ý ới bên ngoài.
Chị Lan mở cửa ngó ra, các bà các chị đã sặc sỡ đủ các sắc màu áo dài đứng ngoài cửa đợi. Nếu không có mấy thùng mỳ tôm, bánh kẹo chất đống, thì mọi người cứ tưởng đoàn văn công đi biểu diễn ở đâu cũng nên.
- Gọi bà Thìn chưa? Bà béo này là chậm chạp lắm đấy. Mình chủ trì, bà ý chủ chi, không có bà ý là không được đâu. - Chị Lan nhắc mấy bà bạn trong tổ.
- Đây... đây... Tôi đây rồi! Giọng bà Thìn khàn khàn cất lên.
Mọi người lên chiếc xe ô tô 16 chỗ chuẩn bị lên đường. Xe nổ máy, chị Lan như nhớ ra điều gì thốt lên:
- Khoan hẵng đi, chờ tôi xuống lấy cái này.
Chị vào nhà lấy chiếc băng zôn đã in sẵn từ trước bóc lấy tấm đề can dán lên thành xe ô tô, tấm băng zôn mang dòng chữ: "Đoàn thiện nguyện Từ Tâm luôn đồng hành với bà con nghèo".
… Theo kế hoạch, chiếc ô tô dừng lại trụ sở Ủy ban xã để đón cán bộ phường cùng tham gia, chứng kiến hoạt động thiện nguyện. Trước đó, chị Lan đã liên hệ với địa phương và được biết trong xã có một trường hợp, là gia đình chị Huệ rất nghèo, chồng mắc bệnh nan y, con đang ở tuổi ăn học cần được giúp đỡ.
-Từ đây đến nhà chị Huệ có xa không? - Chị Lan hỏi vị cán bộ Ủy ban.
- Nhà chị ở Huệ ở thôn 2, chưa đầy một cây số đâu chị ạ. Mọi người có thể để xe ô tô ở đây, đi bộ vào cũng được. - Anh cán bộ ủy ban đáp lời.
- Thôi, đường đất bẩn lắm, chúng tôi lại mặc áo dài, ngồi lên ô tô đi cho sạch... Chị Lan nói.
Ngồi trên xe ô tô, anh cán bộ Ủy ban giới thiệu: Ở xã chúng tôi, thôn 2 là nghèo nhất, bà con thuần nông, nhưng đất chật, người đông, nghề phụ không có, vì vậy, hàng ngày, bà con chủ yếu vào nội thành buôn thúng bán mẹt kiếm sống.
Chiếc xe đỗ trước cửa nhà chị Huệ. Một ngôi nhà cấp 4, mái lợp fi-brô-xi măng, tường ẩm mốc bong rộp từng mảng. Ngôi nhà nằm lọt thỏm trong khoảng sân rộng, có hàng rào là hàng cây râm bụt, cây cúc tần mọc đan xen. Để vào được nhà, phải đi qua chiếc cổng siêu vẹo làm bằng tre. Chiếc cổng không khóa, chắc chủ nhân của ngôi nhà cũng biết gia đình mình không có đồ vật, tài sản gì đáng giá để cho bọn trộm quan tâm.
- Cô Huệ không có nhà đâu! Người hàng xóm sống ở bên cạnh thấy đông người đến vội chạy ra cổng nói.
- Chị Huệ đi đâu rồi? - Anh cán bộ Ủy ban hỏi.
- Chiều qua, chú Tích, chồng cô Huệ đi cấp cứu rồi. Chỉ chậm ít phút nữa, thì chú ý không qua khỏi. Do cô Huệ hôm qua đi chợ về muộn quá, tới giờ phải uống thuốc mà chưa thấy cô Huệ về, chú ý gượng dậy ra bàn nước lấy thuốc uống nên bị ngã. Cô Huệ về tới nhà, thì thấy người chú Tích tím tái, mắt nhắm nghiền, nằm sõng soài dưới sàn nhà nên vội vã gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện rồi. Rõ khổ! Từ hôm qua đến giờ, cô ý đã về đâu. Thằng con trai đang học đại học, biết tin cũng vội về, nó vừa đạp xe mang cơm cho mẹ. Nó gửi tôi trông nhà giúp, nhưng nhà nó có cái gì đáng trông đâu... Mà các bà ở đâu đến mà đông thế này? - Bà hàng xóm hỏi.
- Chúng tôi ở tổ thiện nguyện Từ Tâm, nghe tin về hoàn cảnh của chị Huệ nên đến thăm hỏi giúp đỡ. Chị Lan đáp.
Bà hàng xóm lúc này mới quan sát từ đầu đến chân các bà trong đoàn thiện nguyện, bà nào bà ấy cũng phốp pháp, quý phái, ăn mặc đẹp, chắc toàn người có tiền trên phố đây. Phải kể hết gia cảnh của Huệ để các bà ý nắm được, thương tình mà giúp đỡ, biết đâu họ lại tài trợ tiền cho chú Tích chữa bệnh lâu dài thì cô Huệ đỡ khổ. Nghĩ vậy, bà hàng xóm bắt đầu:
… Cô Huệ khổ lắm! Thực ra, nếu không lấy chú Tích, thì có lẽ đã khác. Hồi trẻ, cô ý cũng xinh xắn lắm. Nhà chú Tích thì nghèo, nhưng khi yêu đâu có phân biệt giàu nghèo, cô Huệ thấy chú Tích thật thà, tốt bụng nên yêu thương và nhất quyết lấy chú ý làm chồng, mặc cho gia đình cấm cản. Được cái, họ sống với nhau yên ấm, hạnh phúc. Có đúng mụn con nhưng thằng bé ấy ngoan lắm. Hồi cấp 2, cấp 3, nó luôn trong đội tuyển học sinh giỏi của huyện này. Nó đỗ thủ khoa trường ngoại thương đấy. Ở cái xóm này, ai cũng quý, cũng thương nhà nó... Cách đây 3 năm, chú Tích thấy trong người mệt nhiều, đi khám, người ta bảo chú ý suy thận, phải lọc máu mỗi tuần 2 lần. Thế là, mỗi tháng mất đứt 4 đến 5 triệu cho chú Tích còn gì. Thằng bé nó cũng biết nghĩ, mới là sinh viên năm thứ nhất, nhưng đã vừa đi học, vừa đi làm để có tiền trợ giúp mẹ. Huệ thì thức dậy từ 3 giờ sáng đi chợ, rồi gánh rau vào nội thành bán. Một gánh rau có lời lãi bao nhiêu đâu. Gặp phải bà nào mở hàng cò kè mặc cả thì xúi quẩy, có hôm phải mang nửa gánh rau về cho lợn ăn đấy.
Thấy mọi người vẫn đang nghe, bà hàng xóm tiếp tục:
- Bố mẹ cô Huệ cũng xót con, mới đầu cũng cho cô tiền; nhưng cho bao nhiêu, cô ý lại thuốc men chữa bệnh cho chồng hết. Thấy con vất vả, đã có lúc họ khuyên cô Huệ buông xuôi, vì đằng nào chú ý cũng không thọ được. Nhưng cô Huệ không chịu. Cô ý nghị lực lắm. Cô ý bảo: "còn nước, còn tát", khổ mấy, cô ý cũng chịu được, chỉ mong có tiền chữa bệnh cho chú Tích, sống được ngày nào, thì hai mẹ con còn chồng, còn cha ngày ấy... Khuyên không được, giờ bố mẹ Huệ cũng lực bất tòng tâm. Vừa rồi, ông bà bên đó chia đất cho các con. Huệ cũng có phần. Nhưng sợ cô ý bán lấy tiền đổ vào chồng hết. Ông bà chỉ sang tên cho cháu ngoại thôi. Ông bà dặn cháu ngoại đây là vốn liếng ông bà để lại cho cháu, cố mà giữ. Nhưng đợt vừa rồi thấy mẹ nó khó khăn, thằng bé nói với mẹ bán đi lấy tiền chữa bệnh cho bố; nhưng mẹ nó chưa chịu...
- Hay là tiện xe, chúng ta lên bệnh viện thăm vợ chồng chị Huệ luôn. Để khỏi uổng công các bác? Giọng anh cán bộ Ủy ban cắt ngang lời kể bà hàng xóm.
Càng tốt! Lên bệnh viện rồi trao quà, "chếch-in" tại đó càng có ý nghĩa - chị Lan tính toán. Bà hàng xóm chen vào: - Cho tôi đi cùng với, tôi cũng muốn lên thăm chú Tích.
Chiếc ô tô quay đầu trở lại nội thành. Tới bệnh viện, bà hàng xóm gọi điện thoại cho chị Huệ để biết anh Tích đang nằm ở phòng nào. Rồi chủ động dẫn đoàn lên thăm.
- Ơ con bán rau, sao mày lại ở đây… Bà Thìn và chị Lan gần như đồng thanh thốt lên khi nhìn thấy chị Huệ. Nhưng nhận ra sự bột phát của mình quá thô lỗ, ở đây còn có sự hiện diện của cán bộ xã nên họ phanh mồm lại ngay.
- Xin giới thiệu với đoàn, đây là chị Huệ, người có hoàn cảnh khó khăn và là đối tượng mà xã đề nghị đoàn ta giúp đỡ đấy ạ. Vừa nói, anh cán bộ vừa chỉ vào "con bán rau" mà cả bà Thìn và chị Lan đã buột miệng thốt ra.
- Hóa ra, cũng là người quen cả! Chúng tôi toàn mua rau ủng hộ chị Huệ đây đấy - Chị Lan chữa ngượng rồi quay sang Huệ tiếp tục nói: - Chị là phục em lắm đấy. Em giỏi thật, chỉ có gánh hàng rau thôi mà gánh vác được cả gia đình... Mọi người trong đoàn cũng hùa vào tán thưởng Huệ.
- Các chị nói thế như thể bán rau thì lời lãi lắm... - Bà hàng xóm khó chịu xen vào.
- Thôi, hôm nay đoàn chúng tôi biết hoàn cảnh khó khăn của cô Huệ nên tổ chức đến thăm hỏi, động viên. Chúng tôi có một số thùng mỳ tôm, bánh kẹo tặng gia đình chị. Món quà này được sự tài trợ của bà Thìn đây và chị em trong tổ thiện nguyện chúng tôi...
Tiếng vỗ tay làm khuấy động không gian yên tĩnh của bệnh viện. Một vài bà trong tổ của chị Lan rút điện thoại chụp lia lịa. Như đã thuộc bài, họ nhanh chóng đổi vị trí cho nhau để ai cũng có hình ảnh cảnh trao tặng quà cho chị Huệ. Phía sau lưng, anh Tích vẫn đang nằm bất động trên giường bệnh. Chứng kiến cảnh này, anh cán bộ Ủy ban và bà hàng xóm đều lắc đầu ngao ngán.
- Con cảm ơn các bà đã tới thăm, lại còn cho vợ chồng con nhiều quà quá. Con chỉ mong, các bà luôn ủng hộ, mua rau cho con để con đắt hàng là món quà lớn nhất rồi ạ...
... Mấy hôm sau, anh Tích ra viện, về tới nhà, đã thấy rất đông bà con trong xóm đến thăm. Mặc dù việc anh Tích ra vào viện như cơm bữa, nhưng lần nào, khi trở về vợ chồng anh cũng cảm thấy ấm cúng bởi tình làng nghĩa xóm.
- Nhà em có nhiều mỳ tôm, bánh kẹo đoàn thiện nguyện hôm trước họ cho, ăn không hết, bà con cầm về một ít ăn hộ em nhé - chị Huệ nói.
Mọi người đều hưởng ứng, mỗi người xin một ít cầm về, vì họ biết rằng, cái cần của gia đình chị Huệ là tiền để chữa bệnh cho anh Tích chứ ốm đau bệnh tật thế, mỳ tôm và bánh kẹo, sức đâu mà ăn hết được. Đổi lại, dù bà con ở cái xóm này đều nghèo như nhau, nhưng cứ khoảng một vài tháng, họ lại âm thầm quyên góp tiền để đưa cho chị Huệ. Số tiền dù không nhiều, nhưng là tấm lòng, là tình cảm làng xóm giúp đỡ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Họ chỉ cần dúi cái phong bì vào tay chị Huệ trong cái xiết tay thật chặt, với ánh mắt biểu lộ sự đồng cảm, chia sẻ mà không cần khua chiêng, gõ trống, không cần khuếch trương cho ai biết, chỉ cần vợ chồng chị Huệ biết tình cảm chân thành là đủ.
Với chị Lan và bà Thìn, sự vô cảm chắc cũng khó để họ nhận ra rằng, những giao tiếp hàng ngày với những con người bình thường, yếu thế đã làm lên nhân cách của họ. Họ biết, cứ đến giờ trưa là chị Huệ muốn bán thật nhanh hàng để về nên đã lợi dụng qui luật thời gian đó để chèn ép, mua rẻ, mặc dù, với họ, có thể mặc cả chỉ là thói quen, vì họ đều là những người khá giả, nhưng họ vẫn kì kèo bớt một thêm hai. Họ biết chị Huệ còn hàng, cần phải đi bán, nhưng vẫn bắt cô phải làm không công cho họ. Chính sự bần tiện, tham lam ấy, mà suýt nữa đã cướp đi một mạng người…
Người như chị Huệ dù có nghèo, nhưng chắc chắn là không hèn như lời mắng mỏ của bà Thìn. Chị Huệ đã nhẫn nhịn vì chồng, vì con. Sự nhân hậu, đức hy sinh lớn lao trong con người chị - một "con bán rau" bình thường - nếu đem so sánh với những con người luôn tự nghĩ mình là tầng lớp "bề trên", là "nhân từ" kia sẽ cho một kết quả ngược lại: Vì chính họ đã trở nên tầm thường trước những điều phi thường mà chị Huệ đã làm được.
T.M
01/2022
 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...