Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

CDC cảnh báo về bệnh nấm nguy hiểm đang lan rộng khắp Hoa Kỳ với ‘tốc độ đáng báo động’

Bức ảnh không đề ngày tháng này do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cung cấp cho thấy một chủng nấm Candida auris được nuôi cấy trong đĩa petri tại phòng thí nghiệm của CDC. (Ảnh: The Canadian Press/Shawn Lockhart-CDC qua AP)
 

Tác giả Katabella Roberts

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đang cảnh báo về một loại nấm mới nổi, gia tăng nhanh chóng và kháng thuốc mà cơ quan y tế này cho biết là một “mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng.”

Theo các quan chức y tế, Candida auris là một bệnh nấm hiếm gặp, dễ lây lan qua tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn hoặc từ người sang người và có thể gây bệnh nặng ở các bệnh nhân nhập viện và những người có hệ miễn dịch yếu.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, loại nấm này có thể xâm nhập qua đường máu của bệnh nhân và lây lan khắp cơ thể, gây ra các ca nhiễm trùng nấm candida xâm lấn nghiêm trọng, vốn có thể ảnh hưởng đến máu, tim, não, mắt, xương, và các bộ phận khác của cơ thể và có thể gây tử vong.

Dữ liệu từ một số bằng sáng chế hạn chế cho thấy 30% đến 60% những người được chẩn đoán mắc bệnh nấm này đã tử vong. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh thường không mắc bệnh do loại nấm này.

CDC cho biết họ lo ngại về chủng nấm Candida auris vì ba lý do chính: bệnh này thường kháng nhiều loại thuốc, khó xác định bệnh bằng các phương pháp phòng thí nghiệm tiêu chuẩn, và bệnh đã nhanh chóng gây ra các đợt bùng phát trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, những người đã nhập viện tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong thời gian dài — đặc biệt là những người đang được đặt ống thở, ống cho ăn, và ống thông tĩnh mạch trung tâm đi vào cơ thể họ — dường như có nguy cơ nhiễm nấm Candida auris cao nhất.

Dữ liệu ban đầu cho thấy các yếu tố rủi ro khác thường tương tự như các yếu tố rủi ro đối với các loại nhiễm trùng nấm Candida khác. Những rủi ro như vậy bao gồm phẫu thuật gần đây, bệnh tiểu đường, và sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm gần đây.

Dữ liệu CDC cho thấy số ca nhiễm gia tăng.

Các quan chức y tế cho biết nhiễm trùng nấm Candida auris (còn được gọi là C. auris) đã được tìm thấy ở các bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, từ trẻ sinh non đến người cao niên.

Theo dữ liệu của CDC, loại nấm kháng thuốc này, được phát hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ hồi năm 2016, đã lây lan “với một tốc độ đáng báo động” ở những bệnh nhân nhập viện trong những năm gần đây, với các ca bệnh lâm sàng do loại nấm này này tăng gần gấp đôi hồi năm 2021 và vẫn tiếp tục tăng hồi năm 2022.

Theo thống kê của CDC, có ít nhất 2,377 ca lâm sàng nhiễm nấm Candida auris được xác nhận tại Hoa Kỳ hồi năm 2022, tăng từ 1,474 ca hồi năm 2021 và 757 ca hồi năm 2020.

Dữ liệu cho thấy bệnh nấm này hiện đã xuất hiện ở hơn một nửa số tiểu bang của Hoa Kỳ.

Dữ liệu khác từ CDC được công bố trên tập san Annals of Internal Medicine hôm 20/03 cũng cho thấy rằng các ca sàng lọc — trong đó loại nấm này được phát hiện ra nhưng không gây nhiễm trùng — đã tăng gấp ba lần từ năm 2020 đến năm 2021, từ 1,310 lên 4,041 ca.

CDC cho biết họ lo ngại về việc số ca kháng thuốc echinocandin đã tăng gấp ba lần vào năm 2021. Echinocandin là một loại thuốc chống nấm và thường là phương pháp điều trị đầu tiên đối với nấm Candida auris.

Các quan chức của CDC cho biết trong một thông cáo báo chí rằng mặc dù những nỗ lực tăng cường để phát hiện các ca nhiễm nấm Candida auris cũng đã có thể góp phần vào sự gia tăng số ca nhiễm, nhưng sự gia tăng này có thể là do nhiều nguyên nhân khác. Một nguyên nhân trong số đó là tình trạng kiểm soát và phòng chống nhiễm trùng nói chung tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe là yếu kém.

“Thời điểm gia tăng và những phát hiện từ các cuộc điều tra sức khỏe cộng đồng này cho thấy sự lây lan của C. auris có thể đã trở nên tồi tệ hơn do hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng phải chịu những căng thẳng trong đại dịch COVID-19,” các quan chức của CDC cho biết thêm.

Rủi ro đối với dân số chung vẫn ở mức thấp.

Tiến sĩ dịch tễ học Meghan Lyman của CDC, tác giả chính của bài báo nói trên, cho biết: “Sự gia tăng nhanh chóng và lây lan về mặt địa lý của các ca bệnh đang gây lo ngại và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục giám sát, mở rộng năng lực phòng thí nghiệm, các xét nghiệm chẩn đoán nhanh hơn, và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm đã được chứng minh.”

Candida auris lần đầu tiên được xác định vào năm 2009 tại Nhật Bản, mặc dù chẩn đoán hồi cứu cho thấy biến chủng sớm nhất của bệnh này xuất hiện vào năm 1996 tại Nam Hàn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người có nguy cơ nhiễm nấm candida xâm lấn nghiêm trọng nhất bao gồm những người mắc bệnh ung thư, HIV/AIDS, cấy ghép nội tạng, bệnh hô hấp mãn tính, và nhiễm trùng lao sau nguyên phát. WHO đã đưa Candida auris vào “danh sách mầm bệnh nấm ưu tiên” trong số các loại nấm có khả năng đe dọa tính mạng.

WHO cho biết trong một thông cáo báo chí hồi tháng 10/2022: “Bằng chứng xuất hiện cho thấy tỷ lệ mắc bệnh và phạm vi địa lý của các bệnh nấm đều đang mở rộng trên toàn thế giới do sự nóng lên toàn cầu cũng như do sự gia tăng về du lịch và thương mại quốc tế.”

CDC cho biết việc sàng lọc nấm Candida auris có thể giúp bảo vệ những người có rủi ro cao tránh khỏi bị nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bất chấp những lo ngại của CDC và WHO về sự gia tăng các ca bệnh và khả năng kháng echinocandin, Tiến sĩ Ashley Lipps, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Tiểu bang Ohio nói với Healthline rằng đa phần các ca bệnh vẫn có thể điều trị được bằng những loại thuốc kháng nấm.

“Nếu ai đó bị nhiễm C. auris, thì loại nấm này sẽ cần được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra độ nhạy cảm nhằm xác định loại thuốc chống nấm nào sẽ có tác dụng tốt nhất để điều trị bệnh đó,” cô Lipps cho biết. “Rủi ro đối với dân số nói chung vẫn rất thấp.”

Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...