Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Nhớ Lời Của Ba - Lê Trung Ngân

 


Tuổi tôi đã nhiều, mỗi khi ba má tôi hiện về trong ký ức, trong các giấc ngủ thì luôn từ những thời xa xưa, lúc tôi đang còn ngây thơ bé dại. Ký ức thời thơ ấu bao giờ cũng đến với tôi trong sự thanh thoát của tâm hồn, đi về cái thiện bẩm sinh mà mình lớn lên từ đó. Cũng có lúc, các “trục trặc” trong đời cũng dẫn tôi về cội nguồn đó để so mình trong dòng đời từ cái thiện gốc rễ mà “chuẩn hóa” lại, làm mình trong sáng hơn và tốt hơn…
Hồi còn nhỏ, anh em tôi thường được mấy cô bác hàng xóm trêu: “Hôm nay bị tòa xử mấy trận rồi?”. Bị trêu như vậy là bởi gần như anh em tôi ngày nào cũng bị ba la rầy. Nhà nghèo, con đông, 3 chị gái với 5 anh em trai sinh kế tiếp nhau mà rất là nghịch ngợm (nên được cả nhà đặt biệt danh là ngũ quỷ!) Ba tôi bao giờ cũng mắng con với giọng cao rõ và sang sảng, vẻ mặt thì nghiêm nghị. Chỉ cần nghe ba cao giọng là biết có chuyện. Ngày còn bé, anh em tôi ai cũng sợ hãi cái tông giọng này nhưng không bao giờ quên và điều bất ngờ là khi tôi càng nhiều tuổi bỗng nhiên sự nhớ lại càng dày thêm, còn nhớ ra cả những chuyện mấy mươi năm trước đã quên bẵng...
Buổi sáng đến với anh em tôi hồi đó thường rất sớm. Cũng vì, khi trời chưa sáng rõ, lúc anh em tôi còn ngái ngủ, ba đã đứng nơi đầu giường gọi dồn: “Dậy đi lo vệ sinh, quét dọn đi để còn kịp ăn uống mà đi học!”. Nghe tiếng ba gọi, mấy anh em dù đang mắt nhắm mắt mở cũng lo cuống cuồng xuống giường, ra giếng rửa mặt rồi ai vào việc nấy. Anh em tôi còn thuộc lòng lời ba cắt đặt việc nhà cho từng đứa mỗi khi ba chuẩn bị đi làm; lời ba lớn tiếng mỗi khi đi làm về thấy cửa nhà bề bộn, việc nhà chưa được mấy anh em thực hiện; nhất là những lời giảng giải, hỏi tội, phán xử trong những trận đòn của ba mỗi khi anh em tôi phạm lỗi…
Nhớ những lần ba lớn tiếng tức giận, không khí gia đình tôi như trì ngợp, chẳng ai dám hé nửa lời khiến cả sự im lặng càng thêm nặng nề. Lại có những câu nói của ba tháng ngày cứ lặp đi lặp lại, đơn điệu đến khó chịu. Có lúc, tôi đã thầm trách sao ba khó tính đến thế, từ lời ăn tiếng nói đến học hành, làm việc… nhất nhất đều phải thế này thế kia. Những việc người đã dặn dò kỹ lưỡng rủi quên một hai lần sẽ được giáo hóa nghiêm khắc, đến lần thứ ba thì đích thân ba sẽ cầm roi kể tội và mỗi tội là một roi. Roi của ba tôi không nặng tay nhưng rít nhanh và đứa nào cũng nhớ mãi đến giờ, nhớ mãi cái cảm giác vun vút trước khi nhát roi phất vào mông! Chỉ đến thế thôi nhưng hồi bé tôi thường giấu đi ánh mắt của mình mỗi khi đối diện với ba, có lẽ vì sợ sệt, hay thậm chí tôi từng băn khoăn: “Không biết ông ấy có phải ba mình không? Ba mình thì sao lại “ác” thế?”…
Lớn lên theo khuôn nếp được ba uốn nắn từ nhỏ, anh em tôi nổi tiếng là ngoan, có kỷ luật, học giỏi được nhiều người trong làng xóm lấy đó làm gương cho con cái. Ba kể ông bà nội mất khi cha còn nhỏ. Tuổi thơ ba là những tháng ngày đói cơm rách áo, ăn nhờ ở đậu. Lớn lên trong tình thương và sự bao bọc của xóm giềng. Rồi ba má đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, cảnh nhà nghèo khó, đông con, ba phải bươn chải cực nhọc để mong các con được nên người. Có lẽ vì thế mà ba mới quá đỗi nghiêm khắc với con cái. Cứ vào mùa thi là tôi lại càng nhớ về người cha thân yêu của mình. Ngày tôi học thi tú tài, cha bỏ hết công việc riêng để lo từng bữa ăn. Sau khi thi xong, tôi chỉ biết đi chơi cho thỏa thích mà chẳng phụ việc đồng áng với cha.
 Ngày có kết quả thi đậu Trường Đại học Y Khoa, ba tôi mừng khôn xiết, dường như không có niềm vui nào hơn thế nữa. Ba ôm lấy tôi, hết lời khen tôi… Từ khi đi học trường Y ở Sài Gòn, tôi ít về nhà xin tiền liên miên nữa, ba lấy làm lạ, khăn gói từ quê lên Sài Gòn thăm tôi. Khi biết tôi đi làm thêm kiếm tiền, ban đầu ba không an tâm vì sợ tôi bỏ bê việc học, nhưng sau đó nhờ sự động viên của tôi và thằng bạn nên ba gật đầu. Trước khi ba về quê, tôi chở ba lòng vòng quanh phố, mua tặng ba cái mũ nỉ và đôi dép da từ đồng tiền tôi kiếm được. Ba tôi mừng lắm khi biết con trai mình đã trưởng thành, biết lo cho cha mẹ và cuộc sống của mình. Suốt đêm đó ba không ngủ được, ngồi bó gối uống trà và khóc. Tôi hiểu, những giọt nước mắt của ba đang hạnh phúc khi thấy tôi trưởng thành. Bản thân tôi cũng tự nhủ, phải cố gắng nhiều hơn thế để mai sau trên đường đời, tôi bước đi từng bước vững vàng!
Khi đã trưởng thành, đã có gia đình, phải tự lập cũng là lúc ba tôi qua đời, tôi dần dần thấm thía hơn tình cha, thực sự trân quý những lời của ba năm xưa, mới nhận ra chính ba chứ không phải ai khác đã là người thầy đầu tiên của đời mình! Ba dạy: “Rất nhiều người mua vé số suốt nhiều năm nhưng cuối cùng họ vẫn trắng tay, nghèo đói. Để thành công hay giàu có, con đều phải nỗ lực hết mình. Có một điều đơn giản cần nhớ là: Trên thế giới này không có gì miễn phí” hay: “Trên đường đời, con sẽ gặp những người đối xử tệ với mình. Không ai có bổn phận phải đối xử tốt với con, trừ ba má. Đối với những người đối xử tử tế với con, hãy trân trọng và biết ơn, nhưng cũng hãy đề phòng họ. Họ có thể đối tốt với con vì mục đích nào đó. Hãy tìm hiểu động cơ thực sự. Đừng vội kết luận một người là tốt chỉ đơn giản vì họ ưu ái con”, hay: “Con có thể đối xử tốt với người ta nhưng đừng hy vọng họ đáp lại con như vậy. Nếu con không thể nhìn thấu điều này, về sau con sẽ chỉ có thêm nhiều đau khổ, thất vọng”…
Và trong ký ức của mình không biết tự bao giờ “ấn tượng về giọng cao rõ và sang sảng của ba bỗng chuyển thành ấm áp yêu thương”. Những lời ba dạy, dù có lặp lại đến đơn điệu nhưng đó đều là lẽ phải ở đời, phải biết sống sao cho xứng đáng. Những lời nói đó, dù có khó nghe nhưng lại là những kinh nghiệm thực tế quý báu để tôi vững bước vào đời, sẵn sàng đối diện với những khó khăn, thử thách… Và hơn hết, đó đều là những lời gan ruột, xuất phát từ mong muốn tốt đẹp của ba dành cho các con.
Những ngày cuối đời đau yếu của ba tôi, tôi bận công việc tôi không được gần gũi chăm sóc ông nhiều. Tôi về thăm ông những khi rỗi việc, vẫn thấy ba tôi cười với tôi mà mát lòng, dù biết rằng ông rất cố gắng. Cố gắng đến tận ngày đi.
Giờ ba tôi đã thành người thiên cổ. Nên cũng đã lâu, tôi không thể nào nghe lại giọng ba nói những lời gắt như xưa nữa. Tôi thấy mình dường như muốn giống ba tôi ngày xưa, lại muốn nói nhiều hơn cho các con nghe, nhất là những khi con mắc lỗi…
 
Mời Xem :


1 nhận xét:

Thơ Xướng Họa : BÚT RÈ : Lý Đức Quỳnh Và Các Thi Hửu

BÚT RÈ (Cảm tác theo tranh) Lắt lay ngày tháng bút thêm rè Chữ viết đôi dòng mực tóe loe Lổn ngổn giun bò thường phải giấu Lèo phèo bọt nổi ...