Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

MIÊU TỘC TÂM SỰ - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I

Các tộc động vật Việt Nam trong hội nghị rất hãnh diện vì các câu hát về Mèo của Việt Nam đều được phổ nhạc để được ban nhạc Hắc Miêu của Ai Cập hòa tấu trước giờ đại diện Miêu tộc đọc tham luận.

Ɖại diện các tộc động vật thích thú với bài “Con Mèo, Con Mẻo, Con Meo. Ai Dạy Mày Trèo Mày Dạy Tao Leo”.

Tất cả đều rợn tóc gáy khi xem vở kịch Linh Miêu của ban kịch Zhong Guo Hei Miao (Trung Quốc Hắc Miêu). Không riêng đại biểu Thử tộc run sợ mà cả Sư Tử, Cọp, Beo, Tê Giác, Chó Sói cũng ớn lạnh rùng mình.

Ɖại diện Khuyển tộc vốn không ưa thích Miêu Tộc nên bịt tai, nhắm mắt không nghe nhạc cũng không xem kịch về Miêu Tộc. Ɖại diện Thử tộc cho rằng Miêu tộc chỉ có tài hiếp đáp và giết chết kẻ yếu đuối mà thôi. Ɖó là một tộc làm biếng. Suốt ngày chỉ sống quanh quẩn trong nhà của chủ chớ không dám đi xa. Ɖại diện Thử tộc hả dạ khi nghe giới thiệu bản nhạc Mèo Quằn Ăn Vụng Cá Kho do một nhạc sĩ Mèo Tam Thể Trung Hoa sáng tác. Ɖại biểu Thử tộc lẩm bẩm: “Thì ra chúng nó rình rập Thử tộc trong nhà vì sợ Thử tộc ăn sạch nồi cá kho thì còn cá đâu mà Mèo ăn vụng” !!

Gà Nòi rỉ tai Vịt Xiêm: “Vịt Xiêm ơi! Ban tổ chức thiếu thận trọng khi chọn những bài hát và những vở kịch về Miêu tộc. Bọn chúng nhỏ con nhưng thân thuộc của chúng làm chúa tể rừng xanh đó. Nhìn sơ qua trên bàn chủ tọa thì thấy ngay. Sư Tử, Cọp, Beo há không phải là con cháu nhà họ Miêu sao?”

Trong lúc Chó Sói và Chó Nhà cãi nhau về việc đấu đá giữa Chó và Mèo thì một chị Bạch Yến thông báo cho biết đại diện Miêu tộc đến. Chị Bạch Yến giới thiệu với hội nghị về thân thế của vị đại diện Miêu tộc. Ɖó là hậu duệ của Cụ Mèo Tam Thể mà Cống Quỳnh trộm của chúa Trịnh cách đây bốn thế kỷ.

Ɖại diện Miêu tộc là một nữ Miêu Tam Thể. Bà đẹp và quí phái hơn các anh chị Mèo khác. Bà tự hào về dòng dõi Mèo Tam Thể có quá khứ sống động ở Ɖông Ɖô một thời. Bà cúi đầu chào chủ tọa đoàn và toàn thể đại diện các tộc động vật trong hội nghị và bắt đầu đọc tham luận.

***

          Chúng tôi thuộc Miêu tộc hiện diện khắp năm châu trên thế giới. Miêu tộc chúng tôi là động vật ăn thịt sống, có xương sống, có vú, có máu đỏ và sinh con.

Tên khoa học của Mèo Nhà chúng tôi là Felis catus, Felis domesticus, Felis angorensis, Felis vulgaris thuộc gia đình: Felidae. Sư Tử, Cọp, Beo đều là những thân thuộc gần của Miêu tộc và gia đình Felidae. Người Việt vẫn thường nói: Con Mèo là dì con Cọp.

Tên gọi thông thường của Mèo là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Việt Nam

Mèo, Mão, Miêu (Hán-Việt)

Trung Hoa

Miao

Anh

Cat

Pháp

Chat

Nhật Bản

Neko

Tây Ban Nha

Gato (♂), Gata (♀)


Miêu tộc chúng tôi có nhiều điều để loài người nghiên cứu:

- Chúng tôi là động vật có xương sống, ăn thịt sống. Chất béo của mỡ động vật là thức ăn ưa thích của chúng tôi. Bởi vậy mới có câu: Mèo gặp mỡ.

- Chúng tôi có cặp mắt sáng màu xanh rất đẹp. Thị giác của chúng tôi rất bén nhạy. Mắt của chúng tôi có thể thấy một vật trong bóng tối dễ dàng hơn mắt của loài người 6 lần.

- Tai chúng tôi nhỏ nhưng rất thính. Ɖiều đặc biệt là tai chúng tôi có thể chuyển động như các dĩa ra-đa!

- Mũi của Mèo rất thính. Ngoài mũi Mèo còn có cơ quan Jacobson (Jacobson’s organ) hỗ trợ cho khứu giác của Mèo. Cơ quan Jacobson nằm giữa mũi và mặt trên của miệng.

- Thân hình, ria Mèo đều là hệ thống ra-đa. Cắt mất ria thì Mèo như bị mất sóng.

- Cơ thể Miêu tộc có 250 đốt xương trong khi cơ thể con người chỉ có 206. 10% xương nằm trên đuôi của chúng tôi. Ɖuôi giúp chúng tôi giữ thăng bằng khi phóng nhảy hay té ngã nhưng vẫn an toàn.

- Miêu tộc có 500 cơ bắp để phóng, nhảy và chạy nước rút.

- Miêu tộc di chuyển, đuôi thẳng đứng. Miêu tộc đi trên các đầu ngón chân (digitigrade) nên bước đi rất khoan thai, êm dịu, nhẹ nhàng.

- Chân trước của Miêu tộc có 5 ngón. Chân sau có 4 ngón. Mỗi ngón chân đều có móng vuốt nhọn, võ khí để bắt mồi và để tự vệ chống lại sự tấn công của các động vật khác.

- Miêu tộc có răng bén nhọn. Mỗi anh chị Miêu có 30 cái răng: 16 cái răng ở hàm trên và 14 cái răng ở hàm dưới. Mèo cắn đôi khi cũng nguy hiểm như bị Chó cắn.

- Miêu tộc có não to nên thông minh, quyền biến hơn Khuyển tộc.

- Tuổi yêu đương của Miêu tộc xê dịch từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi. Thời gian mang thai khoảng 60 ngày (2 tháng).

- Tuổi thọ trung bình của Miêu tộc xê dịch từ 12 đến 18 năm.

- Miêu tộc nổi tiếng là động vật đầy bí hiểm. Khi đại tiện, Mèo tìm cách giấu phân. Khi sinh con, nếu bị loài người khám phá, tức thì Mèo mẹ tha con đi chỗ khác.

- Khác với Khuyển tộc, Mèo rất sợ nước. Mèo Bengal và Mèo Thổ Nhĩ Kỳ là ngoại lệ.

- Mèo không thân thiện với chủ như Chó. Óc kiêu ngạo của Mèo cho thấy sự tự tin của dòng tộc chúng tôi vào khả năng sinh tồn, sức mạnh vật chất và lòng quả cảm của Miêu tộc. Cách ăn uống của Chó hoàn toàn khác với Mèo. Chó ăn uống bừa bãi. Ăn thức ăn thừa của chủ liệng ra. Chủ nhà không áp dụng cách đối xử này với Mèo. Cách ăn uống của Mèo quí phái lắm. Thức ăn phải đựng trong chén dĩa chớ không vất vung vãi dưới đất như cho Chó ăn. Sự yêu đương của Miêu tộc tựa như lửa bừng cháy trong đêm nhưng không lộ liễu ngoài đường lúc thiên thanh bạch nhật như Khuyển tộc.

***

Mèo Nhà là con cháu của Mèo Rừng Felis silvestris lybica được loài người thuần hóa và nuôi trong nhà. Theo sự nghiên cứu của loài người Miêu tộc chúng tôi được thuần hóa ở vùng Cận Ɖông (Trung Ɖông) khoảng năm 7500 trước Tây Lịch. Các quốc gia ven Ɖịa Trung Hải sớm thuần hóa Miêu tộc từ tổ tiên dòng họ Miêu sống hoang dã trong rừng. Không biết tổ tiên họ Miêu tên gì, chỉ biết sống trong rừng nên được gọi là Mèo Rừng. Chữ SILVESTRIS trong tên khoa học gợi lên hình ảnh rừng rú, nơi phát tích của tổ tiên MÈO NHÀ ngày nay.

Mèo rừng


Miêu tộc mặc quần áo khác nhau. Quần áo sang trọng nhất là quần áo của Mèo Tam Thể với ba màu vàng, trắng và đen. Người ta còn tán rộng ba màu vàng, trắng, đen tượng trưng cho THIÊN, ƉỊA, NHÂN (Trời, Ɖất và Người). Trong cơ thể con người màu trắng tương ứng với Phế (Phổi), màu vàng với Tỳ Tạng (Lá Lách) và màu đen với Thận. Như vậy cả vũ trụ nằm trên cơ thể của Mèo Tam Thể.
Mèo Mun hay Mèo Gu mặc quần áo đen tuyền.

 



 

 

 

Mèo Mướp mặc quần áo mốc đen.







Mèo Vá mặc quần áo màu trắng-đen, vàng-trắng hay vàng-đen.

 

 

 

 

Mèo Xiêm (Maeo Thái – Maeo Sayam) là giống Mèo to lớn, cân nặng trung bình từ 5 – 7kg. Giống Mèo này được hoàng gia Xiêm La (tên cũ của Thái Lan) nuôi và được các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Anh Quốc ưa thích vào thế kỷ XIX.



Mèo Ba Tư (Persian cats) có nhiều lông dài. Các anh chị Mèo Ba Tư có mắt tròn, mỏ ngắn. Vào thế kỷ XVII Mèo Ba Tư được du nhập vào Ý.



Mèo Ba Tư


 
 Vào đầu thập niên của thế kỷ XXI thế giới có 220 triệu anh chị Mèo Nhà có chủ và 480 triệu anh chị Mèo Hoang vô chủ.

Mèo khổng lồ trên thế giới hiện nay là Mèo Hercules, Myrtle Beach Safari, South California, dài 3,33m và cân nặng 418,2kg. Trông Mèo Hercules tựa như anh chị Cọp miền nhiệt đới.

Mèo nhỏ nhất thế giới là Mèo Thanh Ɖiểm Ba Tư-Hy Mã Lạp Sơn tên Tinker Toy, cao 7cm và dài 19cm.

Nhân đây tôi xin nói qua vài thân thuộc gần xa của họ Miêu chúng tôi:




  Mèo Rừng Ɖốm mặc quần áo có nhiều đốm tựa như beo. Thân hình thon dài; đuôi dài nên đi, đứng, chạy nhảy rất thăng bằng. Mèo Rừng Ɖốm sống nhiều ở Phi Châu và miền trung Iran. Các anh chị Mèo Rừng Ɖốm cân nặng từ 20 đến 70kg. Vận tốc chạy nhảy của các anh chị ấy lối 80 đến 120 km/giờ.

Tên khoa học của Mèo Rừng Ɖốm là Aciconyx jubatus, gia đình Felidae. Tên gọi thông thường là:

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Cheetahs

Pháp

Guépard

Trung Hoa

Liebao

Hy Lạp

Tsitach

Beo Sư Tử Puma concolor, gia đình Felidae được tìm thấy nhiều trên lục địa Mỹ Châu. Tên gọi thông thường:

Quốc Gia

Tên Gọi

Anh

Cougar

Pháp

Puma

 


Beo Sư Tử cao lối 1m. Lông màu vàng nhạt. Trọng lượng trung bình xê dịch từ 25 – 55kg. Vận tốc chạy bộ lối 80km/giờ.



  Beo Ɖốm ở Trung và Nam Mỹ là một thân thuộc của Miêu tộc với thân hình to lớn, dài 1,85m, cân nặng từ 90 – 100kg. Vận tốc chạy nhảy của Beo Ɖốm lối 80km/giờ. Có loại có đốm như Beo. Có loại lông đen tuyền như Hắc Báo (Beo Ɖen).

Tên khoa học của các anh chị Beo Ɖốm là Panthera onca, gia đình Felidae. Người Anh và Pháp đều gọi là Jaguar.


Mèo Rừng Hang (Fossa) có hình dạng giữa Mèo + Chó + Chồn Ɖen (Mongoose). Các anh chị này sống trong hang nhưng leo trèo trên cây rất giỏi. Các anh chị Mèo Rừng Hang dài lối 70 – 80cm và cân nặng lối 5 – 8kg. Madagascar là địa bàn sống quan trọng của các anh chị Mèo Rừng Hang Fossa.

Tên khoa học của Mèo Rừng Hang là Cryptoprocta ferox, gia đình Eupleridae. Các anh chị này là bà con xa của Miêu tộc không thuộc gia đình Felidae mà thuộc gia đình Eupleridae. Người Anh gọi là Fossa. Người Pháp gọi là Fosse.

Nhìn chung Miêu tộc là động vật ăn thịt sống. Bản thân Miêu tộc và các thân thuộc không ai thoáng lộ nét hiền nào cả.

Mèo to nhất, dài nhất, cao nhất thế giới

 

Mèo nhỏ nhất, lùn nhất thế giới

 

Từ năm 3000 trước Tây Lịch người Ai Cập có tôn vinh Miêu tộc chúng tôi vì chúng tôi sát phạt mấy thằng Chuột phá hoại mùa màng của họ. Miêu tộc gắn liền với nữ Thần Bast hay Bastet, Thần đặc trách về các vấn đề trong gia đình, bí mật phụ nữ, sự sinh đẻ v.v. Ở Ai Cập cổ giết Miêu tộc là một trọng tội.

Năm 525 trước Tây Lịch, quốc vương Persia (Iran ngày nay) là Cambyses II (525 - 522 tr. Tây Lịch) xâm lăng Ai Cập. Trong trận đánh Pelusium vào năm 525 trước Tây Lịch quốc vương đế quốc Persia đụng độ với Pharaoh (vua Ai Cập) là Psametik III (626 – 525). Cambyses II biết nhiều về văn hóa Ai Cập trong khi Pharaoh Ai Cập Psametik III còn trẻ về tuổi tác lẫn kinh nghiệm quân sự, chánh trị và văn hóa. Quân sĩ Persia ôm Mèo trước ngực. Quân Ai Cập thấy vậy không dám bắn tên vào lính Persia vì sợ bắn chết Mèo. Thế là họ bỏ chạy và dễ dàng chấp nhận bại trận! Sự xâm lăng của Persia (Ba Tư) vào Ai Cập thành công dễ dàng nhờ Miêu tộc chúng tôi vậy.

Trong huyền thoại Hy Lạp, Mèo liên hệ đến nữ Thần Bastet. Người ta thấy tượng nữ Thần này qua cái đầu Mèo hay hiếu chiến hơn qua cái đầu của một chị Sư Tử. Ở Hy Lạp cổ việc giết Mèo bị nghiêm cấm chặt chẽ. Khi Mèo Nhà chết gia đình chủ nhà phải chịu tang và tất cả người trong nhà phải cạo chân mày.

Thánh Kinh có đề cập đến Mèo Rừng nhưng không thấy nói nhiều đến Mèo Nhà.

Chính Thống Giáo không ngăn cản việc mang Mèo vào giáo đường. Theo luật pháp của Nga người giết Mèo bị phạt tiền rất nặng như giết Bò và Ngựa vậy.

Trong Ấn Giáo Mèo tượng trưng nữ Thần Shashthi, nữ Thần sinh sản. Vị nữ Thần này được mô tả bằng bức tượng đầu Mèo hay đầu Cọp.

Người Nhật hay đặt tượng Mèo trong nhà như để cầu xin được nhiều may mắn. Họ tin Mèo có sức mạnh siêu nhiên xua đuổi các vong linh lẩn quất dưới biển.

Người Trung Hoa xem Mèo là vật ÂM (-) gắn liền với mọi điều xấu. Mèo Mun là dấu hiệu của bịnh tật và sự xui xẻo.

Người Việt Nam có vẻ không mấy thiện cảm với Mèo. Nào là ăn thịt Mèo nghèo ba năm. Nào là xe cộ từ chối không chở Mèo. Mèo lạ đẻ con trong nhà là điềm cực xấu. Ɖêm giao thừa mà nghe tiếng Mèo ngao thì suốt năm gặp nhiều chuyện buồn lòng. Nhưng Mèo đẻ cho nhau lại là sự may mắn cho người cờ bạc. Trúng số? Lượm vàng trong đống rác? Ɖược nữ Miêu cho nhau nên thắng lớn trong các canh bạc? Hay nhiều may mắn khác? Niềm tin nào cũng tiềm ẩn chút lợi lộc.

Ở Việt Nam khi có người chết, người ta nhốt Mèo lại vì tin rằng Mèo nhảy ngang qua xác chết làm cho xác chết sống dậy trong vài giây! Người Trung Hoa và người Việt Nam đều có khái niệm huyền hoặc về Linh Miêu. 

Người Việt Nam khen Chó nhưng ghét Mèo qua câu:

Mèo tới nhà thì khó,
Chó tới nhà thì sang.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về hai câu này. Tôi là hậu duệ của Mèo Tam Thể. Tổ tiên tôi đẹp đẽ, sang trọng, quí phái nên được Chúa Trịnh đem về nuôi ở phủ Chúa. Nếu tổ tiên tôi mang sự xui xẻo thì Chúa mang cụ Mèo vào phủ Chúa để rước sự nghèo khó và xui xẻo sao?

Có phải chăng vì nhà nghèo có nhiều Chuột nên chúng tôi đến để có nguồn thức ăn bổ dưỡng? Ɖâu phải tại chúng tôi đến mà nhà bị nghèo?

Tụi nhà Khuyển thèm cơm thừa cá cặn và những khúc xương Gà, xương Heo mà loài người liệng ra nên nơi nào có nhiều thức ăn thừa thãi thì chúng lai vãng. Ɖâu phải vì Chó đến mà nhà sang mà nhà đã sang, có nhiều thức ăn nên Chó mới đến để ăn. Nếu Chó đến nhà người nghèo khó bần cùng, bữa đói bữa no, thì họa chăng đó là điềm lành, điềm may mắn cho người bần cùng nghèo khó được Khuyển tộc viếng nhà.

Loài người ăn thịt Bò, Trâu, Heo, Dê, Trừu, Nai, Ngựa, Thỏ, Chồn, Chó, Gà, Vịt và các loài động vật sống dưới nước như Cá, Tôm, Lươn, Mực, Ếch, Nhái, Rùa, Rắn v.v.. Họ không ăn thịt những thành viên thuộc gia đình Felidae của Miêu tộc như Sư Tử, Cọp, Beo và Mèo. Vậy tại sao trong những năm qua dòng họ Miêu bị mất tích rất nhiều. Chuyện gì xảy ra? Cơ Quan An Ninh Miêu Tộc cho biết đã thấy xác chết của nhiều anh chị Mèo ở các thành phố lớn ở Á Châu. Người ta xào nấu anh chị Mèo bằng rượu chát, bắt chước mấy thằng cha Tây nấu thịt Thỏ bằng rượu chát vậy! Thế là chuyện ăn thịt Mèo nghèo ba năm không còn nữa. Cộng đồng Miêu tộc hoàn vũ báo động đỏ.

Ngôn từ của loài người gán cho chúng tôi không có lời hay ý đẹp nào cả. Họ xúc phạm dòng họ Miêu của chúng tôi với những câu: Chó tháng 7, Mèo tháng 3 (Âm Lịch); Mèo mả Gà đồng; Mèo nhỏ bắt Chuột nhỏ; Mèo tha dưa cải; Nam thực như Hổ, nữ thực như Miêu; Như con Mèo ướt; Mèo già hóa Cáo; Mèo lành ai nỡ cắt tai; Mèo lành chẳng ở mả; Mèo đàng lại gặp Chó hoang, Anh đi ăn trộm gặp nàng xơi khoai (ca dao); Mèo đẻ ra trứng; Mèo khen Mèo dài đuôi; Ăn thịt Mèo nghèo ba năm; Mèo tới nhà thì khó, Chó tới nhà thì sang v.v.. 

Mấy thằng cha Ăng-Lê cũng không tốt gì với Miêu tộc chúng tôi. Chữ CAT (Mèo) còn ám chỉ mấy mụ đàn bà đanh đá, hung tợn. Một nghĩa khác là chiếc roi tra tấn. Cat in the pan là kẻ bội phản. Loài người ơi! Sao ghét Miêu tộc chúng tôi đến thế?

Mấy thằng cha phớt tỉnh Ăng-Lê vẫn nói: When the Cat is away, the Mice will play như xác nhận quyền uy của Miêu tộc đối với bọn Chuột. Vậy mà vào thời Trung Cổ Miêu tộc chúng tôi bị loài người thảm sát khủng khiếp. Chuyện gì khiến Miêu tộc trải qua một cuộc đại thảm sát vào thế kỷ XIV?

Từ năm 1347 đến 1351 lục địa Âu Châu bị dịch hạch hoành hành khiến 30% dân số Âu Châu bị tử vong. Bịnh do bò chét Chuột và loài gặm nhấm gây ra. Thủ phạm gây bịnh tử vong khủng khiếp này là vi trùng Yersinia pestis do bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943) khám phá vào cuối thế kỷ XIX. Bác sĩ Yersin là người Pháp Thụy Sĩ. Nghe nói ông là người tìm ra vi trùng dịch hạch Yersinia pestis vào cuối thế kỷ XIX, tức trên năm thế kỷ sau khi bịnh Dịch Ɖen (Black Plague) bùng phát ở Âu Châu. Ông Yersin là một bác sĩ lỗi lạc. Ông là người khám phá ra Ɖà Lạt. Thành phố này trở thành thành phố nghỉ mát trên cao độ của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Một trường trung học Pháp ở Ɖà Lạt mang tên ông. Ông mất ở Nha Trang năm 1943.

Trở lại chuyện thảm sát Miêu tộc ở Âu Châu vào thời Trung Cổ. Người Âu Châu chết như rạ vì Dịch Ɖen (Peste Noire). Vậy mà loài người tìm Mèo để giết hàng loạt không một chút tiếc thương. Ɖó là tai họa tập thể của Miêu tộc vậy. Cho đến bây giờ không thấy loài người lên tiếng xin lỗi Miêu tộc. Buồn thay!

Năm 1799 nhà tinh tú học Pháp Joseph Jérôme Lalande (1732 – 1807) đề xuất ra Miêu Tinh (Felis Constellation) vì ông này là người yêu thích Miêu tộc (Felis: Cat ˂Anh˃, Chat ˂Pháp˃).

Trong 12 con Giáp của Trung Hoa không có Mão niên mà thay vào đó là Thố niên (năm con Thỏ). Nhưng trong số Ɖề của người Trung Hoa có hai số dành cho Miêu tộc. Ɖó là số 14 và số 18 (Mèo Rừng và Mèo Nhà).

Trong thực vật học có:
- Miêu bạc hà (Catmint, Catnip) Nepeta cataria, gia đình Lamiaceae.
- Rau húng Mèo (Cat thyme) Teucrium marum, gia đình Lamiaceae.
- Trái mắt Mèo (Ɖậu mắt Mèo) (Velvet bean) Mucuna pruriens, gia đình Fabaceae.
- Cỏ tai Mèo (Cat’s ear) Hypochaeris radicata, gia đình Compositae.
- Nấm tai Mèo (Nấm mộc nhĩ) (Wood ear fungus; Juda’s ear fungus) Auricularia auricular-judae, gia đình Auriculariaceae.
- Cây vuốt Mèo (Cat’s claw) Pithecellobium unguis-cati, gia đình Fabaceae.

Sinh quán của chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 – 1613), tổ tiên của các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn là làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 

Ở Guangxi (Quảng Tây), Guangdong (Quảng Ɖông), Hunan (Hồ Nam), Hainan (Hải Nam), Lào, Thái Lan và miền thượng du Bắc Bộ Việt Nam có nhiều người Miêu (Miao: Mèo) sinh sống.

Loài người là vạn vật thượng từng. Dù vậy loài người vẫn phải học hỏi nhiều nơi Miêu tộc. Họ học các thế võ của Miêu tộc, cách phóng nhảy, leo trèo và té ngã dịu dàng không hề có thương tích của Miêu tộc. Họ còn phải học nhiều điều nơi Miêu tộc như hệ thống ra-đa trên cơ thể Miêu tộc chẳng hạn.

Dù sao loài người không khinh thường Miêu tộc trong suốt chiều dài lịch sử văn minh trên Trái Ɖất. Miêu tộc được tôn kính. Miêu tộc tạo cảm hứng cho các nghệ nhân đúc tượng, vẽ sơn màu và viết truyện. Họa sĩ Pablo Picasso (1881 – 1973) là người yêu thương Mèo. Ông có rất nhiều bức tranh vẽ Miêu tộc chúng tôi. Tượng Miêu tộc được tìm thấy nhan nhản ở Scotland, Tân Tây Lan, Ɖức Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản v.v.. Ɖền Gotokuji ở Tokyo, Nhật Bản, có nhiều tượng Miêu tộc. Ɖó là sinh quán của Mèo May Mắn Maneki-Neko.

Chuyện về Mèo ở Việt Nam không thiếu. tôi xin kể tóm tắt hai chuyện khôi hài sau đây:

Chuyện thứ nhất về cụ Mèo Tam Thể của chúa Trịnh bị Cống Quỳnh tức Nguyễn Quỳnh (1677 – 1748) trộm. Cụ Mèo Tam Thể này không ai xa lạ. Ɖó là tổ tiên của tôi. 

Theo truyện kể thì chúa Trịnh có một cụ Mèo Tam Thể rất đẹp. Chúa rất yêu mến cụ như thân thuộc trong nhà. Cống Quỳnh thấy vậy tìm cách trộm cụ Mèo Tam Thể này. Về nhà, Cống Qùynh dạy cụ Mèo bỏ thói quen ăn uống ngon và nếp sống nhung lụa trong tư dinh chúa Trịnh. Mỗi ngày ông cho cụ Mèo hai phần ăn. Một phần ăn ngon và một phần ăn “khó nuốt”. Mỗi lần cụ Mèo ăn phần ăn ngon thì bị đòn nặng nề. Sau nhiều lần bị đòn vì thức ăn ngon đầy hương vị, cụ Mèo đành phải ăn phần ăn khó nuốt để tránh bị đòn. Cống Quỳnh dạy cụ Mèo quen đời sống kham khổ vì đoán biết thế nào mật vụ chúa Trịnh cũng tìm ra cụ Mèo Tam Thể bị mất trộm.

Mật vụ của chúa Trịnh khẳng định người trộm Mèo Tam Thể của chúa không ai khác hơn là Cống Quỳnh. Cống Quỳnh chối bỏ sự cáo buộc này. Lý do dễ hiểu là những người điều tra không có bằng chứng cụ thể để buộc tội ông. Còn về hình dáng và màu sắc thì anh chị Mèo Tam Thể nào cũng có màu sắc như nhau. Chúa Trịnh có Mèo Tam Thể. Bàn dân như Cống Quỳnh cũng có thể nuôi Mèo Tam Thể.

Làm sao biết được Mèo Tam Thể thuộc về chúa Trịnh hay thuộc về Cống Quỳnh?

“Mèo của Chúa thì ăn ngon. Mèo của thứ dân thì chỉ ăn thức ăn tầm thường, không được ăn thức ăn hương vị như Mèo Tam Thể của chúa. Tôi đề nghị đem hai thứ thức ăn lên, một ngon và một dở, xem Mèo Tam Thể ăn thức ăn nào. Nếu Mèo ăn thức ăn ngon thì đó là Mèo của chúa. Nếu Mèo ăn thức ăn dở thì đó là Mèo của Quỳnh này.” Cống Quỳnh nói.

Ɖại diện của chúa Trịnh tán thành đề nghị của Cống Quỳnh. Hai món ăn được mang lên. Cụ Mèo Tam Thể lánh xa món ăn ngon và ăn thức ăn dở một cách ngon lành vì cụ Mèo từng bị đòn đau đớn mỗi khi ăn thức ăn đầy hương vị.

Thế là Cụ Mèo sang trọng thay đổi hoàn cảnh sống. Nghe nói cụ có nhiều vợ bình dân xấu xí và hung tợn như nữ Mèo Quằn, Mèo Mun, Mèo Mướp và Mèo Rừng. Không biết vì sao đến đời tôi thì trở lại dòng Tam Thể. Tôi được bầu làm hoa hậu Miêu Tam Thể. Báo chí Anh-Mỹ gọi tôi là Lady Felis Tricolor Tonkinensis (Ɖông Kinh Tố Nữ Tam Sắc Miêu). 

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay vang dội . Nữ Miêu Tam Thể ngừng trong giây lát rồi bắt đầu nói tiếp.

Chuyện thứ nhì là chuyện của một thằng lười biếng, ảnh hưởng xấu đến Miêu tộc chúng tôi. 

Tương truyền có một thằng lười biếng chết sớm vì thiếu ăn và thiếu dinh dưỡng. Dưới tuyền đài Công An Âm Phủ sưu tra lý lịch của hắn trên dương gian để trị tội hay lập hồ sơ cho đầu thai kiếp khác nhưng tìm mãi vẫn không thấy hắn phạm tội nặng nhẹ nào để bị phạt, cũng không làm điều gì tốt để được tưởng thưởng. Công An Âm Phủ dùng những máy soi hồn, soi kiếp cực tinh vi nhưng không có một chi tiết hay hình ảnh nào của hắn cả.

Trưởng phòng Công An Âm Phủ hỏi hắn:

“Trên dương thế mày làm gì?”

“Làm biếng.” Thằng lười biếng đáp.

“Làm biếng là làm nghề gì?” Trưởng phòng Công An hỏi.

“Dạ, làm biếng là không làm gì cả.” Thằng lười biếng đáp.

“Không làm gì hết thì làm sao sống?” Trưởng phòng Công An hỏi.

“Bởi vậy mới chết ở tuổi xuân thì.” Thằng lười biếng đáp.

Trưởng phòng Công An bối rối vô cùng. Luật thế gian và luật Âm Phủ không có điều khoản nào trừng phạt người lười biếng. Người lười biếng có làm gì mà có tội. Ông trưởng phòng Công An vội vã viết báo cáo gửi về về giám đốc Cơ Quan RO, chữ viết tắt của Re-Incarnation Office, tức Cơ Quan Ɖặc Trách Ɖầu Thai. Cơ quan này cực kỳ quan trọng nên có nhiều chuyên viên thượng thặng đủ các ngành nghề để cân phân và định đoạt sự đầu thai vô tư và tuyệt đối công bằng. Ɖầu thai thành:

a- vật vô tri như hòn đá, viên sỏi, trái núi, cây cỏ v.v. Phải mất từ 100 năm hay cả ngàn năm (đối với cây cổ thụ) đến thời gian vô hạn định (đối với núi non) mới có thể có hay không có sự thay đổi kiếp khác. Các loài cỏ, các loài hoa chuyển kiếp nhanh hơn vì chúng có những việc làm hữu ích (phân bón nuôi cây lương thực hay tạo vẻ đẹp an ủi đời trần tục hay làm thuốc cứu người bịnh). Thế là bọn cỏ (grass, herb, weed, wort) và hoa có chút phúc đức để cải thiện kiếp sau của mình.

b- súc vật trên mặt đất, dưới lòng đất, dưới nước, trên không hay nửa đất nửa nước. Có vật chỉ sống vài tiếng đồng hồ rồi đổi sang kiếp khác. Các động vật to lớn có tuổi thọ cao phải mất hàng chục năm lao lực cực khổ hay đôi khi hàng trăm năm mới được đổi sang kiếp khác. Từ kiếp thú vật chuyển sang kiếp người thời gian vô hạn định mênh mông hơn đại dương.

c- người. Có hàng triệu chi tiết khác nhau về việc đầu thai thành người (nam, nữ, không nam, không nữ, đẹp, xấu, hiền, dữ, ích kỷ, tham lam, thấp hèn, thanh cao, quí phái, hèn nhát, anh hùng, nông thôn, thành thị, da trắng, da màu, thông minh, đần độn, cư trú vùng khí hậu nóng, lạnh, khô hạn khác nhau, hoàn cảnh xã hội khác nhau, công dân nô lệ, công dân thống trị, công dân nghèo dốt, công dân giàu có và mở mang v.v. căn cứ vào quá khứ tốt xấu của nhiều kiếp người, của nghiệp cá nhân và nghiệp tập thể). Tòa án Âm Phủ và tòa án Thiên Ɖình còn tồn đọng vô số vụ kiện tụng chưa được xét xử.

Giám đốc Cơ Quan Ɖặc Trách Ɖầu Thai RO hất hàm hỏi thằng lười biếng :

“Nhà ngươi muốn đầu thai làm người trở lại không?”

“Dạ không.” Thằng lười biếng đáp thẳng thắn không một giây suy nghĩ.

“Tại sao?” Giám Ɖốc Cơ Quan Ɖặc Trách Ɖầu Thai hỏi.

“Làm người khó quá! Nhỏ phải đi học. Lớn phải kiếm việc làm, có vợ, có chồng, có con. Nghèo thì bị khinh rẻ. Giàu thì bị ghét bỏ, suy bì. Kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Tiểu nhân đè đầu quân tử. Cháu từng bị loài người khinh bỉ vì lười biếng. Lười biếng không có tội nhưng bị ghét bỏ, khinh khi. Cái nào cũng khó cả.” Thằng lười biếng đáp.

Giám Ɖốc Cơ Quan Ɖặc Trách Ɖầu Thai hỏi ý với các cố vấn và chuyên viên Cơ Quan RO để chọn đối tượng đầu thai cho thằng lười biếng. Tất cả đều đồng ý cho nó thành một anh Mèo Mun nhưng quanh miệng có những đốm trắng như hột cơm trắng để Chuột tiến lại gần miệng cho Mèo táp, khỏi phí công đi bắt Chuột gian lao khó nhọc. Thời gian lên đường đầu thai gần kề. Ông giám đốc Cơ Quan RO thúc giục các chuyên viên rà máy khắp năm châu xem có chị Mèo Mun nào đang chuyển bụng sắp sinh con. Trong chớp mắt một chuyên viên la lên:

“Có rồi! Có rồi! Một chị Mèo Mun đang rên siết vì đau bụng đẻ nhưng chưa sinh ra con được.”

“Ở đâu?” Giám đốc Cơ Quan RO hỏi.

“Ở vùng ngoại ô thành phố Bombay, xứ Ấn Ɖộ.” Chuyên viên computer nói.

Các chuyên viên hóa trang dưới Âm Phủ vẽ lại mặt thằng lười biếng. Toàn thân hắn được sơn màu đen. Mặt đen, quanh miệng có nhiều đốm trắng như hột cơm. Thân hình của hắn nhỏ lại như một anh Mèo tí hon. Công việc hóa trang vừa xong thì một tiếng nổ long trời lở đất đưa hồn thằng lười biếng sang một khu phố nghèo vùng Bombay. Ɖó là lúc chị Mèo Mun Bombay sinh đứa con mới đầu thai mình đen, mặt đen, quanh miệng lốm đốm trắng.

Dưới hội trường có tiếng hô to: Hạnh phúc thay thằng lười biếng!

Ɖến đây tôi xin chấm dứt tham luận về Miêu tộc của chúng tôi và kính chúc toàn thể quý vị hiện diện hôm nay trong hội trường này được một ngày vui trọn vẹn.

Nữ Miêu Tam Thể cúi đầu chào các đại biểu động vật giữa lúc các ca sĩ Thiền tộc (Ve) và Tất Suất tộc (Dế) đồng ca bản Thế Giới Này Không Chỉ Một Mình Anh. Bản nhạc do một nhạc sĩ thuộc tộc Mèo Quằn Việt Nam sáng tác, chọn người lười biếng làm chủ đề trong bản nhạc. Bản nhạc được vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt.

 

Ɖông Kinh Tố Nữ Miêu Tam Sắc tộc.

 

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...