THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 96 :
TẠ TẠC TÁI TAM
TẠ ĐẠO UẨN 謝道韞, con của tướng quân Tạ Diệc 謝奕, cháu của thừa tướng Tạ An 謝安, là vợ của Vương Ngưng Chi con trai thứ của nhà thư Pháp nổi tiếng đời Đông Tấn là Vương Hi Chi.
Tạ Đạo Uẩn rất giỏi về văn thơ, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thông
minh, sắc sảo. Khi Tạ An hỏi các cháu lúc đang ngắm cảnh tuyết rơi là :
Có thể lấy gì để ví với tuyết rơi ? Một cháu trai là Tạ Lãng trả lời
rằng : Sái viêm không trung sai khả nghỉ 撒盐空中差可拟 (Có thể nói là như rắc
muối giữa không trung). Tạ Đạo Uẩn nói rằng : Vị nhược liễu nhứ nhân
phong khởi 未若柳絮因风起 !(Chẳng bằng nói là hoa liễu bay đầy trời khi có gió
thổi lên). Tạ An khen hay, Tạ Đạo Uẩn nổi tiếng từ đấy.
Trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi cho bà Vãi luận về tài trí của phái nữ cho ông Sãi nghe có câu :
Gái như TẠ ĐẠO UẨN, gái mà hay vịnh tuyết thành thơ,
Gái như Thái Văn Cơ, gái mà biết phân cầm nên khúc...
Trong Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu gọi là TẠ NỮ khi khen tài làm văn thơ của Kiều Nguyệt Nga bằng câu :
Đã mau mà lại thêm hay,
Chẳng phen TẠ NỮ cũng tài Từ Phi.
Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du gọi là Ả TẠ khi cho Kim Trọng khen tài làm thơ của Thúy Kiều là :
Khen tài nhả ngọc phun châu,
Nàng Ban Ả TẠ cũng đâu thế nầy !
TẠC BÍCH 鑿壁 là Đục vách tường (để lấy ánh sáng đèn của nhà
hàng xóm). Theo Tây Kinh Tạp Ký- Quyển 2《西京雜記》卷二 đời Tây Hán có ghi lại
tích sau đây :
KHUÔNG HÀNH 匡衡, tự là Trĩ
Khuê 稚圭, người đất Đông Hải huyện Quận Thừa, là một học giả nổi tiếng
đời Tây Hán, làm quan đến chức Thừa Tướng. Ông xuất thân là con nhà nông
nghèo khổ, gia cảnh bần hàn, phải đi làm công để đổi lấy sách học. Ông
lại nổi tiếng và để đời với việc xin ông hàng xóm cho khoét một cái lổ
trên vách (gọi là TẠC BÍCH 鑿壁) lúc đêm về để nhờ vào ánh đèn sáng xuyên
qua lổ hổng đó mà đọc sách học hành, như cụ Nguyễn Công Trứ đã tả trong
bài Hàn Nho Phong Vị Phú là :
Cần nghiệp Nho khi TẠC BÍCH TỤ HUỲNH,
Thuở trước CHÀNG KHUÔNG, CHÀNG VŨ.
TẠC ĐÁ GHI VÀNG là Tạc
vào đá và Ghi lên vàng, chỉ sự chắc chắn bền vững không hề thay đổi. Như
khi đã cưới Thúy Vân rồi, mặc dù "Người yểu điệu kẻ văn chương, Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì" nhưng trong lòng Kim Trọng vẫn luôn luôn nhớ tới Thúy Kiều :"Dường như trên nóc bên thềm, Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng, vì... Bởi lòng TẠC ĐÁ GHI VÀNG,
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây .
TÁI ÔNG THẤT MÃ 塞翁失馬, tiếng Nôm ta chỉ dịch hai chữ phía sau là "TÁI ÔNG MẤT NGỰA" mà thôi. Theo sách Hoài Nam Tử, chương Nhân Gian Huấn 淮南子·人間訓 có ghi lại câu truyện như sau...
TÁI ÔNG 塞翁 là Ông già ở vùng biên tái, mà cũng có thể là Ông già
họ TÁI, rất chuyên về ngựa. Một hôm, con ngựa quí nhà ông bỗng nhiên
chạy mất. Hàng xóm mọi người cùng đến chia buồn. Ông cười bảo : Đây chưa
chắc là việc không vui. Mấy hôm sau, con ngựa của ông trở về, lại dẫn
theo một con ngựa quí khác. Mọi người hay tin lại đến chúc mừng. Ông
bảo, đây chưa chắc là việc đáng mừng. Quả nhiên vài hôm sau đó, con ông
tập cưởi con ngựa đó, bị nó quăng cho té què chân. Mọi người lại cùng
đến an ủi, chia buồn. Ông lại bảo : Đây vị tất đã là chuyện buồn. Năm
sau, giặc đánh vào vùng biên tái, tất cả thanh niên đều phải lên đường
nhập ngũ tòng chinh, chỉ có con trai ông vì bị què chân nên được ở lại,
khỏi phải ra chiến trường đánh giặc.
Đây
là câu truyện Ngụ ngôn trong sách Hoài Nam Tử, cho ta thấy chuyện đời
may rủi vô chừng, họa phước khó mà lường trước được. Có lắm chuyện tưởng
như rủi mà lại may, tưởng như phước mà lại là họa... cho nên ta phải để
lòng rộng mở, khoáng đạt, bình tĩnh mà ứng phó những tình huống khôn
lường trước được nầy. Trong văn thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu
:
Hàn Tín nên công chưa cả mặt,
TÁI ÔNG THẤT MÃ há chau mày !?
TAM BÀNH 三彭 là Ba ông
thần họ Bành. Theo thuật ngữ của Đạo Giáo thì cơ thể con người ta chia
làm Thượng Trung Hạ ba nơi Đan điền, mỗi nơi đều có một vị thần trấn
giữ, gọi chung là TAM THI THẦN 三尸神, cũng gọi là TAM TRÙNG 三虫, TAM ĐỘC 三毒
hay TAM BÀNH 三彭. Thượng Thi chủ Mặc đẹp; Trung Thi chủ Ăn ngon, Hạ Thi
chủ Dâm dục. Thượng Thi tên là BÀNH CỨ 彭踞, Trung Thi tên là BÀNH Chí 彭躓
và Hạ Thi tên là BÀNH KIỂU 彭蹻. Ba ông thần nầy luôn xúi giục người ta
hung dữ, nóng giận, làm bậy...
Mời Xem :
Theo Đạo sĩ Trương Quân
Phòng đời Tống cho rằng : TAM BÀNH là ba vị thần được cài vào cơ thể để
giám sát con người, mỗi khi đến ngày Canh Thân thì thừa lúc người ta ngủ
mới xuất khỏi cơ thể mà đi trình báo với cỏi âm những việc xấu xa của
con người đã làm, để cho con người mau chết thì ba vị thần sẽ xuất đi
khỏi phải canh giữ nữa. Cũng vì thế mà thường hay xúi giục con người
nóng giận để làm bậy.
Trong văn học cổ gọi "Nổi giận" là
"Nổi cơn TAM BÀNH", như khi nghe Thúy Kiều "mét" là Mã Giám Sinh đã ăn
nằm với mình rồi, thì Tú Bà mới :
Mụ nghe nàng mới hay tình,
Bấy giờ mới nổi TAM BÀNH mụ lên !
TAM BẢO 三寶 là त्रिरत्न triratna, pi. tiratana, là "Ba ngôi báu", ba
cơ sở chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng. Phật truyền Pháp, và Tăng
giữ lấy Pháp để cứu nhân độ thế.
Trong truyện thơ Nôm LÂM TUYỀN KỲ NGỘ (Bạch Viên Tôn Các) có câu :
Khấn nguyện lòng này TAM BẢO chứng,
Một thuyền cứu khổ chở riêng ai.
Trong Truyện Tây Sương cũng có câu :
Xin người cứu khổ nạn cho,
Họa là TAM BẢO, TAM ĐỒ được trông.
TAM ĐỒ 三途 ở đây là Ba con đường dưới Âm phủ. Theo Tứ Giải Thoát
Kinh 四解脫經 thì TAM ĐỒ là HỎA ĐỒ 火途 Con đường nơi có lửa cháy hừng hực;
HUYẾT ĐỒ 血途 là nơi có ác thú cắn xé máu me đầy người; ĐAO ĐỒ 刀途 là nơi
có nhiều đao kiếm đâm chém nhau. TAM ĐỒ còn có nghĩa là : Địa ngục 地獄,
Ngã quỷ 餓鬼 và Súc sinh 畜生. Theo Phật giáo người gây ra nhiều điều ác
nghiệt thì sau khi chết sẽ phải đi qua TAM ĐỒ nầy.
TAM BẤT HIẾU 三不孝 là Ba điều bất hiếu đối với cha mẹ ông bà. Theo
chương Li Lâu Thượng trong sách Mạnh Tử 《孟子·离娄上》có câu "Mạnh Tử viết
:Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại 孟子曰:不孝有三,无后为大" Có nghĩa: "Mạnh Tử nói
rằng : Có 3 điều bất hiếu, không có con nối dõi là tội lớn nhất".
Ba
điều bất hiếu đó theo Triệu Kỳ 赵岐 đời Đông Hán giải thích là : Hãm thân
bất nghĩa, nhất bất hiếu dã; Gia bần thân lão, bất vi lộc sĩ, nhị bất
hiếu dã; Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự, tam bất hiếu dã. Tam giả chi
trung, vô hậu vi đại 陷亲不义,一不孝也;家贫亲老,不为禄仕,二不孝也;不娶无子, 绝先祖祀,三不孝也。三者之中,无后为大。Có
nghĩa : Để cha mẹ lún sâu vào điều bất nghĩa (mà không can ngăn), là
điều bất hiếu thứ nhất; Nhà nghèo có cha mẹ già mà không làm ăn hoặc ra
làm quan để nuôi cha mẹ, là điều bất hiếu thứ hai; Không cưới vợ không
có con để cho tuyệt tự không ai cúng bái ông bà Tổ tiên, là điều bất
hiếu thứ ba. Trong ba điều bất hiếu trên, không có con nối dõi là điều
bất hiếu lớn nhất.
Trong Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã viết rằng :
Hữu TAM BẤT HIẾU đã đành,
Tiểu đồng trước đã vì mình thác oan.
TAM ĐẢO 三島 là Ba hòn đảo của Tiên ở. Theo Thần Tiên Truyện 神仙傳 thì
TAM ĐẢO hay TAM THẦN SƠN 三神山 là ba hòn núi đảo trôi nổi trên biển, đó là
Bồng Lai 蓬萊, Doanh Châu 瀛洲 và Phương Trượng 方丈. Nơi mà từ thời xưa Tần
Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế cầu tiên và cầu thuốc trường sinh. Trong văn học
cổ dùng để chỉ nơi Thần Tiên cư ngụ.
Trong Truyện Kiều khi Thúc Sinh đi cầu hồn Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã tả bản lĩnh của pháp sư như sau :
Trên TAM ĐẢO, dưới Cửu tuyền,
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.
TAM GIỚI 三界 là Ba Cõi. Sách nhà Phật cho là có Ba Cõi trời hay Ba
cõi thế giới là : DỤC GiỚI là cõi trần tục; SẮC GIỚI là có hình sắc
nhưng không còn dục tính nữa; VÔ SẮC GIỚI là Cõi vô sắc đến hình sắc
cũng không còn nữa, là cảnh giới tối cao, yên vui, cực lạc. Như ông Sãi
trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh khi luận về chữ VUI như
sau :
Trong ba ngàn Sãi vui để một bầu,
Ngoài sáu đạo Sãi vui thông TAM GIỚI.
Còn...
Trong truyên thơ Nôm Quan Âm Thị Kính thì gọi là BA CÕI :
Tranh đồ thập cúng treo bày,
Lòng đi BA CÕI hương bay chín trời.
TAM HOÀNG 三皇 là Ba vì vua trong thời thượng cổ Trung Hoa là : Thiên
Hoàng Thị 天皇氏, Địa Hoàng Thị 地皇氏 và Nhân Hoàng Thị 人皇氏. Nhưng theo các
sử sách ghi lại của các đời sau thì mỗi người ghi mỗi khác.
- Theo Thượng Thư Đại Truyện《尚書大傳》thì Tam Hoàng là :
Toại Nhân 燧人、Phục Hi 伏羲、Thần Nông 神農.
- Theo Xuân Thu Vận Đấu Xu《春秋運鬥樞》thì Tam Hoàng là :
Phục Hi 伏羲、Nữ Oa 女娲、Thần Nông 神農.
- Theo Phong Tục Thông Nghĩa《風俗通義》thì Tam Hoàng là :
Phục Hi 伏羲、Chúc Dung 祝融、Thần Nông 神農.
- Theo Tam Tự Kinh《三字經》thì Tam Hoàng là :
Phục Hi 伏羲、Thần Nông 神農、Huỳnh Đế 黄帝.
Cũng trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh khi cho ông Sãi luận về chữ Thương như sau :
...Sãi thương đấng TAM HOÀNG, Sãi thương ngôi Ngũ Đế;
Thương vì hiếu vì đễ, thương vì đức vì tài...
TAM KIỆT 三傑 là Ba người hào kiệt; chỉ Trương Lương, Hàn Tín và Tiêu
Hà, ba người Hào Kiệt đã giúp Hán Cao Tổ gầy dựng nên nhà Hán. Trong
bài thơ Vịnh HÀN TÍN của cụ Nguyễn Công Trứ có câu :
So TAM KIỆT ai bằng Hàn Tín,
Một tay thu muôn dặm nước non.
TAM MUỘI 三昧 dịch âm chữ Phạn "samādhi", dịch nghĩa là “chính định”
正定, nghĩa là tập trung tinh thần, giữ tâm tĩnh lặng không tán loạn. Từ
nhà Phật như lời ông Sãi trong tác phẩm Sãi Vãi của cụ Nguyễn Cư Trinh
nghị luận :
Ước siêu TAM MUỘI, ngỡ thoát Cửu Huyền,
Lăm đền mộc bổn thuỷ nguyên; dốc báo càn khôn phúc tải.
TAM QUY 三皈 là TAM QUY Y 三皈依, là QUY Y PHẬT 皈依佛, QUY Y PHÁP 皈依法, QUY
Y TĂNG 皈依僧. Theo chữ Phạn thì TAM QUY Y là "Tisarana", "Ti" là Tam, và
"sarana" là Nơi Phù hộ che chở, ý muốn nói là do Phật Pháp Tăng ba ngôi
hình thành nơi che chở phù hộ cho những ai theo về. Trong chương thứ 14
của kinh " A tỳ Đạt ma câu xá luận " thì giải thích...
QUY Y là "Saranam gacchami". Gacchami là động
từ chỉ sự thẳng tiến, đến nơi, và Saranam là Danh từ chỉ sự che chở phù
hộ. Như vậy, thì QUY Y là "Thẳng tiến đến nơi mà ta sẽ được sự che chở
phù hộ", nói cách khác là "Về với Phật Pháp Tăng để hưởng được sự phù hộ
và che chở". Cũng theo Kinh trên, Saranam gacchami còn có nghĩa Cứu tế
và Nương tựa, nên mới được các nhà dịch thuât, Trung Hoa dịch là QUY Y.
Nói chung, TAM QUY là từ của nhà Phật, trong văn học chỉ những ai theo
về với đạo Phật hay xuất gia để tu hành, như trong truyện thơ Nôm Phan
Trần có câu :
TAM QUY ngũ giới chứng tình,
Xem câu nhân qủa niệm kinh Di Đà.
Trong Truyện Kiều, khi biết Thúy Kiều có ý muốn đi tu, thì Hoạn Thư cũng đã chìu lòng mà :
Đưa nàng đến trước Phật đường,
TAM QUY ngũ giới cho nàng xuất gia.
Áo xanh đổi lấy cà sa,
Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền.
TAM SINH 三生 là BA SINH, là từ của Phật giáo chỉ Ba Kiếp Sống của
con người là : Kiếp trước, kiếp nầy và kiếp sau. TAM SINH là từ nói gọn
lại của thành ngữ TAM SINH HỮU HẠNH 三生有幸, là sự may mắn của ba đời ba
kiếp. Trong SƠ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :
...Song ân tình vẫn chưa nguôi,
Tủi người nhất tử, bẽ người TAM SINH.
Còn từ BA SINH thường dùng để chỉ tình duyên giữa trai gái với
nhau, đã có duyên nợ với nhau từ kiếp trước truyền lại đến kiếp nầy, nên
cũng hình thành một thành ngữ thông dụng là BA SINH HƯƠNG LỬA. Trong
Truyện Kiều, khi gặp gỡ và phải lòng với Thúy Kiều, Kim Trọng đã cho là :
Ví chẳng duyên nợ BA SINH,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi !
... và khi Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :
BA SINH đã phỉ mười nguyền,
Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.
TAM TÒNG 三從 là Ba sự theo : Theo sách《Nghi Lễ. Tang Phục. Tử Hạ
Truyện 儀禮·喪服·子夏傳》:Có câu “Phụ nhân hữu TAM TÒNG chi nghĩa, vô chuyên
dụng chi đạo. Cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử
婦人有三從之義,無專用之道。故未嫁從父,既嫁從夫,夫死從子。 Có nghĩa : Người đàn bà có nghĩa vụ
là phải theo ba cái phải theo, mà không có con đường riêng của mình, nên
chưa xuất giá thì phải nghe theo cha, đã xuất giá thì phải nghe theo
chồng, khi chồng chết thì phải nghe theo con trai. Ông bà ta thường nói
lại cho gọn là : "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử".
Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phương Hoa-Lưu Nữ Tướng có câu :
Hình dung yểu điệu diệu dàng,
TAM TÒNG tứ đức nên trang nữ tài.
Hồi còn nhỏ, ở xứ Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xán, Phong Điền... của
tôi, thường hay nghe câu nói chơi của các bà con trong xóm là :
Tại gia tòng phụ,
Xuất giá tòng phu,
Đẩy ghe vô ụ...
Sứt bánh lái chổng khu !...
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Mời Xem :
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa