Chất Chứa
Sống trên đất Mỹ 45 năm, gần đây tôi mới phát hiện một hiện tượng phi lý: hầu hết mọi gia đình đều đậu xe ngoài driveway (lối cho xe ra vào ga-ra). Còn ga-ra thì dùng để tồn trữ đồ đạc và các vật dụng hàng ngày. Ga-ra dịch nghĩa là nhà xe, đúng lý là để đậu xe, nhưng sau khi cuộc cách mạng kỹ nghệ phát triển mạnh vào thế kỷ 20, sản xuất đại quy mô nên sản phẩm quá dư thừa và rẻ, người ta tha hồ mua sắm. Vì nhu cầu tồn trữ cho nên ga-ra không còn để đậu xe mà trở nên kho trữ hàng. Ga-ra thì dùng để cất giữ vật dụng bình thường như sách báo, quần áo, giày dép cũ hoặc lỗi thời, còn chiếc xe trị giá vài chục ngàn đô-la lại bị đẩy ra ngoài trời dầm mưa dãi nắng. Điều này cũng như những câu vè nói ngược: “giã gạo bằng nồi, nấu cơm bằng cối”. Ở đời, cái lý nhiều khi nằm trong cái nghịch lý, mà trong nghịch lý lại hàm chứa nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc. Sự kiện nhà xe là phản ảnh thực trạng mâu thuẫn của xã hội.
Chuyện Ga-ra cũng nói lên bản tính và quan niệm sống hời hợt nông cạn của con người: thích ôm đồm, nắm giữ và chất chứa.
Chợt nhớ câu chuyện trong Thiền tông.
Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.
Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà của Sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"
Đạo sư hỏi lại: "Thế khi anh đến đây, hành lý của anh có gì vậy?"
Anh đáp: "Dạ chỉ gồm vỏn vẹn trong một cái va li".
Đạo sư hỏi: "Sao có ít đồ vậy?"
Anh đáp: "Vì đi hành hương nên đem ít đồ thôi".
Đạo sư nói: "Tôi cũng là người vân du qua cuộc đời này nên chẳng có đồ đạc gì nhiều".
Con người có xu hướng ôm giữ chất chứa, ấy là do tánh tham sân si mà ra. Ngay từ nhỏ, khi vừa mới biết bò, trẻ con cố trườn tới để nắm lấy một đồ vật trước mặt vì muốn chiếm đoạt. Lớn lên, chúng ta lại càng nắm bắt và chất chứa nhiều hơn vì lòng tham dục.
Nhớ lại, khi mới bước chân đến xứ Mỹ, mọi người hầu như là hoàn toàn tay trắng. Chúng ta chỉ mơ ước có một nơi ở tạm nương thân và công ăn việc làm để sinh sống qua ngày. Nhưng dần dà về sau, nhu cầu của chúng ta gia tăng một cách đáng kinh ngạc. Mình giờ đây không thể sống thiếu những thứ như tủ lạnh, truyền hình, phone di động, máy vi tính, v.v.. Thậm chí những thứ lỉnh kỉnh như thức ăn ngon, quần áo sang đẹp, giày dép thoải mái, trang sức thời thượng… mà nghĩ rằng đó là những nhu cầu mình không thể thiếu trong đời sống. Chúng ta thực sự “cần” không nhiều, nhưng "muốn" thì quá nhiều, có thứ mình nghĩ mình cần nhưng hóa ra chỉ là thứ mình thích, mình muốn.
"Cần" là điều đương nhiên cho nhu cầu sinh hoạt, nhưng "muốn" lại là thứ xa xỉ, thậm chí là tai họa cho cuộc đời. Vì con người là con người của xã hội, thấy người ta có được cái gì thì mình cũng cố gắng muốn có giống như thiên hạ, thậm chí còn có ý muốn hơn người khác nữa. Tham muốn cũng có thể dẫn đến sự suy đồi đạo đức vì muốn tranh giành những gì không thực sự thuộc về mình, làm tổn hại cho bản thân và người khác.
Bấy lâu nay, chúng ta sống trong mê đồ của nếp sống phồn hoa hư ảo, con người chạy theo bả danh lợi, chìm đắm trong dòng xoáy của thời đại, vì dục vọng và lợi lạc mà phải chịu vất vả trong mưu sinh, dần dần đánh mất giá trị đích thực của mình, tự giam mình trong lầu son gác tía và đèn hồng tửu sắc của cuộc sống xã hội vật chất hiện nay. Giống như con sư tử trong đoàn xiếc, bị cướp mất đi sự tự do vẫy vùng nơi chốn sơn lâm, bị giam mình trong lồng sắt, ngày ngày sống với phần ăn đã được phân định sẵn, và diễn đi diễn lại những tiết mục theo sự điều khiển và chỉ huy của người quản thú.
Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, cái kia, vật chất, danh lợi và quyền thế, v.v... Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.
Người đời thường thấy có nhiều hối hận trong cuộc sống là vì không biết và cũng không muốn buông bỏ, cứ bon chen tranh giành, buông tay này, bắt tay kia, thậm chí càng nắm càng nhiều, càng nắm càng chặt, rồi tự trói mình vào cạm bẫy của trần đời và sa vào mê hồn trận của vật chất.
Khi lòng tham khởi lên che mờ lấn áp tâm trí mà dễ dàng trở thành nạn nhân như chúng ta thấy qua bài học từ cái bẫy mồi. Một thiết bị đơn giản như vậy mà có thể “dụ” được thú vật khôn lanh như khỉ là một điều đáng cho ta suy ngẫm.
Người thợ săn có một mẹo nhỏ để bắt khỉ, họ chọn những quả dừa to khoét một cái lỗ sao cho lỗ ấy chỉ đủ để khỉ thò tay vào trái dừa. Đổ hết nước dừa ra, bỏ vào đó món khỉ khoái khẩu như hạt dẻ hay bắp ngô. Thợ săn mang những quả dừa này đến nơi có nhiều khỉ xuất hiện, rồi cột cố định trái dừa vào một thân cây hay gốc cây rồi bỏ đi .
Quả nhiên, loài khỉ tinh ranh lại háo ăn, đánh được vị thơm của hạt dẻ, nó mon men đến gần… rồi thò tay vào lấy thức ăn, thế nhưng cái lỗ dừa chỉ nhỏ vừa bằng cái tay của nó, nên khỉ không tài nào nắm kéo những hạt dẻ ra được, nó chỉ cần buông hạt dẻ là có thể chạy thoát thân, thế nhưng liệu nó chịu buông tay không? Không đời nào, bởi loài khỉ luôn nghĩ rằng: "Đó là hạt dẻ của mình!" đó chính là lý do loài khỉ lúc nào cũng bị tóm cổ.
Tôi đọc câu chuyện về chiếc bẫy khỉ trong cuốn “Transforming the Mind, Healing the World” của Joseph Goldstein từ lâu rồi. Từ đó, rất nhiều lần, hình ảnh con khỉ mắc nạn luôn ở trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đến tình huống tương tự của con người, họ phải trả giá quá đắt và tự vùi dập danh dự, sự nghiệp và cuộc sống của mình khi không cưỡng được cám dỗ của miếng mồi vật chất, danh lợi, loay hoay mãi mà tay vẫn mắc trong trái dừa mà người ngoài cuộc thấy ngu si đến nỗi vô lý.
Tham muốn là nhân, khổ não là quả; tri túc là nhân, hạnh phúc là quả. Thiểu dục tri túc luôn là liều thuốc tốt để đối trị lòng tham. Chọn nếp sống đơn giản, đạm bạc, biết buông tay để khỏi phải sa lưới như con khỉ bị mắc bẫy trong trái dừa.
Không ai dám chủ quan cho rằng mình có thể làm chủ tâm ý của mình mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoàn cảnh và thắng phục lòng tham dục. Có những cái xấu, cái ác mà lương tri, lương năng đã tự biết là xấu, là ác, là không nên nhúng tay vào, nhưng con người lại quá yếu đuối, thường không đủ sức cưỡng lại những ham muốn mãnh liệt, đành ngã gục. Khi đó, chỉ còn có chánh niệm đạo đức, kiên trì tu tập là chiếc phao cứu sinh cho khách hồng trần bám víu để khỏi đắm chìm trước cơn phong ba bão táp của hải hà dục vọng.
Cuộc đời như quán trọ, người ở trọ chỉ ở một thời gian ngắn rồi sẽ trở về căn nhà của mình. Nếu nhìn rộng thêm một chút, cho dù là nhà hay là quán trọ thì cũng chỉ là 1 đêm 2 đêm 10 đêm thậm chí lâu dài hơn là 10 năm 100 năm rồi cuối cùng cũng phải xa rời. Như vậy, không có nơi nào là vĩnh cửu trên cõi đời này, cho nên khách ở trọ chúng ta không nên gánh gồng nhiều, chỉ ở tạm rồi ra đi, nếu có mất đi cũng không sao vì vật ngoại thân kia mà.
Chúng ta thường quên mất mình chỉ là khách vân du qua cuộc đời này, lầm tưởng mình sẽ ở mãi nơi đây, nên tham lam, ôm đồm, tích trữ quá nhiều đồ vật, tài sản.
Trần thế chỉ là chỗ tạm nương
cũng như quán trọ ở ven đường
Chúng ta là khách dừng chân tạm
Rồi sẽ đi về chốn viễn phương
Nắm giữ là bản năng (本能), bẩm sinh sẵn có.
Buông bỏ là bản lĩnh (本領), có nhờ tu tập.
Buông cũng là bài học suốt đời của chúng ta chăng?
Trường
03-13-2023
Nguồn :http://tneu.Blogspot.com
Mời Xem 1 Bài khác của Tác giả Trường :
bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa