Giới Luật
Có
một lần cùng các huynh tỷ đi làm công tác từ thiện, khi kết thúc buổi
công tác thì trời đã đi dần vào xế chiều, các huynh tỷ đề nghị cùng nhau
dùng cơm tối để luôn tiện hàn huyên tâm sự sau một thời gian dài không
được hội ngộ vì cơn dịch Covid. Vì đa phần các huynh tỷ không thọ giới
chay trường, nên chúng tôi chọn một nhà hàng hải sản. Tôi thì tùy duyên
nên chỉ ăn những cọng rau bên cạnh thịt cá, miễn sao hòa đồng với mọi
người. Nhưng có một huynh khác thì trì giới nghiêm cẩn, huynh ăn chay
như người xuất gia, chỉ ăn những thực vật thanh tịnh không có máu huyết
và kiêng cữ luôn cả những đồ tanh, hành tỏi... Vì vậy, sư huynh cương
quyết từ chối chung vui với chúng tôi, rồi ra về một mình. Nhìn bóng
dáng huynh lủi thủi xa dần trong buổi chiều tà đêm đông, mọi người đều
cảm thấy ít nhiều sự tiếc nuối và bầu không khí đột nhiên trở nên hơi
nặng nề.
Sự
kiện xảy ra khiến tôi suy nghĩ. Nếu đứng trên phương diện tôn giáo và
đức tin thì dĩ nhiên phải tuân theo giới luật quy định. Nhưng nếu đứng
trên góc nhìn thông thoáng một tí, thì tôn chỉ và mục đích của bất cứ
tôn giáo nào cũng muốn mọi người được sống vui vẻ và hạnh phúc. Nghiêm
trang và cảm thông cũng như mọi sự việc trên đời đều như hai mặt của một
đồng tiền bổ túc lẫn nhau để thể hiện sự toàn diện và viên mãn.
Tất
cả giới luật trong Phật giáo không nhằm mục đích ràng buộc bất cứ một
ai. Luật lệ xã hội cũng chỉ nhằm ngăn ngừa những lỗi lầm để cho con
người sống có hạnh phúc. Nhưng tất cả đều tùy theo hoàn cảnh và phương
tiện mà du di để con người được an lạc. Ví dụ, nếu chúng ta bị giấy phạt
vì vượt đèn đỏ, sau đó chúng ta yêu cầu được lên tòa giao thông xin
trình bày lý do vi phạm luật đi đường, lỗi ấy không phải là một hành vi
cố tình, mà vì hôm đó thắng xe bị trở ngại đột ngột, chúng ta nhận sai
sót này. Thường thì luật và quan tòa sẽ châm chước và giảm khinh án phạt
cho sự cố trên.
Đó
là sự linh động của luật lệ, thế nên trong giới luật Phật pháp có bốn
phần: Khai, giá, trì, phạm (開遮持犯). Khai là mở, giá là ngăn che, trì là
giữ, nếu không giữ được là phạm. Ví dụ người xuất gia thì không được va
chạm với phụ nữ, nhưng nếu gặp trường hợp nhìn thấy một phụ nữ bị té ngã
mà không ra tay cứu giúp vì phải giữ giới thì thiết nghĩ sự dửng dưng
đó không hợp lý hợp tình. Thực sư giới luật trong nhà Phật tức là đạo
đức, chúng ta giữ giới nhằm tăng trưởng đạo đức của con người. Như vậy
chúng ta còn gì đạo đức khi thấy người khác gặp nạn mà không ra tay cứu
giúp. Trong khi cứu giúp mà cần phải bồng bế nhưng tâm không bao giờ có
sự đen tối ô uế hay tà ý, chỉ nhằm mục đích cứu người chớ không có bất
cứ một sự lợi dụng nào cả. Như vậy, thiết nghĩ tu sĩ ấy không phạm giới,
nói đúng hơn vị tu sĩ ấy biết cách giữ giới.
Người
có đạo ắt có đức nên gọi là đạo đức. Chúng ta theo đạo không phải để
bái kính hay tôn thờ một đấng thần linh tối thượng nào, mà là giữ giới
để làm tròn nhân cách của mình. Giới là đạo đức, càng giữ giới thì nhân
cách càng thanh cao.
Năm
2004, pháp sư Tịnh Không đến Bắc Kinh hoằng pháp, tạm trọ ở Nhà Hàng
Quốc Tế tại Bắc Kinh. Một hôm tình cờ gặp một đồng tu rất thân, là
thương gia nổi tiếng tại địa phương. Hôm đó vị đồng tu chủ trì hôn lễ
cho con trai và có nhã ý mời Sư làm người chứng hôn mặc dù người bạn ấy
trước đó đã mời chủ tịch cục chánh hiệp Bắc Kinh đảm trách vai trò chứng
hôn rồi. Nếu hôn lễ được một tăng một tục cùng chứng hôn thì hôn lễ sẽ
càng có ý nghĩa và tròn đẹp. Khi được biết con dâu là người Nhật và
khách đến dự hôm đó gồm nhiều viên chức đại sứ quán Nhật, cán bộ trong
bộ nội vụ Bắc Kinh cùng nhiều thương gia nổi tiếng địa phương. Đây là cơ
duyên hiếm có để giới thiệu Phật pháp cho giới thượng lưu ít có cơ hội
tiếp xúc đạo lý không môn, cho nên Sư đồng ý nhận làm chứng hôn.
Sự
hiện diện của Sư Tịnh Không hoàn toàn nằm ngoài dự tính, cho nên buổi
tiệc toàn là đồ mặn. Sư tùy duyên dùng rau cải bên cạnh thịt cá. Cuộc
vui nào đương nhiên đều có mời rượu để mọi người chúc phúc nhau. Sư
tuyên bố chỉ nhấp ly nhỏ. Có người cho rằng “Sư Tịnh Không” phá giới,
nhưng Sư nói đó là khai duyên, bởi vì Sư không có dự tính tham dự buổi
tiệc thế tục và mời rượu chúc phúc cho hôn lễ. Học Phật phải được lợi
ích chân thật, vậy lợi ích chân thật là biết áp dụng nguyên tắc khế lý
khế cơ vào đời sống hằng ngày. Khế lý: “khế” tức là hợp, “lý” tức là
chân lý. có nghĩa là phù hợp với đạo lý, pháp lý. Khế cơ : có nghĩa là
phù hợp với từng hoàn cảnh, từng căn cơ của người nghe. Phật hiểu được
căn tánh của chúng sanh mà tùy nghi hóa độ, đưa ra những phương tiện để
dẫn dắt chúng ta đi đến chánh pháp. Nếu quá nghiêm khắc chấp trước trong
việc hoằng đạo, không trắng là đen, không kiên thủ thì có tội, thì
nhiều người sẽ e ngại và không muốn tiếp xúc với Phật pháp.
Trở
lại câu chuyện buổi hôn lễ, trong khi mời rượu, chủ hôn mời Sư nói vài
lời chúc phúc cô dâu chú rể, đây là cơ duyên hoằng pháp rất khế cơ khế
thời. Mở đầu, Sư giới thiệu sơ lược về Phật pháp. Nhờ vậy mà có nhiều
người đã hiểu thêm và chấp nhận Phật pháp. Sư giải bày giáo lý nhà Phật
không ràng buộc bất cứ điều gì trong cuộc sống, giới luật nhà Phật linh
động uyển chuyển, giữ giới là giữ nhân cách để cuộc sống được hạnh phúc
cho chính bản thân và người khác.
Khai
giới là lợi ích cho chúng sinh, trì giới là lợi ích cho chính mình. Nếu
cứ khư khư giữ giới tu trì mà không nghĩ đến hạnh phúc của người khác
thì không phù hợp với giáo lý của đạo Phật là từ bi chúng sanh, cứu nhân
độ thế. (Trích lục từ buổi khai thị "A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung
kinh"(阿難問事佛吉凶經)15-13-57).
Khoảng
3000 năm trước thời Phật còn tại thế, chư tăng phải giữ giới thanh quy,
chỉ đi trì bình thác bát, khất thực nuôi thân và không được giữ tiền.
Thời gian trôi qua, cuộc sống xã hội đã thay đổi, chư tăng không thể
ngày ngày ôm bình đi khất vì có thể bị hiểu lầm là loại sâu mọt xã hội.
Thế nên Tổ thiền tông Bách Trượng Hoài Hải đã lập ra một thanh quy "nhất
nhật bất tác, nhất nhật bất thực" (một ngày không làm, một ngày không
ăn). Xã hội công nghiệp ngày nay, chú trọng hiệu quả kinh tế, nhiều nhà
chùa không còn ngồi chờ bá tánh cúng dường, do đó, một số chùa tự sản
xuất thực phẩm, nhang đèn để tự lực cánh sinh. "Sống là làm" đã trở
thành một triết lý tự nhiên trong đời sống cũng như tu hành để không ăn
cơm của chùa và bá tánh một cách uổng phí.
Chư
tăng ngày nay không thể đi bộ để hoằng pháp như thời đức Phật, nếu
không giữ tiền, ai cho lên xe. Đừng vì thế mà bảo là phạm giới.
"Phật
pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác" (佛法在世間,不離世間覺), sự tồn tại của
Phật Giáo là hướng dẫn con người có một cuộc sống chơn thiện mỹ, và trở
thành người có nhân cách đạo đức toàn thiện. Phật pháp tồn tại vì đời
người. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà
có. Vì vậy thế gian pháp tức Phật pháp, Thế sự biến thiên vô thường,
Phật pháp cũng có thể uyển chuyển linh động. Tinh thần giới luật của
Phật phải tùy cơ, tùy thời và tùy xứ. Vì thân tâm thanh tịnh và sự ổn
định của xã hội mà giữ giới; vì từ bi hỷ xả và lợi ích chúng sinh mà
khai giới. Giới luật đưa đến trí tuệ, dùng trí tuệ hướng dẫn giới luật
mà không bị giới luật một mực cấm chế để rồi làm mất đi giá trị thâm
thúy thiêng liêng của giáo lý nhà Phật.
Trường
02-22-2023
nguồn :http://tneu.blogspot.com/
Mời Xem :Bao Dung - Tác Giả : Lý Trinh Trường
bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa