Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Vật giá ngày xưa - Tim Nguyễn

Sẵn chuyện lạm phát hiện nay đem chuyện vật giá ngày xưa ra nói chơi cho vui. Tất nhiên, những chi tiết trong bài này không chính xác như thống kê mà chỉ là vài ghi chép về lương tiền, vật giá từ 1932 đến 1971 do một nhà báo (không rõ tên) đăng trong báo xuân Đuốc Nhà Nam năm 1971.

 

Sinh hoạt đường phố rất an nhiên tại Chợ Lớn những năm cuối thập niên 1960 (Ảnh: Nguyễn Bá Mậu)   

 

Tôi xin trích lược và bổ sung thêm một số chi tiết từ tư liệu riêng, nói về cuộc sống của dân chúng lao động bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1930. Cuộc khủng hoảng kinh tế này ảnh hưởng đến đời sống toàn bộ hành tinh, kể cả xứ Ðông Dương dưới sự cai trị của người Pháp. Giá cả sinh hoạt tăng nhưng xem ra cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, ngoại trừ ngành xây dựng, mua bán địa ốc chựng lại. Nhà cửa cho thuê ế ẩm, người thuê mướn nhà kiếm không đủ tiền trả cho chủ, ở lì năm ba tháng mà chủ vẫn không dám đuổi. Vì đuổi, họ cũng không biết đi đâu và người mới mướn nhà chẳng có lắp vào. Chủ nhà và người mướn tạm thoả thuận với nhau, có tiền ít trả ít, chờ ngày mai tươi sáng.

 

Thuở năm 1932-1933, vẫn còn bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, giá lúa có 24 xu một giạ, gạo thì chỉ có 1 đồng 20 một tạ. Trong khi lương một người làm công cho chủ được 3 đồng, nhà chủ nuôi cơm. Vậy sống nổi không? Dư dả quá đi chớ. Cơm chủ nuôi, 3 đồng lương đó trả tiền nhà, tiền mua gạo nuôi gia đình hoàn toàn không khó khăn, nếu chi tiêu đúng mực. Trứng gà hột vịt lúc ấy giá 1 cắc tức 10 xu một chục. Mắc hay rẻ? Nếu đem ra so với một tô mì Tàu giá 3 xu, thuốc lá Bastos 3 xu một bao, một tách cà phê vợt 2 xu, thì với 3 đồng lương nhân công dư sức nuôi chính mình và cũng có thể nuôi cả vợ con.

 

Ðến năm 1938 và nhất là vào năm 1940, Nhật Bổn tràn qua Việt Nam để “cùng với Pháp phòng thủ Ðông Dương”, giá sanh hoạt lên. Giá lúa tăng lên 4 cắc một giạ, gạo giá 2 đồng 40 một tạ. Như vậy, sau 8 năm, giá lúa gạo tăng 100%. So sánh với lương một công chức có bằng Thành chung (tức lớp 9 bây giờ), làm thư ký công nhật tập sự mỗi tháng lãnh được 25 đồng. Người nào vô ngạch lãnh hơn vài đồng. Giá thịt heo bán ngoài chợ 1kg 5 cắc, nước mắm 1 lít 40 xu. Cụ thể nếu ăn một bữa cơm đơn sơ ở tiệm chỉ một món: Một cắc thịt heo quay hoặc một tô canh cải bắc thảo có hột vịt, mỗi thố cơm 2 xu, 3 thố cơm hết 6 xu, trọn bữa ăn là 16 xu. Nếu viên công chức cấp thấp nói ở trên, ăn cơm tiệm một ngày hai bữa tốn 32 xu và cà phê, thuốc lá điểm tâm buổi sáng chừng 10 xu nữa thì chi tiêu mỗi tháng cho tiền ăn uống tốn hết phân nửa số lương. Phần nửa lương còn lại chi tiêu cho tiền thuê nhà, quần áo, lặt vặt sinh hoạt cá nhân, dễ dàng nuôi sống được bản thân.

 

Một bữa ăn trưa của trẻ con phụ lặt vặt ở chợ kiếm tiền nuôi sống bản thân (Nguồn: Manhhaiflick)

 

Những vật giá khác tác giả cũng đem ra soi, tuy thật sự không phục vụ cho việc thiết yếu tiêu dùng nhưng có giá trị để tham khảo. Chẳng hạn, một xe hơi Chevrolet mới 3,000 đồng, xe hiệu Delage 4,000 đồng. Trong khi đó xe đò là phương tiện giao thông lại rẻ hơn nhiều so với xe hơi cá nhân. Một chiếc xe đò loại nhỏ, hiệu Citroen Diesel mới toanh có giá từ 2,000 đến 2,200 đồng. Xe xài rồi bán lại có 1,200 đồng. Xe đạp phương tiện cá nhân thuở đó đã phổ biến nhưng không phải người lao động có thể sắm được, trừ dân công chức hay thầy cô giáo dạy học. Xe đạp loại tốt từ 20 đến 25 đồng. Giá vé xe lửa tốc hành Sài Gòn – Hà Nội 13 đồng một người (vé hạng tư) xem ra khá đắt đỏ, vé tàu đò đi từ Trà Vinh lên Sài Gòn 20 xu một người.

 

Giá bán nhựt trình như sau: Ðiện Tín, Sài Gòn 5 xu, Dân Báo 2 xu… Giá báo so ra không phải chăng với thu nhập của dân công chức nhưng với dân chúng lao động bình dân thì khác, chẳng hạn cu li bốc vác ở cảng mỗi ngày được 5 đến 7 cắc, tức mỗi tháng từ 15 đến 20 đồng. Dân lao động thường năm ba người hùn nhau mua một tờ báo đọc giải trí, biết thêm tin tức nóng hổi. Còn không, ra sạp báo coi cọp cho khỏi tốn tiền.

 

Riêng công chức cao cấp và quan chức thì tiền lương rất khá, nếu không nói là quá hậu hĩnh. Hồi đó, lương căn bản tính theo bảng điểm giống như chỉ số bây giờ, từ 220 điểm đến 490 điểm và hạng cao cấp như các ông Huyện, Phủ, Ðốc phủ (Cadre supérieur) từ 480 điểm đến 1,100 điểm. Mỗi điểm tính 12 đồng 20 xu. Ngoài lương căn bản còn có phụ cấp gia đình: vợ 600 đồng, con 500 đồng/đứa, cho đến đứa thứ năm. Phụ cấp chức vụ (như trưởng phòng) được 1,200 đồng còn được trợ cấp tiền nhà 500 đồng, tiền điện nước 200 đồng. Ngoài ra, còn có thể được cấp tiền “gia nhân” hơn 1,000 đồng đối với các quan lớn.

 

Cuộc sống tại Sài Gòn vẫn diễn ra bình thường mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn do đồng tiền mất giá (Nguồn: Manhhaiflick)

 

Ðồng lương và phụ cấp của công chức cao cấp và quan chức thuở thuộc Pháp như vậy quả là sung sướng nhất đời. Còn dân lao động sống tạm được nhưng nếu có vợ con thì khá chật vật.

 

Từ năm 1948, bắt đầu lấy chỉ số để tính lương căn bản. Chỉ số cao nhất cho công chức là 1,200 (ngành thẩm phán). Công chức hành chánh cao nhất 1,160, thấp nhất 150. Chỉ số này nhân với giá trị 21 đồng (nếu trừ hưu liễm còn 19 đồng 80 xu) sẽ ra mức lương. Ví dụ mức lương ở chỉ số 1,160 thì lãnh 22,968 đồng (đã trừ hưu liễm). Ngoài lương căn bản, công chức còn được phụ cấp chức vụ và phụ cấp đắt đỏ (chênh lệch lạm phát).

 

Về phụ cấp gia đình: vợ 1,100 đồng, con mỗi đứa 1,050 đồng (đến 18 tuổi nếu còn đi học), nhà ở 650 đồng. Phụ cấp chức vụ thì tuỳ theo: 1,600 đồng (chủ sự), 3,000 đồng (chánh sở), 5,000 đồng (giám đốc)…

 

Trong khi đó, giá sanh hoạt như sau: Hồi tháng 7-1965: Gạo số 1 giá 702 đồng một tạ, gạo dài 15% tấm giá 790 đồng một tạ, gạo Nàng Thơm chợ Ðào: 934 đồng một tạ; cá trung bình 69 đồng một ký. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức tháng 12-1965; giá thịt heo từ 60 đồng tăng đến 150 đồng một ký. Heo hơi giá 5,800 đồng một tạ. Giá vàng (hồi tháng 10) có giá 8,700 đồng một lượng.

 

Dân công chức Sài Gòn ăn sáng uống cà phê mỗi ngày (Nguồn: Manhhaiflick)

 

Ðến năm 1970, gạo tăng giá gần gấp 10 lần, tức gần 7,000 đồng một tạ; thịt heo tăng 5 lần, tức giá 800 đồng một ký; hột vịt 22 đồng/chục, hột gà 30 đồng/chục. Vàng tăng lên 23,000 đồng một lượng. Hớt tóc 100 đồng, giày 2,000 đồng một đôi, xe đạp 8,000 đồng đến 10,000 một chiếc, một toa thuốc vô “phạc-ma-xi” nhẹ lắm cũng ngàn bạc.

 

Tiền mướn nhà phố từ 4,000 đến 5,000 đồng/tháng. Sang một căn phố để ở, trong hẻm: nửa triệu đồng. Ðây là loại nhà phố khang trang, đúng tiêu chuẩn 4m x 20m có một lầu đúc.

 

Tôi nhớ rất rõ một sự kiện lớn trong gia đình tôi vào năm này. Ðó là chuyện mua lại ngôi nhà của bác Ba, sát cạnh căn nhà ba má tôi ở thuê với giá 250,000 đồng. Thật ra vào năm 1968, ba tôi đã mua được căn nhà giá rẻ ở cư xá Phú Lâm B dành cho quân nhân và cảnh sát có nhu cầu nhà ở. Do vùng ngoại ô này vẫn còn hoang vắng và xa trung tâm thành phố nên ba tôi quyết định tiếp tục thuê nhà tại quận 10 để con cái có điều kiện đến trường gần nhà. Ba tôi nói chuyện với bác Ba, chờ khi bán được căn nhà ở Phú Lâm sẽ mua lại nhà của bác cho tiện. Chỉ vài tháng sau, căn nhà ở Phú Lâm bán được và việc thực hiện mua bán của hai bên giải quyết nhanh chóng nhẹ nhàng. Bác Ba không cần phải treo biển bán nhà và có thời gian thu xếp chuyện hồi hương về Long Xuyên. Căn nhà ở Phú Lâm có diện tích 80 mét vuông, đồng giá với căn nhà ở quận 10 rộng 40 mét vuông nằm trong hẻm sâu. Căn nhà này cất hồi năm 1954 với giá 20,000 đồng.

 

Năm 1970, cũng là năm bắt đầu cuộc đại lạm phát tại Mỹ làm điêu đứng đời sống người dân. Và việc lạm phát này cũng ảnh hưởng toàn thế giới. Khi đó đồng tiền VNCH mất giá trầm trọng, tỷ giá hối đoái 1 đô la vào năm 1970 được 400 đồng. Lương quân nhân ba tôi lãnh mỗi tháng hơn 25,000 đồng chuyển ra đô la được 62 đô/tháng cho một gia đình có tổng cộng 10 miệng ăn.

 

Tim Nguyễn


 Xem Thêm :

THẦY GIÁO NHÀ VÂN NGƯỜI VIỆT GỐC HOA ,KỂ CHUYỆN VỀ GIÁO DỤC TRƯỚC 75

1 nhận xét: