Tại sao không nói “làm một giờ”, “làm hai giờ” mà nói “làm một tiếng”, “làm hai tiếng”?
Ở Trung Hoa ngày xưa người ta dùng dụng cụ chỉ giờ “chạy” bằng nước. Về đại thể, nó gồm có hai phần. Phần trên, chứa nước, có lỗ cho nước chảy xuống. Ở phần dưới, có cắm một cái cọc chia thành một trăm vạch (Mặt đáy được coi là một vạch, coi như có tất cả 101 vạch). Khoảng cách giữa 2 vạch chỉ một khoảng thời gian bằng 1/100 thời gian của một ngày-đêm, tức 14 phút 24 giây. Người ta cứ theo nước đã ngập được bao nhiêu vạch mà tính được bao nhiêu lần 1424” đã trôi qua. Vì thứ dụng cụ đo giờ đó hoạt động theo đặc điểm đã nói trên, nên người ta gọi nó là lậu hồ (= hồ nhỏ giọt) và vì lậu hồ thường làm bằng đồng nên người ta cũng gọi nó là đồng hồ. Vậy đồng hồ là dụng cụ đo giờ, chỉ giờ của thời xưa.
Khi máy chỉ giờ của phương Tây du nhập vào Việt Nam thì người nước ta cũng gọi nó là đồng hồ, mặc dù đó không phải là cái hồ bằng đồng. Đồng hồ của phương Tây lại thường là đồng hồ gõ kiểng (= đánh chuông), cứ mấy giờ thì gõ mấy tiếng (không kể phần nhạc mở đầu). Vậy tiếng kiểng đồng hồ là dấu hiệu chỉ thời gian. Một tiếng kiêng đồ là một lần một giờ đã trôi qua. Tiếng kiểng (hoặc tiếng chuông) đồng hồ, nói gọn thành tiếng đồng hồ, gọn hơn nữa là tiếng, do đó đã được dùng theo phép hoán dụ (lấy dấu hiệu của hiện tượng để chỉ hiện tượng) để chỉ khoảng thời gian đã nói. Vậy làm một tiếng, làm hai tiếng cũng có nghĩa là làm một giờ, làm hai giờ đó thôi.
Nhân tiện, xin nói thêm rằng tiếng khắc (= 15 phút) cũng là hệ quả của một sự chuyển nghĩa theo phép hoán dụ. Những vạch trên cái cọc cắm ở phần dưới cái lậu hồ, tiếng Hán khắc. Khi nước ngập thêm một khắc là lại thêm một lần thời gian 14’24” trôi qua như đã nói. Do đó mà người ta dùng khắc theo phép hoán dụ để chỉ khoảng thời gian này. Do điều chỉnh theo đồng hồ Tây mà ngày nay 1 khắc mới bằng 15 phút. Vì vậy, tính theo đồng hồ Tàu thời xưa thì một ngày đêm có 100 khắc, nhưng tính theo đồng hồ Tây ngày nay thì chỉ có 96 khắc mà thôi.
đồng hồ rất phổ thông
Trả lờiXóa