Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

BÀI 2 : NGHĨA CỦA “TỰ VỊ”, “TỪ ĐIỂN” TRONG SÁCH TRA NGHĨA TIẾNG NHẬT

BÀI 2 NGHĨA CỦA “TỰ VỊ”, “TỪ ĐIỂN”

TRONG SÁCH TRA NGHĨA TIẾNG NHẬT

 

Nguyễn Sơn Hùng

***

  1. Lời mở đầu

Ở “Bài 1 Nghĩa của “Tự Vị”, “Tự Điển” trong Sách Tra Tiếng Việt”, người đã giới thiệu và khảo sát nội dung giải nghĩa của tiếng Việt. Trong bài này người viết sẽ giới thiệu cùng một đề tài cho trường hợp của tiếng Nhật và sơ lược về đặc điểm cách biên soạn của các sách.

 

  1. Những từ tiếng Nhật dùng để chỉ loại sách tra nghĩa của tiếng Nhật

Những từ tiếng Nhật dùng để chỉ loại sách tra nghĩa tiếng Nhật có khoảng 8 từ:

  • Ngữ vị語彙 (đọc: goi)
  • Tự vị 字彙 (jii)
  • Từ vị辞彙 (jii)
  • Tự thư字書 (jisho)
  • Từ thư辞書 (jisho)
  • Tự dẫn字引 (jibibi) (là tiếng riêng của Nhật, không phải từ Hán Hòa)
  • Tự điển字典 (jiten)
  • Từ điển字典 (jiten)

Chúng ta có thể thấy cách đọc từ tự từ giống nhau nên phải có chữ Hán kèm theo mới phân biệt được. Đây là một điều có mặt bất lợi nhưng cũng có mặt hữu ích của chữ Nhật viết bằng tiếng Hán.

Sau đâu thử xem các sách tra nghĩa tiếng Nhật giải thích nghĩa của 8 từ trên như thế nào.

3./ Nội dung giải nghĩa của các từ điển tiếng Nhật

Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (Viết tắt: ĐQN)

Sách do Kindaichi Kyosuke và các nhà biên soạn Kôjien biên soạn, nguyên bản đầu tiên 1972~76, 1997 phiên bản in nhỏ lần thứ 15, nhà xuất bản Shogakukan. (Người viết tham khảo ở thư viện gần nhà)

- Ngữ vị (Vị còn đọc là vựng)

“(Vị: tập hợp, chỉ tập hợp của thứ cùng loại)”

(1)   “Tập hợp của đơn ngữ. Tổng thể (toàn thể) các đơn ngữ mà một ngôn ngữ (như tiếng Nhật) có được, tổng thể các đơn ngữ mà một cá nhân có được, tổng thể các đơn ngữ được sử dụng trong một tác phẩm, hoặc tổng thể các đơn ngữ được xếp loại chung với nhau theo một quan điểm nào đó” (Phần trên là nội dung giải nghĩa của từ điển, viết trong “ ” để phân biệt với nội dung của người viết). Kế tiếp trích dẫn 2 thí dụ dùng từ ngữ vị với nghĩa trên, ghi rõ tên tác phẩm, tên tác giả và tên tiết mục của câu trích dẫn. Trường hợp này cả 2 đều là tác phẩm của Nhật Bản.

Đơn ngữ (word): đơn vị nhỏ nhất vẫn có nghĩa khi đứng một mình, có thể xem tương đương như tiếng của tiếng Việt). Do đó không thể dùng từ ngữ vị hoặc ngữ vựng để chỉ đơn ngữ (word) như: bạn, bạn bè, bằng hữu... Vì nghĩa của vị (vựng) là một tập hợp, một nhóm cùng loại chứ không phải một tiếng, một từ cá biệt. Nhiều người thường dùng ngữ vựng để chỉ word, đây là cách dùng sai.

(2) “Sách ghi chép lại các đơn ngữ theo một thứ tự nhất định. (Trích dẫn tên của loại sách này) Tập “Ngữ Vựng” do Phòng Biên Tập của Bộ Giáo Dục (Minh Trị năm thứ 4). Sách “Cận Tùng Ngữ Vị” của Thượng Điền Vạn Niên và Higuchi Yoshichô”. (Sách này xuất bản năm 1930) (1).

(3) “(Cách nói theo thói quen, không phải là cách nói chính thức trên văn bản, sách vở) Tập hợp của các đơn ngữ được xếp cùng loại của một đơn ngữ nào đó”.

- Tự vị (danh từ)

Trường hợp 1

(1) “Sách tập hợp các chữ Hán và xếp loại theo thứ tự, giải thích cách đọc và nghĩa. (Cùng nghĩa với) Tự thư”. Kế tiếp trích dẫn 1 thí dụ dùng từ tự vị với nghĩa trên, ghi rõ tên tác phẩm (NB), tên tác giả và tên tiết mục của câu trích dẫn.

(2) “Đồng nghĩa với từ vị”. Kế tiếp trích dẫn 1 thí dụ dùng từ tự vị với nghĩa trên, ghi rõ tên tác phẩm (NB), tên tác giả và tên tiết mục của câu trích dẫn.

Trường hợp 2

“Tên của tự thư do Mai Ưng Tộ thời Minh biên soạn. Gồm 12 tập. Ngoài ra còn có tập đầu và tập cuối”. Trích dẫn thêm một câu có dùng từ Tự Vị có nghĩa là tên sách này của một tác phẩm Nhật Bản, đồng thời ghi tên tác giả và tên tiết mục của câu trích dẫn. (Sách “Tự Vị” này soạn xong vào năm 1615 gồm có 33.179 chữ trong 14 tập).

 - Từ vị (danh từ)

    “Sách tập hợp và phân loại kotoba (tiếng, lời nói). Có nhiều loại, có thứ chỉ ghi ra tiếng nước khác tương đương của kotoba, có thứ giống như danh sách liệt kê (index) để tra vị trí của kotoba; có thứ giải thích nghĩa giống như từ thư. (Đồng nghĩa với) Tự vị.

  Một điểm thú vị của giải thích trên, đối với từ vị thì “có thứ chỉ ghi ra tiếng nước khác” nhưng đối với tự vị thì không thấy đề cập đến. Tiếng nước khác có lẽ là tiếng ngoài tiếng Hán.  Điều này cũng thấy ở trường hợp của tự thưtừ thư.

- Tự thư (danh từ)

(1) “Sách tập hợp các chữ Hán và xếp loại theo thứ tự, giải thích cách đọc và nghĩa. (Cùng nghĩa với) Tự điển”. Trích dẫn câu dùng từ tự thư với nghĩa này trong một tác phẩm Nhật Bản tên “Tướng Môn Ký”, sách kể lại chi tiết của loạn Bình Tướng Môn ở vùng Kantô vào giữa thế kỷ thứ 10. Trích dẫn câu trong Giang Thức Truyện của sách Ngụy Thư (2).

Phần Liệt Truyện của sách Ngụy Thư soạn xong vào năm 554 như vậy từ tự thư đã có từ năm này.

(2) “Giống nghĩa (1) của từ thư”. Trính dẫn câu có từ này trong “Tây Quốc Lập Chí Biên” do Nakamura Masanao dịch, đoạn 8.11. Thêm 2 trích dẫn khác của Tokutomi Roka (1868~1927) và của Mori Ôgai (1862~1922) (cả hai đều từ thời Minh Trị về sau).

(Ghi chú: “Tây Quốc Lập Chí Biên” do Ginkadô xuất bản năm Minh Trị thứ 21 (1888))

(3) “Chữ Hán và sách chữ Hán. Những tài liệu viết bằng chữ Hán”. Trích dẫn một thí dụ trong tác phẩm của Nhật Bản.

- Từ thư (danh từ)

(1) “Sách sắp xếp kotoba (tiếng, lời nói), moji (văn tự) theo một quan điểm nào đó, ghi chép cách đọc, nghĩa, tên gọi cho các từ điển tiếng nước ngoài, từ điển Hán Hòa, từ điển quốc ngữ. Trong từ điển quốc ngữ, ngoài loại thông thường, còn có loại từ điển bách khoa, từ điển địa danh, từ điển tên người; loại từ điển giới hạn thời đại, lĩnh vực, tác phẩm; loại từ điển biên tập các dụng ngữ chuyên môn của các ngành chuyên môn; loại từ điển tập hợp các loại tiếng có tính cách đặc biệt như tiếng địa phương, ẩn ngữ (tiếng lóng, tiếng mà chỉ có người trong nghề mới hiểu được như tiếng của những người trộm cắp....), tiếng ngoại lai (tiếng Nhật có nguồn gốc từ nước ngoài trừ tiếng Hán), loại từ điển về cách biểu hiện diễn tả v.v...về nội dung có nhiều loại khác nhau. (Đồng nghĩa với) Từ điển, tự dẫn (jibibi), tự thư”. Trích dẫn 4 thí dụ trong các tác phẩm của Nhật Bản.

(2) “Văn thư trình bày lý do từ chức, thôi việc”.Trích dẫn 5 thí dụ trong các tác phẩm của Nhật Bản.

(3) “Văn bản tỏ ý từ khước của vị vua trước, khi vua mới dâng tặng tôn hiệu cho vị vua trước (thái thượng). (Đồng nghĩa với) Ngự từ thư, ngự báo thư”.

(4) “Lời nói và văn chương”. Trích dẫn 1 thí dụ của tác phẩm Nhật Bản.

  - Tự dẫn (jibibi)

(1) “Sách tập hợp các chữ Hán, sắp xếp theo một thí dụ nhất định đã định sẵn trước, giải thích phát âm, nghĩa chữ và thí dụ về cách sử dụng của các chữ này. (Đồng nghĩa với) Tự thư, tự điển”. Trích dẫn 2 thí dụ trong 2 tác phẩm NB.

(2) “Đồng nghĩa với từ thư”. Trích dẫn 2 thí dụ trong 2 tác phẩm NB.

Trong giải thích nghĩa của tự dẫn giới hạn chữ Hán nhưng trong thực tế bao gồm cả các kotoba (ngữ, tiếng). Có thể do soạn giả cố chấp vào chữ tự trong từ tự dẫn. Ngoài ra, tự  dẫn đồng nghĩa với từ thư, nghĩa là cuối cùng không có phân biệt giữa tựtừ, không hiểu tại sao?

  - Từ điển (danh từ)

(1) “Cách gọi tương đối mới của từ thư với nghĩa (1). Được dùng phổ biến cho tên của từ thư vào thời Minh Trị. (Trích dẫn) Minh Trị năm thứ 11 (1878), “Nhật Bản Tiểu Từ Điển” của Mozume Takayo (Vật Tập Cao Kiến). Minh Trị thứ 21 (1878), “Hòa Hán Nhã Tục ABC Từ Điển” của Takahashi Gorô (Cao Kiều Ngũ Lang). Minh Trị thứ 29 (1896) “Nhật Bản Đại Từ Điển” của Ôwada Takeki (Đại Hòa Điền Kiến Thụ) (nguyên văn của ABC là iroha). Minh Trị thứ 45, “Đại Từ Điển”của Yamada Bimyo (Sơn Điền Mỹ Diệu)”. Trích dẫn thêm một câu của một tác phẩm Nhật Bản có dùng từ này.

  Đối với từ sự điển事典(jiten), từ điển giải nghĩa như sau: “sách tập hợp các tiếng liên quan về diễn tả sự vật, sắp xếp theo một thứ tự nhất định và giải thích. (Đồng nghĩa với) Bách khoa sự điển....

 Tóm tắt (1)

Để dễ so sánh nội dung giải thích giữa các từ điển ở đây tóm tắt nội dung trên như sau:

(a) Ngữ: đơn ngữ, tiếng đứng một mình cũng có nghĩa; tự: chữ Hán; từ: đơn ngữ và chữ Hán.

(b) Ngữ vị (vựng): tập hợp đơn ngữ trong một phạm vi giới hạn nào đó, và không có giải nghĩa.

(c) Tự vị = từ vị : có giải nghĩa (theo giải nghĩa 2 của tự vị)

(A): Tự thư = từ thư = tự điển (theo giải nghĩa 1 và nghĩa 2 của tự thư).

(B): Từ thư = từ điển = tự dẫn (jibiki) = tự thư

(C): Từ dẫn = tự thư = tự điển = từ thư (theo giải thích 2 nghĩa của tự dẫn).

   Từ (A) (B) và (C) suy ra như sau:

  (d) Tự thư = từ thư = tự dẫn = tự điển = từ điển

(e) Trong Giang Thức Truyện của sách Ngụy Thư (năm 554) đã có từ tự  thư.

(f) Từ điển được dùng phổ biến cho tên của từ thư vào thời Minh Trị.

Người viết không hiểu tại sao dùng từ đơn ngữ và chữ Hán để phân biệt khi giải thích tự vị từ vị nhưng lại nói cả hai cùng nghĩa, lại không có lời giải thích. Tương tự cho trường hợp của tự thư từ thư, tự dẫn và từ thư/điển.

Nên lưu ý theo từ điển này, không có đề cập sự đồng nghĩa giữa tự/từ vị tự/từ thư hoặc tự/từ điển, tự dẫn và từ thư/điển.

Tân Minh Giải Quốc Ngữ Từ Điển (Viết tắt: QN)

(Ý nói là từ điển quốc ngữ với giải thích mới mẻ và rõ ràng) của Kindaichi Kyosuke (phiên bản thứ 4:1989, ấn loát lần thứ 14:1994) (phiên bản đầu: 1972), nhà xuất bản: Sanseido.  (Sách của con người viết để lại)

- Ngữ vị (Vị còn đọc là vựng)

(1) “Tổng thể các ngữ (tiếng) (cách nói) được dùng trong một phạm vi nào đó. (Thí dụ) ngữ vựng cơ bản, ngữ vựng sơn thôn.

(2) “Tổng thể các ngữ (tiếng) (cách nói) của một cá nhân. (Thí dụ) Người đàn ông có ngữ vựng nghèo nàn trong sách Chikamatsu ngữ vựng”.

Trong từ điển này giải nghĩa của “ngữ: kotoba (dzukai) (tiếng (cách dùng)). Ở nghĩa đen chỉ đơn ngữ (tango)”. Trong từ điển này không có giải nghĩa của từ tự/từ vị (vựng).

 - Tự dẫn (jibiki)

Ji (tự) nghĩa là chữ, biki là danh từ của động từ hiku, chữ Hán viết bằng chữ dẫn. Từ điển này giải nghĩa động từ hiku như sau:

  1. “Nắm một đầu của vật đó đem về gần phía của mình. (Thí dụ): kéo lưới, kéo (giương) cung.
  2. “Trong một đám (nhóm) đồ vật, lấy ra vật cần thiết (giữ nguyên hình của vật đó). (Thí dụ) nhổ củ cải (kéo ra từ trong đất); trích dẫn thí dụ (lời nói); tra từ điển...

Còn nhiều nghĩa khác nhưng ở đây xin được tỉnh lược.

Từ điển giải nghĩa tự dẫn như sau:

“Cách nói thông thường bình dân (thông tục), cách nói xưa để diễn tả ý của tự thư, tự điển”.

 - Từ thư

“Sách viết cách phát âm, ý nghĩa, cách dùng những lời (tiếng) (kotoba) được sắp xếp theo thứ tự dễ tra mà người thường ai cũng biết. Còn viết là tự thư”.

 - Tự điển, từ điển, sự điển (jiten)

Sách này giải thích 3 nghĩa của từ có cùng âm đọc jiten này như sau:

  1. Tự điển: cách biểu hiện theo chữ Hán của tự thư”.
  2. Từ điển: cách nói mới của từ thư. (Nghĩa rộng) bao gồm cả tự điển sự điển”.
  3. Sự điển: cách nói vắn tắt của từ bách khoa sự điển”.

“Có trường hợp để phân biệt người ta gọi (2) là kotobaten và (3) là kototen”.

 Tóm tắt (2)

   Nội dung trên tóm tắt nội dung trên như sau:

(a)    Ngữ vị (vựng): tập hợp của ngữ (nghĩa đen: đơn ngữ, nghĩa rộng: kotoba (tiếng)) trong phạm vi với hạn.

(b)   Từ thư: sách giải thích cách đọc và nghĩa của kotoba (tiếng)

(A)Tự dẫn: cách nói bình dân của tự thư, tự điển

(B)  Từ thư = tự thư (từ thư cũng viết tự thư)

(C)  Tự điển (nghĩa hẹp)= tiếng gọi mới của tự thư

Từ (A), (B), (C) suy ra như sau:

  1. Tự dẫn = tự thư = từ thư = tự điển = từ điển
  2. Từ điển (nghĩa rộng) = tự điển + sự điển

Tân Thích Hán Hòa Từ Điển (Viết tắt: HH cũ)

(Ý nói là từ điển Hán Hòa với giải thích mới mẻ) của Yoshida Kenkô (phiên bản lần thứ 5:1972) (lần đầu:1969), nhà xuất bản: Meijishoin. (Sách của người viết dùng lúc học tiếng Nhật)

- Ngữ vị (Vị còn đọc là vựng)

“Tổng thể (tập hợp) của đơn ngữ. Vật tập hợp các kotoba (tiếng, lời nói) và phân loại”.

 - Tự vị (Vị còn đọc là vựng)

(1) (Cùng nghĩa với) “Từ điển”.

(2) “Tự điển mà Mai Ưng Tộ đời Minh trước tác. 12 quyển.”

- Từ vị (Vị còn đọc là vựng)

“Sách tập hợp các kotoba (tiếng, lời nói). (Cùng nghĩa với) từ thư, từ điển, tự dẫn. Vị (vựng) nghĩa là tập hợp”.

 - Tự thư

“Sách giải thích nghĩa, cách đọc, nguồn gốc v.v...của chữ và kotoba (lời nói), theo một quy chuẩn nhất định sao cho dễ tra. (Cùng nghĩa với) tự điển, tự dẫn, từ điển”.

 - Tự điển

“Xem tự thư.”

 Tóm tắt (3)

(a)    Ngữ vị: tập hợp của đơn ngữ, kotoba (tiếng). Giống 2 từ điển trên nhưng không nói có giới hạn.

(b)   Tự thư: ngoài giải thích cách đọc, nghĩa còn nói thêm nguồn gốc vì loại sách tra nghĩa Hán Hòa nên nói về cách thành lập của chữ là việc cần thiết.

  1. Tự vị = tự điển (giải nghĩa của tự vị)
  2. Từ vị = từ thư = từ điển = tự dẫn
  3. Tự thư = tự điển = tự dẫn = từ điển (giải nghĩa của tự thư)

Từ (A) , (B) và (C) suy ra như sau:

  1. Tự vị = từ vị = tự thư = từ thư = tự dẫn = tự điển = từ điển.

 Từ điển này giải thích không chi tiết bằng  2 từ điển trên nhưng không mâu thuẫn. Điểm khác lớn là giải thích tự/tự vị đồng nghĩa với tự/từ thư....

Hán Tự Điển (Viết tắt: H)

Do Owada Akira và 4 người khác biên soạn (phiên bản đầu:1999, tái bản: 2003), nhà xuất bản Obunsha. (Sách của con người viết để lại)

 - Ngữ vị (Vị còn đọc là vựng)

(1) “Toàn thể của kotoba (tiếng, lời nói) được sử dụng trong một phạm vi, bộ môn nào đó. Sách tập hợp các kotoba (tiếng, lời nói) và phân loại”.

(2) “Vật tập hợp các kotoba (tiếng, lời nói), sắp xếp theo thứ tự”.

 - Tự vị (Vị còn đọc là vựng)

(1) “Tự điển của Mai Ưng Tộ đời Minh trước tác. Trở thành cơ sở cho “Chính Tự Thông” và “Khang Hi Tự Điển. Xem giải thích Khang Hi Tự Điển trong phần “Triển khai” ở trang 382” (3).

(2) (Cùng nghĩa với) “Tự điển. Tự dẫn.”

      - Từ điển

      “Sách tập hợp các kotoba (tiếng, lời nói), sắp xếp theo thứ tự nhất định, giải thích cách phát âm, nghĩa, cách dùng... (Đồng nghĩa với) Tự dẫn, từ thư, từ vị.

 Tóm tắt (4)

  1. Ngữ vựng: giống 3 từ điển trước.
  2. Tự vị = từ vị = tự thư = từ thư = tự dẫn = tự điển = từ điển.

 Hán Hòa Từ Điển Tất Huề (Viết tắt: HH mới)

   (Ý nói từ điển Hán Hòa nhất định phải mang theo mình) do Ogawa Tamaki và nhiều người khác biên soạn (phiên bản đầu: 1996), nhà xuất bản Kadokawa. (Sách của con người viết để lại)

- Ngữ vị (Vị còn đọc là vựng)

“Tiếng dịch của vocabulary, tiếng Anh.

(1)   “Tổng thể các đơn ngữ được sử dụng trong một phạm vi nhất định nào đó như của một cá nhân, một trước tác, người của một giai cấp nào đó, hoặc quốc ngữ của một nước nào đó v.v...”

(2)   “Vật tập hợp các thứ nói trên và giải thích.”

- Tự thư, tự điển

Trong mục chữ tự có ghi các đơn ngữ: tự thư, tự điển nhưng không có giải nghĩa.

  - Từ thư, từ điển

Trong mục chữ từ có ghi các đơn ngữ: tự thư, tự điển nhưng không có giải nghĩa.

Tóm tắt (5)

(a)    Ngữ vị: giống như 4 từ điển trước. Ngoài ra không có giải nghĩa các từ có lẽ cho rằng quá thông dụng không cần phải giải nghĩa nữa.

  1. Các điểm tương đồng và dị biệt giữa các sách tra nghĩa tiếng Nhật

Mới đọc thoáng qua, chúng ta cảm thấy hình như nghĩa mà các từ điển tiếng Nhật giải thích gần như giống nhau không bị bối rối, bấn loạn vì không biết phải hiểu nghĩa của các từ gọi sách tra nghĩa chữ như thế nào như trong sách tiếng Việt nhưng hãy xem xét kỹ điểm giống và điểm khác như thế nào theo từng hạng mục.

Tương quan giữa từ dẫn (jibiki), ngữ/tự vị, tự/từ thư và tự/từ điển

Các sách đều giải thích: “ngữ vị là tổng thể của đơn ngữ hoặc kotoba (tiếng, lời nói) được sử dụng trong một phạm vi nhất định”. Có sách thì giải thích thêm cụ thể, chi tiết về “phạm vi”.

Nói chung các sách đều giải thích nghĩa của tự/từ vị, tự dẫn, tự/từ thư, tự/từ điển giống nhau. Trừ 2 từ điển quốc ngữ không đề cập đến sự đồng nghĩa giữa tự/từ vị tự dẫn, tự/từ thư, tự/từ điển như các từ điển Hán Hòa.

Kết quả này có thể do các từ điển được đối tượng trong bài viết này đểu là các sách về sau này không có sách nào vào trước năm 1800, bởi vì sách Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển (viết tắt ĐQN) đã cho biết từ từ điển đã được dùng rộng rãi từ năm 1878.

Điểm khác nhau giữa ngữ vị (vựng) tự vị(vựng) là phạm vi của đơn ngữ được đối tượng của ngữ vị (vựng) hạn hẹp hơn tự vị(vựng),và không có giải nghĩa. Trong sách tra nghĩa tiếng Việt của Huỳnh Tịnh Của, Hội Khai Trí Tiến Đức, Đào Duy Anh không có giải nghĩa của ngữ vựng. Trong khi của Lê Văn Đức chỉ nói là ngữ vựng là “tập từ ngữ” nhưng không nêu rõ phạm vi giới hạn như trong sách tiếng Nhật. Sách của New Era lại cho rằng ngữ vựng đồng nghĩa với tự vị, tự điển, từ điển.

Đối với sách tra nghĩa tiếng Nhật, các từ tự vị(vựng), tự dẫn, tự/từ thư, tự/từ điển đều có chung một nghĩa là nghĩa hẹp của từ điển. Nghĩa rộng của từ điển là nghĩa hẹp của từ điển cộng thêm sự điển.

Ngoài ra, sách Tân Minh Giải Quốc Ngữ Từ Điển (viết tắt QN) mặc dù là một từ điển quốc ngữ phổ thông trong số trang sách có giới hạn nhưng giải thích được cho chúng ta hiểu sơ lược về lý do nghĩa giống nhau giữa các từ và lý do có sự khác nhau giữa các tên gọi. Cụ thể như sau:

- “Từ dẫn (jibibi) là cách nói thông thường bình dân (thông tục), cách nói xưa để diễn tả ý của tự thư, tự điển”.

- “Từ thư cũng viết tự thư”, giải thích nghĩa giống nhau của 2 từ này trong tiếng Nhật.

- Tự điển là cách biểu hiện theo chữ Hán của tự thư. Không biết điều này có chính xác hoàn toàn không? Bởi vì Trong lời tựa của Khang Hi Tự Điển gọi các sách trước đó là tự thư (thí dụ trong  Giang Thức Truyện (năm 554) ở sách Ngụy Thư) nhưng lần đầu tiên đặt tên sách này là tự điển (năm 1716).

- Từ điển là cách nói mới của từ thư. Sách ĐQN cho biết chi tiết về thời kỳ từ từ điển được sử dụng rộng rãi: khoảng sau Minh Trị thứ 11 (1878), trước khi Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (1895) ra đời 17 năm.

- Nghĩa rộng của từ điển bao gồm cả tự điểnsự điển. Như vậy sách này thì giải thích nghĩa tự điển của cụ Huỳnh Tịnh Của tương đương với nghĩa rộng của tự/từ điển này trong tiếng Nhật.

Thiết tưởng ở đây cũng nên giới thiệu thêm rằng chủ biên Kindaichi Kyosuke (Kim Điền Nhất Kinh Trợ, 1882 (Minh Trị thứ 15)~ 1971) là Văn học tiến sĩ của đại học Tokyo, Chủ tịch đời thứ hai của Hội Nhật Bản Ngôn Ngữ Học. Trưởng nam của ông tên Haruhiko, và các cháu tên Masumi, Hideho cũng là các nhà ngôn ngữ học.

Sách ĐQN xứng đáng với tên gọi Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển được biên soạn theo đúng với nghĩa rộng của từ từ điển.

Về cách biên soạn của các từ điển Hán Hòa như sau. 1) Sách Tân Thích Hán Hòa Từ Điển thỉnh thoảng có trích dẫn những câu của các từ. 2) Sách Hán Tự Điển cũng tương tự nhưng thỉnh thoảng có thêm phần giới thiệu cố sự, nghĩa là chỉ giải thích các đọc và nghĩa. 3) Sách Hán Hòa Từ Điển Tất Huề có đặc điểm là giải nghĩa và xuất xứ của những câu văn nổi tiếng dùng từ đang giải thích nghĩa nên đối với các từ thông dụng thì không có giải nghĩa. Nghĩa là có ghi trích dẫn của các từ, ít hay nhiều.

 Nhận xét về tên gọi của sách tra nghĩa của tiếng Việt và tiếng Nhật

Tiếng Nhật có nhiều từ để gọi tên của sách tra nghĩa chữ. Ngoài các tên gọi bằng từ Hán Hòa họ còn đặt tên riêng thuần chữ Nhật jibiki (tự dẫn, tra chữ). Đối với các từ tự vị, tự thư, tự điển trong bài viết này đã thấy được trích dẫn cho thấy cũng được dùng trong các sách xưa của Trung Quốc nên khả năng du nhập từ Trung Quốc rất cao nhưng tiếc là chưa gặp trích dẫn từ sách Trung Quốc cho các từ ngữ vị (vựng), từ thư, từ điển nên không rõ là họ tự đặt ra hay cũng du nhập từ Trung Quốc. Đặc biệt là từ điển được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản sau Minh Trị thứ 11 (1878), thời kỳ mà người Nhật dùng chữ Hán để đặt rất nhiều từ mới để dịch các từ của Âu Mỹ, nên có khả năng họ đặt ra và sau đó được Trung Quốc du nhập. Bởi vì đối với chữ Hán  từ tự có thể diễn tả đủ nhưng đối với tiếng Nhật ngoài loại tiếng xuất xứ từ chữ Hán còn có loại tiếng riêng của họ nên phải dùng từ từ (nhiều chữ) mới diễn tả đủ. Tuy nhiên đây chỉ là suy luận của người viết cần phải kiểm chứng.

 Thay lời kết

Người viết không chuyên môn về ngôn ngữ học cũng như biên soạn từ điển nhưng thông qua quá trình so sánh cách biên soạn sách tra nghĩa chữ của tiếng Việt và tiếng Nhật có cảm nghĩ như sau:

- Đối với loại từ điển tiếng Việt phổ thông, cách biên soạn của Tân Minh Giải Quốc Ngữ Từ Điển có nhiều điểm đáng tham khảo học hỏi, thí dụ: trong hạn chế của số trang nhưng giải thích được nhiều thông tin và chính xác.

- Đối với từ điển theo nghĩa rộng (tức thêm nghĩa sự điển), không biết hiện nay sách tiếng Việt đã có chưa, nếu chưa có thiết tưởng nên có một quyển từ điển như Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển cho loại từ điển tiếng Việt (quốc ngữ) và một quyển từ điển như Đại Hán Hòa Từ Điển của Nhật Bản đối với loại từ điển Hán Việt, nghĩa là có thêm phần trích dẫn của các từ trong những tác phẩm tiêu biểu để có thể biết rõ quá trình biến đổi ý nghĩa của các từ.

Nguyễn Sơn Hùng

17/1/2023

 Ghi chú

  1. Khổ chữ nhỏ viết trong (  ) là phần của người viết giải thích thêm.

(2) Câu chữ Hán mà Từ Điển trích dẫn như sau: 式於是撰集字書,号曰古今文字,凡四十卷. Đúng là có 2 chữ từ thư nhưng do không học Hán văn nên người viết không thể hiểu nghĩa chính xác nghĩa của câu này nhưng thấy rằng chỉ có như vậy thì rất khó có thể hiểu nghĩa tự thư trong câu này là “sách tra nghĩa chữ” nên đã tra thêm trên Internet tiếng Nhật xem nội Giang Thức Truyện có nội dung như thế nào. May mắn được kết quả như sau.

Giang Thức Truyện là một phần của quyển 83 tựa Liệt Truyện thứ 79 Thuật Nghệ, và toàn câu mà Từ Điển đã trích dẫn như sau:式於是撰集字書,號曰古今文字,凡四十卷,大體依許氏說文為本,上篆下隸. Mặc dù người viết không hiểu phần Từ Điển đã trích dẫn nhưng có thể hiểu nghĩa của phần thêm phía sau là: đại thể căn cứ theo Thuyết Văn của ông Hứa làm căn bản, trên là mẫu chữ triện, dưới là mẫu chữ lệ. Thuyết Văn là sách tra nghĩa chữ của Hứa Thận nên theo nội dung của phần này thì rõ ràng tự thư của Giang Thức làm là sách tra nghĩa chữ. Sách này gồm có 40 quyển. Đáng tiếc là Internet tiếng Nhật không có thông tin gì về Giang Thức và tự thư này. Như vậy từ  tự thư trễ nhất đã có ở Trung Quốc vào năm 554. Không hiểu tại sao không thấy từ này. Trong Hán Việt Từ Điển của ĐDA chỉ có tự thư 自書với nghĩa “Chữ tự mình viết ra (autograph)”.

Quyển 83 của Ngụy Thư, người viết đã xem từ trang web dưới đây:

   https://zh.wikisource.org/wiki/%E9%AD%8F%E6%9B%B8/%E5%8D%B791

(3) Theo nội dung “Triển khai”, trong lời mở đầu của Khang Hi chỉ gọi là “Tự thư”. Nhưng người viết xem nguyên bản tên Khang Hi Tự Điển được in ở Nhật Bản vào năm 1780 thì ở trang 4 của “Ngự chế Khang Hi Tự Điển Tự” viết “Tự Thuyết Văn dĩ hậu tự thư thiện giả ư Lương tắc Ngọc Thiên, ư Đường tắc Quảng Vận, ư Tống tắc Tập Vận....” tạm dịch: sau sách Thuyết Văn, các tự thư tốt là sách Ngọc Thiên vào đời Lương...Tự thư ở đây là sách tra nghĩa và cách đọc các chữ Hán.

Trang 7 viết “Thuyết Văn, Ngọc Thiên, kiêm dụng Quảng Vận, Tập Vận, Vận Hội, Chính Vận kỳ dư tự thư nhất âm nhất nghĩa....”, ý nói các sách có trước là tự thư giải thích 1 âm 1nghĩa...

Nhưng trang 9 viết “Phàm ngũ duyệt uy nhi kỳ thư thủy thành, mệnh viết tự điển, ư dĩ chiêu đồng văn chi trị”. Điều này cho biết: sách lần đầu tiên được gọi là tự điển. Không hiểu tại sao “Triển khai” viết chỉ gọi là tự thư? Hơn nữa, Khang Hi Tự Điển trích dẫn nhiều sách như Đạo Đức Kinh của Lão tử, Trung Dung khi giải thích nghĩa của chữ như ý nghĩa của điển trong từ tự điển. Khang Hi Tự Điển năm 1780 in ở Nhật Bản xem từ trang web dưới đây:

https://dglb01.ninjal.ac.jp/ninjaldl/bunken.php?title=kokianei

 

Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển

                                             Nhật Bản Quốc Ngữ Đại Từ Điển

 

Ba bài cùng chủ đề tự vị, từ điển:

Bài 1 – Về tiếng Việt
Bài 2 – Về tiếng Nhật
Bài 3 – Về tiếng Trung Quốc và Nhật Bản  ( Chưa đăng       0

 

Mời Xem :

BÀI 1 NGHĨA CỦA “TỰ VỊ”, “TỪ ĐIỂN” TRONG SÁCH TRA NGHĨA TIẾNG VIỆT  

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...