Thời học trung học đệ nhị cấp (khoảng những năm 60-70 thế kỷ trước), tôi yêu nhạc, tự học nhạc, học đàn, tự tập hát. Những bài hát tôi hay hát thường tập trung vào một vài nhạc sĩ tác giả trong đó có nhạc Phạm Duy. Rất nhiều bài hát của ông đã để lại trong tôi và các bạn đồng niên những kỷ niệm không thể nào quên. Tôi nhớ lại năm học lớp 11 (1970) những ngày giáp tết sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, lớp tổ chức tất niên. Dĩ nhiên, ca hát là nội dung không thể thiếu trong dịp này. Tôi sau khi được giới thiệu đã ôm đàn hát bài “Tóc mai sợi vắn sợi dài”. Tôi hát bài hát này của Phạm Duy mà tôi cứ nghĩ là mình đang tự sự:
“Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh, yêu anh em làm thơ
Yêu em, yêu em anh soạn nhạc
Thuở ấy thơ còn non mùi sữa
Thuở ấy tiếng đàn nghe vụng quá
Cho nên không khoe nhau bài thơ
Cho nên không khoe nhau bài nhạc
Bài hát mở đầu bằng hai tiếng thân thương: “Thuở ấy”, cái thuở ban đầu lưu luyến mấy ai mà quên được. Thuở ấy em vừa “thôi kẹp tóc” để thành thiếu nữ buông xõa mái tóc thề và anh thì vừa thôi học xong. Mối tình khi tuổi vừa mới lớn vốn đã đẹp, càng đẹp hơn khi “Yêu anh em làm thơ” và “Yêu em anh soạn nhạc”. Đôi tim yêu được gần với nhau hơn nhờ mối tương giao đồng điệu thi ca. Thuở ấy, dù lời thơ còn non và tiếng đàn còn vụng nhưng những nét vụng dại ấy càng tô đẹp thêm cho mối tình thơ dại còn non trẻ cho đến sau này.
Từ đó ta thành đôi tình nhân
Từ đó ta cùng vui tình xuân
Yêu nhau, yêu nhau theo thời gian
Xa nhau, xa nhau theo mộng tàn
Từ đó em làm dâu người ta
Từ đó anh thành anh nghệ sĩ
Em thôi, em thôi không làm thơ
Em yên, em yên vui chuyện nhà
Từ đó ta cùng yêu nhau, “cùng vui tình xuân”, rồi khi tình dang dở rồi phải “xa nhau theo mộng tàn”, vì cuộc đời không là mùa xuân mãi mãi, và cuộc tình không mãi đẹp như lời nhạc câu thơ. Câu ca dao “Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo/ Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi” trước đây cả hai cùng ghi nhớ từ lời mẹ dạy.
Sau khi kết thúc bài hát trong tiếng vỗ tay hoan hô, tôi cảm nhận tiếng vỗ tay dài nhất là của em.
Tôi làm sao quên được khi bài hát: “Ngày Xưa Hoàng Thị…”, phổ thơ Phạm Thiên Thư, được phát trên radio vào đầu những năm 1970 với tiếng ca của Thanh Thúy, Thái Thanh. Bài hát hợp với lứa tuổi học trò của thế hệ chúng tôi thời đó. Nghe lời ca, tôi không thể không dấu được tiếng lòng của mình qua ca từ ngọt lịm:
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay…”.
Tôi tưởng tượng bước chân của tôi theo em trên con đường đi học. Rồi tôi lại mường tượng, tôi đứng ở góc phố nhìn theo chiếc xe Honda có bóng dáng tinh khôi của em về nhà giữa nắng trưa nồng nàn hay buổi chiều mưa lành lạnh.
Giờ, tôi không còn là cậu học trò ngây ngô. Thế nhưng, mỗi lần đi qua con đường cũ, tôi thấy mình như sống lại tuổi học trò. Vẫn những hàng cây che bóng mát lứa tuổi học trò. Vẫn những tà áo trắng tinh khôi khi tan trường trên phố. Vẫn những ánh mắt trong veo, tinh nghịch. Vẫn những tiếng cười nói xôn xao… Tôi như thấy lại bóng hình em, bóng hình tôi một thời. Lòng tôi vang lên giai điệu nhớ thương da diết:
“Xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi?
Ai mang bụi đỏ đi rồi?
Ai mang bụi đỏ đi rồi?”.
Tôi thầm hát và tôi thầm gọi “Em ơi!”…
Nhiều khi có tâm trạng bâng khuâng, tôi thường đàn và hát. Đàn và hát những bài quen, xưa cũ - những điệu nhạc mà thuở học trò tôi thường đàn và hát. Đàn và hát cho quên nỗi muộn phiền; đàn và hát hồi tưởng lại ngày xưa; đàn và hát để tin vào cuộc sống. Bây giờ có giàn âm thanh tốt trong phòng khách để hát Karaoke. Tôi hát “Tiếng Đàn Tôi”:
“Đời lạnh lùng trôi theo giòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu”...
Lời bài hát như mang nặng tình tôi. Quả là cuộc đời này đã bao lần lạnh lùng trôi theo nước mắt trong điệu buồn thiết tha thương đời, xót đau cho cuộc tình chết trong một đêm lúc trăng vừa chớm nụ. Tôi hát theo điệu đàn, theo tiếng nhặt khoan, theo thuyền chở tình tới bến mơ, bến mộng đầy hương tình dặt dìu trong tiếng đàn yêu thương:
“Buồm về dội nắng trên khơi
Bao nhiêu hoàng hôn đến cho êm vui người ơi
Có tiếng hát theo đàn tôi
Như ru như thương linh hồn đắm đuối
Mênh mông lả lơi
Thuyền chờ mong gió lên trời
Mang theo đàn tôi
Chảy về đậu bến ngày mai”.
Có lần tôi hát “Cây Đàn Bỏ Quên”. Tôi hát và tưởng mình một thuở ôm đàn làm tên nghệ sĩ. Tôi tưởng tượng đến thăm em. Tôi đàn và hát cho em nghe. Điệu Valse dặt dìu, bồng bềnh vang lên:
“Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên cây đàn
Tình tang tính tính tình tang
Đêm khuya thao thức mơ màng
Chờ mai tìm đến cô nàng ngây thơ
Tình tang tính tính tình tang”.
Còn những khi lòng man mác, có chút buồn buồn, tôi đem đàn ra gãy. Rồi tôi hát. Hát để tìm sự an bình; hát mà mơ cùng em thoát chốn bụi trần. Tôi mơ làm gã từ quan, lên non tìm giấc mộng hoa vàng bồng bềnh nơi cõi tục:
“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết dưới cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”.
(“Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng”, thơ Phạm Thiên Thư)
Những bài nhạc Phạm Duy tôi thường hát đều mang tâm trạng của tôi. Xin cảm ơn những lời ca của Phạm Duy để lại cho đời, cho bạn và cho tôi. Thôi thì cứ hát để mà nhớ về nhau, để mà mơ giấc mộng vô thường trên cõi thế.
Lê Trung Ngân
thương quá đi thôi
Trả lờiXóa