Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

Tháng 8 năm 1903 – Truyện ngắn của Leonid Andreev

Vanvn- Năm phút sau, bác sĩ thăm khám người tiếp theo, còn nhà văn bước dọc theo con phố, nheo mắt vì nắng xuân và nghĩ: tại sao tất cả những người tóc hung đỏ vào mùa xuân thì đi bên có bóng râm, còn vào mùa hè, khi trời nóng, lại đi bên có nắng? Ông bác sĩ cũng tóc màu hung đỏ. Giá như ông ấy nói năm hay mười năm thôi,  chứ nói hai mươi năm thì có nghĩa là mình sẽ sớm chết thôi. Ông cảm thấy hơi sợ. Thậm chí rất sợ đằng khác, nhưng…

Nhà văn Nga Leonid Andreev (1871 – 1919)

>> Khúc hát Marseilles – Truyện ngắn của Leonid Andreev

Bác sĩ đặt ống lên ngực trần của bệnh nhân và bắt đầu lắng nghe: trái tim to, phát triển quá mức đang đập không đều và âm ỉ vào xương sườn, nó nức nở, như thể đang khóc và kêu trèo trẹo. Và đó chính là bức tranh thật đầy đủ và nham hiểm về cái chết sắp xảy ra đến độ mà bác sĩ nghĩ: “Tuy nhiên!”, song ông nói to:

– Ông phải tránh mọi xúc động. Có lẽ ông đang phải làm công việc gì đấy nặng nhọc lắm phải không?

– Tôi là nhà văn, – bệnh nhân trả lời và mỉm cười. – Bác sĩ làm ơn nói cho tôi biết, nó có nguy hiểm không?

Bác sĩ nhún vai và dang rộng hai tay.

– Nguy hiểm, thì cũng như mọi thứ bệnh tật ấy… Ông sẽ còn sống chừng mười lăm, hai mươi năm nữa. Ngần ấy có đủ cho ông không? – bác sĩ nói đùa và, với sự  thành kính đối với văn học, ông giúp bệnh nhân mặc áo. Khi chiếc áo khoác lên rồi, khuôn mặt của nhà văn trở nên hơi nhợt nhạt và không thể hiểu liệu ông ấy còn trẻ hay đã hoàn toàn là một ông già. Đôi môi ông tiếp tục nở nụ cười trìu mến và hoài nghi.

“Cảm ơn vì những lời tốt đẹp của bác sĩ ạ, – ông đáp.

Ngoảnh mặt đi khỏi bác sĩ với vẻ tội lỗi, ông đưa mắt tìm kiếm rất lâu nơi đặt tiền cho chuyến khám bệnh, và cuối cùng cũng tìm thấy: trên bàn, giữa một lọ mực và một hộp bút, đó là một chỗ nho nhỏ ấm cúng và giản dị. Và ông đặt vào đó  một tờ ba rúp màu xanh lá cây, một tờ bạc đã cũ, bạc màu, bị vò nhầu.

“Có lẽ bây giờ người ta không  sản xuất những tờ bạc mới nữa”, – ông bác sĩ nghĩ về tờ tiền màu xanh lá cây nhạt và vì lý do nào đó mà lắc đầu buồn bã.

Năm phút sau, bác sĩ thăm khám người tiếp theo, còn nhà văn bước dọc theo con phố, nheo mắt vì nắng xuân và nghĩ: tại sao tất cả những người tóc hung đỏ vào mùa xuân thì đi bên có bóng râm, còn vào mùa hè, khi trời nóng, lại đi bên có nắng? Ông bác sĩ cũng tóc màu hung đỏ. Giá như ông ấy nói năm hay mười năm thôi,  chứ nói hai mươi năm thì có nghĩa là mình sẽ sớm chết thôi. Ông cảm thấy hơi sợ. Thậm chí rất sợ đằng khác, nhưng…

Ông đưa mắt nhìn xuống trái tim mình và mỉm cười.  Mặt trời đang tỏa nắng rực rỡ. Như thể mặt trời còn trẻ trung, và mặt trời muốn mỉm cười và hạ xuống trái đất.

***     

Bản thảo dày; có nhiều tờ trong đó, trên mỗi tờ có những dòng chữ nhỏ gọn gàng, và mỗi dòng là một phần linh hồn của nhà văn. Bằng bàn tay xương xẩu, ông cung kính lật từng trang, và ánh hồi quang màu trắng từ tờ giấy đọng trên khuôn mặt ông ấy như một vầng hào quang, còn bà vợ ông đang quỳ bên cạnh, lặng lẽ hôn lên bàn tay gầy guộc xương xẩu kia mà khóc.

– Đừng khóc, em yêu, – ông cất tiếng bảo, – em không cần phải khóc, không có gì phải khóc cả.

– Trái tim của anh… Rồi em sẽ bị bỏ lại một mình trên thế gian mênh mang này. Một mình võ võ, ôi chao!

Nhà văn đưa tay vuốt mái đầu đang đổ gục xuống hai đầu gối ông và nói:

– Em nhìn này.

Những giọt nước mắt khiến bà không thể nhìn được, và những dòng chữ liên tục của bản thảo di chuyển theo từng đợt sóng, tan vỡ và nhòe đi trong mắt bà.

– Em nhìn này! – ông nhắc lại. – Đây là trái tim anh. Và nó sẽ mãi mãi ở lại bên em

Khi một người sắp chết tưởng sẽ sống mãi trong cuốn sách của mình thì thật là tội nghiệp đến nỗi nước mắt người vợ trào ra càng nhiều và nhiều hơn. Bà vợ cần một trái tim sống, chứ  không phải là một cuốn sách chết cứng mà tất cả mọi người đều đọc: họ – những kẻ xa lạ, thờ ơ và chẳng chút yêu thương.

*

Cuốn sách bắt đầu được in, có tiêu đề “Bênh vực những kẻ lầm than”.

Những người sắp chữ xé bản thảo thành từng mảnh, và mỗi người chỉ sắp chữ cho mảnh của riêng mình mà đôi khi bắt đầu bằng nửa từ chẳng có ý nghĩa gì. Chẳng hạn, trong từ “yêu” thì “y” thuộc về một người, còn “êu” thì được giao cho thợ khác, nhưng sự tình này không thành vấn đề gì, bởi lẽ họ chẳng bao giờ đọc những gì trong văn bản họ đang sắp chữ.

– Thế là ông ta trống rỗng rồi nhé, cái gã viết nguệch ngoạc này! Đây đúng là một lối viết tay của kẻ bị rút phép thông công! – một người thợ sắp chữ vừa nói vừa nhăn nhó vì tức giận và mất kiên nhẫn, rồi anh ta đưa tay che mắt. Các ngón tay đã đen bóng lên vì bụi chì, trên khuôn mặt trẻ trung hằn rõ các vệt bóng chì đen sì, và khi người thợ khạc và nhổ thì nước bọt cũng nhuốm thứ màu đen kịt và màu chết ấy.

Một người thợ sắp chữ khác, cũng còn trẻ – ở đây làm gì có người già – vơ hết vào tay những chữ cái cần thiết với tốc độ và sự khéo léo của một con khỉ, rồi cất tiếng hát khe khẽ:

Ôi, số phận của tôi là màu đen,

Số phận ơi, em giống như một gánh nặng bằng gang đối đè nặng lên anh…

Chỉ thế thôi, anh ấy không biết những lời lẽ tiếp theo của bài hát, nhưng làn điệu anh ấy hát là của chính mình: đơn điệu và buồn chất phác, man mác như tiếng gió xào xạc trong tán lá mùa thu.

Những người còn lại im lặng, ho và khạc ra thứ nước bọt sẫm màu. Trên đầu mỗi người thợ sáng một bóng đèn điện, còn phía xa hơn nữa, đằng sau một bức tường kết bằng một tấm lưới dây điện hiện ra lờ mờ hình bóng của những chiếc cỗ máy đang đứng nghỉ ngơi không chạy. Chúng duỗi thẳng những cánh tay đen sì sần sùi với vẻ mong chờ và đang đè lên sàn nhựa đường bằng những khối u ám nặng nề. Những cỗ máy như thế có nhiều ở chỗ này, và bóng tối im lặng đầy năng lượng tiềm ẩn, đầy tiếng ì ầm và sức mạnh ẩn giấu đang rụt rè xiết chặt lấy chúng.

***

Những cuốn sách xếp thành hàng đầy màu sắc trên giá, và đằng sau chúng, người ta không thể nhìn thấy những bức tường; sách chất thành những đống cao trên sàn nhà; và đằng sau cửa hàng, trong hai căn phòng tối thui đầy những sách là sách. Rồi dường như suy nghĩ của con người vốn bị bao cuốn sách đó kìm hãm, đè nén bỗng âm thầm rùng mình và lao vọt ra bên ngoài,  thế là trong vương quốc của sách chẳng bao giờ có sự im lặng thực sự và bình yên thực sự.

Quý ông râu bạc với vẻ mặt cao quý kính cẩn đang nói chuyện với ai đó trên điện thoại, thì thầm nguyền rủa: “đồ ngốc”, và hét lớn:

– Mishka!- rồi khi thằng bé bước vào, mặt ông ta trở nên không còn cao quý nữa mà hèn hạ và hung dữ, rồi ông dứ ngón tay ra đe dọa. – Thế còn phải quát gọi mày bao nhiêu lần nữa hả? Đồ lưu manh!

Cậu bé chớp mắt sợ hãi, và quý ông râu bạc đã bình tĩnh lại. Cậu dùng chân và tay đẩy ra một bọc sách nặng trịch, cậu muốn nhấc nó lên bằng một tay – nhưng ngay lập tức cậu không thể và liền thả nó xuống sàn.

– Mang nó đến cho ông Yegor Ivanovich.

Cậu bé cầm cái bọc bằng cả hai tay, nhưng chưa nhấc nó lên.

– Mau lên! – quý ông hét lên.

Cậu bé bê bọc sách lên và mang đi.

***

Trên vỉa hè, Mishka đẩy người qua đường, thế là người ta xua đuổi cậu ra giữa đường, nơi tuyết có màu nâu và dính như cát vậy. Một đống nặng đang đè lên lưng cậu, và cậu loạng choạng; gã xà ích đánh xe ngựa hét vào mặt cậu, và khi cậu nhớ ra mình còn phải đi bao nhiêu đường đất nữa thì cậu hoảng sợ và nghĩ rằng mình sắp chết. Cậu bèn bỏ cái bọc xuống khỏi vai, đứng nhìn  nó rồi khóc.

– Sao cháu lại khóc thế? – một người qua đường hỏi.

Mishka vẫn khóc. Ngay sau đó, người ta xúm lại thành đám đông, một viên cảnh sát tức giận đeo kiếm và súng lục đi tới, ông ta đưa cả Mishka lẫn sách lên một chiếc xe ngựa chạy về đồn.

– Có gì trong đó vậy? – viên cảnh sát trực ban hỏi, mắt không rời khỏi tờ biên bản ông ta đang viết

– Một gánh nặng quá sức, thưa ngài, – viên cảnh sát giận dữ trả lời và đẩy Mishka về phía trước.

Viên cảnh sát trực ban duỗi một cánh tay ra khiến khớp kêu lắc rắc, rồi ông ta duỗi nốt cánh tay kia; sau đó ông lần lượt duỗi chân đang xỏ trong đôi ủng da rộng rãi bóng loáng. Ông nhìn sang bên, từ trên xuống dưới, nhìn vào cậu bé, rồi tương ra một loạt câu hỏi:

-Tên gì? Từ đâu đến? Cấp bậc? Đang làm công việc gì?

Còn Mishka đã thì cất tiếng đưa ra một loạt câu trả lời.

– Cháu tên Mishka. Nông dân ạ. Mười hai tuổi ạ. Ông chủ sai cháu đi ạ.

Viên cảnh sát trực ban tiến lại gần cái bọc, vẫn duỗi dài chân tay khi bước đi, đẩy hai chân hơi dịch ra sau, ưỡn ngực, ông thở sâu và khẽ khàng bê các quyển sách lên.

– Ồ! – ông ta thốt lên với vẻ thích thú.

Giấy gói hàng bị rách mép, viên cảnh sát trực ban gấp lại và đọc tiêu đề: “Bênh vực những kẻ lầm than”.

– Chà, cậu bé, – ông ta ngoắc ngón tay gọi Mishka – Đọc đi.

Mishka chớp mắt và trả lời:

– Cháu không biết chữ.

Tay cảnh sát trực ban cả cười:

– Ha-ha-ha!

Một nhân viên cảnh sát chuyên phụ trách căn cước để râu lởm chởm không cạo phả vào mặt vào Mishka mùi vodka và hành, rồi ông ta cũng cười lớn:

– Ha-ha-ha!

Và sau đó họ soạn thảo một tờ biên bản, còn Mishka xem việc ấy là một thắng lợi nho nhỏ.

LEONID ANDREEV

NGUYỄN VĂN CHIẾN dịch


 

1 nhận xét:

NẮNG THÁNG BA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

NẮNG THÁNG BA   Dùng dằng xuân chẳng chịu đi, Mai vàng búp hé nở ghì cành thưa. Muộn màng chim hót ban trưa, Tháng ba nắng ...