Theo nhà văn Lan Samantha Chang, người Trung Quốc không nấu canh vào ngày Tết vì sợ trời sẽ đổ mưa suốt năm.
Lan Samantha Chang sinh ra ở bang Wisconsin, Mỹ, nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết The Family Chao, All Is Forgotten, Nothing Is Lost, Inheritance… cùng nhiều giải thưởng. Hiện Lan là giáo sư Nghệ thuật Elizabeth M. Stanley tại Đại học Iowa và là người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ vị trí Giám đốc Hội thảo Nhà văn Iowa. Cô đang sống với chồng và con gái ở Iowa.
Là người Trung Quốc, Lan và gia đình vẫn giữ truyền thống đón Tết Nguyên đán. Năm nay, cô dành tặng Vogue bài viết về phong tục của gia đình trong khoảnh khắc đón năm mới.
“Công việc chuẩn bị cho mỗi dịp Tết của tôi bắt đầu từ phòng tắm. Đêm giao thừa, tôi bật nước nóng, để hơi nước lan tỏa tràn ngập trong phòng. Với những ngón chân trần co quắp trên sàn nhà lạnh lẽo, tôi cắt một lọn tóc, cắt móng tay và vứt những mẩu vụn tượng trưng cho sự xui xẻo này vào thùng rác. Sau đó, tôi mới đi tắm, kỳ cọ từng centimet trên da”, cô viết trên Vogue.
Theo Lan, tắm rửa mang ý nghĩa gột sạch tất cả điều xui xẻo của năm cũ. Người thời trước quan niệm mọi thứ phải sạch sẽ, bao gồm cả cơ thể và ngôi nhà, để đặt nền tảng hoàn hảo cho năm tới: không tỳ vết những rắc rối trong quá khứ.
“Danh mục các nghi lễ của bố mẹ tôi chắc chỉ là một phần nhỏ trong truyền thống của hàng tỷ người mừng Tết Nguyên đán trên toàn thế giới. Cha mẹ tôi kiên định với những gì họ tin tưởng. Chúng ta phải ăn một số thức ăn may mắn: Bánh ngọt làm từ gạo và đậu đỏ công phu, bánh bao hấp, một con cá phủ đầy gừng và hành lá cùng rất nhiều trái cây, nhất là cam và vải. Mẹ tôi đã cảnh báo vải thiều không nên kết hợp với thịt cua – một sự kết hợp không tốt, cú sốc ‘lạnh’ nguy hiểm đối với hệ tiêu hóa, có thể gây tử vong”.
Cá là món quan trọng trên mâm cỗ Tết của Trung Quốc, bởi một số loài cá như cá diếc, cá chép, ca da trơn có cách phát âm giống những chữ có nghĩa may mắn, dư dả, phú quý. Người Trung Quốc không nấu canh vào dịp Tết vì họ quan niệm “nếu bạn phục làm món canh, trời sẽ mưa vào mọi dịp đặc biệt cho đến hết năm”.
Thỉnh thoảng, gia đình giáo sư Lan đến nhà hàng địa phương bố mẹ cô yêu thích ở Bao Ju, Neenah, bang Wisconsin. Họ chọn nơi này bởi tên tiếng Trung của nhà hàng nghĩa là pháo với ý nghĩa xua đuổi tà ma, xui xẻo. Số điện thoại của tiệm có vài số tám. Với người Trung Quốc, tám là con số may mắn, cũng như số chín, còn bốn là con số xui xẻo nhất, nên tránh.
Việc trao đổi tiền mặt trong những ngày này mang ý nghĩa chúc sức khỏe và giàu có, được gọi là lì xì. Trẻ em và người lớn trao nhau những phong bao màu đỏ. Vào ngày mùng 2 của năm mới, bố mẹ của Lan thường mặc trang phục màu đỏ với mong muốn đón “Thần tiền”. Họ còn xem tuổi cho các con để biết trước những vận hạn trong năm mới, tìm cách khắc phục bằng các món đồ phong thủy.
Với tác giả Mỹ gốc Hoa, thực hiện và gìn giữ phong tục của quê hương là cách thể hiện tình yêu của cô với cha mẹ – những người đã qua đời cách đây vài năm. Sống trên đất Mỹ, Lan thường xuyên giải thích các hoạt động trong ngày Tết với hai cô con gái lai. Tết này, Lan đã lên lịch cắt tóc cho cả nhà, rủ các học trò tổ chức một bữa tiệc, trang trí không gian với những bảng hiệu, bandroll màu đỏ. Cô mua cam và những đồng xu chocolate bọc trong giấy vàng. Mọi người sẽ cùng ăn uống, gây ồn ào để xua đuổi năng lượng tiêu cực. Rồi tất cả sẽ lấy điện thoại ra và tra cứu những con giáp theo năm tuổi của mình, cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra và cùng nhau xuất hành theo các hướng tốt lành.
HỌA MI
Theo Vogue/VnEx
nguồn :https://vanhocsaigon.com/tet-nguyen-dan-trong-mat-nha-van-my-goc-hoa/
Tết là nét văn hóa rất độc đáo
Trả lờiXóa