Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Bao Dung - Tác Giả : Lý Trinh Trường

 Lời Tựa

Vài tuần trước, bạn học cùng khóa Lý Nghiệp Minh khuyến khích tôi trình bày cảm nghĩ về bao dung. Bao dung là một đề tài rất hay, có ý nghĩa sâu xa khiến tôi suy nghĩ nhiều và từ đó hai chữ "bao dung" cứ lẩn quẩn trong đầu.

Gần đây, tôi đọc được một điển tích trong Sử Ký - "Quản Bào chi giao" (管鮑之交), câu chuyện xuất phát từ tình bạn tâm giao của Quản Trọng và Bào Thúc Nha, hai người bạn thân hiểu biết lẫn nhau, Quản Trọng tài ba lỗi lạc, nhưng không gặp thời, sống đời túng quẫn khó khăn, Bào Thúc Nha tận tình giúp đỡ, thậm chí sau này còn tiến cử Quản Trọng cho vua Tề đảm nhận chức vụ tể tướng. Lúc Quản Trọng lâm chung, vua Tề hỏi Quản Trọng: "Bào Thúc Nha có thể thay thế khanh tiếp nhận chức tể tướng không?" Mọi người đều nghĩ là đương nhiên, không ngờ Quản Trọng trả lời: "Không được, là vì Bào Thúc Nha có tánh thù hận tiểu nhân, không thể dung thứ kẻ xấu, nếu làm tể tướng, bất lợi cho Ngài cũng bất lợi cho Bào Thúc Nha."

Đọc Sử Ký, câu nói của Quản Trọng khiến tôi suy nghĩ rất lâu: 

" Kỳ vi nhân hiếu thiện nhi ác ác dĩ thậm, kiến nhất ác chung thân bất vong, bất khả dĩ vi chính." (其為人好善而惡惡已甚, 見一惡終生不忘, 不可以為政). Có nghĩa là một người quá chấp về thiện ác, thấy một người xấu mà hận suốt đời, chắc chắn không bao dung được khuyết điểm và lỗi lầm của người khác, người như vậy không thể trị quốc làm đại sự.

Tôi liên tưởng đến hai câu: "Nước quá trong thì không có cá, người quá chấp thì vô tình".

Ý thức được một vài triết lý như vậy, tôi quyết định cầm bút viết bao dung. Luôn tiện kể thêm, tôi có một người quen tánh keo kiệt, thích so kè từng xu, vì vậy không ai thích y, tôi cũng thường cố ý tránh xa. Rồi một ngày, tôi tình cờ đọc được câu chuyện "hẻm sáu thước" (nội dung câu chuyện được viết trong bài văn dưới đây), tôi như chừng được mở lòng thoát trói, ý thức rằng khư khư câu chấp khuyết điểm của người khác là một điều không đạo đức, phiền não là lấy lỗi lầm của người khác để trừng phạt chính mình, nhận thấy như vậy, tôi thay đổi thái độ đối với người quen keo kiệt vừa kể trên, từ đáng ghét trở thành đáng thương hại, rồi từ từ chấp nhận khuyết điểm của người ấy.

Thiện ác, thị phi, đẹp xấu, được mất, sống chết..... đều là hai mặt của một vấn đề. Dưới góc độ sâu rộng thì không có vấn đề đúng hay sai, chỉ có sự khác biệt của cách nhìn.

Đã là người, chúng ta đều có khuyết điểm, nếu không thì tại sao phải đến cõi đời này để trả nghiệp chịu khổ? Vì vậy, tôi tự suy xét, hổ thẹn và sám hối mỗi ngày, có lỗi thì phải sửa ngay. Bài viết của tôi chủ yếu là để cảnh giác chính mình, đồng thời muốn tìm hiểu về thế giới tâm linh của con người, rút lấy phần chân thiện mỹ để chia sẻ và khuyến khích lẫn nhau. Trong lúc viết bài hay nghĩ đến lời dạy của các bậc Thánh Hiền, tôi có cảm giác như thi hào Đào Uyên Minh nói: "Hái bông cúc trong vườn, ngẩng đầu bỗng thấy núi xanh cao ngất."

Chia sẻ bao dung là một niềm vui lớn, muôn ngàn lời nói, chan chứa trong lòng, để làm tựa.

Bao Dung
 

Thấy một đoạn đối thoại ngắn trên mạng.

Bà mẹ lòng ngay ý nhị trìu mến nói với con :"Hy vọng con lấy được người vợ dịu dàng ngoan ngoãn nghe lời."

Người con trả lời:" tại sao phải dịu dàng ngoan ngoãn nghe lời."

Rồi nói tiếp:"mọi người đều có cá tánh riêng của mình, thể hiện được cá tánh thì càng thấy chân thật dễ thương."

Nhận thức cá biệt của người con khiến bà mẹ không nói nên lời, phải chăng đó là hố ngăn cách giữa hai thế hệ mà người đời thường đề cập đến.

Nghĩ lại câu nói của người thanh niên và nghĩ lại những người có cá tánh riêng mà mình đã từng gặp, tôi thấy cũng có lý.

Tôi có một người bạn đồng nghiệp, giọng to lại nói nhiều, thường phát biểu ý kiến trong phòng làm việc, chuyện nhỏ nói ra chuyện lớn, mọi người đều cảm thấy rất phiền. Không những thích nói, mà còn thích khoe khoang, ăn mặc thời thượng, lái xe mui trần. Ngược lại, tôi thì tương đối bảo thủ, tánh tình khác nhau, cho nên chúng tôi làm việc chung nhiều năm, nhưng tình bạn đạm bạc. Sau khi hưu trí, chúng tôi không có liên lạc với nhau. Đầu năm ngoái, tôi tình cờ gặp lại người bạn cũ trong siêu thị, tương phùng tất hữu duyên, tôi mời ông bạn đến nhà chơi, hàn huyên một hồi, tôi cảm thấy bạn mình thay đổi rất nhiều, lời lẽ ngắn gọn, nói năng nhẹ nhàng, trầm mặc ít nói hẳn, không giống như ngày nào. Lúc ra về ông bạn cúi đầu lễ phép rồi bắt tay chào tạm biệt, lời giã từ như động lại trong miệng nghe chừng không được.

Tôi rất hy vọng ông bạn vẫn là người hiếu động như xưa, thích đàm tiếu, nói thao thao bất tuyệt, có thể dùng tiếng cười đánh tan bầu không khí vì trầm mạc mà trở nên nặng nề nghẹt ngạt.

Khi trước tôi chê bạn mình lắm lời, thích nói, nay lại muốn bạn mình như vậy, và cho rằng thích đàm tiếu là cởi mở, vui tánh, cái tôi thích chính là cái tôi chê khi trước. Bởi thế, chúng ta phải có độ lượng và thông cảm khuyết điểm của người khác. Dưới góc độ khác, khuyết điểm chính là ưu điểm.

Một xã hội thực sự là một thế giới thiên nhiên, trong thế giới này chúng ta chấp nhận có cây cối bông hoa, đồng thời cũng phải chấp nhận cỏ dại gai gốc; chúng ta vui sống với bướm bay cá lội, cũng không diệt trừ ruồi muỗi chuột gián. Lịch sử loài người luôn luôn diễn tiến với hiện tượng hai chiều: âm dương, thiện ác, đẹp xấu, lợi hại, thương ghét..... và sự giằng co giữa văn minh và lạc hậu. Không có tiểu nhân, thì ai là quân tử? Không có mặt gian hiểm của Tào Tháo, thì làm sao thể hiện lòng trung liệt của Quan Công? Là vì có ma quái độc ác mới thấy Đức Phật từ bi, là vì nếp sống lạc hậu, con người mới cần tiến bộ.

Một khu vực tại nước Úc, người dân muốn bảo hộ đàn nai hiền phục, họ săn bắt và tiêu diệt lũ sói trong rừng. Sau một thời gian, loài nai sinh sôi nảy nở nhanh chóng, số lượng đàn nai gia tăng quá mức, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của đàn nai, người dân lại phải cho loài sói trở về khu rừng, dưới quy luật đào thải thiên nhiên của thế giới loài vật, đàn nai mới lại được có đời sống quân bình.

Tốt xấu chung sống, cao thấp xen lẫn, vạn vật trong vũ trụ kéo cưa lay động mà sinh diệt tồn vong, triệt tiêu một yếu tố nào đó, sẽ làm mất sự quân bình sinh thái.

Hình thái cực trong Kinh Dịch (易經) là một vòng tròn, tượng trưng cho sự bao dung, trong vòng tròn nửa trắng nửa đen, phần đen có một nhân nhỏ màu trắng, phần trắng có một nhân nhỏ màu đen, tượng trưng cho sự thông dung chấp nhận lẫn nhau.

Bác sĩ tai mũi họng cho chúng ta biết, khoảng cách ngắn ngủi từ mũi đến cổ họng có vô số vi khuẩn, nếu xuống đến gan ruột thì có hàng triệu vi khuẩn, tốt lẫn xấu sống bám vào nhau. Chúng ta cứ nghĩ rằng con người của chúng ta là một tổng thể đồng nhất, thực tế nó là một tổng thể phức tạp gồm có rất nhiều sinh vật khác mà mình không thấy, chan hòa quân bình chung sống. Nếu nhận thức và quán thông được như vậy, thì cái nhìn của ta sẽ không còn thái độ bài xích kỳ thị đối với người và vật khác.

Theo nhà Phật, thế giới loài người là thế giới ta bà, ta bà là Phạn ngữ, có nghĩa là không vẹn toàn, người không trọn vẹn mới phải sống trong thế giới không trọn vẹn. Đã đành là người không trọn vẹn, có khuyết điểm, thì tại sao không thể bao dung lẫn nhau?

Nơi nào có ánh sáng thì phải có bóng tối, chúng ta không thể chỉ vui sống trong ban ngày mà trốn tránh ban đêm; không thể chỉ yêu chuộng bông hồng mà quên lãng gai gốc; không thể chỉ thưởng thức bướm đẹp mà không bao dung sâu bọ.

Hải Nạp Bách Xuyên, Hữu Dung Nãi Đại (海纳百川, 有容乃大), có nghĩa là biển tiếp nhận trăm suối, bao dung quảng đại.

1.- Bao dung là một đức tính cao đẹp, có lòng khoan dung nhường nhịn.

Trương Anh là nhà bác học, đổ tiến sĩ thời vua Khang Hy Mãn Thanh, nhậm chức lễ bộ thượng thư tức bộ trưởng giáo dục kiêm tể tướng. Láng giềng họ Ngô tại quê nhà cũng là cao quan quý tộc. Có một ngõ hẻm dùng làm lối đi chung cho hai họ. Một hôm, Ngô gia trùng tu cửa nhà, lấn chiếm lấy ngõ hẻm, hai bên tranh chấp với nhau, quan huyện không dám xử án vì cả hai bên đều là quan to chức lớn. Quản gia của Trương Anh mới viết thư gửi đến kinh thành báo cáo sự việc cho Trương Anh và thỉnh thị cách giải quyết.

Trương Anh trả lời bằng bốn câu thơ:

Thiên lý tu thư chỉ vị tường                       (千里修書只為牆)

Nhượng tha tam xích hữu hà phương?     (讓他三尺有何妨?)

Vạn lý trường thành kim do tại                  (萬里長城今猶在)

Bất kiến đương niên Tần Thủy Vương      (不見當年秦始皇)


Dịch thơ:

"Gửi thư ngàn dặm chỉ vì vách

Nhường họ ba thước tỏ khí phách

Vạn lý trường thành nay còn đó

Bạo chúa Tần Vương đã đi mất"


Có nghĩa là quản gia gửi thư từ phương xa, chỉ vì chuyện một bức tường, thôi thì mình cứ nhường ba thước có hề chi? Thử nghĩ xem vạn lý trường thành giờ còn đó, nhưng quyền thế lừng lẫy của Tần Thủy Hoàng nay về đâu?

Quản gia trình bức thư với nhà họ Ngô, chúng ta bằng lòng nhường ra ba thước đất, nếu không đủ có thể nhường thêm ba thước. Nhà họ Ngô hiểu rõ tự sự, lấy làm cảm kích, cũng tự nguyện nhường ba thước đất của mình. Hai nhà đều nhường ba thước đất của mình, vì vậy con hẻm này được mang tên là "Hẻm Sáu Thước" (lục xích hạng 六尺巷).

Hẻm sáu thước tọa lạc tại góc tây nam huyện Đồng Thành tỉnh An Huy Trung Quốc, chiều dài 100 thước, rộng 6 thước ta, hoàn thành vào thời Khang Hy Mãn Thanh, trùng tu vào đầu năm 2007. Bia đá khắc bốn câu thơ của Trương Anh và hai chữ Lễ Nhượng (禮讓) được dựng ngay đầu hẻm. Chính phủ Trung Quốc chính thức quy định "Hẻm Sáu Thước" là điểm du lịch của quốc gia cấp 3A vào tháng 4 năm 2007, để lại cho người đời một gương mẫu của sự nhường nhịn mà học tập. Nếu bạn có dịp du lịch Trung Quốc, nhớ ghé "Hẻm Sáu Thước" chụp hình với bốn câu thơ lưu niệm và chuyển cho tôi chiêm ngưỡng.

"Hẻm Sáu Thước" không phải rộng ở 6 hay 100 thước, mà là rộng ở cảnh giới tâm linh và tinh thần nhường nhịn.

Mỗi lần gặp phải chuyện không như ý, tôi thường ngâm nga bốn câu thơ trên, lời dạy về bao dung của cổ nhân thường khiến tôi cởi mở hơn và thản nhiên với thuận nghịch trong cuộc sống.

Bạn bè bao dung lẫn nhau nhất định trăm năm tương thân tương trợ.
Vợ chồng bao dung lẫn nhau nhất định ngàn năm chung thủy một lòng.
Xã hội bao dung lẫn nhau nhất định muôn năm hòa thuận thái bình.

2.- Bao dung là một phẩm chất độ lượng, biết suy xét sự việc dưới góc độ của người khác, thể hiện sự tôn trọng và tình nghĩa bạn bè.

Vào thời Xuân Thu liệt quốc, có hai người bạn rất thân: Quản Trọng và Bào Thúc Nha. Hai người hùn vốn làm ăn, Quản Trọng thường lấy nhiều tiền hơn trong lúc chia lời, Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng tham tiền, mà vì nhà nghèo. Quản Trọng đưa ra những phương án kinh doanh, thường không có hiệu quả tốt, Bào Thúc Nha không nghĩ rằng Quản Trọng thiếu khả năng, mà vì chưa có thời vận. Hai người đi đánh giặc, Quản Trọng ba chiến ba thoái, Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng nhút nhát, mà vì có mẹ già phải phụng dưỡng. Thậm chí về sau Bào Thúc Nha còn tiến cử Quản Trọng làm tể tướng cho Tề Vương, khiến Quản Trọng trở thành một chính trị gia lỗi lạc, giúp Tề Vương hàng phục chư hầu, thống nhất thiên hạ.

Quản Trọng nói:" Sinh ta cha mẹ, hiểu ta Bào Thúc Nha."

Sử gia Tư Mã Thiên nói: "Thiên hạ không ai khen thưởng tài ba của Quản Trọng, chỉ tán thán sự biết người và độ lượng của Bào Thúc Nha."

Khi trước đọc Sử Ký, tôi nghĩ rằng Bào Thúc Nha có lòng nhẫn nhịn phi thường.

Ngày nay đọc lại Sử Ký, tôi mới hiểu rằng Bào Thúc Nha có lòng bao dung độ lượng rộng lớn.

Tôi định nghĩa sự khác biệt về bao dung và nhẫn nhịn như sau:

Nếu người khác làm một việc không vừa ý mình, mình cố sức chịu nhịn, không có phản ứng đối kháng lại, đó là nhẫn nhịn.

Nếu người khác làm một việc không vừa ý mình, mình hiểu bạn mình làm như vậy là có lý do, nhìn sự việc dưới góc độ của người khác, đó là bao dung.

Nhẫn nhịn thì khó chịu, bao dung thì tự tại.

3.- Bao dung là một lối tu hành, có trí tuệ, cũng là một sự giáo dục không cần lời nói.

Thiền tông có một công án như sau:

Trong thiền viện của thiền sư Ngộ Minh, có một vị học tăng còn rất trẻ nên còn ham chơi, vị này không chịu nổi cái cảnh vắng lặng yên tĩnh của chốn thiền môn, vào những buổi tối, tăng sinh này thường đặt một chiếc ghế cạnh vách sau chùa để leo qua tường ra bên ngoài chơi.

Thiền sư biết được chuyện này, sư không nói với ai cả. Một đêm, vị tăng sinh này trèo tường trốn đi chơi, qua một chặp, thiền sư dời chiếc ghế qua một bên rồi ngồi vào chỗ đó đợi vị tăng sinh trở về.

Đêm khuya vắng vẻ, vị học tăng đi về, không biết chiếc ghế đã bị dời qua một bên, nên vẫn leo qua tường và thòng chân xuống chỗ đặt chiếc ghế như mọi khi để về chùa, Nhưng khi đặt chân xuống thì cảm thấy bất ổn, cúi xuống nhìn thì hóa ra mình đang đạp trên vai thầy, lập tức vị tăng sinh hồn phiêu phách tán, quỳ xuống lại thầy không nói nên lời. Thiền sư liền đỡ vị học tăng đứng lên và nhẹ nhàng nói:" đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chứ ướt lạnh, con hãy mau về phòng nghỉ ngơi."

Sau khi về phòng tăng sinh cứ phập phồng lo sợ không yên, suốt đêm không ngủ được, lo sợ thiền sư sẽ trách phạt mình trước đại chúng. Nhưng sự việc thì ngược lại, cứ ngày qua ngày, thiền sư không đề cập đến chuyện cũ, cũng không nói cho ai biết.

Vị tăng sinh tự cảm thấy rất hổ thẹn và cảm kích trước sự khoan dung độ lượng của ân sư. Từ đó về sau, vị tăng sinh không còn trốn ra ngoài chơi nữa, mà quyết chí tu học theo thầy, cuối cùng trở thành một vị sư nổi tiếng đương thời.

Bạn nghĩ thế nào về cách xử sự của thiền sư, thiền sư đã cảm hóa môn sinh của mình bằng sự bao dung của một vị chân tu.

Bao dung lỗi lầm không phải là tán thành hay phó mặc lỗi lầm của người khác, mà là chấp nhận mỗi người cũng có lúc vấp phải lỗi lầm, đồng thời để cho họ có cơ hội tự suy xét, ý thức và sám hối.

Con người không phải là Thánh Hiền, trên đời ai cũng phạm sai lầm, "đạt lý" đương nhiên là quan trọng, nhưng phải tránh chỉ biết lý mà bỏ quên tình, phải nhận ra chỗ nào nên bỏ qua thì cho qua. Hoàn cảnh và quan niệm sống của mỗi người thường không giống nhau, vì thế sự khác biệt trong cuộc sống là khó tránh khỏi, đa số người rơi vào vòng xoáy của tranh đấu thường hay đạt lý mà quên tình, như thế dù có thắng cũng không thu phục được lòng người, thắng lợi chỉ là trên bề mặt, nhưng lại mất đi sự kính phục và tôn trọng của người khác. Hơn được phần lý lẽ, thua về phần tình nghĩa, quả là không đáng.

Được lý mà không quên người, nên cho người ta một lối thoát, đồng thời cũng là cho chính mình một đường lùi, "tình nghĩa giữ một tí, tương phùng sẽ thích ý", đây là con đường sáng để xã hội chung sống hài hòa.

4.- Bao dung là một ý thức, hiểu rằng không trọn vẹn vốn là bản chất của cuộc đời.

Một vị sư muốn tìm người thừa kế, bảo hai đệ tử cận thân đi tìm một chiếc lá hoàn mỹ nhất.

Đệ tử thứ nhất mang về chiếc lá không đẹp lắm, nhưng tương đối đều đặn và bẩm sư phụ: "Con không tìm được chiếc lá hoàn mỹ vô khuyết, chỉ có mảnh này tương đối còn được."

Đệ tử thứ hai cứ nghĩ quanh quẩn trong đầu chiếc lá hoàn mỹ đẹp nhất, đi vào rừng tìm kiếm lục lạo cả buổi vẫn không thấy, rốt cuộc trở về chùa tay không và bẩm sư phụ: "Lá phủ đầy rừng, nhưng con không tìm thấy chiếc lá hoàn mỹ nhất."

Sư không nói câu nào, truyền y bát cho đệ tử thứ nhất.

Trên đời vốn dĩ không có gì là hoàn mỹ. Trời có nắng mây mưa gió, trăng có sáng mờ tròn khuyết, hoa có nở tàn sai úa, người cũng như thế, cứ yêu cầu con người phải toàn thiện toàn mỹ là không thực tế.

Ý thức được sự cưu mang và đùm bọc lẫn nhau, ông cha ta mới có câu:

"Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Trong "Luận Ngữ" có một đoạn đối thoại:

Tử Cống hỏi thầy Khổng Tử: "Hữu nhất ngôn nhi khả dĩ chung thân hành chi giả phù?" (有一言而可以終身行之者乎?)

Khổng Tử trả lời:" kỳ thứ phù". (其恕乎.)

Có nghĩa là Khổng Tử nói với Tử Cống: "Nếu có một chữ mà chúng ta cần phải thực hành suốt đời, chữ đó là _ THỨ, tức là bao dung."

Luồng gió lạnh của tháng Giêng đã lan tràn khắp nơi tại San Jose, cơn dịch corona vẫn hoành hành dữ dội trên toàn cầu, lòng người vẫn còn đầy dẫy tham sân si và ngạo ngược, nhiều biến cố đổ máu xảy ra khắp nơi trên thế giới:

- Xung đột chủng tộc da trắng và da đen tại Mỹ.
- Xung đột lãnh thổ tại biên giới Trung Quốc và Ấn Độ.
- Xung đột chính trị giữa đảng phái đỏ và xanh tại Đài Loan.
- Xung đột quyền lợi giữa Nam Bắc Hàn.
- Xung đột quân dân trong các cuộc biểu tình bạo lực tại Hong kong.
- Xung đột dân tộc và mối thù truyền kiếp giữa Do Thái và Palestine.


Ngọn lửa hận thù đã phá hủy lòng bao dung khoan đại của chúng ta, máu căm thù đã làm ô uế lòng tha thứ độ lượng của loài người.

Con người thường tự cao tự đại và cho rằng mình là trên hết, thực sự chúng ta chỉ là hạng bét trên quả đất này, khủng long sống trên địa cầu khoảng một tỷ năm, nay đã diệt chủng. Loài người tính từ sống trong hang hốc đến ngày nay chỉ có năm trăm ngàn năm mà thôi, đối chiếu với nhau, loài người chỉ là hạng bét trong hạng bét, nếu vẫn chưa biết khiêm tốn nhường nhịn, vẫn còn kiêu căng ngạo ngược, tranh quyền đoạt lợi, số mệnh sẽ bi đát vô cùng.

Lão Tử nói:"nghịch đạo nhi hành tất tao ương"(逆道而行必遭殃), có nghĩa là đi ngược lại với con đường đạo đức chắc chắn bị tai họa.

Cứu vớt loài người, phải chăng bắt đầu bằng chữ "THỨ", tức là bao dung như khổng Tử đã dạy, bạn nghĩ thế nào?

 Lý Trinh Trường

01-31-2021 

Nguồn :https://tneu.blogspot.com/2021/03/loi-tua-vai-tuan-truoc-ban-hoc-cung.html

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...