Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Ngân Bình: CÔ GÁI VIỆT- Niềm vui hội ngộ (T.Vấn Và Bạn Hửu )

Ồ! Minh Thúy đây hả?

-Phan Lang phải không?

-….

Những cái tên quá quen thuộc, những khuôn mặt cũng chẳng xa lạ gì, vì đã từng nhìn thấy trên “màn ảnh hình chữ nhật”. Nhưng để có thể chạm vào nhau qua cái ôm choàng mừng rỡ, cái nắm tay thân thiết thì chỉ có thể tìm thấy trong buổi hội ngộ hiếm hoi này.

Chúng tôi, những người “bạn ảo” cùng sinh hoạt trong Nhóm Cô Gái Việt rất nhiều năm, có người đã gặp, có người hôm nay mới được tận mặt nhau, tay bắt mặt mừng. Nói sao cho hết nỗi hân hoan, nôn nao, xúc động của những lần xôn xao hò hẹn, từ Maryland, California, Austin, Dallas để cùng nhau kéo về Houston, làm một buổi tiểu hội ngộ tưng bừng.

Căn nhà rộng rãi, xinh xắn của Song Thy với  “Uyển Lan Viên” phía sau thật mát mắt với cây cảnh được bố trí rất mỹ thuật. Nhưng điều khiến mọi người  cùng “ồ” lên thích thú là tấm bảng bằng khung gỗ với hàng chữ “Hội Ngộ Cô Gái Việt Houston năm 2022”, trang trí thật đẹp mắt với những đóa hoa, những chiếc nón lá be bé xinh xinh mang hình ảnh quê hương, nổi bật trong khu vườn tươi thắm màu xanh của lá, màu hồng, vàng, tím của hoa. Thôi thì… các Cô Gái Việt điệu đà trong những chiếc áo dài tha thướt, tha hồ tạo dáng và các anh rể, chân chạy không chấm đất để chụp cho các nàng những bức ảnh đẹp.

Sau 5 giờ chiều, bầu trời vẫn còn gay gắt nắng, đưa nhiệt độ lên con số trên 90, nhưng vẫn không ngăn được niềm vui của các CGV đang tíu tít, lăng xăng, nói cười không dứt. Nhưng lăng xăng nhất là CGV Phạm Phan Lang. Với chiếc máy ảnh trong tay, chị có mặt “trên từng cây số”  để “chớp” được những hình ảnh bất ngờ của từng người, ở từng góc cạnh.

Nhóm Cô Gái Việt quy tụ nhiều thành viên tài hoa trong lãnh vực thơ, văn, vẽ. Ngoài viết văn, làm thơ, một số các chị còn có biệt tài khác. Chẳng hạn chị Kiều Mộng Hà, nếu những vần thơ óng ả, trữ tình của chị khiến người đọc ngẩn ngơ thì tài viết thư pháp với nét chữ  mềm mại, lả lướt như rồng bay phượng múa, không thua kém những người đã nổi danh cũng khiến các chị em trong nhóm xuýt xoa khen ngợi. Đỗ Dung đang tập tành, nhưng những nét đá bay bướm của chị đã biến mẫu tự bình thường trở nên độc đáo. Nhạc phẩm “Khúc Tâm Ca Cô Gái Việt” của Hoài Niệm -bài hát mở đầu cho buổi tối hội ngộ chính thức- được mọi người đón nhận nồng hậu, như đã từng đón nhận những bài viết với lối văn dí dỏm, tươi mát, mang đến cho mọi người sự vui vẻ, lạc quan trong cuộc sống vốn nhiều phiền muộn. Thỉnh thoảng, các CGV còn được ngắm thỏa thích những bức tranh đẹp qua nét vẽ linh động, sắc sảo của hai cô họa sĩ Mẫu Đơn và Lê thúy Vinh. Và một người không thể quên là CGV Ngọc Huyền ở tận Canada, luôn mang đến niềm vui rộn rã cho chị em bằng những vũ khúc trẻ trung, mang theo chút tình tự quê hương qua những chiếc áo dài tha thướt.

Ngoài những CGV đa tài kể trên, những CGV còn lại đã làm rung rinh cảm xúc của độc giả qua những áng văn, vần thơ mỹ miều mà vì trang báo hạn hẹp, tôi không thể kể hết.

Điều đặc biệt là thành viên CGV không những chỉ ở trong nước Mỹ mà còn có nhiều chị từ Canada, Đức, Việt Nam. Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến CGV Phan Lang. Cái đặc biệt ấy, không phải ở chỗ chị có trên 70 bài thơ tình mượt mà, lãng mạn được phổ thành ca khúc, mà chính vì cuộc đời chị với thiên tình sử bi ai, với nghị lực phi thường, một mình vượt qua bao đau thương, nghiệt ngã bởi “phận má hồng nhiều nỗi truân chuyện” khiến mọi người đều thương mến và cảm phục.

CGV Phạm Phan Lang sang Mỹ từ 1975. Vừa đi học, vừa đi làm để cùng chồng chăm lo cuộc sống gia đình với ba đứa con nhỏ. Năm 1980, chị đậu hai bằng cử nhân. Nhưng, có lẽ vì có duyên nợ với quân đội nên chị chọn ngànhNutrition and Dietetics (Dinh Dưỡng Học) và ngành học này bắt buộc phải tham gia Chương Trình Thực Tập Dinh Dưỡng của Lục Quân Hoa Kỳ. Thế là chị bắt đầu đời binh nghiệp với cấp bậc thiếu úy. Sau 22 năm phục vụ trong quân đội, 7 lần thay đổi nhiệm sở với nhiều chức vụ khác nhau, năm 2002, chị quyết định xuất ngũ ngay khi nhận được thông báo thăng cấp đại tá.  Các con thành đạt, trách nhiệm của người làm mẹ đã hoàn thành, Phan Lang muốn được tận hưởng cuộc sống an bình nơi Hawaii, để tưởng nhớ về Nha Trang, thành phố biển -quê hương thân yêu của chị.

Những ai đã đọc câu chuyện “Nữ Trung Tá Lục Quân Hoa Kỳ Gốc Việt Đầu Tiên – Phạm Phan Lang” của nhà văn Phạm Tín An Ninh viết về chị, hẳn không khỏi xót xa và khâm phục người phụ nữ đầy nghị lực, đã mạnh mẽ vượt qua nỗi đau chia lìa người chồng yêu quý -cựu thiếu tá hải quân Phạm văn Diên, vì cứu người mà phải bỏ mình trong một tai nạn bi thảm- để nuôi nấng, chăm lo ba đứa con bé bỏng nên người.

Điều hãnh diện không kém là một số các CGV như chị Ngọc Hạnh, Đỗ Dung, Phương Hoa, Minh Thúy, Kim Loan, đã đoạt được giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo. Còn một điều mà người viết muốn khoe thêm là các CGV Nguyễn thị Thanh Dương, Kim Loan và Ngân Bình đang là cộng tác viên thường xuyên của  tuần báo Trẻ được phát hành ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ và một vài CGV khác như Thái Lan, Ngọc Thúy (bút hiệu Hoàng Quân), Thúy M, Song Thy cũng đã từng xuất hiện trên Trẻ.

     Có lẽ, kỷ niệm quý báu nhất là 5 tuyển tập văn thơ với sự đóng góp bài vở rất phong phú của các thành viên. Tuyển tập 2016. Tuyển tập  2017 “Trang Sách Cũ”. Tuyển tập 2018 “Chàng và Nàng”. Tuyển tập 2020 “Thương Quá Việt Nam”. Tuyển tập 2021  “Tri Ân Phụ Mẫu”. Tất cả là công khó của “Bà Bầu” Phương Thúy từ việc lay out, liên lạc với nhà in, với sự trợ giúp của chị Thúy Messegee.

Dông dài tạm đủ, giờ là lúc tôi “chất vấn”  “Bà Bầu” để biết thêm đôi điều về nhóm chỉ toàn những cây bút nữ.

Ngân Bình (NB): Chị đến Mỹ từ năm nào và con đường tìm kiếm tương lai có thuận lợi không?

Phương Thúy (PT): Tôi đến Mỹ  năm 1975, theo học tại Ohio University, Athens và  tốt nghiệp Cử nhân (Bachelor degree), ngành Chemical Engineering năm 1979. Một tuần, sau khi ra trường tôi theo chồng về Maryland. Không tìm được việc làm đúng ngành nghề của mình, tôi học một khóa về COBOL programming. Sau đó, làm lập trình viên máy tính cho một số công ty tư nhân và cuối cùng tôi làm việc cho FAA (Federal Aviation Administration) từ  năm1990, đến năm 2021 thì về hưu.

Ngân Bình (NB): Với tư cách là người thành lập và điều hành nhóm Cô Gái Việt, xin chị cho biết Nhóm được thành lập từ năm nào, và mục đích của nhóm.

Phương Thúy (PT): Dạ, từ tháng 1 năm 2014. Mục đích thành lập nhóm CGV: cho chị em có một chỗ liên kết và sinh hoạt, tích cực theo đuổi mục đích chung (phát huy và bảo tồn văn hóa VN) bằng cách phổ biến các sáng tác của mình như thơ, văn, nhạc, tranh vẽ, …

NB: Số hội viên khởi đầu là bao nhiêu và số hội viên hiện đang có.

PT: Ban đầu, số hội viên khoảng 40 người, bây giờ tăng lên đến 72 người.

NB: Điểm đặc biệt của Nhóm Cô Gái Việt là gì?

PT: Nhóm chỉ toàn phụ nữ, sinh hoạt thoải mái, tự do ngôn luận mà không phải lo né “phụ nam”. (SMILE!)

NB: Chị sẽ trả lời thế nào khi có ai hỏi  “vì sao lại chọn tên Cô Gái Việt trong khi các thành viên ở độ tuổi không còn trẻ”.

PT: Nếu so về số tuổi thì đa số thành viên đã cao niên, trẻ nhất cũng trên 50 tuổi. Nhưng nếu so về sự vui vẻ, tâm hồn trẻ trung, năng động, tự tin, sức sáng tác mạnh mẽ và phong phú trong nhiều lãnh vực văn hóa thì xứng danh Cô Gái Việt. Tôi rất tâm đắc với câu “Không quan trọng là bạn bao nhiêu tuổi, quan trọng là bạn trông giống bao nhiêu tuổi”.

NB: Cảm nghĩ của chị khi nhìn con số hội viên mỗi ngày một tăng.

PT: Vui lắm, dù công việc điều hành nhóm và đăng bài trên website Cô Gái Việt gia tăng.

NB: Xin chị kể vài kỷ niệm vui buồn, đáng nhớ trong suốt cuộc hành trình 8 năm của Cô Gái Việt.

PT: Kỷ niệm buồn khi có 2 thành viên đã sớm lìa đời. Vui nhất là những lần thành viên Cô Gái Việt họp mặt.

NB: Các sinh hoạt của Cô Gái Việt có xen lẫn chính trị hay chỉ đơn thuần là văn hóa?

PT: Sinh hoạt chính là văn hóa, nhưng thành viên có thể chia sẻ những ưu tư trong đời sống, bao gồm cả chính trị. Để giữ hòa khí thì các thành viên phải biết tôn trọng, cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới, không thành kiến và độc đoán.

NB: Chị có muốn nhắn gửi gì với các thành viên của Cô Gái Việt không?

PT: Qua 8 năm sinh hoạt chung, tình thân càng thêm thắm thiết, vững bền. Mong rằng chị em theo đà, sẵn trớn, càng thêm gắn bó để cùng nhau đạt được mục đích chung là phát huy và bảo tồn di sản văn hóa phong phú của Việt Nam.

Để kết thúc bài viết này, xin mời quý đọc giả thưởng thức hai bài thơ xướng họa của CGV Phương Hoa và CGV Minh Thúy.

HỒN CÔ GÁI VIỆT
Từ ngày tao loạn biệt trùng khơi
Con cháu Lạc Long tản khắp trời
CÔ GÁI VIỆT NAM tài mãi rạng 
NỮ LƯU TRƯNG TRIỆU đức luôn ngời 
Văn thơ tôi luyện không xao lãng
Thi phú trau dồi chẳng để lơi
Quốc ngữ bảo tồn chờ đất Mẹ
Hoà bình hạnh phúc khắp nơi nơi
Phương Hoa


HỌA

Cô Gái Việt

Mất nước đi tìm trốn biển khơi
Buồn đau lưu lạc khắp phương trời
Anh thư máu Triệu tâm hùng dũng
Nữ kiệt dòng Trưng chí sáng ngời
Thi hội căm hờn thề vẫn nhớ
Văn đàn uất hận nguyện không lơi
Gìn ngôn ngữ Mẹ quê hương khắc
Cô Gái Việt mình kết mọi nơi
Minh Thuý Thành Nội

©T.Vấn 2022


 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...