Thứ Tư, 12 tháng 10, 2022

Cãi thầy núi đè – Truyện ngắn của Trương Tuệ Đăng

Vanvn- Ở quê cô người ta hay nói câu “Cãi thầy núi đè”. Không biết câu này xuất xứ từ đâu. Quê cô có núi Bà Đen. Đứng trên đỉnh lúc trời quang mây nhìn xa xa chỗ loang loáng nước kia là hồ Dầu Tiếng, cạnh hồ Dầu Tiếng là núi Cậu. Núi Cậu so với núi Bà thấp hơn nhiều. Dân gian lại có câu: Núi Bà cao hơn núi Cậu. Câu đó đa số mấy ông sợ vợ dùng. Ai nói sao sợ vợ vậy? Trả lời không thấy ở xứ này núi Bà cao hơn núi Cậu hay sao. Ý là các bà quyền lực hơn các ông.

Cô chưa từng nghe nói núi xứ này đè ai dù lâu lâu cũng có sạt lở đá lăn lông lốc để lại sườn núi vết xước như trên tóc mấy cậu sinh viên trẻ trong lớp. Nghĩ thôi chứ không dám nói ra. Hớ hênh một chút là lên sóng facebook của sinh viên liền. Theo cô chỉ có Tôn Ngộ Không cãi lời thầy đi phá làng phá xóm. Mà không phải, đại náo tận thiên đình chứ làng xóm thì nhằm gì nên bị Phật Tổ phạt bị đè dưới Ngũ Hành Sơn. Câu “cãi thầy núi đè” vừa có ý khuyên răn kiểu như làm theo thầy đi bảo đảm chỉ có đúng nhưng nếu vẫn cố trái ý thầy có kết quả không tốt đẹp thì đó cho mày bướng, giờ thấy chưa đã nói là cãi thầy núi đè. Câu đó thành ra là hả hê.

Mấy nay cô bị dương tính Covid. Ở nhà hết nằm lại ngồi, ăn, ngủ, uống thuốc, thấy sao mà trước đây mình tất bật quá. Ngoài dạy học ở trường, tăng cường nhận dạy mấy trung tâm ngoại ngữ. Khi đó nghĩ đang còn sức khỏe, đang có cơ hội kiếm tiền bằng sức lao động thì cứ kiếm thôi. Có ai chê tiền bao giờ. Cô dạy nhiều đến nỗi nhiều khi từ bục giảng nhìn xuống cô không bao giờ nhớ nổi tên một sinh viên. Đồng nghiệp hay hỏi đi dạy gần ba mươi năm cô không nhớ nổi tên một sinh viên là vui hay buồn? Cô không thấy buồn, không thấy vui. Vừa uống cà phê cô mở facebook ra xem. Một đồng nghiệp không qua khỏi bệnh Covid, người thân thay hình đại diện facebook bằng hình hoa sen trắng đen. Bạn cô ngày giã từ cuộc đời không gặp được mặt người thân để dặn dò đôi câu, lúc đó chắc tủi lắm. Phải vậy không? Có thể không. Nghe nói lúc ra đi người ta còn không tỉnh táo để nhớ mình là ai nữa thì dặn dò gì. Tất cả gia đình nhận về là hũ sành đựng tro cốt, bạn cô có đem được gì về bên kia thế giới ngoài trống vắng mà thôi bạn ơi và người ơi. Mới năm mươi tuổi còn cống hiến thêm vài năm ra đi vậy có sớm không? Có phải vậy không? Có phải vậy không? Cô hay có kiểu kết thúc một phần nói chuyện hay lời giảng của mình bằng các từ quen thuộc Có phải vậy không?

Tác giả Trương Tuệ Đăng ở Tây Ninh

Nhàn cư vi bất thiện là người xưa nói những người rảnh rỗi quá sẽ dễ làm điều sai quấy, còn sinh viên cô hay nói nói rảnh rỗi sinh nông nổi. Covid tới cô ở nhà, bao nhiêu lịch dạy ngưng trệ hết cô có nhiều thời gian. Cô sống chậm đúng nghĩa, sáng dậy sớm nấu nước pha ly cà phê uống rồi lướt facebook. Riết cũng chán. Nghĩ chuyện xưa, chuyện nay. Khi khổng khi không cô nhớ hồi mới tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường Sư phạm. Cô không nộp đơn về quê dạy mà tìm cơ hội ở lại Sài Gòn. Cô nộp đơn dự tuyển nhiều trường kiểu quăng lưới khắp nơi được chỗ nào hay chỗ nấy. Chờ một tháng thì trường Bách Khoa gọi tới phỏng vấn nhận vào dạy cho sinh viên năm nhất năm hai. Phải nói là cô sợ, sợ thiệt. Hồi thi vô sư phạm cô chỉ tính mình ra trường dạy học sinh trung học thôi. Giờ dạy sinh viên đại học mà lại trường Bách Khoa nên cô thấy ngán. Cô nghe mấy đàn chị nói lại sinh viên trường này thông minh nhưng nghịch ngầm và rất hay soi nếu lỡ sai kiến thức. Nhưng lo nhất là sinh viên đa số là nam. Có lớp nhìn quanh quất chỉ có một nữ duy nhất là cô. Năm nhất năm hai thì mười tám mười chín tuổi nhỏ hơn cô chừng ba bốn tuổi. Bữa đầu tiên lên lớp cô lựa mặc áo dài. Trường không quy định giáo viên đứng lớp mặc áo dài, cũng không phải cô muốn thướt tha yểu điệu thục nữ gì mà cô muốn sinh viên nhìn vô phân biệt được đây là cô giáo, không phải bạn bè đồng trang lứa rồi sau đó nhìn nhau ngượng ngùng.

Cô dạy đâu được một ngày, hai ngày thấy cũng êm. Bữa thứ ba sĩ số lớp tăng lên đột biến nên sinh viên ngồi hơi chật, lớp Anh văn thường xếp phòng nhỏ không như lớp Triết, Kinh tế chính trị, thường dạy ở giảng đường thênh thang. Cô thắc mắc hỏi đồng nghiệp. Đồng nghiệp cô nói ở trường này hay có chuyện học chui. Học chui không phải kiểu học chùa, học không đóng học phí mà có đóng học phí hẳn hoi, có tên trong danh sách lớp đàng hoàng nhưng là sinh viên từ lớp khác chạy qua lớp này học. Lý do vì sao học chui thì nhiều. Học vị của giảng viên không phải là yếu tố thu hút, có thầy là giáo sư, tiến sĩ, tên đường đường in trên bìa giáo trình là chủ biên mà giờ dạy lèo tèo loe ngoe mấy người. Là vì có học vị nhưng cách truyền đạt không thu hút. Trường đã xếp lớp xếp lịch giảng rồi nên thầy cô dạy lớp nào coi như là xác suất ngẫu nhiên mà giới trẻ bây giờ hay nói là hên xui. Hên trúng giáo viên dạy dễ hiểu thì sẽ đồn lên sinh viên kéo tới rần rần có khi ngồi chật cứng, xui xui trúng tiến sĩ gây mê không hồi sức thì thôi ráng ngồi chịu đựng nếu không đào thoát kiểu học chui. Khi nam đồng nghiệp kể tới đây thì chuông reo vào lớp. Cô thấy tự tin vì thu hút được học viên đến lớp mình dù trường cũng không khuyến khích hay trả thêm lương nếu sĩ số lớp có tăng lên đột biến. Sang ngày dạy thứ sáu, thứ bảy, cô bắt đầu lo. Có những sinh viên không nhìn bảng mà nhìn cô chằm chằm dù cũng không có hành vi thất thố gì. Hôm đó bài học có câu hỏi Bạn đến từ đâu? Trong bài sẽ là tên các quốc gia, sau khi dạy xong cô cho sinh viên nói họ đến từ tỉnh thành nào. Nó cứ lặp đi lặp lại đều đều cô không tài nào nhớ hết. Tôi là A đến từ Long An, tôi là B đến từ Đồng Tháp, C đến từ Tây Ninh… Chỉ có một sinh viên nam ở cuối lớp đứng dậy giới thiệu hơi khác Tôi là D đến từ nơi từng là thủ đô của Việt Nam, Thừa Thiên Huế. Máu nghề nghiệp nổi lên cô liền nhắc Huế sao là thủ đô của Việt Nam. Sinh viên phản ứng là em nói là từng là thủ đô của Việt Nam. Cô chắc nịch chưa bao giờ có điều này. Anh chưa nghe câu Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến sao? Ngàn năm đó tính từ năm nào anh biết không? Từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Trải bao nhiêu đời, ở đó còn nhiều di tích một thời như Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn còn lưu tên trạng nguyên bảng nhãn qua các thời kỳ…

Cô đang nói thao thao, chứng tỏ cho các sinh viên biết cô không phải chỉ biết tiếng Anh, cô còn biết kiến thức xã hội. Cô nói thách quá vậy. Tiếng của sinh viên cuối lớp. Cô lờ mờ đoán nghĩa vì là lần đầu cô nghe giọng Huế đậm đặc như vậy. Làm gì đã một ngàn năm. Từ năm 1010 đến nay năm 1995 là bao nhiêu năm. 985 năm. Gặp phải sinh viên Bách Khoa rồi, chính xác từng con số. Cô ngỡ ngàng. Nếu đó là học sinh phổ thông cô sẽ mời ra khỏi lớp không khoan nhượng. Lỗi ở ai? Lỗi tại sinh viên hay vặn hỏi bắt giò cô hay lỗi của cô thuộc bài như vẹt. Hay lỗi tại tác giả của bài viết còn không chắc lỗi tại thằng đánh máy? Cô nhớ bài học tâm lý giáo dục ở trường. Cô hít một hơi thở sâu, nhẹ nhàng từ từ thở ra tự dặn bản thân dằn xuống bình tĩnh, bình tĩnh thôi. Cô bực lắm định nói cãi thầy núi đè, sách vở nói vậy mà còn cãi cho được nhưng con số chính xác vậy thì cô không thể làm căng. Thôi thì chọn giải pháp bolero đi: không phải tại cô, cũng không phải tại em. Cô cười. Nụ cười cô như mùa thu tỏa nắng. Đó là người yêu cô bảo vậy. Sau này cô tá hỏa phát hiện ra anh này dám lấy mấy câu của nhà thơ Kinh Bắc Hoàng Cầm gán cho cô. Cũng may có sáng tạo bỏ bớt câu răng đen phía trước nếu không cô hờn cả thế giới. Cô cười khoe hàm răng trắng như trứng bóc mà cậu sinh viên vẫn chưa nguôi. Cậu sinh viên nhất định không chịu thua nói ở Huế có cả Văn miếu Huế. Cô lại bảo cô chưa từng nghe. Trong lớp cũng có người bảo là chưa từng nghe, lớp cứ vậy mà nháo nhào lên. Cô kêu lớp giữ trật tự. Cậu sinh viên trước khi ngồi xuống còn nói một câu What you do not know does not mean it never exists (Điều cô không biết không có nghĩa là không tồn tại). Và dù đã ngồi xuống rồi nhưng vẻ mặt sinh viên không phục cô. Cô khó chịu, vụ nói thách gì đó có gì mà làm quá vậy. Cô nói sẽ tìm hiểu thêm. Đó là cách nói tình thế. Sau lớp học này tới lớp khác, rồi chạy show các lớp ở trung tâm ngoại ngữ. Cô không có thời gian đâu để nhớ những chuyện như vậy. Bữa học sau nữa cô không thấy sinh viên quê Thừa Thiên Huế ngồi ở cuối lớp.

Núi Bà Đen ở Tây Ninh. Tranh của họa sĩ Tuấn Kiệt

Những bữa sau, bữa sau nữa sinh viên ấy không còn đến lớp cô. Cô cũng không hiểu vì sao, cô nhiều fan mà hõi sức ðâu ðể ý kiểu fan bây giờ hay nói là fan thời vụ. Nhưng những fan thời vụ cứ rời lớp cô. Lớp cô thưa dần. Cô cũng không hiểu vì sao. Rồi một ngày cô vội vã đi qua khoảng sân đến văn phòng khoa ở dãy nhà B3 nghe loáng thoáng phía sau có tiếng nói qua lại của mấy sinh viên ngồi ghế đá gần lối cô qua, cô đó đẹp nên sinh viên học nhiều mà thiếu kiến thức nên lớp thưa vắng. Bữa đó quãng đường đến khoa có xa gì đâu mà đi mãi không tới. Cô khóc tức tưởi, khóc nức nở. Thời cô không có chuyện như bây giờ, kiểu sinh viên cô hay nói em đẹp em có quyền. Đẹp là tha thứ được hết. Cô giận mấy fan thời vụ sẵn sàng quay lưng với cô. Cô nghĩ sao mà phận cô lận đận. Nếu có trường nào khác gọi, cô sẽ rời đi ngay không mảy may quyến luyến ngôi trường danh giá này. Cô có niềm tin sắc đinh là cô đúng. Có thể anh chàng sinh viên Huế kia muốn làm cô mắc lỡm. Nếu như thời bây giờ cô tra hỏi ngay anh Google chưa tới một phút ba mươi giây có kết quả là tới công chuyện với cô. Nhưng đây là chuyện của mấy mươi năm về trước, hồi đó làm gì đã có smart phone với Google. Không lẽ cô ra tới thư viện tổng hợp để tra cứu. Không đâu. Thời giờ là vàng bạc. Cô đi dạy thêm kiếm tiền. Lịch dạy và phiên dịch cô kín cả rồi. Cô không phải giáo viên dạy sử. Cô cũng không có ý định làm hướng dẫn viên du lịch. Cô là giáo viên dạy tiếng Anh và cô đã học sử ở trường phổ thông ngày đó không có nói tới điều này. Điều gì sách trong nhà trường không nói tới thì coi như không có.

***

Hết bệnh. Cô thấy hú hồn. Ơn trời mình may mắn sống sót. Nhiều người thân quen không qua khỏi. Cô thấy mình cần đi xa sạc lại năng lượng vơi khá nhiều qua mấy mùa Covid. Cô hỏi người bạn làm ở công ty du lịch nghe bảo ở Huế thành phố di sản, thành phố lễ hội đang vào mùa lễ hội điện Huệ Nam – Hòn Chén. Cô nhớ rồi Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai sau khi biết bị chồng phản bội, mất niềm tin đã tìm đến mẫu của điện Hòn Chén. Cô không có nỗi buồn nào quá lớn để cần nương dựa nhưng đi cũng tốt mà. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Để đến điện Hòn Chén có thể ra bến Tòa Khâm ngồi đò ngược dòng sông Hương lên gần tới gần ngã ba Tuần. Cô không thích đi đò cũng không thích đi taxi. Hai phương tiện đó cô không thể kêu dừng lại những nơi cô thích. Nhớ bữa đi ngang qua Phu Văn Lâu cô kêu dừng xe lại, tài xế taxi nhìn cô hỏi có phải cô muốn giải quyết nỗi buồn. Ồ! Không bao giờ. Giữa đường phố tấp nập thế kia thì dù có buồn rũ rượi cũng không dám giải quyết đâu con ơi. Vậy là cô quyết đi bằng xe máy thuê tại khách sạn.

Đường lên điện Huệ Nam không xa. Ngay cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp đó là nói theo nhạc chứ đúng ra là sáu nhịp mười hai vài. Sai sót đó cũng đáng kể nhưng người ta vẫn hát suốt. Nhằm nhò gì. Qua Trường Tiền, chạy ngược lên theo đường Trần Hưng Đạo men theo sông Hương ngang qua cầu Phú Xuân, cầu Dã Viên đến Kim Long, cứ thế tới khúc quanh gắt nhìn lên là Linh Mụ, chạy tiếp, chạy tiếp sẽ thấy điện Hòn Chén. Qua Linh Mụ trời đổ mưa. Cô sực nhớ ra đã thoa kem chống nắng cẩn thận, mang theo cây dù tím che nắng mà không nhớ đem theo áo mưa. Dạo này cô hay quên trước quên sau. Và cũng như bao lần nó cũng chẳng bao giờ lỗi tại cô hết. Nó là do hậu Covid. Mà có phải mình cô đâu, nhiều người cũng đổ cho hậu Covid. Cứ như không hậu Covid đời không nể. Bởi hậu Covid mà biết nói năng thì khối người trong đó có cô phải đi gặp nha sĩ gấp. Cô tấp vội vô một cổng tam quan xưa cũ sát bên đường, mái lợp ngói lưu ly có biển chữ Hán. Thua rồi, phải tiếng Anh thì cô đọc được. Ủa. Đây có phải đi thi gì đâu mà cô xoắn, chỉ là trú mưa. Kia. Có bảng hướng dẫn kia. Mưa tạt, cô bung dù tím, lãng mạn chưa. Văn thánh miếu, Văn miếu. Cô dụi mắt. Đúng rồi. Mắt mờ là do lướt facebook và youtube nhiều chứ đừng đổ hậu Covid nữa phải tội. Ở Huế có Văn miếu. Ba lối vào thì hai lối cổng đã khóa, lối thứ ba cửa hé vừa đủ một người đi vào. Cô khóa xe, bước vào bên trong. Vắng tanh, không một bóng người. Hai dãy nhà sơn son thiếp vàng có tới ba mươi hai bia khắc tên những người thành danh mà cô vì không biết chữ Hán cũng không thể đọc tên.

Người ta nói trăm năm bia đá thì mòn đâu có sai cứ nhìn bia tiến sĩ đi mòn thật mà, có những chỗ chữ bị mưa gió mài nhẵn. Cô dạo một vòng, cúi xuống nhẹ nhàng lau vệt nước mưa đọng trên đầu những con rùa đá đang miệt mài đội bia hằng thế kỷ. Đừng hiểu lầm là cô sờ đầu rùa như sĩ tử đến Văn Miếu ở Hà Nội trước mùa thi. Cô nhớ những đầu rùa ở đó mòn nhẵn biến dạng thấy thương đến nỗi Ban quản lý khu di tích phải có biển Cấm sờ rùa. Mà không biết có ai đã thống kê bao nhiêu người sờ đầu rùa thi cử đỗ đạt. Không biết từ bao giờ có tục sờ đầu rùa lấy vía may. Ở đâu ra vậy? Có nhầm lẫn gì không? Thường sờ gì thì xin vía nấy có phải không? Đây cô nhắc: Thương thay thân phận con rùa, Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia. Có mà liều liệu đi chứ hối không kịp. Cô giờ còn học hành thi cử gì nữa mà cầu đỗ đạt. Vài năm nữa hưu rồi. Coi như cũng gần xong một đời người. Cô lẩm nhẩm nói với chính mình. Vậy đúng là ở đất Huế này có văn miếu. Còn chuyện cô tưởng không có là chuyện của cô. Đúng là “điều cô không biết không có nghĩa là không hề tồn tại”. Đau điếng chưa? Lịch sử dù đã sang trang nhưng là một phần của quá khứ, đã xảy ra rồi, có thể nào sửa hay thay đổi được. Có phải vậy không? Chuyện của cô và cậu sinh viên người Huế kia không biết có ai còn nhớ không? Những sinh viên ngày đó chứng kiến tranh luận giữa cô và chàng trai Huế có ai kiểm chứng được thông tin chưa? Hay như cô ngỡ ngàng giữa chiều mưa xứ Huế. Cô sực nhớ lời thầy mình mỗi nhân vật xuất hiện trong truyện đều có ý nghĩa nào đó. Và đâu chỉ trong truyện, cô thấy đời cũng vậy. Cậu sinh viên kia cô chưa kịp biết tên, không thể nhớ mặt giữa nhiều khuôn mặt sinh viên đã đến lớp học cô một buổi sáng, trúng ngay bài học Bạn từ đâu đến? một cách tình cờ. Rồi phải chi cậu ấy giới thiệu ngắn gọn như A, B, C thì chắc cũng không có gì xảy ra. Rồi phải chi cô đừng trưng trổ kiến thức lịch sử vốn rất sơ sài. Phải chi cô thận trọng biết dựa cột mà nghe thì đâu đến nỗi. Nhưng thôi cũng là quá khứ rồi, dằn vặt nữa làm gì. Ở đời ngồi luận đúng sai biết bao giờ mới hết.

Ngày cô học lịch sử dừng lại ở triều Tây Sơn những gì sau đó chỉ là những cuộc khởi nghĩa, những phong trào cách mạng. Triều Nguyễn trải qua mười ba triều vua những thành quả, những thất bại ngày đó đã được đánh giá một cách công bằng sòng phẳng hết chưa. Có những tên tuổi được khắc ở Văn miếu Huế mà trong cả nước cũng không thống nhất được là có công hay có tội hay vừa có công vừa có tội. Chỉ thấy tên đường thay đổi ở tỉnh này tỉnh khác vẫn duy trì hoặc đặt mới cũng không có vấn đề gì. Tương tự là tên trường. Đó là cô vừa nhanh nhảu dùng 4G tra Google trên smart phone thấy vậy. Không biết bây giờ học sử thế nào mà thấy tranh luận trên báo mạng người nói nên là môn bắt buộc người nói môn tự chọn nghe sốt cả ruột. Tính đi tính lại cũng may, hồi đó sinh viên chưa có smart phone như bây giờ nếu không gay go. Đoạn tranh cãi đó có thể bị quay lại. Các báo mạng sẽ giật tít: Cô giáo đại học xinh như hoa hậu không biết Huế có văn miếu, Tranh cãi về văn miếu Huế giữa giảng viên xinh đẹp và chàng trai sinh viên Huế, Cãi thầy có phải lúc nào cũng bị núi đè?… Lúc đó cô sẽ nổi tiếng trên cõi mạng, bao nhiêu người vào facebook cô để lại comment kiểu ném đá. Lúc đó cái đẹp liệu có còn quyền năng, có còn được tha thứ hết như mấy ông bẻm mép hay nói. Mà đó là suy nghĩ của mấy ông thôi chứ một nửa thế giới còn lại các bà chưa chắc có cùng suy nghĩ.

Mưa tạnh. Cô sửa soạn quay ra thì một anh hướng dẫn viên đi đến mời chào dẫn cô đi tham quan. Huế là đất thần kinh là kinh đô của đất nước thưa cô, anh ta nói. Cô cảm ơn rồi đi. “Thành quách trăm năm sầm mặt lạnh”. Mới là trăm năm đóng đô mà từ bà bán hàng đến anh tua gai ngữ điệu nói năng như vẻ mình thuộc hoàng tộc. Vội thế nào cô va vào thành cổng. Cô hơi choáng, tựa đầu vào tường gạch chờ cơn choáng qua. Vậy mà có team qua đường chụp đăng lên một nhóm chuyên trang bảo cô gái Huế thì thầm trên dấu xưa Văn Miếu Huế. Đúng là trông gà hóa cuốc. Có mà mẹ của cô gái thì có. Có người vào bình luận nói đạo ý tưởng phim Tâm trạng khi yêu của Vương Gia Vệ ở cảnh cuối nhân vật nhà văn thì thầm cùng tượng đá đền Angkor. Nhà văn nói gì không ai rõ. Vương Gia Vệ luôn bí ẩn vậy. C̣òn cô không nói ǵì cả. Nói ǵ đây khi người cô cần nói giờ bóng chim tăm cá. Có khi cậu sinh viên cũng đã quên đi câu chuyện ngày xưa. Như cô đã từng quên nếu như chiều nay cơn mưa không về bất chợt. Cô cũng không dám nói gì vào miếu thiêng, biết đâu từ chỗ đó hạt mầm chim chóc hữu duyên mang tới đã nằm sẵn. Hạt sẽ nảy mầm rồi gió lay cây réo rắt lời cô gửi gắm như chuyện người thợ cắt tóc gặp ông vua có lỗ tai lừa năm xưa bà kể. Chuyện giữa hai cô trò cứ để đấy nói với nhau không cần hét lên Eureka cho cả thế giới biết làm gì. Một ngày nào đó biết đâu cô trò gặp lại. Cô sẽ nói với em những điều cô nghĩ lúc này. Biết đâu đấy. Cuộc đời vốn có nhiều bất ngờ mà. Có phải không? Có phải không?

TRƯƠNG TUỆ ĐĂNG

 

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...