Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

Bên giếng nước – Truyện ngắn của Trần Tùng Chinh

Vanvn- Lần nào về Tri Tôn, nhất là dịp Thanh Minh, dọn dẹp mả cúng ngoại, chế Hằng cũng kiếm cớ ẵm con Thảo đi đút ăn để xin phép ra phía sau nhà dì Tám, ở chỗ giếng nước. Dượng Tám hay rầy chế: “Mày đem con nhỏ ra sau giếng làm gì, muỗi mòng, lại coi chừng nó nghịch dại, leo trèo, có gì mệt lắm”. Chế Hằng cứ dạ dạ cho có lệ, rồi cũng níu tay con Thảo te te đi ra phía sau hè…

Nhà dì Tám – hàng xóm lâu năm ở bên cạnh nhà ngoại từ hổi xửa hồi xưa – cất trên miếng đất hình chữ L, lòn qua sau lưng nhà ngoại. Lúc đó, cả hai nhà, xài chung cái giếng nước. Ra sau hè nhà ngoại, chỉ cần thò chân bước lên ba bậc tam cấp là bước ra sau vườn nhà dì Tám. Và ở đó là cả một thế giới tuổi thơ của chế. 

Thật ra mảnh vườn của dì Tám cũng không lớn lắm, thậm chí có phần nhỏ hẹp, nhưng chẳng hiểu sao khi chế Hằng còn con nít, chế lại thấy khu vườn sao mà thênh thang. Chỉ từ chỗ giếng nước đi đến bờ rào có hàng me nước um tùm đã là một khoảng cách dài miên man. Ở đó, chế và hia Quang – con của cậu Hai chơi chung, dù trò đứa này chẳng thèm giống trò đứa kia. Chế thì thích chơi đồ hàng như bao đứa con gái khác ở một vùng quê nghèo khan hiếm những con búp bê đắt tiền. Còn hia Quang thì chỉ thích cái trò vặt tàu lá chuối, vuốt trụi lủi chừa lại cái xương sống làm súng bắn tạch tạch hù chế. Vậy mà cũng vui. Nhờ có hia Quang, chế có người để dụ đi đến bờ rào hái mấy trái me nước chín đỏ về cho chế chơi nhà chòi. Và chế cũng sẵn lòng chừa lại những tàu lá chuối to nhất cho hia chơi trò bắn súng…

Nhà văn Trần Tùng Chinh ở An Giang

Giờ thì chỗ bậc tam cấp bước vào trong bếp nhà ngoại đã không còn. 

Chỗ đó bây giờ là một bức tường. Bức tường ấy, gạch còn mới nguyên xây chắn lên sừng sững làm ranh giới phân đất rạch ròi giữa nhà ngoại – bây giờ là nhà của cậu Hai và hia Quang – với phía bên nhà hàng xóm. Mấy năm nay, mỗi lần về quê ngoại, muốn ra sau giếng ngùi ngùi nhớ lại ngày xưa, chế chỉ còn cách đi tuốt ra sau nhà dì Tám. Từ chỗ đó, là có thể ngẩn ngơ dòm lại ký ức nhà ngoại trong sự hình dung ngày càng mơ hồ xa xăm, lòng bỗng chạnh buồn khi nghĩ đến thế hệ của con Thảo sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy nữa…

Bức tường này cùng ngôi nhà mới xây lên trên nền nhà cũ sau ngày bà ngoại của chế mất không lâu. Khác với ông ngoại ra đi hồi lúc mới bước vào tuổi sáu mươi, bà ngoại của chế qua đời khi chỉ cần một năm nữa thôi là bà thọ đúng một trăm tuổi. Dù những năm cuối đời, ngoại ngày càng lãng tai trầm trọng. Tâm sự chuyện trò gì với ngoại, chế cũng kê ngay lỗ tai ngoại mà cất cao âm lượng của giọng nói của mình lên; vậy mà có khi ngoại còn không nghe được…

*

Hôm chế thưa ngoại đi lấy chồng, chế vừa khóc vừa dụi mặt mình vào cái áo túi của ngoại nghe cái mùi già nua ngai ngái của ngôi nhà cổ sực lên mũi mình. Cái giọng run run của ngoại bật ra một cách khó khăn từ hai cái hàm lợi, không còn cái răng nào, mắt ngoại kèm nhèm nhìn chế, biểu bây nói cái gì, bây đi đâu, không ở đây nữa ha? Rồi ngoại dùng bàn tay gầy guộc xương xẩu của mình rờ rẫm lên cái má bầu bĩnh của chế, thoa thoa chỗ nước mắt làm cho phấn kem bôi mặt trở nên nhòe nhoẹt.

Vậy mà chế đi lấy chồng chưa bao lâu, có bầu rồi đẻ con Thảo chưa kịp ẵm về cho ngoại thấy mặt thì ngoại đã qua đời.

Hôm đám tang, đưa ngoại về chân núi Tà Pạ – chôn gần bên ông ngoại, họ hàng bà con nhà chế trong vành tang trắng phơ phất bay, quỳ mọp xuống giữa con đường núi để lạy tạ mọi người. Bữa đó, con Thảo còn đỏ hỏn, mà chế nhứt quyết ẵm theo để cho đứa con gái đầu lòng bé bỏng của chế đưa bà cố của nó đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Đến dự đám tang, bà con cô bác ai cũng biểu bà ngoại của chế mất vào cung ly. Phải coi kỹ ngày giờ mai táng, kẻo mai này con cháu mỗi người mỗi ngã. Thì đó, trước mắt là thấy chế đi lấy chồng miệt xứ lụa Tân Châu, xa cái thị trấn núi non này hai quãng đón xe khách và một lần lụy đò để qua sông. Còn hia Quang, lúc đó đang đi du học miệt trời Tây, nghe nói đang bận làm lễ ra trường nên không bay về kịp. 

*

Tưởng chỉ có vậy, chỉ có chế và hia – hai anh em con cô cậu – đi xa; không ngờ đó mới chỉ là khúc dạo đầu. Mấy câu dự báo của chòm xóm tưởng đầu môi, lời nói gió bay, ai dè nó neo đậu lại trong mối quan hệ bà con ruột rà máu mủ của gia đình chế. Hai chữ cung ly cứ thế ám vào làm tan đàn xẻ nghé.

Ở Tân Châu, nhà chồng chế, không may ở ngay nơi đất lở. Mùa nước, có ngày sông nuốt chửng đi hàng chục mét đất, chỉ mấy tiếng ầm ầm nghe như long trời, nhìn ra chỉ còn bọt sủi tăm sùng sục. Má chế nóng ruột, đứng ngồi không yên nên nhắn chế tạm thời để chồng lại đó vì chồng chế còn có công ăn việc làm, còn chế bồng con Thảo về xứ núi với má, tá túc nhà ngoại kiếm đường mần ăn. Má còn nói, ở lại đó không khéo, tối ngủ, sáng dậy thấy mình nằm dưới sông, lạnh ngắt.

Chế về, thấy nhiều cái hồi trước mình vô tư không nhìn thấy. Thấy mợ Hai hay bâng quơ đá thúng đụng nia, mắng chó đuổi mèo; thấy má chế hay ngồi thu lu sau bếp thẫn thờ. Nhà không có người làm, chỉ có má của chế không khác chi người ăn kẻ ở. Nấu nướng dọn bày lên bàn trên cho gia đình cậu quây quần ăn uống;  xong xuôi đâu đó, lấy cớ dọn dẹp, má toàn ăn sau và ăn cơm dưới bếp. 

Hình như nhắn chế với con Thảo về, má chế có xin phép cậu mợ Hai nhưng phải cố đấm ăn xôi để cho mẹ con chế có chỗ an toàn mà trú ngụ. Đôi lần, chế cảm nhận được cái nhìn nửa con mắt thiếu thiện cảm của mợ dâu.

*

Cho tới lúc hia Quang từ nơi du học trở về thì căn nhà lớn ba gian bỗng trở nên chật chội, bức bối hơn bao giờ hết.

Dường như cái thuở anh em cùng lớn lên bên nhau với bao chuyện vui buồn, giờ sau bao năm xa cách, đã nhạt như nước ốc. Hia về, gặp chế ẵm con Thảo đứng trước nhà đón, chỉ giơ tay hế lô rồi nắm tay cô bạn gái có mái tóc hoe vàng đi tuốt vô trong. 

Chưa kịp hết ngỡ ngàng khi bồi hồi nhớ lại chuyện năm nảo năm nào, thì tối đó, cậu mợ Hai mời má con chế lên nhà trên nói chút chuyện. Má ngồi lên tấm ván ngựa, chế xốc nách con Thảo đứng đằng sau đuổi muỗi. Cậu Hai ngồi trên võng, ho khan khọt khẹt vài ba tiếng rồi mở lời:

– Bữa nay, tui kêu má con cô Ba ra đây là để thông báo một chuyện. Tháng sau, ngày tốt, tui và thằng Quang sẽ dỡ nhà má ra để cất lại nhà lầu mới cho thằng Quang nó cưới vợ rồi mở tiệm mần ăn. 

Lời cậu sao nhẹ bâng, nói ra dễ dàng như sắp sửa dỡ bỏ một cái chuồng gà. 

Ngôi nhà ba gian với bao kỷ niệm từ cái kèo cái cột. Má đang ngồi thả chân xuống đong đưa tránh muỗi, bỗng rút chân lên phản. Mắt má trợn ngược, giọng run run:

– Anh với chị làm vậy rồi má con tui ở đâu ?

Cậu Hai thủng thẳng tiếp lời:

– Thì tui chưa có nói hết. Từ trước giờ cô ba ở với má. Dượng Ba nó vắn số, cô ba mẹ góa con côi hồi nào ở đây, giờ má mất thì cứ ở đây…

Nhưng mợ Hai ngồi trên ghế mây gần đó cất giọng tằng hắng:

– Ông tính kỹ à nghen, chứ tui thấy, nhà có thêm dâu thêm rể, coi chừng ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng!

Cậu Hai có vẻ lúng túng, mắt lấm la lấm lét nhìn vợ rồi kéo tia nhìn về thảy sang phía má:

– Ừ thì tui cũng rối trí, vậy ý cô ba làm sao, cô nói ra nghe coi !

Chế đứng phía sau, thấy vai má run run:

– Tui biết, thằng Quang nó là cháu đích tôn. Anh là con trai cả, phận tui con gái nhà ngoài. Trước lấy chồng ở dưới ghe, ảnh không may mất sớm nên tui lên bờ ở phụng dưỡng má. Giờ má mất rồi, tui ở đây bất tiện, chỉ tội con Hằng mới ở Tân Châu về…Giờ tui cũng chưa biết tính sao…

Giọng má nghẹn lại rồi má thút thít khóc. Ở góc kia, mợ Hai nhíu mày:

– Cô Ba khóc lóc cái gì ? Có gì mà khóc ? Nhà này của ba má, ba má mất rồi thì là của anh Hai cô. Cô nhắm ở đây được thì ở; nhưng tui nói mất lòng trước đặng lòng sau, nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt; nhà cũng đông miệng ăn mà thiếu người làm; chỉ sợ cô Ba nói anh chị chơi gác, xử ép cho cô. Nếu cô tính kế ở lại lâu dài thì cô coi sóc nhà cửa, tui nuôi cơm ngày hai bữa. Còn cách khác thì tùy cô quyết định…

Rồi mợ Hai còn quăng thêm một câu nữa trước khi dứt lời:

– Mà lâu dài thì tui cũng không nói trước được à nghen. Mai mốt, nhà này tui và anh cô cũng giao lại cho vợ chồng thằng Quang thôi… Thành ra, tui mà là cô chắc tui cũng đi ở chỗ khác cho nó khỏe cái thân.

Má bỗng ngồi thẳng người, kéo tay áo chùi khô những dòng nước mắt: 

– Tui hiểu ý anh chị rồi, thôi, để má con tui đi. 

Cậu Hai nhìn qua mợ rồi nhìn má ái ngại:

– Cô cứ bàn kỹ với con Hằng đi, hấp tấp làm gì!

Thì giọng của mợ Hai sắc lẻm, sau cái chặc lưỡi:

– Anh để cô Ba cổ tính – Quay sang má, mợ cười nhạt – Cái đó là cô nói đó nghen, coi chừng làng trên xóm dưới, ai độc mồm độc miệng biểu tui, chị dâu em chồng xua đuổi cô thì oan cho tui lắm. Tui cũng tính bàn với anh cô cho cô chút vốn…

Má không còn bình tĩnh nữa, giọng má bỗng trở nên lạnh tanh:

– Cảm ơn anh chị, má con, bà cháu tui sống được, không chết đói, chết khát đâu…Mai, tui và hai mẹ con con Hằng sẽ đi khỏi cái nhà này…

Bỗng con Thảo cất giọng ngằn ngặt khóc. Chế nhìn sang hia Quang cầu cứu, nhưng đáp lại cái nhìn thống thiết của chế, hia lạnh lùng đứng dậy đi vào nhà trong. Thái độ đó của hia làm cho chế thật sự đau lòng; thà là hia lấy cây súng tàu lá chuối ngày nào mà quất vào tim chế.

Sáng hôm sau, mẹ con chế và con Thảo quay trở lại Tân Châu. Má chế nắm chặt hai cái giỏ xách dứt khoát bước nhanh về phía trước. Chế ẵm con Thảo, cặp cái mê nón che nắng cho nó, ngập ngừng cất bước theo sau. Đi mươi thước, chế không ngăn nổi đầu mình ngoảnh lại nhìn nhà ngoại. 

Mái ngói đã ngả màu rêu, thấp thoáng sau tàng cây mãng cầu cho chế bao nhiêu hột búng ô quan. Bàn thờ ông Thiên phía trước hàng hiên lót gạch tàu ngày xưa chơi lò cò không biết mệt. Mấy cây cột to, đen bóng lên nước mà vòng tay của chế lúc thơ bé ôm không giáp… Nhìn lướt qua ngôi nhà thân thuộc thật nhanh nhưng chế đã kịp khắc mọi thứ vào trong sâu thẳm tim mình.

Bởi chỉ cần lần tới có dịp trở về, chế biết ngôi nhà gắn với cả một thời thơ ấu ấy của chế sẽ không còn nữa… 

Lạ quá, nắng sáng lung linh mà làm cay xè cả mắt…

*

Rời Tri Tôn chẳng bao lâu, con Thảo cũng chưa kịp đến trường đi học lớp vỡ lòng thì má chế qua đời. 

Nhiều khi chế nghĩ chắc là má rời khỏi quê ngoại trong nỗi tủi thân hờn trách làm nặng lòng má. Má nhắm mắt mà vẫn còn đau cái cảm giác bị chính anh ruột của mình bứt đứt mối thâm tình. Cái cung ly nó vận vào mối quan hệ của má và cậu Hai – hai anh em, hai người con của ngoại sao mà đầy ray rứt. 

Rồi má cũng yên nghỉ ở bên cạnh ngoại – để tiếp tục phụng dưỡng ngoại nơi chín suối; và vì lẽ đó, chế vẫn không thể ngoảnh mặt với quê ngoại được. Năm nào chế cũng về nơi ấy. Năm nào chế cũng canh chừng nhà cậu Hai đóng cửa đi đâu đó, để lần dò tìm đến nhà dì Tám, giả bộ xin ra sau nhà đút cơm cho con Thảo để được lặng người ngẩn ngơ bên giếng nước sau nhà ngoại ngày nào.

Đã bao nhiêu cái đám giỗ của ngoại mà chế chỉ lẳng lặng làm một mâm cơm cúng ở nhà chế. Lúc đó, chế tự hỏi, không biết ngoại đang dự đám giỗ của mình ở nhà cậu Hai hay theo hương hồn má rủ về với đứa cháu gái của ngoại, nơi có mâm cơm đạm bạc nhưng tươm tất và nghi ngút khói nhang?

Để rồi, những lúc như thế này, bên giếng nước, nhìn lại ngôi nhà ngoại trong ký ức – hiển hiện sừng sững che khuất ngôi nhà lầu kiểu cách và sang trọng của hia Quang đang ngạo nghễ sau bức tường kia, chế tự nói với lòng mình những điều rút ruột. Rằng mai này khi con Thảo lớn lên, và những đứa em khác của nó chuẩn bị ra đời, chúng sẽ trưởng thành, sẽ sinh con đẻ cái; chế sẽ dạy cho chúng mãi mãi yêu thương nhau trong tình ruột rà máu mủ. Chế sẽ trối trăng với chúng trong cái ngày ở thì tương lai mà chế sẽ đi theo má, theo ngoại, rằng mỗi lần đến đám giỗ của mình, chế chỉ muốn trở về một nơi, một chỗ mà thôi…

Nơi đó, từ trên bàn thờ phảng phất mùi trầm hương thơm ngát, chế từ trong bức hình sẽ nhìn xuống bầy con cháu quây quần đông đủ mà mỉm cười mãn nguyện.

Và chế tin, ở đâu đó bên cạnh mình, ngoại và má chế cũng mỉm cười…

TRẦN TÙNG CHINH

 

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...