Nguyễn Ngọc Duy Hân
Khi dự đám tang ít khi nào người ta dám hát nhạc vui. Trước cái chết, cái
mất mát đâu ai có lòng dạ nào. Thế nên vào cuối tháng 9, 2022, cộng đồng thế
giới đã "lùm xùm" chỉ trích chuyện Thủ tướng Justin Trudeau hát nhạc rock
trong một khách sạn ở Anh, trước khi tham dự tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth
đệ nhị.
Theo báo New York Post, vị thủ tướng 50 tuổi của đất nước Canada cùng nghệ
sĩ dương cầm Gregory Charles đã bị quay phim ở London, khi cả nhóm đang hát
bài “Bohemian Rhapsody” của ban nhạc Queen. Đoạn video dài chỉ 14 giây mà
thu hút gần 2 triệu người xem. Nhiều ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo Canada
thiếu tế nhị trong bối cảnh lễ tang nữ hoàng Anh Elizabeth II. Một số
so sánh hành động này với bữa tiệc từng gây tranh cãi của cựu Thủ tướng Anh
Boris Johnson vào đêm trước đám tang của hoàng thân Philip năm 2021.
|
Người ta thấy nghi lễ đám tang đã có ít nhất 300 ngàn năm trước đây. Bằng
chứng là có những bộ xương được phát hiện ở hang Shanidar (Iraq) hay hang
Pontnewydd (Wales) phủ một lớp phấn hoa, cho thấy người chết đã được chôn
cùng hoa và các đồ vật.
Cách thức an táng cũng có nhiều kiểu khác nhau như địa táng, hỏa táng, điểu
táng, thủy táng ... dựa vào tập tục từng vùng và tôn giáo của từng dân tộc.
Người đạo Thiên Chúa, đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Phật có những nghi thức chôn
cất khác nhau.
Chẳng hạn người Tây Tạng trước đây an táng người chết theo kiểu điểu táng,
nghĩa là lóc thịt từ xác người chết ra để cho chim điêu ăn. Họ quan niệm khi
xác được chim ăn rồi bay đi khắp nơi thì linh hồn người chết sẽ mau chóng
được siêu thoát trong không trung. Cái màn xẻ thịt ra mảnh nhỏ để chim nuốt
cho dễ coi bộ hơi rùng rợn cho cả người sống lẫn người đã chết. Chỉ có loài
chim là vui vì coi như được người đầu bếp phục vụ kỹ lưỡng!
Ở Mumbai cũng thế, những người theo Hỏa giáo để chim kền kền ăn xác người
chết. Họ cho rằng đây là một hành động "từ thiện" để tẩm bổ cho các loài
chim này. Hơn thế, đó còn là một nghi thức giải thoát người đã khuất khỏi
hình dạng thể xác để họ thật sự bao trùm lấy linh hồn của mình.
Ở vùng cao nguyên Scotland, người chết được chôn với một cái đĩa bằng gỗ đặt
trên ngực, trên đĩa là một nắm muối và một nắm đất. Họ làm thế vì tin rằng
thân thể người chết sẽ bị phân hủy thành đất trong khi linh hồn sẽ không bao
giờ tan rã, như những hạt muối.
Tại Việt Nam, khi xưa có đám tang kéo dài cả tuần lễ, ồn ào hao tốn làm khổ
gia đình và lối xóm. Chẳng hiểu sao người ta lại dùng chữ đám "ma", có lẽ vì
lấy từ chữ ma chay tức là lễ chôn cất và cúng tế người chết, theo phong tục
cổ truyền. "Ma" ở đây không có nghĩa là ma quái, ma quỷ.
Hình thức an táng phổ biến nhất là chôn dưới đất nhưng hiện hỏa táng đang
dần chiếm ưu thế. Theo thống kê, có đến 99,82% người chết ở Nhật Bản được
hỏa táng ở các đài hóa thân. Với những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ thì
nguyện vọng cuối cùng là được tắm nước sông Hằng, hỏa thiêu bên bờ sông Hằng
và tro cốt sau đó được rải xuống chính dòng sông này. Thế nhưng hỏa táng
không được ủng hộ ở mọi nơi, thí dụ người Do Thái tin rằng linh hồn của
người bị hỏa thiêu sẽ không tìm được sự yên tĩnh. Chính tôi trước đây cũng
ngại bị thiêu vì sợ ... nóng, nhưng bây giờ cũng chấp nhận được rồi.
Những người quan tâm bảo vệ môi trường thì cổ súy cho hình thức “an táng
xanh”. Họ kêu gọi tránh dùng gỗ làm quan tài, tránh dùng các chất ướp xác
gây hại cho đất, nguồn nước, tránh dùng bê-tông xây huyệt mộ. Thay vào đó,
quan tài có thể làm bằng giấy cạc-tông cùng vải liệm có thể phân hủy được.
Bạn có chấp nhận người thân hoặc chính mình nằm trong cái hộp bằng giấy
không? Tiện đây cũng xin nói người ta có nhiều hình dáng quan tài khác nhau,
không phải như câu hò diễu: "ai ơi đừng lấy thằng gù, đến khi nó chết quan
tài là chữ U" mà người ta chế ra các cỗ áo quan mang hình cuốn sách, cây
đàn, con cá, cái thuyền...rất thẩm mỹ. Người muốn xác mình nằm trong cái
quan tài với hình dạng cuốn sách chắc phải là văn sĩ, còn nằm trong cây đàn
thì chắc hẳn phải là nhạc sĩ.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 65 triệu người chết vì những lý do khác
nhau, sang hay hèn đều có nghi thức chôn cất nào đó. Vì thế, công nghiệp tổ
chức tang lễ rất ăn nên làm ra. Công ty tang lễ lớn nhất thế giới có lẽ là
Service Corporation International (SCI) có trụ sở chính ở Houston (Texas,
Mỹ), ra đời năm 1968. Họ sở hữu hơn 4000 nhà quàn (funeral home), hơn 500
nghĩa địa ở 20 quốc gia khác nhau. Hiện nay, SCI có gần 15000 nhân viên,
doanh thu hằng năm gần 2,5 tỷ đô Mỹ, có bán cổ phiếu stock trên sàn chứng
khoán New York.
Bây giờ mời bạn cùng tôi điểm qua vài đám tang đáng nhớ. Đầu tiên là đám
tang tốn nhiều sinh mạng nhất. Theo sử ký, con của Tần Thủy Hoàng là Nhị Thế
Hoàng đã đem vài nghìn mỹ nữ trong hậu cung mà không có con, chôn cùng Tần
Thủy Hoàng. Ngoài ra, rất nhiều thợ xây lăng mộ cho vua cũng bị chôn sống để
giữ bí mật. Chuyện ông vua đốt sách, chôn học trò này chắc ai cũng ngán
ngẩm.
Đám tang đông người đưa tiễn nhất, theo kỷ lục Guinness ghi lại là đám tang
của Conjeevaram Annadurai, người đứng đầu Tamil Nadu (Ấn Độ) có nhiều người
đưa tiễn nhất với con số15 triệu người. Annadurai qua đời ngày 3 tháng
2,1969.
Đám tang có người dự đông thứ hai là của giáo chủ Iran, Ayatollah Khomeini
với khoảng 12 triệu người vào 3 tháng 6,1989. Ông đã lãnh đạo thành công
cuộc cách mạng Hồi giáo của Iran vào năm 1979.
Đám tang của Giáo hoàng John Paul II có 4 triệu người đổ về Rome và Vatican
cầu nguyện và chia buồn, ngoài ra còn có gần 9 triệu người theo dõi trực
tiếp qua truyền hình.
Umm Kulthum là người phụ nữ có đông người dự đám tang nhất. Ngày 5 tháng 2,
1975, có hơn 4 triệu người đổ về Cairo tiễn đưa ca sĩ, diễn viên và nhà soạn
nhạc tài hoa này. Umm Kulthum vẫn được coi là ca sĩ xuất sắc nhất thế giới Ả
Rập.
Tiếp đó là đám tang của công nương Diana vào 6 tháng 9, 1997 với hơn 3 triệu
người đưa tiễn. Khi tin tức về tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của
Diana được lan truyền, cả thế giới đã thương tiếc cho người đẹp mới 36 tuổi
này. Nhiều người cũng không quên giây phút danh ca Elton John hát bài Candle
in the Wind cho công nương khi xác cô được đưa tới tu viện Westminster.
Đám tang có người theo dõi nhiều nhất là Michael Jackson vào 7 tháng 7,
2009. Lượng người theo dõi trực tiếp qua truyền hình đã đạt con số khổng lồ
2,5 – 3 tỷ người. Thân xác danh ca này được đặt trong chiếc quan tài mạ
vàng, buổi tường thuật tang lễ này tới nay vẫn là một trong những chương
trình truyền hình được xem nhiều nhất.
Tưởng cũng nên nói tới đầu mùa Covid 2019, do tránh tụ tập dễ lây lan nên
tổng số người được dự đám tang có lúc chỉ là 10 người. Gia đình bạn bè tôi
đã rất buồn chôn cất người thân trong âm thầm, đã ít người lại còn phải giữ
khoảng cách, đeo mặt nạ kín mít, thật là một thời gian đáng buồn. Sau gần 3
năm, mãi bắt đầu 1 tháng 10, 2022, chính phủ Canada mới tuyên bố bãi bỏ hoàn
toàn các hạn chế về Covid, gọi là "fully normal", đi xa không bị hỏi giấy
chích ngừa nữa.
Tục lệ xưa sau khi chết 4 ngày thì con cháu mới bắt đầu mặc đồ tang gọi là
lễ thành phục. Tang phục được quy định rõ ràng, chẳng hạn con trai phải đội
mũ rơm quấn bẹ chuối, áo sô gai, cầm gậy. Con dâu thì mặc áo sô gai, thắt
lưng bện bằng bẹ chuối, đầu chít khăn tang. Con gái thì tương tự như con dâu
nhưng khi đưa tang thì phải che mặt. Cháu nội thì đội mũ mấn, khăn trắng,
mặc áo thụng trắng. Chít tức là cháu của ông bà cố thì đeo khăn tang màu
vàng.... Ngày nay những tang phục này đã biến mất, người trong gia đình mặc
trắng hoặc đen tùy theo vùng. Người đi dự đám tang cũng không mặc đẹp, màu
mè, ở ngoại quốc thường là mặc quần áo màu đen.
Tại Tu viện Westminster, nơi tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II diễn ra tháng 9
năm 2022, 96 tiếng chuông tri ân đã vang lên tương ứng với 96 năm cuộc đời
của vị quốc vương quá cố. Một số thành viên Hoàng gia Anh mặc quân phục,
những người còn lại mặc đồ đen. Các công nương, công chúa đeo mạng che mặt
và dùng nữ trang có đính ngọc trai, vì các thành viên hoàng gia muốn tỏ ra
khiêm tốn và tôn trọng. Không đeo gì hoặc xài dây cây gai, dây chuối như
phong tục xưa thì quá ... thảm, nên ít nhất cũng phải có chút nữ trang, mà
ngọc trai không quá lấp lánh như kim cương, vàng bạc nên mới được dùng.
Đám tang của Elvis Presley (1935 - 1977) cũng rất đông người tham dự khi
danh ca này qua đời lúc mới 42 tuổi. Khi hay tin buồn, hơn 25000 người ái mộ
đã đổ tới vây kín bên ngoài căn biệt thự Graceland của Presley trong gần 2
ngày.
Khi Reagan chuyển hướng từ diễn viên màn ảnh sang vai trò thống đốc tiểu
bang California rồi tổng thống Mỹ, ông đã thu hút hàng triệu người hâm mộ,
vì thế đám tang và lễ tưởng niệm diễn ra khi ông qua đời năm 2004 được cho
là một trong những nghi lễ long trọng bậc nhất thế giới. Tang lễ đã có sự
tham gia của nhiều người nổi tiếng như Lionel Richie, Mariah Carey, Stevie
Wonder, Usher .... Ngoài ra, 7 chú ngựa và 11 con voi từ rạp xiếc Barnum
& Bailey đã xuất hiện như một biểu tượng cho sự tôn kính khi buổi lễ
diễn ra.
Tiện đây thì cũng xin nhắc đến tang lễ của chủ tịch Kim Nhật Thành của Bắc
Hàn. Năm 1994 ông qua đời, hàng triệu người dân đã phải khóc - dù khóc giả,
vì không khóc sẽ bị "in trouble".
Gandhi được xem là anh hùng của Ấn Độ, người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến
chống thực dân Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ của hàng triệu
người dân. Năm 1948 ông mất, thi thể được hỏa táng với hơn một triệu người
dân Ấn Độ đến dự đám tang. Sau khi hỏa táng, tro được rải trên sông Hằng và
trên biển.
Tại Việt Nam, một sự kiện đáng ghi nhận là đám tang của nhà ái quốc Phan
Châu Trinh. Ông từng làm quan bộ Lễ ở Huế. đóng góp nhiều cho văn hóa Việt.
Sau đó ông từ quan, gặp gỡ nhiều nhà trí thức, sang Nhật cùng Phan Bội Châu,
học hỏi để tìm đường cứu nước. Do làm việc quá sức, ông ngã bệnh nặng và mất
vào tháng 3,1926. Tin này loan đi gây xúc động lớn trong cả nước. Đám tang
ông được cử hành rất trọng thể tại Sàigòn, đông đảo người dân đưa tiễn đến
nỗi sở Mật thám Pháp đã phải thừa nhận đây là một cuộc biểu dương lực lượng
to lớn chưa từng có.
Về giới nghệ sĩ tại Việt Nam có đông người dự phải kể tới tang lễ của nghệ
sĩ Thanh Nga, Phi Nhung, Chí Tài.
Ở hải ngoại đám tang không được tổ chức tại nhà như ở Việt Nam, mà phải giao
cho nhà quàn. Tại quê nhà, hàng xóm có thể tới tắm xác, khâm liệm, xác được
để ngay trong nhà cho bà con tới viếng, rồi sau đó đem ra nghĩa trang chôn.
Sẵn bàn về chuyện chôn cất, tôi xin kể lại chuyện xưa của gia đình. Khi đó
mộ của ông tôi lâu ngày bị ngập nước, nên gia đình định dời đi nơi khác cho
cao ráo sạch sẽ hơn. Khi đào lên lại thấy đất đang táng hàm rồng, tức là kết
tủa thành dạng con rồng, theo phong thủy sẽ đem may mắn thành đạt cho con
cháu. Vì thế gia đình vội vàng lấp đất lại mong con cháu được "phát", nhưng
"too late", long mạch đã đứt. Ngay sau đó nhiều việc xui xẻo xảy đến
trong đại gia đình, thêm người chết trẻ, thêm người tự nhiên lâm bạo bệnh,
ba tôi rất tin về việc này. Bọn trẻ chúng tôi thì vẫn hơi hồ nghi, cho là
chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Bạn nghĩ sao?
Thường xác một người chết sẽ quàn khoảng 3 ngày là đem chôn, nhưng cũng có
những đám tang ngắn hơn hoặc xác giữ lâu hơn vì nhiều lý do khác nhau. Ở hải
ngoại người ta để xác trong phòng lạnh không hư nát gì, không tốn thêm tiền
nếu giữ lâu hơn. Có đám tang phải dời từ mùa đông sang mùa xuân, vì trời quá
lạnh không đào đất chôn được, và cũng tiện lợi cho người đi viếng.
Những ai mang ước nguyện được chôn cất ở quê nhà nơi mình sanh ra, thì sẽ có
dịch vụ mang xác từ nước ngoài về quê. Bố mẹ chồng tôi thích được chết và
chôn ở Việt Nam, không thích chôn ở Canada vì sợ không thể .... nói tiếng
Anh với người bản xứ Canada chôn kế bên! Ông bà đã được toại nguyện.
Nói tới đám tang thì phải nói tơi Cáo Phó, Phân Ưu. Cáo Phó là thông báo về
tang lễ thường được đặt trước cổng tang gia, ngày nay được đăng báo, đăng
trên Facebook... ghi rõ tên người chết, ngày sinh và mất, và chi tiết về
tang lễ như thời gian địa điểm làm lễ. Phân Ưu là lời chia buồn của bà con,
thân hữu với người quá cố. Người ta còn gởi vòng hoa để chia buồn, có những
đám tang hoa tốn đến mấy chục ngàn đô Mỹ. Tôi thích hoa sen, định nhắn chồng
con để vài cành hoa sen trên nắp quan tài, nhưng nghĩ lại thấy hoa sen ở
Canada rất hiếm, nên đành thôi. Chết là hết, họa chăng là những giá trị tinh
thần mình còn để lại, chứ tất cả chỉ là phù du, hoa gì, nhiều bao nhiêu thì
cũng héo. Bên Âu Mỹ hiếm thấy vòng hoa kết bằng cườm, tức là "forever" không
héo, nhưng rồi cũng méo mó hư hại...
Phúng điếu là sự thăm hỏi, giúp đỡ bằng hình thức tiền bạc, nhang đèn hoặc
hoa quả. Nhiều đám tang ở quê nhà rất cần tiền để chôn cất, nên việc góp
tiền phúng điếu khá cần. Nhưng ngày nay có bảo hiểm nhân thọ, đời sống kinh
tế khá hơn, một số gia đình không nhận tiền phúng điếu, việc này thường ghi
rõ trên cáo phó.
Hồi xưa người ta đọc điếu văn kể lể công đức, ca tụng người đã khuất. Bài
văn tế các nghĩa sĩ chết ở Cần Giuộc của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu là một thí
dụ. Ngày nay người ta chỉ cần nói ngắn gọn, ý nghĩa. Tôi đã từng khóc theo
khi đi đám tang thân hữu, nghe con cháu trong gia đình kể về người quá cố,
thương tiếc lắm. Đôi khi lúc sống mình không quan tâm lắm, không thấy cái
hay, cái hy sinh của người chết, đến khi "thấy quan tài mới đổ lệ"! mới tiếc
thương, mới ân hận "giá mà lúc ấy...." Vậy mình nên làm cho thân nhân, bạn
bè những gì mình có thể trước khi quá trễ phải không?
Một vài phong tục hay thấy là có ban nhạc đến thổi kèn, sáo, đánh đàn,
trống, kèn tây, đàn ghi ta, cải lương... gọi là nhạc hiếu. Nhưng lạ quá khi
có người lại mời ca sĩ hát nhạc kích động. Có nơi lại múa lửa, múa bụng rồi
hát hò tưng bừng: “Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời...”, lại còn có tổ
chức cờ bạc trá hình tại đám tang, thậm chí có vũ sexy ngay trong đám tang
của gia đình. Thật là bó tay!
Câu hỏi đặt ra là mình phải làm gì khi có một người thân qua đời?
Đầu tiên là cần thông báo cho các thành viên khác trong gia đình, họ hàng và
bạn bè về sự qua đời của người thân. Sau đó xem xét các nghi lễ tôn giáo rồi
liên hệ với văn phòng của cơ sở tôn giáo phù hợp. Điều quan trọng là tìm di
chúc nếu có để thực hiện đúng ước nguyện của người quá cố. Sau đó là sắp xếp
để họ hàng từ khắp nơi về viếng xác. Nghĩa tử là nghĩa tận, rất cần thăm
viếng nhau trong lúc đau buồn này.
Một số quyết định quan trọng cần đưa ra, thí dụ chôn hay hỏa thiêu, ngày,
giờ và địa điểm lễ tang, dùng loại áo quan nào? Ai sẽ khiêng quan tài? Có
đăng cáo phó trên báo không? Có nhận tiền phúng điếu không, có chuyển tiền
đến một hội từ thiện nào đó nhằm vinh danh người quá cố không?
Một cách cử hành đám tang đặc biệt mà báo chí có nhắc tới là cô Miriam
Birkbank. Hình ảnh cô ngồi trên bàn ăn với lon bia và một gói xì gà hạng
sang là hình ảnh cô muốn mọi người nhìn thấy cô khi cô qua đời. Cơ thể cứng
ngắc của người phụ nữ 53 tuổi này đã được đặt ngồi tại bàn ăn và trưng bày
theo đúng yêu cầu của gia đình cô ấy. Chết ngồi chứ không nằm, bạn có thấy
thoải mái trong tư thế ngồi không?
Tổ chức tang lễ xa hoa thường hay xảy ra tại Trung Hoa, mới đây một đám tang
tốn đến 1,5 triệu đô Mỹ đăng trên tờ South China Morning Post đã làm cộng
đồng mạng xôn xao. Để tỏ lòng tưởng nhớ đến người đã khuất, một gia đình ở
thị trấn Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây đã tổ chức một lễ tang "hoành tráng" với
pháo hoa, tiệc lớn, đãi rượu nổi tiếng và thuốc lá đắt tiền. Một triệu rưởi
đô Mỹ, nếu có bạn có dùng cách này không? Chạnh lòng tôi lại nghĩ tới những
gia đình nghèo không có tiền chôn cha mẹ cho tròn chữ hiếu, phải bán cả thân
mình, hoặc nhiều người chết phải bó trong manh chiếu, đem chôn trong âm
thầm, thương tâm làm sao!
Màu đen hay trắng không hẳn là màu phải luôn được mặc trong tang lễ, vì có
một đám tang khá nổi tiếng mà con cháu đã mặc màu hồng. Đó là đám tang của
nữ danh ca Thái Thanh tại miền Nam California. Nữ ca sĩ Ý Lan, con gái đầu
lòng của danh ca Thái Thanh, trong chiếc áo dài màu hồng phấn đã cho biết:
Mẹ đã nhắn nhủ chúng tôi từ lâu là đừng mặc màu đen trông sợ lắm, vì thế
chúng tôi mặc màu hồng, là màu mẹ thích nhất. Đó là màu hạnh phúc, cũng là
để nhớ tới phòng trà "Đêm Màu Hồng" mà Thái Thanh hay hát lúc còn trẻ.
Điều này có thể phù hợp với phong tục của ngôi làng Rumani, khi nghĩa trang
Merry của họ có những tấm bia mộ được trang trí đủ màu sắc tươi sáng, kèm
với những dòng chữ khắc trên mộ đầy vui nhộn.
Hồi xưa ông bà ta hay tin dị đoan, cho rằng phải đặt tên cho con thật xấu để
ma quỉ chê, không bắt con cháu chết trẻ, tôi có mấy người bạn tên Đực, tên
Bé, tên rất xấu cũng vì lẽ này. Riêng với người Mông, khi đưa thi hài người
chết vào quan tài người ta thường lấy kéo cắt hết quần áo cho te tua, tin
rằng khi đến thế giới bên kia sẽ lừa được kẻ ác để nói rằng “Tôi là người
nghèo khổ, quần áo rách rưới" để không bị quấy phá, linh hồn mới được yên
ổn.
Ông bà ta xưa thì có phong tục "Gà mở cửa mả" để giúp người đã khuất siêu
thoát, thường được làm sau 3 ngày khi có người thân qua đời. Gà con được
buộc dây vào chân để gia chủ dắt đi quanh mộ phần 3 vòng. Tiếng gà con gọi
gà mẹ tượng trưng cho hình ảnh người con gọi cha mẹ đã mất của mình, thể
hiện sự tiếc thương, thiếu vắng.
Cứ mỗi ba năm, người Toraja lại quật mộ của những người đã mất lên, chăm sóc
và thay áo mới cho họ. Những bộ xương này sau đó được diễn hành quanh ngôi
làng như một phần của lễ hội Ma’nene, nghĩa là ‘Vệ sinh xác chết’.
Sati là một nghi thức tang lễ của người theo đạo Hindu. Khi người chồng qua
đời, người vợ quá cố sẽ phải tự thiêu trên hầm mộ của chồng hoặc tìm cách
nào đó để tự tử. Nghi thức đó đã dần dần bị hạn chế; vì không hợp tình hợp
lý nữa. Hồi xưa Việt Nam cũng có 4 chữ "Tiết Hạnh Khả Phong", tức là ca tụng
người vợ ở vậy thờ chồng, không lấy người khác. Điểu này có lẽ cũng "xưa rồi
Diễm"!
Phong tục của người Mông vùng Tây Bắc, khi người thân chết, họ thường giữ
thi thể trong nhà, có khi đến nửa tháng để cúng tế và tìm ngày tốt đẹp mới
làm tang lễ, nhiều thi thể khi mang đi chôn đã bắt đầu chảy nước và có dấu
hiệu phân hủy...
Ghê rợn nhất là dân tộc Dani ở Indonesia. Đối với họ, sự ra đi của một người
thân trong gia đình là một mất mát quá lớn. Để xoa dịu nỗi đau buồn và đưa
tiễn người chết về nơi an nghỉ, những người dân trong bộ tộc này đã thi hành
nghi lễ cắt cụt ngón tay, nhằm bày tỏ nỗi buồn và lòng xót thương với người
chết. Cắt cụt ngón tay thì rất khó để làm việc, sinh sống, tục lệ này hy
vọng đã không còn nữa.
Còn người Yanomami hỏa táng rồi lấy chút tro của người chết trộn vào thức
ăn, như món chuối nấu dùng trong ngày giỗ tưởng nhớ người quá cố. Họ làm như
vậy là muốn linh hồn của người đã khuất sẽ sống trong họ mãi mãi.
Khiêu vũ cùng người chết là một phong tục rất lạ của người Malagasy ở
Madagascar. Phong tục này thường diễn ra 7 năm một lần, quanh khu mộ của gia
đình. Trong buổi lễ này, xương cốt người đã khuất sẽ được đào lên rồi đem
gói ghém vào một tấm vải liệm mới. Sau đó mọi người trong gia đình từ già
đến trẻ sẽ cùng ôm những bọc vải này và nhảy múa. Cũng tại buổi lễ, người
già sẽ giải thích với con cháu về công lao của những người đã nằm xuống. Dù
thương mến công ơn người trong gia đình, nhưng ôm xương cốt mà hân hoan nhảy
múa thì cũng hơi "ớn", bạn có sẽ làm không?
Bây giờ thì tôi xin đúc kết câu chuyện tản mạn linh tinh về đám tang này.
Đầu bài khi nói về chuyện thủ tướng Trudeau hát, tôi chưa chia sẻ quan điểm
của riêng mình. Rằng thì là dù không mấy thích người lãnh đạo trẻ tuổi đẹp
trai này, vì nhiều điều ông làm cho đất nước Canada có vẻ yếu, nhưng tôi
không trách ông đã hát 14 giây ấy. Ông đang ở khách sạn, "ngẫu hứng lý qua
cầu" hát cho dzui, thì đâu có lỗi gì. Chừng nào ông ca hát líu lo trước quan
tài của nữ hoàng thì mới nói chứ! Hơn nữa bà nữ hoàng thượng thọ 96
tuổi, sống một đời giàu có tốt đẹp, đâu có gì mà phải khóc thương sầu
thảm.
Tỏ lộ tình yêu thương với người qua đời là điều nên làm, làm theo mức độ,
phong tục nào thì tùy, đâu cần ra sức khóc mướn như tục lệ Việt Nam ngày
xưa. Những điều lạ lùng về ma chay mà không tốt cho vệ sinh, sức khỏe, quá
hao tốn rườm rà thì cần nên tránh. Tôi vẫn thích câu nói của nhà cách mạng
Nguyễn Thái Học: "Chết mà có danh lưu truyền cho hậu thế thì ta nên chết.
Sống mà chuốc lấy ô danh thì thà chết còn hơn". Victor Hugo cũng nói: "Chết
chẳng là gì. Không sống mới đáng sợ".
Sống mà không dám nói, không chịu làm, không giúp đỡ ai, lại nếu làm chuyện
xấu tiếng dơ để đời, thì thật là đáng trách. Hãy sống cho ra sống, quan
trọng không phải mình đã chết như thế nào, mà là mình đã sống như thế nào.
Không cần ca bài không tên của Vũ Thành An: "Khi lìa trần có mấy người đưa"?
Đám tang lớn, bông hoa nhiều, nhưng thật sự việc mình làm đối với người khác
khi còn sống là như thế nào thì mới thật sự quan trọng.
Chúc bạn sống vui, sống khoẻ, sống tốt và con đường chuẩn bị cho sự ra đi về
cõi sau thật tốt đẹp.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
hãy quan tâm khi còn sống
Trả lờiXóa