Thứ Hai, 17 tháng 10, 2022

15 phương pháp chữa cảm lạnh kỳ lạ trên thế giới

 

Cảm cúm là căn bệnh phổ biến trong mùa đông cũng như khi giao mùa. Theo Travelandleisure, mỗi nền văn hóa trên thế giới lại có những phương pháp chữa cảm độc đáo không giống nhau.

1. Đức: Ốc sên

Ốc sên từ lâu đã được sử dụng để long đờm, làm dịu cổ họng bị đau khi cảm lạnh, đồng thời giúp tăng cường làm đẹp cho da. Ở Đức, bạn có thể mua được một loại siro ốc sên chuẩn mà không cần kê đơn.

2. Việt Nam, Trung Quốc: Đồng xu

Từ nhiều thế kỷ nay, người Trung Quốc và Việt Nam đều dùng một đồng xu để cạo gió cho những người bị cảm lạnh. Đầu tiên, bạn sử dụng một loại dầu gió có chiết xuất bạc hà hoặc dầu bạch đàn xoa nhẹ nhàng lên lưng, sau đó lấy một đồng xu hay muỗng cạo nhẹ vào vùng dọc cột sống hoặc xương sườn của bạn, cho đến khi da xuất hiện các vết đỏ thì thôi.

3. Iran: Củ cải nghiền

Người Iran có một phương pháp chữa cảm lạnh với củ cải nghiền. Không chỉ giàu vitamin C và canxi, củ cải còn được coi là loại củ có công dụng lọc máu hiệu quả. Một đĩa củ cải hấp hoặc nghiền được người Iran sử dụng để làm loãng và loại bỏ các chất nhầy có trong cổ họng.

4. Ấn Độ: Sữa nghệ

Một cốc sữa ấm để chữa cảm lạnh là điều bình thường, nhưng với người dân Ấn Độ, họ còn cho thêm nghệ để điều trị cho người bị sổ mũi kéo dài. Lý do bởi nghệ có chứa nhiều chất chống oxy hóa có công dụng hiệu quả như gừng, mật ong hay hạt tiêu đen. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh củ nghệ còn có khả năng giảm bớt triệu chứng khó tiêu và đau răng.

5. Châu Âu: Nước ép hành tươi

Một củ hành tây xắt nhỏ hoặc thái lát trộn với mật ong hoặc đường rồi xay ép thành nước là phương thức chữa cảm lạnh phổ biến ở châu Âu, Israel và Mỹ. Nước ép hành tây rất giàu vitamin B, C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, đồng thời có thể làm giảm triệu chứng ù tai.

6. Nhật Bản: Mận muối

Người Nhật tin rằng nếu ăn mận thường xuyên có thể ngăn ngừa và chữa trị cảm cúm bởi nó chứa nhiều axit citric và có khả năng kháng khuẩn. Mận được ăn không, hoặc ngâm trong trà nóng với chanh và gừng để làm tăng công dụng chữa bệnh.

7. Trung Quốc: Súp thằn lằn

Súp chế biến từ thằn lằn khô, khoai mỡ và cây chà là, hầm kĩ nhiều giờ là phương thức chữa cảm lạnh phổ biến ở Trung Quốc. Một cách nấu dân gian khác là nấu thịt thằn lằn với rượu gạo, món ăn này có thể làm giảm sự mệt mỏi của cơ thể khi bị lạnh.

8. Đông Âu: Gogol mogol

Món đồ uống kết hợp từ lòng đỏ trứng, sữa, vani và mật ong mang tên Gogol mogol là phương thức chỉ cảm cúm hiệu quả của một số nước Đông Âu. Tuy không có nghiên cứu khoa học đánh giá hiệu quả của Gogol mogol nhưng nhiều người cho rằng hiệu quả từ trứng và mật ong giúp làm đau họng, vì thế bệnh cúm cũng giảm bớt.

9. Thái Lan: Súp Tom Yum Goong

Nổi tiếng chua và nóng, loại súp này có gừng, rau mùi, chanh, ớt được coi là phương thuốc chữa cảm lạnh của Thái Lan vì nó chứa nhiều thực phẩm có tác dụng thông xoang, dù chỉ là tạm thời.

10. Phần Lan: Nước ép nho đen

Giàu vitamin C và chất chống oxy hóa, nước ép nho đen vừa là loại nước giải khát phổ biến vừa có công dụng chữa cảm lạnh cho người Phần Lan.

11. Hàn Quốc: Kim chi


Sự kết hợp của các loại rau muối lên men như cải thảo, củ cải, dưa chuột và bột ớt đỏ không chỉ là món ăn thông dụng trong mỗi bữa ăn của người Hàn Quốc, mà họ còn coi đây là một phương thức điều trị mỗi khi bị cảm lạnh. Nhiều năm gần đây, người ta còn tin rằng ăn nhiều kim chi có thể phòng tránh bệnh cúm lợn và SARS.

12. Đuôi bò


Ở nhiều nước, món ăn chế biến với đuôi bò thường được sử dụng để chữa trị cảm lạnh, với nhiều phương thức khác nhau. Người Thái Lan thường nấu súp đuôi bò với rất nhiều ớt cay, Indonesia nổi tiếng với đuôi bò chiên hoặc nướng, hay như ở Anh thì có đuôi bò trộn cà chua đóng sẵn.

13. Trà tỏi - Tây Ban Nha

Trà tỏi với một thìa cà phê mật ong là phương pháp trị cảm cúm tại nhà phổ biến ở Tây Ban Nha. Chiết xuất cay nồng của tỏi giúp ức chế cơn ho và hoạt động như thuốc thông mũi.

14. Ngải cứu khô - Trung Quốc

Đốt lá ngải cứu khô được cho là phương pháp có tác dụng khử trùng ở Trung Quốc. Họ cho rằng nó giúp ngăn ngừa vi khuẩn cảm lạnh hoặc cúm lây lan. Lá ngải cứu có đặc tính kháng khuẩn và được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền Trung Quốc.

15. Cách chữa cảm lạnh thời trung cổ

Thời trung cổ, đỉa là dược phẩm chính. Đỉa có khả năng giảm nhiệt độ bằng cách loại bỏ máu.

Trong cuốn sách Quản lý hộ gia đình của bà Beeton năm 1861 có đề cập đến phương pháp chữa cảm bằng cách dùng một tấm chăn fla - nen nhúng vào nước sôi và rắc nhựa thông.

Ở châu Âu thời trung cổ, các bác sĩ đã kê đơn thuốc gây nôn để làm cho bệnh nhân nôn ra chất lỏng dư thừa được cho là gây cảm lạnh. Người bị cảm lạnh không nên tắm khiến cơ thể yếu hơn.

Trong thời La mã cổ đại, người ta đặt mù tạt giữa hai mảnh vải rồi đặt trên ngực là một phương pháp điều trị phổ biến.

Vào năm 60, một bác sĩ La mã đã phát hiện tác dụng của súp gà trong việc hỗ trợ điều trị cảm lạnh. Trong thịt gà có chứa axit amin cysteine, có tính chất thông mũi nhẹ.

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...