Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

TIỂU LỤC THẦN PHONG: CUỘC CHƠI CHỮ NGHĨA (T.Vấn Và Bạn Hửu )

                         Mê Cung - Tranh Thanh Châu

 Loài người có văn tự chữ nghĩa tự bao giờ? Con số năm tháng ngày giờ quả là vô phương để biết chính xác. Người ta chỉ có thể ước chừng mà thôi, theo các nhà khảo cổ học, văn tự học thì chữ nghĩa tượng hình của Ai cập cách đây đã năm ngàn năm; chữ giáp cốt khắc trên mu rùa xương thú của người Hán có lẽ cũng tròm trèm thời gian như thế. Xa hơn nữa thì có những dạng chữ tượng hình khắc trên hang động, vách đá của người tiền sử ở châu Phi, châu Úc, Bắc Mỹ… có thể lên đến mười ngàn năm. Kinh Phật thời sơ kỳ, viết trên lá bối có lẽ cũng có tuổi đến hai mươi lăm thế kỷ. Chữ nghĩa nở rộ và phát triển từ khi loài người phát minh ra giấy, mực và kỹ thuật in ấn.

 Thế gian này có bao nhiêu dân tộc thì có bấy nhiêu ngôn ngữ, tuy nhiên chữ viết thì lại là vấn đề khác. Có nhiều dân tộc không có chữ viết, có nhiều dân tộc vì nhiều lý do mà dùng chung một thứ ngôn ngữ hay chữ viết. Chẳng hạn như người Việt chúng ta, trước khi có chữ quốc ngữ, chúng ta vẫn dùng chữ Hán (chữ Nôm thoát ra từ chữ Hán nhưng không được sử dụng chính thức). Nhiều dân tộc ở vùng bắc Mỹ bị Tây Ban Nha đô hộ và đồng hóa, họ bị mất cả ngôn ngữ và tín ngưỡng riêng, từ đó họ sử dụng tiếng Tây Ban Nha và theo đạo Cơ Đốc, chẳng hạn như: Mễ Tây Cơ, El Salvado, Guatemala, Honduras, Nicaragua… Có một số dân tộc khác thì sử dụng tiếng Bồ Đào Nha như Brazil, Guinea-Bissau, Angola, Mozambique, Đông Timor… Những quốc gia và dân tộc chịu sự cai trị của người Anh thì sử dụng tiếng Anh như: Úc Đại Lợi, Phi Luật Tân, New Zealand  và nhiều nước ở châu Phi.

 Tiếng Việt và chữ Việt vốn do các cố đạo châu Âu đến nước ta để truyền giáo chế ra, nhằm mục đích dễ dàng và thuận  tiện cho việc việc truyền giáo, nhưng dần dần trở thành ngôn ngữ chính thức của người Việt. Những vị tiêu biểu như:  Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes…

 Dù sử dụng ngôn ngữ nào, dù là tây hay ta, dù là xưa hay nay… những tay du tử mang nghiệp chữ là những kẻ bị buộc ràng trong cuộc chơi gian nan, nhọc nhằn nhưng đầy thú vị và đam mê. Chữ nghĩa xưa nay đã từng mang lại không ít tai họa cho những kẻ viết và những kẻ liên can. Vấn đề này trước hết phải nói đến sử Tàu, suốt nhiều ngàn năm lịch sử đã từng và cho đến tận hôm nay vẫn thế. Những kẻ mê chữ nghĩa luôn đối mặt với những tai họa bất ngờ và những tai họa có thể đoán trước. Thời Xuân  thu chiến quốc, ba anh nhà thái sử Bá, thái sử Trọng vì dám viết sự thật mà cả ba anh em lần lượt bị chém đầu. Thảm án “Phần thư khanh nho” đời Tần Thủy Hoàng là một sự kiện kinh động đất trời, lịch sử xưa nay vẫn nhắc nhở hoài: hơn bốn trăm sáu mươi nho sĩ bị chôn sống, hàng ngàn người khác thì trục xuất, lưu đày hoặc diệt tộc…Dưới các triều đại phong kiến, những kẻ viết lách, những tay du tử mang nghiệp chữ luôn luôn có một thanh gươm treo lơ lửng trên đầu, chỉ cần sơ suất một chữ phạm húy là gặp họa ngay, không chỉ bản thân kẻ viết mà gia đình, bạn bè của kẻ viết cũng họa lây, phần lớn đều là những chụp mũ suy diễn mơ hồ vô căn cứ. Lịch sử đôi khi cũng có một vài trường hợp ngoại lệ, Trần Lâm có lẽ là một trong vài trường hợp như thế. Trần Lâm văn hay chữ tốt, từng viết hịch kể tội tào Tháo, mạ lỵ cả ba đời Tào Tháo. Ấy vậy mà khi Tào Tháo bắt được Trần Lâm, mọi người những tưởng y sẽ bị cực hình nào ngờ Tào Tháo chẳng những tha bổng mà còn dùng y làm thuộc hạ. Chuyện này sử sách xưa nay hiếm, đừng nói bên Tàu mà ngay cả bên tây cũng chẳng mấy khi thấy. Có thể nói cái duyên phận phước phần của Trần Lâm quá lớn, một tay du tử mang nghiệp chữ có phúc phận tốt đẹp hiếm thấy.

 Cuộc chơi chữ nghĩa nguy hiểm lắm, tàn khốc lắm. Hai triều Minh, Thanh với những vụ án “Ngục văn tự” vô cùng thảm khốc, có lẽ đây là giai đoạn bất hạnh nhất của những gã mang nghiệp chữ. Có vô số người viết lách bị tù đày, ngục hình, truy sát, diệt tộc. Triều đình nghi kỵ, cho người dò xét kỹ từng câu, từng chữ mà bọn mang nghiệp chữ viết ra. Có thể kể vài vụ tiêu biểu như: Đời Minh Thái Tổ, Lâm Nguyên Lượng, Triệu Bá Ninh vì chữ “ Tác tắc” mà bị chém đầu; Hứa nhất Khả, Hứa Nguyên vì chữ “ Pháp khôn” mà bị tùng xẻo; nhà thơ Cao Khải vì câu:” Hổ cứ long bàn” mà bị xé xác làm tám mảnh; nhà văn Phương Hiếu Nhu vì chữ nghĩa mà bị chém cùng cả cửu tộc lên đến tám trăm bảy mươi ba người… Đời Thanh, Lý Lịch Triết, Trình Duy Phiên vì viết lời bạt cho bộ Minh sử mà bị tội tùng xẻo giữa chợ, con cái bị trảm, số người bị giết lên đến bảy mươi hai người. Đới Danh Thế, Phương Hiếu Tiêu vì viết quyển:” Điềm kiềm ký văn” mà bị chết chém và ba trăm người khác cũng liên lụy phạt trượng hoặc tù đầy…

 Châu Âu vào giai đoạn của đêm trường trung cổ cũng có vô số những vụ án có liên quan đến chữ nghĩa và khoa học. Galileo Galilei chỉ vì câu “Quả đất quay quanh mặt trời” mà suýt bị lên giàn hỏa thiêu. Galilei không đơn thuần là một người viết sách, ông là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học, ông là người đặt nền móng cho khoa thiên văn và vật lý hiện đại. Ông đã viết cuốn: “Người thí nghiệm”, “Đối thoại về hai hệ thống thế giới”…Vì những gì ông viết ra mà phải bị giam lỏng suốt đời, bị tòa án của Vatican trừng phạt.  Có rất nhiều người viết sách trình bày sự thật về khoa học nhưng trái với quan điểm của Vatican hay triều đình mà bị tù đày, chém đầu, treo cổ, hỏa thiêu…

 Lịch sử Việt, suốt chiều dài phong kiến, những kẻ viết lách cũng nơm nớp sợ, vì đam mê chữ nghĩa, vì mang nghiệp chữ  mà lãnh họa. Triều đình với quan điểm chính thống, lập ra một hệ thống chuyên dò xét, tra tìm, bới lông vạch vết… để duyệt những gì mà bọn đam mê chữ nghĩa viết ra. Có những người chỉ vì một chữ phạm húy mà mang họa vào thân, nhẹ thì bị đòn roi, trục xuất, hoặc “Chung thân bất đắc ứng thí”, còn nặng hơn nữa thì có thể mất mạng, gia tộc bị họa lây. Việc chụp mũ, suy diễn vu vơ cũng rất tùy tiện và vô cùng phi lý, chỉ một câu mơ hồ nào đó cũng có thể quy chụp thế này thế kia để mà hành tội kẻ viết ra. Đời nhà Nguyễn có một vụ án liên quan đến văn tự đó là vụ cha con Nguyễn Văn Thành. Nguyễn Văn Thuyên viết bài thơ “Đánh cờ” và bị bọn cơ hội xàm tấu cho là có ý định phản loạn nên vua kết án tử (thật sự thì Gia Long đã có ý định giết cha con Nguyễn Văn Thành rồi, bài thơ chỉ là cái cớ mà thôi!). Những kẻ xàm tấu vin vào câu cuối của bài thơ: “Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky” cho là mưu phản. Nguyễn Văn Thành là đại khai quốc công thần, giúp rập Gia Long bị chính Gia Long hạ ngục và ép uống thuốc độc. Nguyễn Văn Thuyên, con trưởng Nguyễn Văn Thành vừa là phò mã của Gia Long thì bị chém, gia tộc Nguyễn Văn Thành bị triệt hạ

 Lịch sử Việt Nam, mỗi lần thay đổi triều đại, đời sau luôn tìm mọi cách xóa sạch dấu vết cơ nghiệp của đời trước. Với những triều đại đối nghịch thì việc này càng thảm khốc hơn, đến một nét chữ cũng phải xóa cho bằng được, dù có phải đào núi, lấp biển hay đốt cả sơn hà. Một khi những dấu vết cơ nghiệp của triều trước bị xóa thì dĩ nhiên chữ nghĩa và những kẻ viết ra chúng cũng bị liên đới. Gia Long lên ngôi. Lập tức tận pháp trả thù, tận lực xóa bỏ những dấu ấn của Tây Sơn. Những người liên can với Tây Sơn cũng bị truy sát, diệt tộc… Giai đoạn này có một vụ án bi thảm liên quan đến Ngô Thời Nhậm, một trung thần, một nhà ngoại giao có tài, một văn nhân danh tiếng. Đặng Trần Thường đem Nhậm ra đánh trước văn miếu, y ngạo nghễ với tư thế của kẻ tiểu nhân được thời:

“ Ai công hầu ai khanh tướng giữa trần ai ai dễ biết ai”

 Ngô Thời Nhậm đáp:

 “ Thế chiến quốc thế xuân thu thời thế thế thế thời phải thế”

 Ngô Thời Nhậm chết vì đòn thù, không chỉ vì liên can đến nhà Tây Sơn mà còn vì chữ nghĩa của mình

 Lịch sử Việt Nam hiện đại cũng chẳng khác gì lịch sử xa xưa, sau khi cuộc nội chiến tàn. Bên thắng trận đã thiêu huỷ, phế bỏ toàn bộ nền văn học nghệ thuật của bên bại trận. Những kẻ viết lách, những tay du tử mang nghiệp chữ  đều bị  mạ lỵ, tù đày, hành hạ, triệt đường sống. Chữ nghĩa xưa nay vẫn cứ lập lại những chuyện bi thương, vừa nhọc nhằn, vừa nguy hiểm nhưng cũng đầy dụ hoặc đam mê. Những kẻ mang nghiệp chữ khó mà dứt bỏ được nghiệp của mình. Người xưa ví những kẻ viết lách như con tằm nhả tơ, con tằm rút ruột nhả ra những sợi tơ óng ả, dâng cho đời cái đẹp. Bọn viết lách rút tâm can viết nên chữ nghĩa cho đời. Nếu con tằm nhả tơ để dệt nên những mảnh lụa quý, bọn viết lách lại vắt óc viết cho đời những tác phẩm hay. Tuy nhiên cũng có những kẻ cùng mang nghiệp chữ nhưng vì danh lợi, vì quyền thế mà xu phụ để rồi viết ra những điều quái gở, nhảm nhí, nâng bi. Bọn ấy viết với tà tâm, hắc tâm, loạn tâm… thì cái sản phẩm cũng phản ánh cái tâm chúng như vậy!

 Cuộc chơi chữ nghĩa rất nghiệt ngã, nó không chỉ bị khống chế, tra xét của triều đình, của nhà cầm quyền mà còn bị sự soi khảo của đồng nghiệp. Thời đại hôm nay và nhất là với người Việt, việc viết lách vốn chẳng được lợi lạc gì mà lại còn thêm rất nhiều rắc rối và phiền phức. Tuy là vậy nhưng mấy ai bỏ cuộc chơi? Viết lách không là nghề mà là nghiệp, đã là nghiệp thì muốn cũng không được mà không muốn cũng không xong. Những kẻ mang nghiệp chữ, những tay du tử đam mê viết lách là những kẻ khổ dâm. Nếu bọn khổ dâm chỉ sướng khi bị mắng chửi, đánh đập, hành hạ… thì những kẻ viết lách cũng thế, ngày đêm suy nghĩ tìm ý, lao tâm khổ tứ, vắt lòng nặn óc, rị mọ viết lách. Bọn khổ dâm càng bị hành hạ càng sướng thì bọn viết lách càng cực thì viết mới hay, càng bị bức bách càng viết xuất thần. Nếu những kẻ mang nghiệp chữ mà có cuộc sống phong lưu hoan lạc, đời sống phủ phê êm ấm thì khó mà viết được, ấy là chưa nói khó có thể viết hay.

 Người Việt xưa nay vốn có tiếng hay chống báng nhau, kình cãi nhau, bôi mặt đá nhau thì những kẻ viết lách gốc Việt cũng chẳng khác gì đồng hương không viết lách của mình. Bọn họ rất phiền toái, rất đa đoan, người trên không dung kẻ dưới, kẻ dưới chẳng phục người trên, người trước đạp kẻ sau, kẻ sau hỗn người trước. Người cùng thời, nếu là đồng đảng đồng bang thì “Áo thụng vái nhau”, nếu khác nhóm khác tông thì đạp đến bùn đen, cũng có không ít những trường hợp trước mặt thì khen nhưng sau lưng thì dè bỉu chê bai. Trong giới viết lách gốc Việt, nhất là miền đất ngoài vĩ tuyến, người ta thường truyền tụng câu: “Văn mình vợ người”, nội câu ấy đủ nói lên hết rồi, cái tài không biết tới đâu nhưng cái “Tôi” thì to như núi. Chỉ cần vạch ra một lỗi của ngữ pháp, cái vụng của câu văn, cái thô của nội dung…là  gây thù chuốc oán như chơi!

 Viết lách chẳng lợi lạc gì, thế mà những kẻ viết lách chẳng bỏ được. Chữ nghĩa từ ngữ vốn chỉ chừng nhiêu ấy, nhưng một khi nó qua đầu óc của bọn họ thì nó sẽ được biến hóa thành những tác phẩm khác nhau. Bọn viết lách như những kẻ chơi trò chơi ráp hình, với những mảnh rời, bọn họ sẽ ghép lại thành những bức tranh. Kẻ khéo tay thì cho ra bức tranh đẹp hoàn hảo, kẻ vụng thì bức tranh xấu hoặc thô lậu dở dang. Có những kẻ mang nghiệp chữ, chỉ chú trọng nghệ thuật, nặng về kỹ thuật, tránh né chuyện dân tình quốc sự, không quan tâm chuyện nhân văn. Tuy nhiên cũng có kẻ lại quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh. Đời vốn muôn hình vạn trạng, cuộc chơi chữ nghĩa cũng thế thôi, vì những kẻ viết lách chỉ đơn giản là những tấm gương phản chiếu lại bóng ảnh xã hội và tâm tư của con người.

 Xã hội hôm nay (ngày xưa cũng thế) có ba vấn đề rất dễ gây ra xào xáo thị phi: Chính trị, tôn giáo, giới tính. Bây giờ tuy có cởi mở hơn, có giao lưu rộng rãi hơn, có hiểu biết nhiều hơn nhưng sức ỳ, sự bảo thủ trong tâm trí con người vẫn rất nặng nề, tuy nhiên cái mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng vùng, từng khu vực, từng quốc độ mà khác nhau. Nhìn chung ba vấn đề này rất dễ bị ném đá dã man, dễ bị chụp mũ võ đoán,  dễ bị kết án mơ hồ… Tay du tử, nhà thơ người Iran là Salman Rushdie vì viết tập thơ: “Những vần thơ của quỷ satan” mà bị kết án tử hình, suốt mấy chục năm nay ẩn mình trong bóng tối, không dám xuất đầu lộ diện, có lẽ phải lẩn trốn cho đến chết! Lưu Hiểu Ba, một tay viết tài ba, đoạt giải Nobel văn chương nhưng lại bị ngược đãi, bị bỏ tù, gia đình ly tán và cuối cùng chết trong tù. Xứ Việt thì nhiều lắm, không biết bao người bị tù đày, hành hạ, triệt đường sống chỉ vì nghiệp chữ của mình. Những cây bút của “Nhân văn giai phẩm” chẳng hạn, những tay du tử mang nghiệp chữ của VNCH chẳng hạn và hiện nay những người đam mê viết, đam mê chữ nghĩa cũng bị xã hội đen, xã hội đỏ mạ lỵ, truy bức, tù đày, triệt đường sống…

 Thế gian này, thời đại hôm nay, có lẽ vùng đất Âu – Mỹ là nơi lý tưởng nhất, tự do nhất, thoải mái nhất cho những kẻ mang nghiệp chữ. Ai muốn viết gì thì viết, muốn in thì cứ in, chẳng bị ai kiểm duyệt, cái quan trọng là viết ra có ai đọc hay không, sản phẩm in ra có bán được hay không mà thôi! Âu  – Mỹ vốn tự do và minh bạch về chính trị, nhân văn về mọi mặt, tuy nhiên kẻ viết cũng phải cân nhắc những gì mình đề cập đến, vì rất dễ bị lôi ra tòa bởi những gì mình viết ra, kiện cáo là một việc rất thường tình ở xứ này! Âu – Mỹ tự do là thế, nhưng người Việt ở đây thì lại khác. Nếu ở xứ độc tài toàn trị, những người viết bị kiểm duyệt gắt gao thì hải ngoại lại bị chính đồng hương “kiểm duyệt”. Nếu viết về cái xấu của độc tài thì không sao, nhỡ mà vạch những cái xấu, cái sai của phe ta thì lập tức cũng bị chụp nón cối, bị ném đá không thương tiếc. Xem ra cái tánh thích khen mình chê người của người Việt ở đâu cũng thế cả. Cực nhọc nghiệp chữ của những kẻ viết, nguy hiểm thay cho cuộc chơi chữ nghĩa ở thế gian này.

TIỂU LỤC THẦN PHONG


1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...