Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

Mùa Thu Trong Đường Thi - Lê Đình Thông

Cách đây khoảng 1300 năm, các nhà thơ Trung Quốc cũng trải qua mấy chiều tàn nắng nhạt, trong tiết thu đìu hiu, làm phai tàn lá ngô đồng. Cảnh vật tương tự như mùa thu viễn xứ vào lúc này. Thời gian tuy có chia lìa, đông tây cách biệt thăm thẳm. Nhưng mùa thu vẫn muôn thuở với bấy nhiêu tâm sự mà các thi nhân gieo vần, nói hộ.
*
Bộ Toàn Đường Thi tập hợp trên hai ngàn thi nhân, với gần năm chục ngàn bài thơ, là một công trình đồ sộ. Trong số báo này, mùa thu Trung Quốc được gom lại trong vài trang giấy qua ba thi hào thời Thịnh Đường (713-766): Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị. Như vậy là bỏ qua được ba thời: Sơ Đường (618-713), Trung Đường (766-835) và Vãn Đường (836-905). Thời Thịnh Đường tuy ngắn hơn ba thời Sơ, Trung, Mạt, nhưng lại dài hơn bất cứ thời kỳ nào trong văn học Trung Quốc, có chiều dài “vạn trượng": vượt thời gian; vượt tới hai lần không gian. Vì ngoài không gian địa lý, thi ca Thịnh Đường lắng sâu tận cõi lòng.

Tiếp tục công việc gạn lọc, chúng tôi giữ lại ba nhà thơ. Trong thi ca của mỗi thi nhân, xin bỏ qua hai khuynh hướng “biên tái” và “xã hội.” Chỉ còn lại khuynh hướng “điền viên.” Và trong “điền viên” xin giữ vầng trăng thu.

I – Mùa thu trong thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị
Hàn Dũ có câu thơ :
Lý, Đỗ văn chương tại,
Quang diễm vạn trượng trường.
(Văn chương Lý Bạch, Đỗ Phủ còn, Ánh sáng dài vạn trượng.)

Thơ Lý Bạch tự nhiên, phóng khoáng. Thơ Đỗ Phủ điêu luyện, gần gũi với nhân sinh. Bạch Cư Dị tiếp nối khuynh hướng hiện thực, chủ trương:
Văn chương hợp vi thời nhi trước,
Thi ca hợp vi sự nhi tác.
(Văn chương vì thời thế, Làm thơ vì hiện thực.)
Các khuynh hướng vừa kể được thể hiện qua thơ thu của ba thi hào thời Thịnh Đường: Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị.
1) Lý Bạch (701-762):
Tiểu sử: Ông sinh đời Đường Trung Tông (hơn Đỗ Phủ một giáp), mất đời Đường Đại Tông. Năm 25 tuổi, chu du khắp chốn. 42 tuổi được tiến cử vào kinh đô (Trường An). 55 tuổi: giúp Lý Lân chống An Lộc Sơn. Nhưng Túc Tông sợ em là Lý Lân thắng sẽ cướp ngôi, sai đại quân tiêu diệt Lý Lân. Lý Lân bị giết. Lý Bạch bị đầy biệt xứ. Một năm trước khi chết, ông theo Lý Quang dẹp loạn An Lộc Sơn. Giữa đường bị bệnh, mất năm 62 tuổi. Theo Ngụy Hạo, ông chết trong đầm nước. Theo Vương Đĩnh Bảo, Lý Bạch bận áo gấm, nhẩy xuống sông Thái Thạch, ôm trăng mà chết.
Mùa thu trong thơ Lý Bạch: Khi sinh tiền, Lý Bạch sáng tác hai chục ngàn bài thơ, nay còn lưu truyền 1800 bài (chưa tới 1/10). Trong kho tàng đồ sộ đó, các bài thơ viết về mùa thu chỉ như lá mùa thu. Như bài Đại thu tình. Sau đây là hai bài thơ thu: Thu tịch lữ hoài (Tối mùa thu nhớ nhà) và Thu phố ca (Bài ca Thu phố). Trước hết là Thu tịch lữ hoài, kèm theo bản dịch của Tản Đà:

Lương phong độ thu hải,
Xuy ngã hương tứ phi.
Liên sơn khứ vô tế,
Lưu thủy hà thời qui.
Mục cực phù vân sắc,
Tâm đoạn minh nguyệt huy.
Phương thảo yết nhu diệm,
Bạch lộ thôi hàn y.
Mộng trường Ngân hán lạc,
Giác bãi thiên tinh hi.
Hàm bi tưởng cựu quốc,
Khấp hạ thùy năng huy?
Thơ dịch của Tản Đà:
Lạnh lùng gió vượt bể thu,
Hồn quê theo gió như vù vù bay.
Chạy dài dãy núi liền mây,
Nước trôi trôi mãi có ngày về chăng?
Đám mây vút mắt xa chừng,
Đứt tươm khúc ruột dưới vừng trăng soi.
Cỏ thơm đẹp mướt thôi rồi,
Áo may mặc rét giục người móc sa!
Giấy mơ rơi giải Ngân hà,
Sao thưa lác đác tỉnh ra khắp trời.
Đoái thương nước cũ ngậm ngùi,
Khóc thương giọt lệ lau chùi đố ai?
*
Bài thơ thứ hai của Lý Bạch tên là Thu phố ca, chỉ có bốn câu. Tôi mạo muội dịch thoát, nhưng vẫn giữ nguyên thể tứ tuyệt. Tuyệt là dứt. Lý Bạch chọn hình thức thi ca này, phải chăng vì cuối bài, nhà thơ vẽ ra mùa thu tuyệt lộ: Hà xứ đắc thu sương? (Còn chỗ nào để lọt sương thu):

Bạch phát tam thiên trượng,
Duyên sầu tự cá trường.
Bất tri minh kính lý,
Hà xứ đắc thu sương?
*
Tóc trắng xõa ê chề,
Sầu đời dài lê thê.
Gương trong mà mù mịt,
Sương thu che lối về?
Trong hai bài thơ thu của Lý Bạch, hai câu kết đều được đặt ở thể nghi vấn. Nghi vấn, với rất nhiều nghi ngại. Chúng ta mến cả hai, có lẽ vì mái tóc đã phủ đầy sương thu. Trong câu mở đầu bài Tương tiến tửu, Lý Bạch xót xa cho mùa thu nhân sinh:
Biết chăng ai! Sông Hoàng Hà ngọn nước tại lưng trời, tuôn đến bể khôn vời lại được.
Biết chăng nữa! Đài gương mái tóc bạc, sớm như tơ mà tối đã như gương. (Vô danh dịch)
Trong bài Thu tịch lữ hoài, Lý Bạch nhớ nhà (lữ hoài). Như nỗi nhớ nhà của chúng ta. Trong câu kết, tác giả “ôm mối sầu khi chạnh nhớ đến cố quốc” (Hàm bi tưởng cựu quốc).
Đó là cách nhìn mùa thu của trích tiên (tiên đầy xuống trần). Thơ thu của Lý Bạch là thơ huyền ngoại âm, vị ngoại vị (âm thanh ngoài dây tơ, mùi vị ngoài mùi vị). Thu cảnh chỉ là cái cớ để nói về thu tâm. Khuynh hướng này có gì khác biệt với Đỗ Phủ?
2) Đỗ Phủ (712-770):
Tiểu sử: Quê quán tỉnh Hà Nam, Đỗ Phủ xuất thân từ một gia đình quan lại nên nhiều dịp đi đây đó. Ông lận đận trên đường khoa bảng. Tới lúc được một chức quan nhỏ thì có loạn An Lộc Sơn. Ông có lần can gián vua nên bị thất sủng. Đỗ Phủ từ quan, dắt díu vợ con chạy loạn. Những năm cuối đời, ông trôi giạt quanh hồ Động Đình, nghèo đói và bệnh tật. Lý Bạch chết chìm dưới sông. Còn Đỗ Phủ qua đời trên chiếc thuyền nan, bồng bềnh trên sóng nước. Bên Pháp, vào năm 1190, vua Philippe Auguste đề tặng kinh thành Paris châm ngôn: Fluctuat nec mergitur (Sóng gió làm con tầu chòng chành nhưng không chìm). Sóng gió của thi nhận là ”... tiếng sóng ở trong lòng.” Nên Lý Bạch, Đỗ Phủ chia nhau hai động từ của kinh thành Ánh sáng: L'un a été battu par les flots (fluctuat). L'autre a sombré dans l'eau (mergitur). Chỉ vì thi nhân “không” không (nec) chìm (phủ định tới hai lần) nên hình hài mới chung thân ngụp lặn. Nhờ vậy, văn học mới có thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ: Lý, Đỗ văn chương tại(Hàn Dũ).
Thơ thu của Đỗ Phủ: Trong văn học nước nhà, Nguyễn Khuyến là tác giả ba bàiThu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh. (Trình tự rất hợp lý: thi nhân câu cá trước tiên, tiếp đó là tửu nhập, sau cùng mới gieo vần. Như vậy, làm thơ thường là chặng cuối đường tổng hợp, sau khi thi nhân đã thực hiện hai phân tích: 1) Đối cảnh (Thu điếu); 2) Đối tâm (Thu ẩm). Ở đây, Yên Đổ (Thu) điếu trước để có cá ngon mà ẩm, mà vịnh. Cộng lại vẫn là ba, giống như là Tam Nguyên).
Đỗ Phủ làm tám bài Thu hứng (Thu hứng bát thủ). Từ kỳ nhất tới kỳ bát, theo thể thất ngôn bát cú. Nếu chép ra đây cả tám bài, vị chi là 8x8 = 64, e quá dài. Vì vậy, chỉ chọn hai kỳ (bát thủ tuyển nhị): tứ và thất.
Kỳ tứ giống tình cảnh quê nhà: dinh thự có chủ mới, áo mũ người cai trị cũng khác trước. Vì vậy, tôi mạo muội “tái sinh” bài thơ. “Tái sinh,” vì bản tiếng Việt bỏ bớt địa danh Trung Quốc (Trường An). “Cuộc cờ” (dịch kỳ) trong nguyên bản đổi lại thành Bàn Cờ. Hai phần luận và kết cũng thay đổi cho thích hợp:
Văn đạo Trường An tự dịch kỳ,
Bách niên thế sự bất thăng bi.
Công hầu đệ trạch giai tân chủ,
Văn vũ y quan dị tích thì.
Trực bắc quan san kim cổ chấn,
Chinh tây xa mã vũ thư trì.
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh,
Cố quốc bình cư hữu sở ti (tư).
*
Quê ta có phố Bàn Cờ,
Từ lâu đổi chủ treo cờ Vàng Sao.
Dinh cơ biệt thự ra vào,
Toàn là cán bộ lao xao nửa mùa.
Áo quần khác hẳn thời xưa,
Tuy thôi chinh chiến mà chưa tòng thời.
Lòng dân ly tán không ngơi,
Mùa thu lại đến chơi vơi là sầu.
Bờ sông vắng lặng đêm thâu,
Chạnh lòng tiếc nuối hàng cau quê nhà.
Trong Thu hứng bát thủ, kỳ thất là bức tranh tương phản: đối diện với trời thu bao la bát ngát là một ngư ông nhỏ bé, cô đơn:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
(Nguyễn Khuyến)
Có gì là lạ? Ao thu là cõi người ta mịt mù hơi thu (Thu). Chiếc thuyền câu bé tẻo teo là trái tim ta (Tâm), nổi trôi trên huyết quản chằng chịt. Nên vương Sầu chỉ là: nhân > quả (principe de causalité). Nếu chiết tự:  Thu + Tâm = Sầu.
Sau đây là nguyên tác của Đỗ Phủ:
Côn minh trì thủy Hán thời công,
Vũ đế tinh kỳ tại nhãn trung.
Chức nữ cơ ti hư dạ nguyệt,
Thạch kình lân giáp động thu phong.
Ba phiêu cô mễ trầm vân hắc,
Lộ lãnh liên phòng trụy phấn hồng.
Quan tái cực thiên duy điều đạo,
Giang hồ mãn địa nhất ngư ông.
Kỳ thất không khác gì tâm sự của chúng ta. Vì vậy, tôi mạn phép “chuyển hóa” bài Đường thi qua thể lục bát:
Ao tù làm nhớ biển Đông,
Mắt sầu chạnh nhớ võ công một thời.
Trăng khuya khung cửi chơi vơi,
Trời thu lộng gió biển khơi lạnh lùng.
Bờ lau mà tưởng ngàn trùng,
Sương thu chùi sạch phấn hồng cánh sen.
Lối xưa mờ mịt cài then,
Sông hồ bát ngát thuyền men giữa dòng.
Lúc sinh thời, có lần Đỗ Phủ nhủ lòng: Thơ chưa làm kinh động lòng người thì chết chưa yên (Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu). Khi đọc bát thủ, Kim Thánh Thán có lời bình: Thương tâm thấu tới xương. Ngâm nga tám bài Thu hứng, lòng chợt là lau sậy lao xao. Từ lâu, cuộc sống đã hóa thân thành cây sậy Pascal. Nhưng sậy Pascal vẫn trôi dạt về phương Đông, cận kề với lau lách của Bạch Cư Dị:
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Phan Huy Vịnh dịch là :
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu.
Hơi thu, với tiếng đàn tỳ bà buồn não nuột đã thấm vào thơ thu của Bạch Cư Dị.
3) Bạch Cư Dị (772-846):
Tiểu sử: Bảy mươi lăm năm nhân sinh của họ Bạch là ba phần tư thế kỷ giặc giã, từ giặc An Lộc Sơn tới giặc Sử Tư Minh. Ông là con vị quan nhỏ, thuở nhỏ túng thiếu. Năm 28 tuổi đậu tiến sĩ. Tính tình bộc trực, ông bị biếm làm tư mã Giang Châu, nơi có bến Tầm Dương. Bến Tầm Dương đã mở ra bến bờ mới trong thi ca Bạch Cư Dị. Ông để lại cho hậu thế gần ba ngàn bài thơ, trong đó có nhiều bài viết về mùa thu.
Thơ thu của Bạch Cư Dị: Thơ thu của Bạch Cư Dị nhiều hơn Lý Bạch, Đỗ Phủ, tự nhiên, giản dị giống như tên ông (Cư Dị). Hơi thu trong thơ ông bay rất xa, đậu lại trong hồn thơ Tản Đà. Trong hai năm 1937-38, Tản Đà (1889-1939) dịch 75 bài thơ chữ Hán, đăng trên báo Ngày Nay. Nhưng chỉ có 58 bài là Đường thi. Trong số có 38 bài của Bạch Cư Dị, chứng tỏ có mối giao hòa, “đồng thanh tương ứng” giữa Bạch Cư Dị và Tản Đà. Tản Đà dịch nhiều thơ họ Bạch, nhất là những bài viết về mùa thu. Nào là Thu trùng, Tảo thu độc dạ, Thu mộ giao cư hoài, Thu giang tống khách, Thu san, Trung thu nguyệt v.v...
Đó là chưa kể nhiều bài, tuy đầu đề không dính dáng gì đến mùa thu, nhưng chất liệu vẫn là thu sầu. Bài Văn dạ châm có câu:
Thùy gia tư phụ thu đảo bạch.
Tản Đà dịch là:
Nhà ai cô gái nhớ chồng,
Đêm thu đập lụa lạnh lùng gió trăng.
Bài Họa Đỗ lục sự đề hồng diệp có mấy chữ: đề hồng diệp (Khi mùa thu tới, lá cây phong sắc đỏ). Bài Trường hận ca có câu Thu vũ ngô đồng diệp lạc thì. Tản Đà dịch là: Thu khi mưa rụng lá ngô đồng. (Dị bản: Thu kia mưa rụng lá ngô đồng). Bài Tì bà hành có câu: Phong diệp địch hoa thu sắt sắt. Phan Huy Vịnh dịch là: Quạnh hơi lau lách đìu hiu v.v.
Sau đây là hai bài thơ thu của Bạch Cư Dị, kèm theo bản dịch của Tản Đà. Bài thứ nhất là Thu trùng (Tiếng trùng mùa thu):
Thiết thiết ám song hạ,
Yêu yêu thâm thảo lý.
Thu thiên tư phụ tâm,
Vũ dạ sầu nhân nhĩ.
Bản dịch của Tản Đà:
Tiếng đâu dưới vách kêu ran,
Lại trong đám cỏ nghe càng nỉ non.
Trời thu gái nhớ chồng son,
Mưa dầm đêm vắng ai buồn lắng tai.
Thu sầu, vì người cô phụ tưởng nhớ hình ảnh kẻ chinh phu (LưuTrọng Lư). Xin chép thêm bài Thu mộ giao cư thư hoài (Cuối thu, ở miền quê viết tả lòng mình), tác giả tự sự mối sầu thu:
Giao cư nhân sự thiểu,
Trú ngọa đối lâm man.
Cùng hạng yếm đa vũ,
Bần gia sầu tảo hàn.
Cát y thu vị hoán,
Thư quyển bịnh nhưng khan.
Nhược vấn sinh nhai kế,
Tiền khê nhất điếu can.
Thơ dịch của Tản Đà:
Ở quê, thưa việc ít người,
Giữa trưa nằm khểnh ngắm coi núi đèo.
Ngõ sâu ngán nỗi mưa nhiều,
Lạnh lùng chi sớm cảnh nghèo thêm lo.
Áo lương còn mặc mùa thu,
Ốm đau sách vẫn đôi pho chẳng rời.
Lấy chi qua sống ngày trời,
Một cần câu để bên ngòi ngồi câu.
Cả hai bài thơ thu của họ Bạch đều viết theo thể ngũ ngôn. Bài đầu: tứ tuyệt, bài sau: bát cú. Hai bài thơ thu của Lý Bạch (Thu tịch lữ hoài và Thu phố ca) cũng làm theo thể ngũ ngôn. Thu tịch lữ hoài làm theo lối thơ cổ phong (12 câu). Bài Thu phố ca: tứ tuyệt. Tiếng thu của Lưu Trọng Lư tuy là thơ mới, nhưng vẫn là năm chữ. Sự trùng hợp này sẽ được trình bầy trong phần II: Cảm nhận Đường thi.
II – Cảm nhận Đường thi 
Trong Hương Xưa, nhạc sĩ Cung Tiến có dòng nhạc nói về Đường thi. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho rằng: Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn. Tôi xin thêm: nhất là thơ viết về mùa thu. Trong tâm hồn người Việt có dáng dấp mùa thu. Nhưng thu tâm được che dấu bằng nụ cười. Vì vậy, Nguyễn Văn Vĩnh mới viết: An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười. Theo ý chúng tôi, chân dung người Việt: bên ngoài hàm tiếu bên trong thu sầu. Nguyễn Văn Vĩnh chỉ nói hiện tượng (phénomène) mà bỏ quên ẩn tượng (noumène). Ta tiếp nhận thơ Đường viết về mùa thu chính vì mối ẩn tượng đó, được thể hiện qua Thu ca, Thu sắc và Thu học.
1. Thu Ca
Những bài vịnh thu hay đều viết theo thể ngũ ngôn. Bài thơ mới được coi là hay nhất viết về mùa thu của Lưu Trọng Lư cũng theo lối thơ năm chữ. Il pleut dans mon coeur của Verlaine là một trong những bài thơ giầu nhạc điệu trong thi ca Pháp là thơ sáu chân (hexamètre). Thể thơ ngũ ngôn đầy nhạc tính, có lẽ vì trùng hợp với cung điệu ngũ âm của quốc nhạc: Cung, Thương, Giốc, Trủy, Vũ.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
(Nguyễn Du, Kiều)
Ta thử lập luận theo tam đoạn luận để thiết lập mối tương quan giữa mùa thu và thơ ngũ ngôn:
- Tiền đề: Mùa thu là mùa đầy nhạc điệu.
- Trung đề: Các bài thơ ngũ ngôn mùa thu giầu nhạc tính của Lý Bạch, Bạch Cư Dị thời xưa, bài thơ thu năm chữ của Lưu Trọng Lư chứng tỏ thơ ngũ ngôn có nhiều thanh âm.
- Kết luận: Vì vậy, nhiều bài thơ thu được viết theo thể ngũ ngôn.
Mặt khác, không thể tách thơ thu ra khỏi nhạc thu. Trong âm nhạc Việt Nam, nhiều bài thơ thu đã được phổ nhạc.
2. Thu Sắc
Một năm có hai mùa màu sắc phong phú: mùa xuân và mùa thu. Màu sắc mùa xuân là của đất trời nên tươi thắm: màu vàng của hoa mai, hoa cúc rộn ràng; màu hồng của hoa đào reo vui. Còn màu sắc mùa thu nhuốm màu nhân sinh: màu vàng (lá ngô đồng), màu đỏ (lá cây phong) mùa thu gợi sầu, ghi dấu năm tháng tàn phai hay gợi lại chân trời cũ mờ khuất:
Màu thời gian không xanh,
Màu thời gian tím ngắt.
Đoàn Phú Tứ
Một năm có bốn mùa. Hai kỳ xuân thu biểu hiện nhân sinh. Mùa xuân hướng tới tương lai. Mùa thu hồi tưởng quá khứ. Hiện tại chỉ là sự níu kéo vụng về giữa hiện tại và quá khứ. Vì vậy, ngôn ngữ thi ca mùa thu mới có cố hương, cố nhân, cố quận v.v.
3. Thu Thủy
Cảnh đẹp mùa thu là tấm gương soi vóc dáng giai nhân. Chân dung người đàn bà đẹp thuở xưa bao giờ cũng có làn sóng mùa thu (thu ba), nước mùa thu (thu thủy). Sóng nước mùa thu rung động nhẹ nhàng, vương sầu. Người đàn bà thuở xưa giống như chiếc lá mùa thu, không biết trôi giạt chốn nào. Sự bất định và nỗi sầu bao giờ cũng có chung định mệnh:
Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời.
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.
Lưu Trọng Lư
Yêu người, thi nhân càng thêm mến cảnh, nặng lòng với mùa thu. Trong Vang Bóng Một Thời, Nguyễn Tuân kể chuyện người xưa thắp bạch lạp, đọc Đường thi in thạch bản. Ngọn bạch lạp đó chỉ làm tăng lên nỗi cô đơn và hiu quạnh của Đường thi viết về mùa thu.
4. Thu Học
Tôi xin tạo từ mới (néologisme): Thu học, để nối cõi sau (aval) của dòng thơ thu về với nguồn cội, khởi đi từ Đường thi. Ngày xưa có thu, có học, nhưng chưa có thu học, vì niên học gắn liền với nông lịch. Từ khi có tân học, năm nào mùa thu cũng dẫn ta tới trường. Vì vậy, những người nặng nợ với đèn sách đều chung tình với mùa thu. Ai mà quên đuợc mấy dòng văn xuôi của Edmondo De Amicis (1846-1908), Hà Mai Anh dịch sang tiếng Việt, mở đầu cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (Cuore: Grand Coeur, 1886): Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba.
Thanh Tịnh (1911, Huế-1988) có đoạn văn xuôi rất hay viết về ngày khai trường, thuở nhỏ học thuộc lòng nên nhớ mãi :
"Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi chưa biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại nhiều lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.” (Thanh Tịnh, Quê Mẹ 1941).
Vần thơ tựu trường xem ra ngây thơ, chất phác giống như sách vở học trò:

Hôm nay ngày khai trường,
Ngoài phố vui như hội.
Tiếng guốc giầy inh ỏi,
Rộn rã trên vỉa đường.
Trong các thế hệ tân học, suốt từ năm lên sáu tới khoảng tam thập nhi lập, một phần tuổi đời là tuổi học đường. Vì vậy, thu học càng làm ta nặng tình với mùa thu, thơ thu và xa hơn nữa là thơ Đường.
*
Năm nay, vào mùa thu, khi lá ngô đồng rơi rụng khắp đường phố Paris, những câu thơ Đường dẫn ta quay về chân trời cũ. Chân trời đó có thể rất xa. Nhưng cũng thể rất gần, ở ngay trong tâm ta. Trái tim đó đang rung động khi nghe lại mấy vần thơ thu đông tây, kim cổ.
nguồn:tneu.Blogspot.com

Mời Xem :Luân Hồi - Lê Đình Thông

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...