Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

CUỐI MÙA NHAN SẮC - Chuyện Ngắn Của Nguyễn Ngọc Tư


 

Nhà Buổi Chiều nằm ở tận cùng con hẻm Cây Còng. Hẻm cụt. Nhà toàn người già, là chỗ trú ngụ cho những nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ hát bội một thời vang bóng. Tính ra, chỉ có ông già Chín Vũ là vô danh tiểu tốt. Nhưng ông là một trong những người sáng lập ra nhà Buổi Chiều, tự ông còn đặt tên cho nó. Hỏi sao không gọi là Hoàng Hôn hay Chạng Vạng gì đại loại vậy, ông bảo, buổi chiều còn nắng, người nghệ sĩ còn có ý nghĩa sống trên đời. Nhà Buổi Chiều nghèo, chi phí dựa vào kinh phí từ trên quận, từ lòng hảo tâm của bà con gần xa, cơm bữa nhiều ơi là nhiều rau mà ít xịu thịt. Vậy mà ai nấy đều vui, bởi cuộc sống trước đây của họ còn nghèo hơn, nghèo không thể tả, nghèo rớt mồng tơi. Người ở chùa, người bán vé số, người ngủ công viên, người hát rong, ít ai có nhà để về. Sum họp ở Buổi Chiều, có khổ một tí mà còn được hát. Nghệ sĩ mà, miễn được hát, miễn hát mà có người nghe là sướng rồi.

Ðể kiếm chút đỉnh tiền phụ thêm thịt cá cho bữa ăn, ông già Chín đi bán vé số, vừa có tiền vừa tìm tung tích của anh chị em đang còn lưu lạc. Ðào Hồng lại gánh chè đi tận hang cùng ngõ ngách. Thấy mọi người ái ngại, đào Hồng bảo: "Cứ để em làm, em với anh Chín còn trẻ, còn sức khỏe..." Nói trẻ là trẻ ở trong nhà Buổi Chiều chớ ông Chín Vũ đã bảy mươi, đào Hồng cũng sáu mươi bốn. Buổi sáng, ông Chín gánh gánh chè đưa đào Hồng ra đầu hẻm, dừng dưới gốc cây còng già cóc già kiết, già tới mức nó hổng thèm trổ hoa nữa. Ông già trao đòn gánh lại cho bà, rồi đứng tần ngần nhìn bóng bà xa dần trên đại lộ, tiếng rao chè buổi sớm nghe ngọt lịm, vút cao. Sau lưng bà, còn thấy mấy tờ giấy gói bánh mì ố màu nước cà bay xà quần trên đường rồi sẵn gió đi tao tác. Ông già tạt vô quán cà phê chú Tư Bụng, kêu: "Mấy đứa bưng cho tao năm trăm đồng trà nóng coi". Có người hỏi, sao bữa nay không uống cà phê, ông Chín Vũ cười cười, lắc đầu, cười tiếp với cái vẻ không muốn nói mà thèm nói quá trời đi:

- Ðể dành tiền mua cho cổ chai dầu thơm.

Ông già trịnh trọng thì thào. Cả quán rộ lên cười:

- Già mà còn yêu.

- Mắc yêu thì yêu - ông già cự lại, vẻ mặt sương sương không giận gì ai - Bây thì biết gì, tình xưa đó, mà mình thương người ta mà người ta đâu có thương mình.

Cạn bình trà, ông già dằn tờ giấy bạc năm trăm dưới đít ly đứng lên xếp ghế lại ngay ngắn, từ tốn rút trong túi ra xấp vé số dày, trước khi đi ông quay đầu lại:

- Tối nay lại chỗ tao coi cải lương, nghe bây.

- Tối nay tuồng gì, chú Chín?

- Lữ Bố Hí Ðiêu Thuyền.

- Í tuồng đó hát rồi. Hát Nửa Đời Hương Phấn đi.

- Bây nói sao tao chiều vậy, mà tuồng đó tao có nhớ miếng nào đâu.

- Chú cần gì nhớ, chú toàn đóng vai quân sĩ với người hầu không à. Có hát hò gì đâu.

Ông già cười khà khà, quay đi, cái lưng cong cong gù gù từ từ mịt mù.

Người trong hẻm không ai làm nghề viết văn nhưng đã biết mình nhớ cái gì khi đi xa nó, nhiều lắm, nhiều không thể kể, nhưng trong đó, chắc chắn nhớ tiếng hát là đà tỏa ra từ nhà Buổi Chiều.

Những con người tính từng ngày qua để lắt lay thêm một tuổi nữa, vậy mà hát coi cũng ngon lành. Sân khấu là cái hàng ba trông ra sân rộng, luống nào trồng bông sao nhái, bông mười giờ thì trồng, chỗ trống giành cho bà con ngồi. Dàn đờn gồm cây ghi ta thùng, cây nhị cũ mè. Không micrô, nghệ sĩ ca bằng giọng của trời cho, nghiệp đãi. Ðào Phỉ tám mươi chín tuổi, đứng không nổi, diễn vai gì cũng ngồi trên ghế, ngồi trên ghế mà lẫy roi sải ngựa coi lạ hết biết. Có bữa bà lỡ ca rớt nhịp, ngồi than: "Kiểu này chắc tui sống hổng thọ quá". Bà con trong hẻm cười cái rần, "sống tới cỡ đó còn than hổng thọ nỗi gì". Ông già Chín không biết hát hò gì, chạy đi chạy lại, lúc thì nhắc cái ghế cho đào Phỉ, lúc thì trèo lên thay cái đèn đứt bóng tối thui, kêu quân sĩ đâu thì ông dạ, chỉ khi đào Hồng hát, ông mới ngồi nép vào đám bông lồng đèn nào đó lặng người đi, thấy đào Hồng nhớ đào Hồng, thấy đó mà nhớ đó.

Ông già Chín Vũ biết đào Hồng từ năm bà mới hai mươi mốt tuổi. Bây giờ hỏi gia cảnh ông ngày trước như thế nào, ông chỉ cười, không nói. Nụ cười nhẹ nhàng trôi trôi, chừng như ông không luyến tiếc gì. Nghe nói, hồi đó, nhà ông giàu có khét tiếng xứ Bạc Liêu. Ông là cháu nội đích tôn của Hội Đồng Nguyên. Từ nhỏ, gia tộc đã dành sẵn cho ông một cuộc sống no đủ, giàu sang mà không phải làm gì, cả nhà chiều chuộng. Ðược cái là ông hào sảng, rộng rãi thương người từ tấm bé. Bữa cúng đình ông mời gánh hát Sài Gòn về hát chơi. Ông thương đào Hồng từ cái giây phút đầu tiên. Người đâu mà đẹp quá chừng, đẹp tới đứng tim người ta. Ðào Hồng chưa uống cạn ly trà ông đã hỏi thẳng, không cưỡng lòng được: "Vậy chứ cô Hồng có muốn lấy chồng chưa?". Ðào Hồng cười: "Tôi đã nguyện với Tổ cả đời theo nghiệp hát". Chín Vũ nghe vậy, thôi không nói nữa, nhưng vẻ mặt suy tính dữ lắm. Hôm sau, khi gánh Kim Tiêu trở lại Sài Gòn, có ông công tử bỏ nhà, bỏ phú quý đi theo. Không biết hát hò, tướng mạo cục mịch, nhỏ con, ông không được lên sân khấu. Kêu quân sĩ thì ông dạ, kêu "bây đâu" ông cũng dạ, tối ngày lụi hụi kéo màn, dựng cảnh. Ăn cơm quán, ngủ sàn diễn. Cực mấy cũng chịu, miễn là ngày ngày được nhìn thấy đào Hồng đi ra đi vô, đào Hồng hát. Ông vẫn thường khì khịt bảo rằng mình bị Tổ nhập, ba ông hoàng tử Càn, Chơn, Chất đó, cũng vì đam mê nghệ thuật sân khấu mà bỏ cung son, trốn tránh triều đình, cuối cùng chết trên cây vông nem đó, thấy chưa. Có người cười, thằng Vũ bị tình nhập chớ Tổ gì nhập vô nó nổi. Nghĩ lại, tỷ dụ có cái gọi là kiếp trước, hẳn kiếp trước ông Chín nợ bà Hồng cái gì đó, lớn lắm, nên kiếp này, ông trả hoài, trả không hết.

Ông Chín đã cùng đào Hồng đi qua những năm tháng cơ cực, đắng cay. Ðào Hồng có thai, ông bầu dọa đuổi, ông Chín đứng ra năn nỉ, biểu: "Em lỡ dại...". Ông bầu hỏi: "Của mầy à?". Ông Chín cười: "Dạ, của em chớ của ai". "Chắc không?". Ông bảo chắc mà lòng buồn rượi, đâu phải đứa nhỏ trong bụng đào Hồng là của ông. Ông biết ba đứa nhỏ là ai nhưng không tiện nói. Vì đào Hồng bảo: "Có biết, xin anh Chín cũng đừng nói, tội nghiệp, ảnh còn nhiệm vụ, còn công việc quan trọng phải làm". Cô hẳn yêu người ta lắm, nên một mực bảo vệ cho người ta. Sau nầy, con đào Hồng một tay ông giữ, ông bồng. Ông dạy nó kêu ông bằng ba, đào Hồng nhìn ông rơi nước mắt. Ðó là sự biểu lộ tấm thịnh tình đầu tiên mà đào Hồng dành cho ông suốt hai năm đi theo đoàn Kim Tiêu.

Không khí Sài Gòn bắt đầu khê đặc mùi chiến tranh, buổi sáng, ngồi quán uống cà phê mà toàn nghe sặc sụa từ đám quân cảnh mùi thuốc súng. Cũng một buổi sáng, ông Chín bị cảnh sát gô cổ trói đem đi. Cái thời sao mà bất công, tai bay vạ gởi, quân cảnh thấy buồn bắt người chơi cho vui vậy. Tụi nó nghe có người tố cáo đoàn Kim Tiêu có Việt Cộng nằm vùng, coi đi coi lại không thấy ai có lý do vô đoàn lạ như ông. Tụi nó hỏi: "Vậy đang sống giàu có đi theo đoàn làm gì?". Ông mắc cười thiếu điều nhỉ nước đái, cái tụi nầy, mình nói mình lưu lạc tại vì mình thương đào Hồng chắc gì tụi nó tin, tụi nó có biết tình người là gì đâu. Mười ngày sau, ông được thả. Chỉ mười ngày thôi nhưng phải đợi đến nửa đời sau ông mới gặp lại đào Hồng.

Gánh hát rã nhanh, đào Hồng không đợi ông về. Nghe bà con bán đậu phộng, thuốc lá trong rạp kể lại, kép Thường Khanh bị quân cảnh bắt, đào Hồng ôm con bỏ trốn, ở lại, chỉ sợ vướng cô rồi lòng người cô yêu lung lạc. Ông Chín quay quắt đi tìm, mà người thì tản lạc đâu đâu. Nhiều lúc ông Chín tự hỏi, làm sao đào Hồng có thể sống nổi đến từng ấy năm mà không có ông đỡ đần một vai gánh mỏi.

Sau nầy, về nhà Buổi Chiều, có đêm trăng sáng, ngồi bên rổ khoai lang luộc, đào Hồng có kể chuyện mình. Mọi người chung quanh đều sụt sùi, sao mà hoàn cảnh của nó y hệt mình vậy cà, hổng lẽ đời đào hát là phải vậy. Có người không lấy chồng cho thỏa nghiệp, có người như đào Hồng có con rồi, vì mê hát, vì chiến tranh mà gởi con cho người ta, đến nước nó không thèm nhìn mình nữa. Ông Chín Vũ ngồi rầu rầu, hậm hực. "Biết vậy hồi đó tui bóp mũi nó cho rồi". Ðào Hồng bảo: "Anh Chín đừng nói vậy em thương nó không hết chớ có trách nó bao giờ. Có lúc em nghĩ, con nó có nhìn em cũng không chịu, mình nghèo quá làm gì lo cho nó nổi hả anh?" Bà không bao giờ nhắc tới Thường Khanh như chưa từng quen biết con người đó trong cuộc đời. Nhưng những nỗi nhớ niềm thương chắc còn day dứt trong lòng làm cho bà quắt queo, tàn héo. Ông Chín giật mình, cái nhan sắc ngày xưa đã đi đâu mất biệt rồi, rồi tự nhủ lòng, mình nhớ cổ đâu chỉ vì nhan sắc, vậy thì thắc mắc, đau lòng làm chi.

Ðào Hồng là người duy nhất trong mấy chị em ở nhà Buổi Chiều không bao giờ lên sân khấu mà chưa hóa trang, chưa son phấn. Những ngày mới về đây, biểu bà hát, bà lắc đầu. Ai tra gạn, bà không nói, bảy chị em ai cũng nghèo, có người có son phấn cũng không dám hỏi. Ông già Chín đi theo hỏi hoài, bà nói thiệt. Ông đập con heo đất, đi chợ mua cho bà thỏi son với hộp phấn bông mai. Xong còn kêu cô bán hàng gói lại, chít bông cho cẩn thận. Bà cảm động, nhưng vẻ mặt buồn hiu, "Anh tốt với tôi chi mà tốt hoài vậy?", làm cho ông Chín cũng buồn. Ông nghĩ: "Mình sống làm gì tới từng tuổi nầy mà không hiểu được nhau, Hồng ơi là Hồng".

Trách thì oan, lắm khi ông cũng đâu hiểu được bà. Hồng vẫn thường soi cái gương cũ viền đồng có cán để cầm, mặt gương đã ố lấm tấm. Ông Chín thấy thương lắm, ông lén mua về tráo gương mới vào chỗ bệ cửa sổ rồi lấy cái cũ cất đi. Bà biết ngay là ông, bà giận lắm, mặt lạnh tanh: "Anh tài khôn làm gì, tui đâu có cần gương mới". Ông cố cãi: "Nhưng cái cũ nó mờ lắm...". "Mờ mờ tui mới thích", bà nạt ngang. Không biết tại sao bà lại có ý thích kỳ cục vậy.

Lần đó, ông già Chín buồn, buổi chiều thôi không còn đón bà ở đầu hẻm để gánh giúp gánh chè về nhà, mà ông vẫn thường nói, dù ngắn, ông cũng muốn đỡ đần cho bà một đoạn đời. Ông biết bà còn chờ một cái gì đó, mơ hồ lắm, tiếc là bà không tâm sự với ông. Nghĩ cho cạn, bây giờ đào Hồng cũng như ngày xưa thôi, người ta có khác gì đâu mà mình giận. Sống khép kín, ít nói, ít cười, ít biểu lộ nỗi lòng lên mặt. Chỉ trên sân khấu, đào Hồng mới thỏa thuê khóc, thỏa thuê cười, mà cười sang sảng như Thái Hậu Dương Vân Nga vậy nghen. Cái cười mở lòng mở dạ người ta ra.

Cái bữa cả nhà Buổi Chiều được xe hơi đón đi giỗ Tổ ở nhà hát thành phố, ông Chín giữ nhà. Hôm đó có ông già lại tìm đào Hồng. Ông già tóc trắng như mây, dáng thong thả, chậm rãi, cốt cách sang trọng thấy mà ham. Ông Chín hỏi ông già kia quen sao với đào Hồng, nghe trả lời cũng như không: "Tôi với cổ là người quen cũ. Không biết ngày xưa ông đã từng quen biết đào Hồng? Có à? Ừ, thì tôi hỏi ông nè, cái nhan sắc đó làm sao mà người ta quên được, ha? Vừa rồi tôi đọc báo, thấy người ta viết về nhà Buổi Chiều, tôi mừng như vừa sống dậy, thể nào cũng gặp được cố nhân". Ông Chín ngồi tần ngần, day day cái chung trà trên tay, lòng bối rối nên nói chuyện trớ he: Ừ, tụi tui thấy vậy mà được lên báo hoài thôi" Ðến lúc khách từ giã về, ông Chín cũng không có biểu hiện gì là mình đã nhận ra người quen cũ. Thường Khanh đã già đi (ai mà chẳng vậy) nhưng cái phong thái tao nhã ung dung vẫn như ngày xưa. Sương gió cuộc đời không làm gì được ông khi ông đã sống khác cuộc sống của những người nghệ sĩ ở đây, một cuộc sống không chia ly, khổ đau, dằn vặt. Ông Chín chờ hoài, sao không nghe ông Khanh nhắc tới chuyện ngày xưa ông và Hồng từng có một đứa con, người ta dễ quên vậy sao?

Khách chờ không được, từ giã về rồi, ông Chín ngồi chèm bẹp ngoài cửa rào, nghĩ, rồi mình sẽ mất cô Hồng một lần nữa, từng tuổi nầy còn để mất nhau mà coi được sao. Ông tự nhủ lòng, thôi, bà Hồng về ông không thèm nói lại đâu.

Không nói nhưng thèm nói, lương tâm biểu phải nói, ông Chín bảo: "Không biết cô Hồng còn nhớ Thường Khanh, ảnh mới lại đây kiếm cô" . Ðào Hồng vừa xổ mái tóc cỗi cằn xơ xác ra, lặng người, tay cầm rưng rưng cái đầu tóc mượn. Lâu lắm, bà mới lơ láo ngó lên, đôi mắt ráo khô "tôi đi giặt bộ đồ". Ra tới lu nước bà tựa người vào đó, mặt soi xuống nước bật khóc. Ước gì nước đừng trong như vậy để khỏi phải hiện lên một nhan sắc tàn phai. Không nhìn đằng sau mình nhưng bà biết, ông Chín đang chạy theo nhìn mình, bà nói khẽ: "Mai người ta tới đừng nói tôi ở đây nghen, tôi... tôi không muốn gặp". Ông Chín đứng đó, trong lòng vừa mừng (tại cô Hồng không muốn gặp chớ không phải tại tôi ích kỷ à nghen) vừa thắt thẻo thương bà, ông bảo: "Không tránh được hoài đâu, cô à, mà có gì phải tránh né nhau, người ta, sống ở đời cốt là ở tấm lòng".

Tránh làm sao được khi kịch bản cuộc đời đã bày ra một cảnh gặp nhau. Ông Khanh gặp bà Hồng ở đầu hẻm, lúc trời chạng vạng, khi bà quang gánh trở về. Nhìn thấy ông, bà mỉm cười, giở nón, bà hỏi: "Nghe nói ông tìm tôi?" Ông Khanh đứng chết lặng, ngẩn người ra, lòng ông đau đớn. Ðó không phải là cái nhan sắc mà ông nhớ thương, chờ đợi. Không phải đào Hồng, dứt khoát không phải đào Hồng mà ông đã ôm trong tay ấp trong lòng, đã từng che chở, bao bọc cho ông những ngày xưa cũ.

Có những vẻ đẹp không phải ai cũng nhìn thấy được. Ông Chín nói với bà Hồng như vậy, ông biểu bà đừng buồn, bà cười bảo: "Tôi có buồn gì đâu", nhưng nước mắt bà nhỏ xuống trong khe. Người ở hẻm Cây Còng không thấy ông già sang trọng đi xe hơi tìm vào nhà Buổi Chiều nữa.

Bắt đầu những cơn mưa mùa ràn rạt trên mái nhà, đập ầm ầm vào hai bên vách đóng bằng thiếc cũ. Không thấy bà Hồng gánh chè ra ngõ, không còn nghe tiếng rao ngọt ngào thánh thót mà buồn thiệt là buồn của bà, cũng không thấy ông già Chín Vũ ghé quán chú Tư Bụng uống năm trăm đồng nước trà.

Ðào Hồng bệnh nặng. Ông Chín thắt lòng khi biết trong người bà nhiều bệnh như vậy. Bà như trái bầu khô chỉ còn nhờ vào chút chờ đợi mỏng manh của tình yêu thời son trẻ làm cái vỏ cứng cáp ở bên ngoài. Rồi cũng từ ngày sự thất vọng xui cái vỏ thấm mưa nắng mục ruỗng đi. Bà nhắc tới cái chết hoài, đào Phỉ nạt, "tao sống tới từng tuổi nầy mà còn không chết, bây mà chết chóc gì".

Rằm tháng ba, như thường lệ là cữ hát của nhà Buổi Chiều. Ðào Hồng ốm sát chiếu nhưng vẫn đòi ra hát. Ông Chín vẽ chân mày, tô phấn thoa son cho bà rồi dìu bà ra ghế. Bà ngồi ghế mà hát. Bà hát cho Thái Hậu Dương Vân Nga trước ngổn ngang nợ nước tình nhà, hát cho nàng Quỳnh Nga bên cầu dệt lụa, cho nàng Thoại Khanh hiếu thảo róc thịt nuôi mẹ chồng, cho nàng Châu Long tảo tần nuôi Dương Lễ, Lưu Bình ăn học và cho Tô Thị trông chồng hóa đá vọng phu...

Ðào Hồng hát đến lịm tiếng đi. Bà ngồi trên sân khấu gục đầu. Cái gánh nặng tâm tư này, không mang nổi nữa rồi. Khi ông Chín dìu bà xuống giường, bà đã hôn mê. Người ta hát vở cuối cho bà, cho một người nghệ sĩ chân chính. Ðào Hồng đã gặp lại rất nhiều người thân thuộc cũ, bà nghe con trai bà gọi má, nghe ba má bà nói lên lời tha thứ vì đứa con gái đã bỏ nhà theo nghiệp xướng ca, lời tha thứ bà chờ đợi ngót năm mươi năm ròng rã. Bà sung sướng trở về nhà thơ ấu, đi bắt chuồn chuồn đậu trên hàng bông bụt, cạnh mé mương...

Bông trang rụng ngoài sân.

... Có lần, ghé quán cà phê chú Tư Bụng, tôi quen với ông Chín Vũ. Ông Chín người gầy nhom, nhỏ thó, nhưng tốt bụng, xởi lởi. Ông nói với tôi rằng bỏ cả đời đi theo đoàn hát cũng không uổng, bởi vì đời ông thực có ý nghĩa. Lần đầu tiên ông đóng được vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của người đàn bà suốt đời ông yêu thương, ông gọi: "Má ơi!" và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à.. Ừ chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn...

Chú ý: Ngôi nhà Buổi Chiều dành cho nhưng người ở cuối mùa duyên sắc. Ở đó có một ông già nói rằng "...tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn..."



 

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...