Thứ Năm, 20 tháng 10, 2022

TIỂU LỤC THẦN PHONG: HÀNH HƯƠNG

                                      Đường đi không đến – Tranh: Thanh Châu
 

Ánh lửa bập bùng từ bếp lò giữa nhà tỏa hơi ấm và đủ soi nhập nhoạng mặt người, lửa vừa để nấu ăn và sưởi ấm. Mùi trà sữa trâu lùn thơm phưng phức, pha lẫn chút khét của ngọn đèn bơ vừa tắt. Tenzin Gyatso thì thầm:

– Chúng ta vô ý quá, đèn cạn bơ mà chúng ta không châm thêm vào.

Chị Zesay lập tức đứng dậy lấy bình đựng bơ chế vào ngọn đèn, ngọn lửa lại cháy lên, ánh sáng lung linh hòa với ánh lửa từ bếp lò in bóng những thành viên trong gia đình Tenzin lên vách tường. Tenzin hỏi ông chú:

– Chú có muốn thêm tí trà sữa nữa không?

Ông Tenzin Choejor gật đầu và xìa cái bát ra, Tenzin rót một ít trà sữa nóng hổi cho ông. Tenzin Choejor đã bảy mươi rồi, tuy còn minh mẫn nhưng hai năm nay sức khỏe của ông đã suy nhiều, hàm răng giờ chỉ còn loi choi vài cái thôi, trông ông móm xọm. Ông đã tâm sự với Tenzin Gyatso về ước nguyện hành hương về Potola và Kailash. Tenzin Gyatso hoàn toàn ủng hộ ông, anh đã đau lòng và ân hận khi cha anh qua đời mà ước nguyện hành hương chưa kịp thực hiện. Mấy năm về trước, ông Tenzin Rabga đã sửa soạn lương thực, áo quần, lều trại… để sang xuân là đi hành hương. Sự đời chuyển biến bất ngờ, nhiều thanh niên tự thiêu phản đối sự cai trị hà khắc của Trung cộng, dẫn đến Trung Cộng thiết quân luật, cấm ngặt mọi việc di chuyển về Potola. Đến khi tình hình lắng dịu thì ông bất ngờ qua đời. Bởi vậy Tenzin Gyatso quyết tâm phải khởi hành vào mùa xuân này. Anh đã cắt đặt mọi việc cho những người ở lại giữ nhà.

Mùa đông tuyết đổ liên tục, rét thấu xương, dù mọi người đã sống chết ở đây bao đời rồi. Nhà Tenzin Gyatso vốn khá giả, ngôi nhà xây bằng đá tảng, đất nện và cây gỗ… nó giữ ấm rất tốt cho mọi người bên trong, ngôi nhà này là mơ ước của bao nhiêu người. Có tiếng gõ cửa, Tenzin ra mở thì thấy Kunga Dorjee, sau khi uống bát trà sữa nóng, anh ta nói:

– Nghe nói bạn và gia đình sẽ đi hành hương vào mùa xuân này, tôi có thể đi chung với các bạn?

Tenzin Gyatso và mọi người rất vui mừng:

– Còn gì quý hơn, chúng tôi thật may mắn khi có bạn cùng đi chung.

Kunga Dorjee có xe máy  kéo, gắn thêm cái rờ mọoc vào nữa thì tha hồ chất dụng cụ đi đường, lát sau vợ chồng Thupstan Rinchen và hai cô em vợ đến, họ tỏ ý  muốn được đi hành hương chung, cả hai cũng dành dụm được một số tiền và mấy bao bột khoai tây để ăn dọc đường. Gió thổi ù ù, tuyết bay mù mịt, lại có tiếng gõ cửa ngập ngừng. Tenzin lại mở cửa thì thấy Rigzin Zigme, anh đồ tể thường xẻ thịt trâu lùn. Anh ta say khướt, dáng điệu lảo đảo như muốn té. Tenzin vội dìu anh vào trong, rót cho anh ta bát trà sữa nóng. Chị Zesay trách anh ta:

– Anh cứ say khướt thế này, làm được đồng nào uống hết thì còn đâu giúp vợ con?

Rigzin Zigme không dám nhìn ai, anh ta nhìn vào bếp lửa, ánh mắt buồn vô hạn, lát sau anh chậm rãi nói:

– Tôi là đồ tể, tôi xả thịt trâu lùn nhiều lắm. Tôi không oán ghét gì chúng nhưng tôi không xẻ thịt thì người làng lấy gì ăn? Trâu lùn với chúng ta cũng là một thành viên trong gia đình, nhưng không có thịt và sữa trâu lùn thì chúng ta sẽ chết đói; không có da trâu lùn thì chúng ta sẽ chết rét. Tôi rất sợ khi nghĩ đến hậu quả giết trâu lùn, vì vậy sau mỗi lần xả thịt chúng là tôi phải say để quên đi nỗi sợ này, khổ nỗi khi cơn say qua đi thì tôi càng buồn và sợ hơn. Tôi nghe Tenzin sẽ đi hành hương vào mùa xuân tới, có thể cho tôi đi hành hương chung? Tôi muốn hành hương kính lễ đức Phật để giải bớt cái nghiệp của tôi!

Zesay và mọi người bùi ngùi thương cho Rigzin Zigme. Tenzin đến ôm vai anh ta:

– Nếu anh muốn đi hành hương thì hãy chuẩn bị lương thực và sắp xếp việc nhà đi, đầu xuân chúng ta khởi hành. Không có việc gì quan trọng hơn việc hành hương. Đức Phật sẽ gia hộ cho anh, nghiệp xấu của anh nhất định sẽ giảm bớt!

Rigzin Zigme dường như xúc động mạnh, khóe mắt anh ta ươn ướt, anh ta muốn nói gì đấy nhưng không tìm ra lời nên cứ ngắc ngứ. Tenzin hiểu nên vỗ vỗ vai anh ta:

– Anh đừng quá sầu bi và đau khổ như thế, anh rước cái nghiệp sát cho chúng tôi, không có anh thì chúng tôi biết làm sao đây? Chúng tôi cùng cộng nghiệp chung với anh. Chúng ta vốn có nhân duyên từ đời trước nên giờ mới gặp nhau, tương lai chắc chắn chúng ta lại còn gặp nhau nữa. Nghiệp sát của anh là bất đắc dĩ, tuy xả thịt trâu lùn nhưng nuôi sống bao nhiêu người khác. Anh thành tâm sám hối như thế là tốt lắm, chuyến hành hương này sẽ tăng tín tâm tam bảo và giải bớt nghiệp cho anh. Chúng ta không chỉ đi chung một đoạn đường hành hương hay một quãng đường đời, chúng ta còn đi chung với nhau nhiều kiếp nữa, khi mà chúng ta còn tiếp tục tái sanh.

Rigzin Zigme cảm ơn và trông anh ta cảm động lắm. Mọi người còn đang bàn tán việc chuẩn bị cho cuộc hành hương, cửa lại có tiếng gõ. Chị Zesay ra mở thì thấy ba cha con nhà Thubten Kelsang, anh ta dẫn hai thằng con trai đến xin Tenzin cho hai đứa đi hành hương. Tenzin rất hoan hỷ bảo:

– Càng thêm người thì chúng ta càng có sức để giúp đỡ nhau trên đường đi, thêm tay thì thêm lực để tương trợ nhau, đức Phật sẽ hoan hỷ gia hộ cho chúng ta.

Chị Zesay rót ba bát trà sữa cho cha con Thub Kelsang. Anh ta cảm ơn rồi tâm sự:

– Nhà tôi ăn ở hiền lành, cả đời chẳng hại ai bao giờ, sao tai họa cứ đổ lên đầu chúng tôi. Năm kia vợ tôi sanh khó mà chết, rồi hai đứa em tôi bị tai nạn mà chết, phải chăng nghiệp của tôi quá nặng? Tôi không đi hành hương chuyến này được, tôi phải chăm sóc mẹ, bà ấy quá già và còn những người khác cũng cần được quan tâm. Tôi gởi hai thằng con đi theo anh, cảm ơn anh rất nhiều Tenzin.

Tenzin an ủi anh:

– Ai cũng có cái nghiệp của mình, mỗi người mỗi nghiệp, chúng ta cũng vì nghiệp mà gặp nhau đây. Chúng ta cầu nguyện đức Phật, đức Liên Hoa Sanh gia hộ cho chúng ta. Hành hương là một cách tốt để giải nghiệp, để tỏ lòng tôn kính đức Phật. Anh không đi được lần này thì lần khác vậy!

Thế là đoàn hành hương lên đến mười ba người, Tenzin phân công và cắt đặt việc cho các thành viên, hẹn ngày đầu của mùa xuân sẽ khởi hành.

Mùa xuân đến, tuyết vẫn còn trắng giăng khắp làng Mankang, một vài loài hoa xuân sớm đã nở. Đoàn hành hương khởi hành lên đường, ông Tenzin Choejor nét mặt hân hoan, ánh mắt tràn đầy niềm tin và nhiệt huyết. Mặc dù  khuôn mặt nhăn nheo vì sự tàn phá của thời gian, của bức xạ mặt trời trên xứ tuyết. Ông bắt đầu thực hiện những bước chân đầu tiên của giấc mơ lớn nhất đời người. Đã sinh ra trên xứ tuyết này, ai cũng ước nguyện một lần trong đời hành hương về Lhasa và Kailash. Cả làng Mangkang ra vẫy tay chào đoàn hànhn hương, ai cũng quay luân xa và trì chú chúc đoàn hành hương vượt qua mọi gian khó để hoàn thành cuộc hành hương. Tenzin Gyatso vui lây với cái vui mãn nguyện của ông chú, tuy vậy trong lòng anh cũng có chút ưu tư, Anh lo không biết ông chú có đủ sức chịu đựng cuộc hành hành hương này không, hơn hai ngàn dặm chứ ít gì, vô số gian khổ và những bất ngờ không thể đoán trước được. Ngoài ông chú ra, anh còn lo cho vợ anh, Zesay có bầu đã sáu tháng rồi, không biết sức khỏe cô ấy chịu đựng được bao lâu đây? Anh cũng như những người Tạng xứ này, vẫn tin rằng được sanh ra hay chết trên đường hành hương là một phước báu lớn, một sự gia hộ phi thường của đức Phật, đó là một điều mơ ước của bao nhiêu người, không phải ai cũng có được cái may mắn ấy. Tuy nhiên Tenzin cũng là một con người, có đủ thất tình lục dục, lòng anh không thể lạnh như tuyết sơn, trái tim anh vẫn nồng ấm như bếp lò giữa nhà.

Ngày đầu khởi hành từ làng Mangkang, đoàn người vừa đi vừa lạy được hai mươi dặm, cứ mỗi bảy bước là một lạy, mọi người lạy dài xuống đất, để cả đầu, mình tay chân chạm đất. Họ lạy với tất cả tâm thành tôn kính đức Phật. Chị Zesay có bầu nhưng vẫn lạy như mọi người, cô bé Ceba mới mười hai tuổi, con gái của Tenzin cũng lạy như mọi người. Riêng ông chú Tenzin Choejor thì quay luân xa và liên tục lấy những viên đá hai bên vệ đường để chồng lên làm thành những mani đôi. Khi cả đoàn nghỉ chân bên vệ đường, mọi người uống trà sữa, ăn bánh bột khoai tây và những miếng khô trâu lùn. Tenzin bóp hai chân Zesay:

– Em lượng sức mình, nếu mệt quá thì  đi bộ không lạy cũng được. Đức Phật vẫn biết tâm thành của em, vẫn gia hộ em.

Zesay nhìn Tenzin đầy yêu thương:

– Em không sao, em sẽ lạy cho đến bước cuối của cuộc hành hương này! Đời người có ý nghĩa gì đâu, sống chết vô thường, giả sử có chết trên đường hành hương ấy lại là phước báu lớn.

Cô bé Ceba chen vào giữa cuộc nói chuyện của hai người:

– Con cũng lạy  với ông và với ba mẹ.

Buổi trà sữa ăn tối cũng xong, mọi người rì rầm đọc kinh và niệm chú Om Ma Ni Padme Hum, cầu Phật gia hộ cho các thành viên đủ sức và kiên cố chí nguyện trên đường hành hương, sau nữa cầu đức Phật gia hộ cho tất cả chúng sanh. Ông chú Tenzin Choejor quay luân xa không ngừng nghỉ vừa lần chuỗi. Tiếng tụng niệm trong căn lều cứ như sóng âm lan tỏa vào đồng không mông quạnh, lời cầu nguyện như bay lên hướng về tuyết sơn vĩnh cửu.

Trời hừng đông, đường chân trời ửng hồng trên nền tuyết trắng tinh khôi. Mọi người thức dậy, Zesay nhóm lửa pha trà sữa và chuẩn bị bột khoai tây cho mọi người ăn sáng. Thảo nguyên sớm mai yên ả thanh bình và tịch lặng đến độ tưởng chừng có thể nghe được nhịp tim của người bên cạnh. Có lẽ ở trong cái môi trường thanh vắng và lòng người thanh tịnh thuần khiết như thế nên tâm ý của mọi người dễ lan tỏa và dễ gặp sự đồng điệu. Sau bữa sáng, tiếng xe máy kéo phành phạch nổ phá vỡ sự tịch tĩnh ngàn đời của thảo nguyên. Xe máy kéo chở vật dụng bò sau lưng những con người thành tâm nhiệt huyết đang bước và lạy ở phía trước. Nhờ có xe máy kéo mà mọi người đỡ khuân vác, những con trâu lùn cũng không phải bị chất cả đống đồ trên lưng, Đoàn hànnh hương đến một bờ tràn, nước chảy qua đường. Mọi người dừng lại phân vân một tí. Anh Thubten Kelsang lạy dài xuống đất như không nhận biết nước đang chảy qua đường, chỉ có thế, lập tức cả đoàn hành hương cùng lạy qua. Không biết dưới gầm trời này còn có dân tộc nào thành tâm tôn kính đức Phật hơn người Tạng? Không biết có xứ sở nào mà con người nhẫn nhục, nhẫn nại và tâm kiên cố năm vóc gieo sát đất như người xứ này? Tín tâm người Tạng như kim cang bất hoại, vững như đá núi Kailash. Tấm lòng họ đối với đức Phật thanh tịnh tinh khiết như tuyết sơn, như băng vĩnh cửu trên đỉnh Kailash. Con đường hướng về Potola càng lúc càng cao dần, con đường ngoằn nghèo khi thì men theo sườn núi, lúc thì chạy dài ngút tầm mắt giữa bình nguyên, con đường như bất tận không thấy điểm đầu hay điểm cuối. Sau một tháng đi và lạy, đoàn người đã lên đến độ cao Ba ngàn rưỡi mét. Mọi người vẫn nhẫn nại, cần mẫn đi và lạy, già như cụ Tenzin Choejor, trẻ như cô bé Ceba, thậm chí đến chưa chào đời, còn nằm trong bụng mẹ cũng lạy với mẹ mình… Mọi người toàn tâm toàn ý vừa niệm chú đại minh Om Ma Ni Pad Me Hum vừa miệt mài lạy trên đường, thỉnh thoảng một vài chiếc xe hàng chạy vụt qua, chỉ phút chốc là mất hút ở đường chân trời, trả lại sự thanh vắng cho đất trời. Đoàn hành hương cứ thế từng ngày đi tới, ngày khỏe thì hai mươi dặm, ngày mệt thì mười bảy dặm. Ngày đi và lạy, đêm dựng lều nghỉ chân. Tenzin Gyatso đã thay đến đôi giày thứ ba, hai mảnh gỗ để chắp lạy cũng đã thay miếng mới. Zesay thay tấm tạp dề bằng da mới. Thấm thoát đã tháng thứ hai, rồi tháng thứ ba, lúc bấy giờ đã lên đến độ cao bốn ngàn hai mét. Một hôm vào lúc nửa đêm, Zesay trở dạ, Tenzin và Kunga Dorjee lái xe máy kéo chở Zesay vào ngôi làng Manali, cách đó mấy dặm đường. Người làng chỉ đến nhà bà mụ KesangDolma Tamang, bà lập tức giúp đỡ Zesay trong cơn vượt cạn. Trời lạnh thấu xương mà Zesay mồ hôi ướt cả mặt mày, cô ấy đang trải qua cơn đau kinh khủng, thai nhi ra phân nửa, cô ta cảm giác như xé thịt phân thây, cái đau đến tận tim gan, Bà mụ hối thúc:

– Cố lên, cố chút nữa, hãy rặn mạnh hơn tí nữa… Cô mà chậm chạp thì đứa trẻ sẽ chết ngạt mất thôi!

Tenzin Gyatso ôm đầu vợ an ủi, bà mụ kéo thai nhi, một người đàn bà khác ấn mạnh phần trên của bụng Zesay. Chừng mươi phút nữa thì thai nhi lọt hẳn ra ngoài, bà mụ lau chùi và cắt rốn, nó khóe oe oe giữa đêm trường tịch mịch của tuyết sơn. Nó khóc để chào đời, để bước vào cuộc sống đầy hệ lụy của chốn hồng trần. Nó đã được sanh ra trên đường hành hương về thánh tích, thế gian này dễ mấy ai được như nó. Zesay nghe nói con trai, chị ta nhoẻn miệng cười rồi lả đi vì kiệt sức. Nghỉ ba ngày ở nhà bà mụ, Tenzin lại đưa vợ về lại trại, nơi đoàn hành hương đang chờ đợi. Mọi người tranh nhau ẵm hài nhi, ai cũng hoan hỷ và tin chắc đây là phước báu lớn của thằng bé. Ông Tenzin Choejor hỏi Tenzin Gyatso đã đặt tên cho thằng bé chưa, anh ta bảo chưa kịp nghĩ ra, Ông Tenzin Choejor bèn đặt cho nó tên Tenzin Dingzi Dengda, nghĩa là cầu chúc hy vọng cuộc đời thằng bé sẽ hạnh phúc và trường thọ. Ông bảo:

– Thằng bé này có phước báo lớn lắm, sau này lớn lên sẽ làm Lạt Ma  hoặc Guru nếu nó xuất gia, bằng không nó sẽ là một thủ lĩnh có uy tín và quyền lực.

Mọi người lại quây quần đọc kinh chúc phúc cho thằng bé. Đoàn nghỉ lại thêm bảy ngày nữa rồi mới lên đường. Ai cũng bảo Zesay hãy ngồi trên xe máy kéo vì mới sanh dậy nhưng Zesay vẫn đi và lạy, quả thật đức tin có sức mạnh hơn ta tưởng, có năng lực kỳ diệu không thể suy luận hay nghĩ bàn. Zesay vừa sanh bảy ngày, không hiểu sức lực từ đâu mà cô ta vẫn lạy như tất cả mọi người, cô không để lạc dù chỉ là một nhịp. Đức Phật, đức Liên Hoa Sanh gia hộ, vẫn ở bên mọi người trong từng phút giây.

Một hôm trên con đường vạn dặm ấy, một chiếc xe Pick up chạy phía sau, tài xế bất cẩn húc vào đuôi xe máy kéo, làm nó lật bên vệ đường, chiếc xe gãy trục nhưng không ai bị thương, vì mọi người vẫn lạy trên đường. Anh tài xế người Hán, anh ta xin lỗi rối rít nhưng rồi bỏ đi mà chẳng bồi thường cho những thiệt hại mà anh ta gây ra. Anh Kunga Dorjee cũng chẳng phàn nàn hay bực mình vì chiếc xe bị gãy trục. Cả đoàn hành hương cũng chẳng ai bực mình. Mọi người bình thản chấp nhận mọi chuyện xảy ra. Họ xem đấy là thử thách ắt phải có trên đường hành hương cũng như trên đường đời. Họ quan niệm có gặp ách nạn như thế mới quán xét được tâm mình, thực hành được lời đức Phật dạy. Đòan hành hương để xe máy kéo lại bên vệ đường, mọi người chung sức kéo và đẩy cái rơ mọoc thôi. Họ sẽ nhờ thợ đến sửa khi đến thị trấn gần nhất. Đường càng lên dốc càng cao, có những đỉnh đèo rợp những dây cờ ngũ sắc, cờ bay phần phật trong gió suốt cả ngày lẫn đêm. Cứ đến mỗi đoạn đường có giăng cờ, Anh Tenzin lại buộc thêm vào một dây cờ, những dây cờ có viết lục tự đại minh, hoặc viết lời kinh, lời cầu nguyện…Đoàn người kéo cái rơ mọoc nặng nề nhưng tâm thần nhẹ nhõm, thân xác tuy vất vả cực nhọc nhưng tinh thần hoan hỷ và an lạc. Đoàn người leo dốc và hát bài dân ca:

Tôi bước từng bước leo dốc đồi

Như mưa tuyết bay lất phất

Chúng ta từ một mẹ sanh ra

Nhưng số phận không giống nhau

Người số phận tốt làm Lạt Ma

Người số phận xấu hơn thì làm nông phu hoặc xót xa

Ta lớn lên từ băng giá

Nhưng trái tim ta ấm nồng

Đức Phật luôn hộ trì chúng ta

Đức Liên Hoa Sanh và đức bổn mạng Tara

Khi còn cách Potola khoảng một trăm hai mươi dặm, lòng mọi người hưng phấn, tinh thần mọi người như tươi tỉnh lạ thường. Mọi người sắp chạm vào ước mơ, sắp được lễ lạy thánh tích mà cả đời hướng về. Đêm ấy trời trăng vằng vặc, sau khi niệm kinh xong, ông Tenzin Choejor bế thằng bé Tenzin Dingzi Dengda hôn lên trán và chúc phúc, ông cởi sợi dây đeo có mặt đá cảm thạch khắc hình đức Phật trao cho Tenzin Gyatso:

– Đây là món quà ta tặng cho cháu yêu quý Dingzi Dengda. Đức Phật và Đức Tara xanh sẽ hộ trì thằng bé, đeo dây này thì thiên thần sẽ hộ vệ cả ngày lẫn đêm.

Ông ngừng lại, bưng bát trà sữa nhấm nháp một chút, vẻ mặt trầm ngâm, nhìn bếp lửa như thôi miên. Trông ông như người đang ở một cảnh giới nào xa lạ, gương mặt đầy nếp nhăn nhưng thanh thản và mãn nguyện. Ông hình như có điều chi muốn nói nhưng cố gắng kềm giữ. Cả căn lều im lắng, chỉ có tiếng củi cháy nổ lép bép thôi, thời gian như ngưng đọng và không gian như đông đặc. Tiếng ông trầm trầm cất lên:

– Thế là ta cũng đã làm được điều mà cả đời ước ao. Chúng ta đã đi hơn một ngàn hai trăm dặm từ làng Mangkang đến đây, giờ chỉ còn chừng một trăm dặm nữa là được chiêm ngưỡng Potola, một thánh tích linh thiêng mà bất cứ người Tạng nào cũng hướng về. Giấc mơ lung linh sắp chạm được rồi, chỉ một tầm tay với nữa thôi, nhưng ta sẽ không kịp chạm được! Dù không chạm nhưng ta hài lòng và mãn nguyện. Ta sẽ vĩnh viễn trên đường hành hương để cúng dường và lễ lạy đức Phật.

Mọi người giật mình, Tenzin Gyatso vội vàng bảo:

– Chú đừng nói điềm gở, vài ngày nữa thôi là chúng ta đến Potola. Chúng ta sẽ lễ lạy thánh tích, sẽ đi nhiễu Potola.

Anh Rigzin Zigme cũng nói:

– Tôi làm đồ tể mà còn được đức Phật gia hộ, ông là người hiền thiện thì ắt sẽ được đức Phật gia hộ, ông sẽ đến được Potola để đảnh lễ đức Phật!

Chị Zesay giọng lo lắng:

– Ông không sao đâu, ông sẽ lễ lạy Potola, sẽ đảnh lễ tôn tượng của đức phật ở Potola, vài mươi dặm nữa là chúng ta có thể thấy đỉnh của Potola rồi!

Ông cười nhẹ:

– Ừ, thì chúng ta sẽ đi nhiễu Potola.

Nói xong ông lần chuỗi niệm chú, cả căn lều lại rì rầm tiếng niệm chú, tiếng niệm chú, niệm kinh với âm thanh trầm và rền khiến lòng người nhập tâm và dường như thiên thần từ mười phương cũng bay về hộ trì quanh nơi phát ra âm thanh đang niệm kia.

Sáng sớm hôm sau, chị Zesay lui cui nhóm lửa để nấu trà sữa và chuẩn bị món ăn. Không nói ra nhưng ai cũng muốn hôm nay đi sớm hơn, đi nhanh hơn để được đến Potola. Chợt giọng con bé Ceba la hốt hoảng như mếu:

– Ông bị làm sao đó ba ơi? Con lay ông mà không thấy ông cục cựa.

Linh tính cho biết có điều chi đó ứng với lời ông đêm qua, mọi người vội lại bên ông Tenzin Choejor. Anh Tenzin Gyatso bứt một cộng lông trên chiếc áo đang mặc để trước mũi ông, cộng lông không hề lay động, anh bảo:

– Chú tôi đã đi rồi.

Mọi người lập tức ngồi xuống niệm kinh cho ông.

Sau đó anh Tenzin Gyatso đi thỉnh mời hai vị Lạt Ma ở tu viện Lobzang Kalden, cách mấy dặm đường, Hai vị Lạt Ma tụng kinh cầu chúc cho ông siêu sanh tịnh độ suốt mấy giờ liền. Tenzin Gyatso bó xác ông vào một tấm vải trắng và mang lên núi theo hai vị Lạt Ma. Đến nơi, hai vị ấy đốt một búi cỏ thơm, lập tức một bầy kên kên bay về đậu quanh quất gần đấy. Hai Vị Lạt Ma lại đọc kinh tiếp và anh đồ tể giờ trở thành một âm công bất đắc dĩ. Anh giúp cho thân xác ông trở về tứ đại nhanh chóng, thần thức ông có lẽ mãn nguyện vì thoát ra khỏi thân xác trên con đường hành hương. Thần thức ông giờ có lẽ đang nhiễu Potola và những thánh tích thiêng liêng khác. Ông đã đạt được ước muốn mà bao nhiêu người không với tới được.

Cung Potola sừng sững trước mặt mọi người, những giọt nước mắt hạnh phúc hoan hỷ chảy xuống, giấc mơ bái yết thánh tích đã thành hiện thực. Mọi người đồng sụp lạy Potola, một cung điện hùng vĩ thâm trầm dưới bầu trời xanh. Một thánh tích huyền bí thiêng liêng mà bao đời Lạt Ma trụ ở đấy. Một tự viện to lớn nhất thế gian này, cao nhất trên mặt đất này, nơi tôn thờ hàng ngàn tôn tượng của đức Phật, đức Liên Hoa Sanh, Tara và cả Tùng Tán Cán Bố. Hòa với những khách hành hương khác từ bốn phương hướng về Potola, Tenzin Gyatso ngẩn ngơ ngắm Potola mãi mà không chán. Nhiễu Potola xong, mọi người mua sắm thêm bơ sữa, bột khoai tây và những vật dụng khác để ngày mai lại tiếp tục hành hương lên Kailash.  Phải tranh thủ bái yết và nhiễu núi thiêng Kailash trước khi mùa đông lại về. Niềm tin mãnh liệt, lòng tôn kính cùng cực, tâm tính thanh khiết đã giúp mọi người vượt qua mọi gian khó tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Đức Phật vẫn hằng trong tâm tưởng, vẫn đồng hành trong mỗi phút giây, mỗi bước chân hành hương. Đức Phật vẫn gia hộ đoàn hành hương cũng như tất cả mọi chúng sanh trong cuộc đời.

TIỂU LỤC THẦN PHONG (T.Vấn Và Bạn Hửu )


Mời Xem : 

1./

TIỂU LỤC THẦN PHONG: CUỘC CHƠI CHỮ NGHĨA 

 2./

TÂY TẠNG - NƠI THỜI GIAN NHƯ NGỪNG LẠI 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...