Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

CHUYỆN ÔNG LẢO NGƯ DÂN XẤU XÍ - Thùy Chi


Giá trị của một người không nằm ở vẻ bề ngoài, mà chính ở tấm lòng


Khi bỏ qua những khiếm khuyết bên ngoài của một người,
chúng ta có thể khám phá những điều tuyệt vời ẩn giấu bên trong con người ấy.

Ngôi nhà chúng tôi nằm đối diện lối vào một bệnh viện nổi tiếng trong thành phố. Chúng tôi sống ở tầng dưới và cho bệnh nhân ngoại trú thuê các phòng ở trên gác. Một buổi tối mùa hè, khi tôi đang chuẩn bị nấu bữa tối thì có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa và hoảng hốt khi xuất hiện trước mắt tôi là một người đàn ông có vẻ ngoài rất đáng sợ. Thoát chút giật mình, trong tâm tôi thầm nghĩ: “Tại sao ông ta lại chỉ cao bằng một đứa trẻ 8 tuổi?”. Vừa nghĩ tôi vừa nhìn chằm chằm vào cái lưng còng gần như gập cả xuống cái cơ thể rúm ró kia. Nhưng đó chưa phải là điều kinh khủng nhất. Nhìn lên khuôn mặt ông ta, tôi thoáng kinh sợ khi đập vào mắt tôi là một khuôn mặt thô kệch, sần sùi, sưng tấy đỏ và bị lệch hẳn sang một bên.

Tôi thêm một lần kinh ngạc khi người đàn ông cất lời. Trái ngược với vẻ bề ngoài thô kệch kia, giọng ông khá dễ nghe, ông nói: “Chào buổi tối. Tôi muốn tìm một phòng nghỉ trong đêm nay. Tôi từ bờ biển phía Đông qua đây. Tôi đến điều trị từ sáng, nhưng tôi đã lỡ chuyến xe buýt về nhà, giờ không còn chuyến nào cả”.

Ông kể với tôi rằng ông đã tìm phòng từ trưa nhưng không ai còn phòng trống cả. “Tôi đoán là do khuôn mặt của tôi. Tôi biết trông nó khá đáng sợ, nhưng bác sĩ nói tôi có thể thử một vài phương pháp điều trị nữa…”, ông nói với vẻ thiểu não.

Tôi ngập ngừng do dự, nhưng những lời tiếp theo của ông ấy đã làm tôi đổi ý: “Tôi có thể ngủ trên chiếc ghế bập bênh này ngoài hiên. Sáng mai xe buýt sẽ qua đây sớm”. Tôi nói với ông ấy, chúng tôi sẽ tìm cho ông một chiếc giường, nhưng ông sẽ phải ngủ ngoài hiên.

Tôi quay vào nhà chuẩn bị bữa tối. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, tôi mời ông ăn cùng chúng tôi. Ông tế nhị trả lời: “Không, cảm ơn anh. Tôi mang theo rất nhiều đồ ăn”. Nói rồi, người đàn ông lấy ra một túi giấy màu nâu. Sau khi ăn xong, tôi ra ngoài hiên trò chuyện với ông ấy vài phút.

Dù mới tiếp xúc với ông nhưng tôi có thể cảm nhận được trong cái hình hài nhỏ bé ấy là trái tim tràn đầy tình yêu thương. Người khách kể với tôi rằng, ông muốn sống và phải sống để nuôi con gái, năm đứa cháu và người con rể bị liệt.

Trong câu chuyện của ông, tôi có thể hình dung những khổ hạnh mà ông gặp phải trong đời cũng như những khó khăn, nhọc nhằn mà ông phải đối diện trong cuộc mưu sinh hằng ngày. Nhưng trong giọng nói của ông, lạ thay, không hề có chút than vãn, khổ não mà mọi câu ông đều bắt đầu bằng lời cảm ơn Thần Phật đã ban phúc cho ông. Ông biết ơn Thần Phật vì đã cho ông không phải trải qua bất cứ đau đớn nào khi mắc bệnh. Ông bị ung thư da và ông cảm ơn Thần Phật đã cho ông sức mạnh để tiếp tục cuộc đời.




Lúc đi ngủ, chúng tôi mang cho ông chiếc cũi trong phòng trẻ em. Buổi sáng thức dậy, tôi thấy khăn trải giường đã được gấp ngay ngắn và người đàn ông nhỏ đang ở ngoài hiên. Ông ấy từ chối bữa sáng, nhưng trước khi lên xe buýt, ông rụt rè hỏi: “Lần điều trị sau tôi có thể ở đây không? Tôi có thể ngủ ngon trên ghế”. Ông dừng lại một lát rồi nói thêm: “Con của anh giúp tôi có cảm giác như ở nhà. Tôi đã gặp rất nhiều phiền toái với gương mặt của mình, nhưng những đứa trẻ nhà anh không hề bận tâm tới điều đó”. Tôi mỉm cười trả lời ông rằng, ở đây ông ấy luôn được chào đón.

=========

Trong lần tiếp theo, ông đến sau 7 giờ sáng. Ông mang quà cho chúng tôi gồm một con cá lớn và rất nhiều con hàu bự mà trước nay tôi chưa từng thấy. Người đàn ông nhỏ bé nói rằng ông đã bắt chúng trước lúc đi, để giữ chúng được tươi ngon. Tôi tự hỏi không biết ông đã thức dậy lúc mấy giờ để làm việc này vì chuyến xe buýt từ chỗ ông khởi hành vào 4 giờ sáng.

Trong những năm ông điều trị và qua đêm ở nhà chúng tôi, không khi nào ông không mang quà đến, là cá, sò hay rau từ vườn nhà. Nhiều khi ông còn gửi qua bưu điện cho chúng tôi cá và hàu được đóng gói trong hộp, rau bina hoặc cải xoăn đã được rửa cẩn thận.

Ông đã phải đi bộ ba dặm (gần 5km) để gửi bưu phẩm cho chúng tôi. Những món quà nhỏ nhưng chính ông đã làm cho chúng trở nên quý giá hơn. Khi nhận được chúng, tôi thường nghĩ về những lời mà người hàng xóm đã nói trong buổi sáng đầu tiên ông rời đi: “Anh đã giữ người đàn ông trông khủng khiếp đó ở lại đêm qua à? Tôi đã phải quay mặt đi khi thấy ông ta! Anh có thể bị mất khách nếu đưa người như vậy vào nhà!”.

Có lẽ khoảng một hoặc hai lần chúng tôi đã mất khách thuê. Nhưng nếu họ biết ông, có lẽ họ sẽ cảm thấy những đau đớn, bất hạnh của họ chẳng là gì. Tôi biết gia đình tôi sẽ luôn biết ơn vì đã may mắn được quen biết ông. Từ người đàn ông bé nhỏ này, chúng tôi đã học được cách chấp nhận điều xấu mà không phàn nàn và đón nhận điều tốt với lòng biết ơn.

=======

Gần đây, tôi đến thăm một người bạn, cô ấy có một nhà kính ươm trồng hoa. Cô bạn đưa tôi đi thăm khắp vườn hoa và chỉ cho tôi những bông hoa đẹp nhất. Một bông hoa cúc đang bung nở tuyệt đẹp, lúc lại gần tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó được trồng trong một cái chậu cũ, rỉ sét. Tôi nghĩ, nếu đây là nhà kính của mình, chắc chắn tôi sẽ đặt nó trong chiếc chậu đẹp nhất mà tôi có.

Tôi lướt nhìn các chậu cây trong khi nghe cô ấy giải thích về vẻ đẹp của chúng. Bất chợt, tôi nhận ra rằng thực ra bông hoa không hề xấu đi chút nào dù nó đang ở trong chiếc chậu cũ kỹ. Chỉ một thời gian nữa thôi, nó sẽ được mang ra vườn trồng. Tự dưng trong lòng tôi trào dâng một cảm giác vui vẻ, phấn chấn. Bởi tôi đang tưởng tượng đến một khung cảnh trên thiên thượng: Thần Phật mang đến một linh hồn đặc biệt đặt trong thể xác người ngư dân già và ông đã chiến thắng mọi thử thách dù ở trong hình hài nhỏ bé ấy.

Vẻ bề ngoài không nói lên bản chất và giá trị của một con người. Đôi khi, một tâm hồn cao đẹp lại được ẩn giấu dưới vẻ ngoài xù xì, thô kệch.

Thủy Chi



1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...