Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Tây Ninh Đồng Hương Hội và cựu học sinh Liên Trường Tây Ninh họp mặt Hè 2024

WESTMINSTER, California (NV) – Tây Ninh Đồng Hương Hội và cựu học sinh Liên Trường Tây Ninh vừa tổ chức buổi họp mặt Hè 2024 vào sáng Chủ Nhật, 21 Tháng Bảy, tại công viên Sigler Park, Westminster.

Ban tổ chức, thầy cô giáo và cựu học sinh Liên Trường Tây Ninh họp mặt Hè 2024, tại công viên Sigler Park, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mục đích của buổi họp mặt Hè nhằm giúp đồng hương Tây Ninh và thân hữu tề tựu bên nhau, chung vui trong không khí nắng Hè tại Little Saigon và cùng nhau hâm nóng lại tình đồng hương nơi xứ lạ quê người.

Các trường trung học tại Tây Ninh trước 1975 gồm có Đạo Đức Học Đường, Lê Văn Trung, Trung Học Công Lập Tây Ninh, Văn Học, Văn Thanh, Trình Minh Thế, và còn nhiều trường khác.

Ngoài những cựu học sinh sống ở vùng Little Saigon và những vùng phụ cận còn có những thầy cô và cựu học sinh từ nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, như Texas, Oklahoma, Kansas, Florida về tham dự. Đặc biệt lần họp mặt này còn có những người từ Canada và Việt Nam sang.

Ông Phạm Ngọc Lân (bìa phải), hội trưởng, và các cựu học sinh Tây Ninh trình diễn văn nghệ ngoài trời. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Phạm Ngọc Lân, hội trưởng Tây Ninh Đồng Hương Hội, lúc nào cũng có nụ cười vui vẻ, và đến thăm hỏi một số khách mời và đồng hương đến dự.

Ông nói: “Cứ mỗi lần tổ chức những buổi họp mặt đồng hương Tây Ninh thì rất tốn nhiều thời gian để chuẩn bị. Ngoài việc kêu gọi đồng hương về tham dự, ban tổ chức còn phải chuẩn bị tụ điểm và thời gian họp mặt sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi đồng hương. Người dân xứ Tây Ninh rất hiền hòa, tình cảm đầy đặn và chân tình. Vì thế khi ra hải ngoại, chúng tôi luôn đùm bọc lẫn nhau và tình người chúng tôi lại càng thắt chặt thêm nữa.”

Bà Lê Kim Thao, trưởng ban tổ chức, nói: “Vì được sự tín nhiệm của đồng hương Tây Ninh, nên trong nhiều năm qua, tôi được làm trưởng ban tổ chức của những buổi họp mặt của đồng hương Tây Ninh. Đồng thời tôi cũng là trưởng ban ẩm thực, trong việc chuẩn bị những món ăn để cho bà con đến chung vui được no lòng.”

Một số cựu nam sinh của trường Trung Học Tây Ninh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mùa Hè tại Little Saigon, trong buổi sáng sớm vẫn mát rượi với những cơn gió nhẹ từ biển đưa vào công viên Sigler Park. Đến trưa thì nắng mỗi lúc càng rực rỡ hơn, bà con cũng đã tề tụ đông đảo. Mấy bà, mấy cô mang đến nhiều món ăn được ban ẩm thực trưng bày trên dãy bàn dài. Ban tổ chức mời mọi người đến tự lấy thức ăn không cần phải khách sáo gì cả.

Tuy chương trình văn nghệ với tính cách “cùng hát cho nhau nghe,” nhưng cũng rất vui, vì những người lên hát đều là những người không chuyên nghiệp mà lại thích hát.

Trong số thầy cô đến dự, Bác Sĩ Nguyễn Cát Tường, cựu giáo sư của Đại Học Cao Đài Tây Ninh và trường Trung Học Tây Ninh, kể, vài ngày trước khi xảy ra biến cố 30 Tháng Tư, 1975, các vị chức sắc trong Tòa Thánh Tây Ninh đã khuyên ông nên về Sài Gòn ngay, và chính xe của Tòa Thánh đã đưa ông rời khỏi Tây Ninh, để tránh những phiền toái, vì lúc đó, cộng quân đang tiến về Sài Gòn.

Cựu Giáo Sư Bùi Đức Tốn (trái) và Bác Sĩ Nguyễn Cát Tường, cựu giáo sư trường Trung Học Tây Ninh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bác Sĩ Nguyễn Cát Tường nhớ lại: “Các học sinh Trung Học Tây Ninh ngày xưa rất chăm chỉ học hành. Lúc còn trong nước đã có nhiều người được thành công trong xã hội. Khi ra hải ngoại cũng có nhiều người có cuộc sống tốt đẹp, đó là điều hãnh diện của những thầy cô giáo ngày xưa tại các trường trung học Tây Ninh.”

Trong số cựu học sinh Liên Trường Tây Ninh có bà Nguyễn Thị Ba, từ Việt Nam sang, nói: “Chúng tôi là cựu học sinh của Trung Học Tây Ninh, đến năm 1969 chúng tôi ra trường. Sau đó, tôi thi vào trường Sư Phạm tại Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp ngành giáo chức, tôi được về dạy học tại trường Tiểu Học Cẩm Giang, Tây Ninh. Hôm nay là lần thứ nhì tôi đến họp mặt với cựu học sinh Tây Ninh tại Little Saigon. Được gặp lại những người bạn học trò cũ trên xứ người, đó là điều rất may mắn cho chúng tôi.”

Các cựu học sinh Trung Học Tây Ninh, từ trái, bà Cao Xuân Liễu, bà Đỗ Ngọc Quí, và bà Nguyễn Thị Ba, từ Việt Nam sang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, rể của đồng hương Tây Ninh, sáng lập viên Hội Việt Bonsai và Hội Xương Rồng (Cactus Club), trong thời chiến ông là một thông dịch viên của ban cố vấn MACV Hoa Kỳ tại Việt Nam, kể: “Kể từ ngày đồng hương Tây Ninh thành lập Tây Ninh Đồng Hương Hội cho đến nay, cứ mỗi lần hội có tổ chức họp mặt thì tôi đều đến dự. Trong thời chiến, tôi gặp vợ tôi ở Tây Ninh, vì theo tôi nghĩ phụ nữ Tây Ninh rất hiền hậu và nề nếp, vì thế, tôi được trở thành rể của xứ Tây Ninh.”

Sau cuối Tháng Tư, 1975, “Cây Cầy” là một trong những trại tù cộng sản thuộc tỉnh Tây Ninh, nơi 500 cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã trải qua những ngày  cải tạo . Tuy những cựu tù nhân này không phải là người Tây Ninh, nhưng trong thời gian bị giam cầm, họ đã được người dân Tây Ninh bảo bọc che chở. Vì thế, khi được định cư tại hải ngoại, họ lại tụ họp về để cùng chung vui với người dân bản xứ Tây Ninh. Vì họ được hội xem như là những người của đồng hương Tây Ninh vậy.

Lê Kim Thao (trái), trưởng ban tổ chức, và ông Ngô Thành Thảo, thành viên trong ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số cựu tù nhân này có cựu Hải Quân VNCH Vũ Đình Thọ nói: “Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, chúng tôi là những cựu sĩ quan của Quân Lực VNCH, cùng chung số phận với nhiều chiến hữu khác bị  giam cầm tại nhiều trại tập trung. Tại trại tù Cây Cầy A, chúng tôi bị các cán bộ giữ tù cho biệt danh là ‘500 Thằng Lười.’ Sở dĩ chúng tôi có biệt danh này là lúc 500 tù nhân chúng tôi bị họ bắt chúng tôi làm việc rất cực nhọc hằng ngày tại trại cải tạo Cây Cầy A. Nhưng họ đâu cải tạo chúng tôi theo chủ nghĩa của họ được. Và cũng vì anh em chúng tôi đi lao động không hết mình, nên họ mới đặt cho chúng tôi biệt danh là ‘500 Thằng Lười.’”

Tây Ninh Đồng Hương Hội được thành lập vào khoảng cuối thập niên 1930 tại Sài Gòn. Sau một thời gian hoạt động, hội được chính phủ VNCH cấp cho một nơi để làm trụ sở, và cũng là nơi các công chức, tư chức và đồng bào quê quán ở Tây Ninh quy tụ lại để sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau coi như anh em bà con chung một nhà.

Quang cảnh tổ chức họp mặt Hè 2024 tại công viên Sigler Park, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Hai vị hội trưởng sau cùng của Tây Ninh Đồng Hương Hội, Sài Gòn, là Giáo Sư Trần Văn Thử, cựu hiệu trưởng Trung Học Công Lập Tây Ninh và Trung Học Petrus Ký, và Đốc Sự Đỗ Văn Rỡ, cựu đổng lý văn phòng Bộ Nội Vụ VNCH.

Sau nhiều năm tị nạn  tại Hoa Kỳ, để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối đã xây dựng nên Tây Ninh Đồng Hương Hội, Sài Gòn, thế hệ thứ nhất của đồng hương Tây Ninh đã quy tụ lại và thành lập Tây Ninh Đồng Hương Hội tại California vào năm 1999.

Xứ Tây Ninh có rất nhiều đạo hữu của Cao Đài Giáo, một trong những đạo truyền thống của người Việt. Nổi tiếng nhất là Tòa Thánh Tây Ninh, nổi tiếng thứ hai là núi Bà Đen. [qd]

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...