Tác giả: Theo NTDTV | Dịch giả: Minh Nữ
-
Thượng thiện nhược thủy
Lão Tử giảng: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố cơ ư đạo.” (Người thiện ví như dòng nước, nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh giành, chịu ở nơi mọi người ghét, nên gần với Đạo).
Ý nói rằng, cảnh giới tối cao của thiện cũng giống như phẩm chất của nước, tưới mát cho vạn vật mà không tranh không giành, ở những nơi mà mọi người không để ý tới, vì thế mà tiếp cận gần với Đạo.
Đặc tính của nước là “chí thiện chí nhu”, vô cùng lương thiện vô cùng ôn nhu; lại “miên miên mật mật”, liên tục không ngừng; khi thì nhỏ nhẹ lặng lẽ, lúc lại cuộn trào mãnh liệt; không tranh với người mà dung nạp vạn vật. Đạo của cuộc sống chính là như vậy.
Đại trí nhược ngu
(Tài trí giả ngu dốt)
Trung Quốc cổ đại có câu thành ngữ “đại trí nhược ngu”. Câu thành ngữ này xuất phát từ “Hạ Âu Dương thiếu suất trí sĩ khải” của Tô Đông Pha đời Tống: “Đại dũng nhược khiếp, đại trí nhược ngu” (Kẻ dũng mãnh giả như khiếp sợ, kẻ tài trí giả như ngu dốt). Ý nói kẻ có tài trí rất cao nhưng không để lộ tài năng, biểu hiện ra giống như ngu dốt. Ý tứ tương tự còn có câu: “Đại xảo nhược chuyết” (Khéo léo mà giả như vụng về).
-
Đạm bạc minh chí
Câu này nguyên là xuất phát từ “Hoài Nam tử: Chủ thuật huấn” của Hoài Nam vương Lưu An vào những năm đầu thời Tây Hán. Trong “Giới tử thư” của Gia Cát Lượng có đoạn: “Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn” (Không đạm bạc thì không thể sáng cái chí, không yên tĩnh thì không thể nghĩ được xa). Lão Tử cũng giảng: “Điềm đạm vi thượng, thắng nhi bất mỹ” (Điềm đạm là thượng sỹ, thắng cũng không đắc ý). Không “thanh tâm quả dục” (tâm thanh tĩnh, ít ham muốn) thì không thể có chí hướng rõ ràng kiên định; không an định thì không thể thực hiện được lý tưởng, cũng không chịu khó chịu khổ để học tập được.
-
Tích thủy xuyên thạch
Câu này có nguồn gốc từ cuốn “Hạc lâm ngọc lộ” của La Đại Kinh thời Tống: “Nhất nhật nhất tiễn, thiên nhật thiên tiễn, thằng cứ mộc đoạn, thủy tích thạch xuyên” (Một ngày một đồng, nghìn ngày nghìn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn).
Trương Quai Nhai là người thời Tống, làm huyện lệnh huyện Sùng Dương. Lúc bấy giờ, đời sống xã hội trong huyện vô cùng bất ổn, trộm cướp hoành hành, ngay cả kho tiền của huyện cũng thường xuyên bị mất trộm. Trương Quai Nhai quyết tâm phải xử lý việc này đến nơi đến chốn.
Một ngày nọ, Trương Quai Nhai trông thấy một tiểu lại lật đật đi ra từ kho tiền, trên chiếc khăn đội đầu còn giấu một đồng tiền. Ngay lập tức ông liền hạ lệnh tra khảo. Tiểu lại không phục, nói: “Một đồng tiền thì có là gì đâu? Ông có thể đánh tôi nhưng không thể giết tôi!” Trương Quai Nhai giận dữ đáp: “Một ngày một đồng, nghìn ngày nghìn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn. Phải chém!”
Từ đó về sau, “tích thủy xuyên thạch” (nước chảy đá mòn) trở thành một câu thành ngữ để nói về sự kiên trì bền bỉ không ngừng, nhiều lực lượng nhỏ bé tích tụ lại cũng có thể làm nên thành quả vô cùng to lớn.
-
Hậu tích bạc phát
Đây là một câu trong “Giá thuyết tống Trương Hổ” của Tô Đông Pha: “Bác quan nhi ước thủ, hậu tích nhi bạc phát” (Đọc nhiều mà giữ lại ít, tích lũy nhiều mà dùng ít một). Ý nói rằng, đọc sách nhiều đến đâu cũng chỉ có thể chắt lọc tinh hoa mà giữ lại, tích lũy nhiều đến đâu cũng chỉ có thể dùng từ từ từng chút một.
-
Nhất nặc thiên kim
Câu này xuất hiện trong “Quý Bố, Loan Bố liệt truyện”: “Đắc hoàng kim bách cân, bất như đắc Quý Bố nhất nặc” (Được trăm cân vàng, không bằng được một lời vâng của Quý Bố). Ở nước Sở có một người tên là Quý Bố, tính tình cương trực trượng nghĩa. Chỉ cần là việc đã đồng ý làm thì bất kể khó khăn đến mấy anh ta cũng nghĩ cách làm cho bằng được, vì thế mà ai ai cũng đều nể trọng. Người ta nói: “Một lời hứa của Quý Bố còn đáng giá hơn nghìn vàng.” Nói lời giữ lời, sẽ có được tín nhiệm của thiên hạ.
-
Thái nhi bất kiêu
Trong “Luận ngữ” của Khổng Tử có đoạn vua Nghiêu nói”: “Quân tử huệ nhi bất phí, lao nhi bất oán, dục nhi bất tham, thái nhi bất kiêu, uy nhi bất mãnh” (Người quân tử ban ơn mà không hao tổn, khổ cực mà không oán hận, mong muốn mà không tham lam, thư thái mà không kiêu căng, uy nghiêm mà không dữ tợn); “Khoan tắc đắc chúng, tín tắc dân nhiệm” (Khoan dung thì được lòng dân, tạo niềm tin thì được dân tín nhiệm); “Hưng diệt quốc, kế tuyệt thế, cử dật dân” (Phục hưng những nước chư hầu đã bị diệt, cho người kế tiếp các dòng họ đã bị tuyệt, tiến cử những người ẩn dật có tài đức). Ở đây chủ yếu bàn về những yêu cầu cơ bản đối với việc trị quốc mà Khổng Tử đề xuất, đồng thời nói đến giai đoạn lịch sử của ba vị “Tam hoàng”, khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ.
-
Vô dục tắc cương
(Không mang dục vọng thì mới là cương trực)
Khổng Tử nói: “Ta chưa từng thấy người nào kiên cường”. Có người đáp: “Thân Trành là người như vậy”. Khổng Tử nói: “Thân Trành nhiều dục vọng, sao có thể gọi là kiên cường?”
Truyện kể lại rằng, một ngày nọ Khổng Tử đang thuyết giảng đạo lý cho các môn sinh, không kiềm lòng được bèn cảm thán: “Ta chưa từng gặp người nào thực sự kiên cường bất khuất”. Các đệ tử đều cảm thấy rất kỳ lạ, họ cho rằng người như vậy giống như Tử Lộ, ngoài ra còn có Thân Trành, đều là những người hết sức kiên cường bất khuất. Nhất là Thân Trành, tuy rằng trẻ tuổi nhưng mỗi lần tranh luận cùng người khác thì không bao giờ dễ dàng nhượng bộ. Cho dù là đối với trưởng bối hay sư huynh thì cũng không kiêng nể chút nào, thái độ lúc nào cũng vô cùng cứng rắn cương quyết. Mọi người đối với anh ta đều ba phần nhượng bộ.
Cho nên các môn sinh khi nghe Khổng Tử cảm thán rằng chưa từng gặp qua người nào kiên cường thì không hẹn mà cùng nói: “Nếu nói về kiên cường thì Thân Trành là hoàn toàn xứng đáng thưa Thầy!”
Khổng Tử nói: “Thân Trành nhiều dục vọng, sao có thể gọi là kiên cường?”
Một đệ tử hỏi: “Thân Trành không tham lam tiền tài, vậy sao Thầy lại nói anh ta nhiều dục vọng?”
Khổng Tử trả lời: “Thực ra, cái gọi là dục vọng không phải chỉ nói về tham lam tiền tài. Nói một cách đơn giản, phàm là chưa rõ phải trái trắng đen liền tranh cãi với người khác thì cái tâm đó còn hơn cả tư tâm tư lợi, đó chính là ‘dục’. Thân Trành tuy rằng tính cách chính trực nhưng lại cậy mạnh tranh thắng, thường hành sự theo cảm tính, đây chính là một loại ‘dục’. Người như vậy làm sao có thể gọi là cương cường bất khuất?”
Khổng Tử lại nói: “ ‘Cương’ cũng không phải là hiếu thắng khoe sức khoe tài, mà là một loại công phu tự khắc chế chính mình. Có thể khắc chế dục vọng của bản thân mình thì bất kể là ở hoàn cảnh nào cũng không đi ngược lại thiên lý, hơn nữa còn kiên định trước sau như một, không dễ dàng thay đổi, lúc này mới đúng là ‘Cương’ chân chính”.
-
Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại
Câu này nguyên là từ “Tam quốc danh thần tự tán” của Viên Hoành mà ra: “Hình khí bất tồn, phương thốn hải nạp”. Lý Chu Hàn chú giải: “Lòng người phải giống như biển tiếp nạp trăm sông, ý nói là bao la rộng lớn, khoan dung độ lượng”. Biển rộng có thể dung chứa nước của trăm sông, có thể dung chứa nên mới thành ra to lớn, “Hải nạp bách xuyên, hữu dung nãi đại”. Có thể khoan dung độ lượng, rộng rãi phóng khoáng, đây cũng chính là biểu hiện của một người có tu dưỡng.
-
Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai
Vào thời Tây Hán, có một võ tướng trứ danh tên là Lý Nghiễm, giỏi cưỡi ngựa bắn tên, ra trận vô cùng dũng cảm, nên được gọi là “Phi tướng quân”.
Có một lần, Lý Nghiễm đi săn ở chân núi Sơn Nam, chợt phát hiện trong bụi cỏ có một con mãnh hổ. Lý Nghiễm vội vàng giương cung lắp tên, toàn thần chăm chú, dùng hết sức lực bắn ra một mũi tên. Vốn có tài bắn cung rất giỏi, Lý Nghiễm cho rằng con hổ nhất định đã bị trúng tên mà chết nên đến gần để xem, không ngờ bắn vào là một tảng đá có hình dạng giống con hổ. Mũi tên không những cắm vào tảng đá mà gần như toàn bộ mũi tên còn đâm xuyên qua đó. Lý Nghiễm vô cùng sửng sốt, không tin mình có thể có khí lực lớn đến vậy nên ngay sau đó liền thử lại một lần nữa. Anh ta lùi lại mấy bước, giương cung lắp tên, lấy hết sức hướng về phía tảng đá mà bắn. Nhưng liên tiếp mấy mũi tên đều không cắm được vào tảng đá, cái thì bị vỡ nát, cái thì bị gãy đôi, trong khi tảng đá chẳng hề hấn chút nào.
Mọi người đối với chuyện này thì vô cùng kinh ngạc, đều nghi ngờ không giải thích được, ngay sau đó họ liền đến thỉnh giáo học giả Dương Hùng. Dương Hùng đáp: “Nếu như thành tâm thành ý, thì sắt đá cũng phải cảm động”.
(Từ daikynguyen.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét