(printarchive.epochtimes.com)
(printarchive.epochtimes.com)
Thời Xuân Thu, có một năm mùa đông trời cực lạnh. Nước Tề tuyết rơi nhiều, suốt 3 ngày 3 đêm không ngừng. Mọi người khi ra khỏi nhà đều cảm thấy rất buồn phiền, do trời lạnh mà đường thì khó đi, nên ai nấy trong lòng đều mong cho trận tuyết này mau chấm dứt.
Có một ngày, Tề Cảnh Công thân mặc áo lông cáo, ngồi trước cửa sổ vui mừng ngắm cảnh tuyết rơi. Tề Cảnh Công càng ngắm càng thấy rằng cảnh sắc đẹp mê hồn, trong lòng mong tuyết rơi thêm nhiều ngày nữa, cho phong cảnh càng thêm mỹ lệ.
Lúc này, quan đại phu Yến Anh tiến lại gần, Tề Cảnh Công cao hứng bảo Yến Anh:“Năm nay khí trời thật lạ lùng, ngươi xem, tuyết rơi liên tục 3 ngày liền, nhưng khí trời chẳng thấy lạnh chút nào, ấm áp giống như mùa xuân vậy”.
(từ daikynguyen.com)
Yến Tử thấy Cảnh Công thân thể bọc kín trong áo lông cáo, trong phòng còn có một lò sưởi cháy hừng hực, đương nhiên cảm thấy như mùa xuân ấm áp. Thấy vậy Yến Tử bèn hỏi Tề Cảnh Công: “Khí trời chẳng lạnh chút nào sao?”.
Tề Cảnh Công cảm thấy Yến Tử hỏi thật ngây ngô, bèn gật đầu cười.
Yến Tử biết Cảnh Công không hiểu vì sao ông lại hỏi như thế, bèn nói thẳng thắn: “Đại Vương, thần nghe nói, bậc minh quân lúc ăn no sẽ nghĩ đến có người đang chịu đói, khi mặc ấm sẽ nghĩ đến có người đang rét lạnh, khi được ở trong nhà thoải mái sung sướng có người hầu hạ cũng nghĩ đến có người đang ở bên ngoài chịu khổ nhọc. Thế nhưng, vì sao Ngài không có lo nghĩ cho người khác vậy?”.
Tề Cảnh Công nghe Yến Tử nói thì xấu hổ đỏ mặt, biết bản thân đã sai rồi.
Câu chuyện xưa này đã cho chúng ta thấy, người ta không thể chỉ biết nghĩ về bản thân mà bất kể người khác. Câu thành ngữ “Đặt mình vào vị trí người khác” cũng là từ câu chuyện này mà ra.