Tác giả: Mioara Stoica | Dịch giả: Kim Xuân
Nhu cầu về nước ngọt dẫn con người tìm tòi những kỹ thuật mới và sáng tạo để thu gom được nước. Từ hàng nghìn năm qua, trong những vùng ít nước, con người đã thu gom nước từ nước mưa, từ sương mù, từ các hạt sương hay từ nước trong không khí.
Warka Water được đề xuất như một nguồn nước thay thế cho cư dân nông thôn nơi khan hiếm nước sinh hoạt. Trước hết, đây là một dự án kiến trúc. Không nên coi đây như giải pháp cho tất cả các vấn đề liên quan đến nước hiện đang tồn tại ở các nước đang phát triển, mà đây chỉ là một công cụ có thể cung cấp nước sạch trong một số khu vực, đặc biệt là ở vùng miền núi, nơi hệ thống đường ống dẫn nước tiêu chuẩn khó lắp đặt và nơi không có giếng nước. Những cộng đồng cô lập, nghèo, khó tìm một nguồn nước đảm bảo cho người, gia súc, và nông nghiệp, theo tin trên trang web của tờ La Bioguia.
Ý tưởng
Kỹ thuật thu gom nước và xây dựng hệ thống Warka lấy cảm hứng từ nhiều ý tưởng. Nhiều loài thực vật và động vật đã phát triển trên bề mặt của chúng, những đặc tính cấu trúc độc đáo ở kích cỡ micro và nano. Những đặc tính này cho phép chúng thu gom nước từ không khí để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt.
Nghiên cứu khả năng của bọ cánh cứng Namibia, lá sen, sợi tơ nhện và hệ thống thu gom nước của cây xương rồng, các nhà nghiên cứu đã xác định được vật liệu đặc biệt để có thể cải thiện dòng chảy của nước ngưng tụ và khả năng tích trữ nước. Hình dáng tổ của những con mối đã ảnh hưởng đến thiết kế của lớp ngoài của tháp: luồng không khí, hình dáng và cấu trúc.
Ngoài ra, trong thiết kế tổng thể của tháp đã sử dụng văn hóa và kiến trúc dân gian điển hình, kết hợp kỹ thuật dệt vải truyền thống ở Ethiopia.
Tháp Warka Water và tương lai
Được làm từ tre và nhựa phân hủy sinh học, Warka Water có thể thu gom nước từ nước mưa, từ sương mù và từ các giọt sương. Hệ thống rất đơn giản, hoạt động không cần điện, ít phải bảo trì, ai cũng có thể làm được.
Tháp tre cao 10 mét, rộng 4,2 mét và có thể thu gom tới 100 lít nước uống mỗi ngày.
Để hoàn thiện dự án, họ đã lựa chọn các khu vực ở Ethiopia để khởi động các thử nghiệm đầu tiên. Các tiêu chí quan trọng nhất là thiếu nước sinh hoạt và các nhu cầu cấp bách của cộng đồng. Các yếu tố quan trọng khác liên quan đến môi trường địa phương, như áp suất, nhiệt độ trung bình, độ ẩm, điểm tụ sương, và lượng mưa có thể.
Trong dự án này, bên cạnh mỗi cái tháp sẽ trồng một cái cây mới Warka mà nó sẽ được tưới bằng nước do tháp tạo ra, cũng như thành lập một đội để bảo trì tháp. Với thời gian, cây mới này sẽ không chỉ chống lại các tác động tiêu cực của việc phá rừng đang gia tăng, mà sẽ giúp tạo ra một môi trường tốt hơn cho hoạt động của tháp Warka Water. Cây tạo độ ẩm thuận lợi cho sản xuất nước của tháp.
(daikynguyen.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét