Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

CHỮ NHO ... DỄ HỌC (4). - Đỗ Chiêu Đức

          Sau HỘI Ý là HÀI THANH, Hài là Hòa Hài, Thanh là Âm Thanh. Nên HÀI THANH là Phối hợp cho hài hòa giữa âm thanh và chữ viết, còn gọi là HÌNH THANH vì nó là Hình tượng của âm thanh trước khi có chữ viết. Vậy, HÀI THANH là gì ? 
     4. HÀI THANH 諧聲 :
                HÀI THANH hay HÌNH THANH 形聲 là cách tạo chữ bằng 2 phần, một phần chỉ ÂM, một phần chỉ Ý. Hai phần nầy có thể nằm ở trên dưới hoặc phải trái. Tiếng Anh gọi là  HAMONICS. Ví dụ :

        * Chữ THỔ 吐 là Ói, là Nhổ,là Phun ra.
           Đây là chữ Hình Thanh, gồm 2 phần, bên phải là bộ KHẨU 口 là Cái miệng chỉ Ý , vi Ói, Nhổ, Phun ra bằng Miệng. Bên phải là bộ THỔ 土 là đất chỉ ÂM. Vì trước khi có chữ viết đã có tiếng nói THỔ là Ói là Nhổ ra rồi, nên khi tạo chữ, người xưa mới mượn chữ THỔ là đất làm ÂM  ( chứ không có liên quan gì tới ĐẤT cả !), và ghép với bộ KHẨU là Cái Miệng, nơi mà Nhổ và Ói ra để chỉ Ý.
                     
       Vì đây là hệ thống tạo chữ bằng cách phiên âm tiếng nói có sẵn, nên khoảng 80% chữ Hán Cổ được tạo nên bằng phương pháp nầy.
        Sau đây là một số chữ được hình thành bởi bộ KHẨU 口 là Cái Miệng, dĩ nhiên là tất cả những chữ nầy đều chỉ động tác của Miệng hoặc được phát ra từ Miệng hay có liên quan đến MIỆNG:
       * Chữ HÔ 呼 là Kêu là Gọi. Gồm bộ Khẩu và chữ HÔ 乎. Ta có các từ như : Hô Hào là Kêu Gọi, Hô Phong Hoán Vũ là Kêu mưa gọi gió. Khi nói về Lý Bạch, Đỗ Phủ đã viết như thế nầy :

         Lý Bạch đẩu tửu thi bách thiên,
        李白斗酒詩百篇, 
         Trường An thị thượng tửu gia miên.
  長安市上酒家眠,
         Thiên Tử HÔ lai bất thượng thuyền,
   天子呼來不上船,
         Tự xưng thần thị tửu trung tiên !
      自稱臣是酒中仙.

       

Có nghĩa :
       - Lý Bạch uống vào một đấu rượu sẽ cho ra trăm bài thơ.        - Thường ngủ say trong quán rượu của xứ Trường An.
       - Vua cho GỌI cũng chẳng chịu lên thuyền,
       - Tự xưng rằng : Thần chính là Tiên trong rượu đây !

     Image result for 李白斗酒詩百篇, Image result for 李白斗酒詩百篇,
      * Chữ NGẬT 吃 là ĂN, gồm bộ Khẩu và chữ KHẤT 乞 là Xin chỉ Âm. Ta có các từ Ngật Phạn 吃飯 là Ăn Cơm, Ngật Chúc 吃粥 là Ăn Cháo. NGẬT đôi khi cũng có nghĩa là UỐNG, như trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :
             Mạc NGẬT mão thời tửu,    莫吃卯時酒,
             Hôn hôn túy đáo dậu.        昏昏醉到酉,
             Mạc mạ dậu thời thê 妻,     莫罵酉時妻,
             Nhất dạ thụ cô thê 悽.        一夜受孤悽。
Có nghĩa :
       - Đừng UỐNG rượu vào giờ Mão (sáng sớm), vì sẽ bị mơ mơ màng màng say đến giờ Dậu.( chiều tối), suốt ngày sẽ khỏi làm ăn gì hết !
       - Đừng mắng vợ vào giờ Dậu ( chiều tối), vì mắng vào giờ đó, vợ chồng giận nhau, thì suốt đêm sẽ chịu cô đơn, lạnh lẽo !

     * Chữ NGÂM 吟 là Ngâm Thơ. gồm bộ KHẨU và chữ CÂM (kim) làm ÂM. Ngoài nghĩa Ngâm Nga ra, NGÂM còn có nghĩa là TRẦM NGÂM là Yên lặng hồi lâu chẳng nói gì ! Hợp với chữ...
     * THÂN 呻 gồm bộ KHẨU và chữ THÂN 申 ( Ngôi thứ 9 của Địa Chi : Con Khỉ ) ta có từ THÂN NGÂM 呻吟 là RÊN RỈ.

     * Chữ VẪN 吻 là HÔN Môi, gồm bộ KHẨU và chữ VẬT 勿, nên Hôn bằng Miệng gọi là TIẾP VẪN 接吻 : Hai cái miệng đâu vào nhau vặn qua vặn lại !
          
     * Chữ VỊNH 咏 là Ca Vịnh, Ngâm Vịnh. gồm bộ KHẨU và chữ VĨNH 永 làm Âm.
     * Chữ HÀM 含 là NGẬM, gồm bộ KHẨU ở dưới và chữ KIM ở trên. Ta có Thành ngữ HÀM TÂN NHỰ KHỔ 含辛茹苦, tương 
đương trong tiếng Việt ta là "Ngậm đắng nuốt cay"! Trong Minh Tâm Bửu Giám cũng có câu :
                 Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu.
                    含    血      噴     人 ,先  污    自   口 。
Có nghĩa :
            Ngậm máu phun người thì dơ miệng mình trước !

     * Chữ GIẢO 咬 là CẮN, gồm bộ KHẨU và chữ GIAO 交 chỉ ÂM. Ta có thành ngữ "Cẩu giảo Lữ Động Tân 狗咬呂洞賓", là Chó Cắn Lữ Động Tân. Lữ ( Lã ) Động Tân là một trong Bát Tiên, cũng là một trong những tiên trưởng của Đạo Giáo. Câu nói trên ý nói là : Chó Cắn người tốt, như câu " Làm ơn mắc oán " của ta vậy. Giảo đôi khi có nghĩa là ĂN như trong câu " Chằn Tinh Giảo Nhục " là bị " Chằn tinh ĂN thịt ". Trình Giảo Kim trong truyện Thuyết Đường cũng là chữ Giảo nầy !

     * Chữ HỐNG 吼 là Gầm là Rống.
        Chữ nầy gồm bộ KHẨU và chữ KHỔNG 孔 bên phải chỉ ÂM. Ta thường nghe câu nói về mấy bà vợ dữ là Sư Tử Hà Đông chính là do Điển Tích " HÀ ĐÔNG SƯ HỐNG 河東獅吼 mà ra. Truyện kể : Bạn của Tô Đông Pha là Trần Qúy Thường, tự là Long Khâu Cư Sĩ, cũng là một danh sĩ đương thời. Qúy Thường thích ăn chơi, hay la cà với các kỷ nữ lầu xanh, nhưng lại rất sợ vợ. Vợ Quý Thường là Liễu Nguyệt Nga, người đất Hà Đông, tánh hay ghen. Có lần bạn bè cùng tụ tập kháo nhau về các cô kỷ nữ. Liễu Nguyệt Nga ở cách vách nghe được, gõ vào vách gầm lớn lên một tiếng, Quý Thường giật mình làm rớt gậy trong tay. Tô Đông Pha mới làm thơ diễu rằng :

          Thuỳ tự Long Khâu Cư Sĩ hiền,
         誰似龍丘居士賢
          Đàm không thuyết hữu dạ bất miên.
          談空說有夜不眠,
          Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
          忽聞河東獅子吼,
          Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.
          拄杖落手心茫然。
Có nghĩa :
      - Có ai hiền và giỏi được như Long Khâu Cư Sĩ không ?
      - Nói không nói có đủ điều suốt đêm không ngủ.
      - Bỗng nghe tiếng gầm của Sư Tử Hà Đông.
      - Giật mình bàng hoàng làm rớt cả gậy trong tay !
        Sư Tử Hống là biểu thị thần uy của Phật Giáo, dòng họ Liễu lại thuộc danh gia vọng tộc của xứ Hà Đông, nên Tô Đông Pha mới gọi Liễu Thị là Sư Tử của xứ Hà Đông. Sau nầy 4 chữ " SƯ TỬ HÀ ĐÔNG "  dùng để chỉ các bà vợ dữ và hay ghen.
             
     Chữ Hình Thanh còn một đặc điểm nữa là Cùng một âm thanh phát ra  ( Homonyms ), nhưng hình thức chữ thì hơi khác nhau theo ý nghĩa của phần khác nhau đó. Ví dụ:

       Cùng là âm MỘ, ta có các chữ hình thức và ý nghĩa khác nhau, nhưng cùng được ghép bởi âm MẠC 莫 ở phần trên  như sau :
       * MỘ 暮 nầy phần dưới là chữ NHỰT 日, Mặt trời đã chen lặn, nên MỘ là Buổi chiều, là " Nhật MỘ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu !" mà Tản Đà đã dịch rất hay là : " Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !"
       * MỘ 墓 nầy phần dưới là chữ THỔ 土 là Đất, nên MỘ là Cái Mả, là " Bên đường thấy một MỘ phần của ai ".
       * MỘ 慕 nầy phần dưới là chữ TÂM được viết cách điệu thành chữ Tiểu 小 thêm một chấm ở bên phải. TÂM 心 là tấm lòng, nên MỘ nầy là Aí Mộ, ngưỡng Mộ, Hâm Mộ.
       * MỘ 募 nầy phần dưới là chữ LỰC 力 là Sức,là bỏ Sức Lực ra, nên MỘ nầy là Mộ Lính, Mộ Phu, là Mộ Quyên mà ta gọi là Lạc Quyên.
       * 摹 chữ nầy đọc là MÔ, chứ không phải MỘ, vì bên dưới là chữ THỦ 手 là TAY, nên MÔ là Nhái, là Đồ theo, là MÔ Phỏng., là Bắt Chước !
       * 幕 chữ nầy đọc là MẠC, cũng không phải MỘ, vì bên dưới là chữ CÂN 巾 là Cái Khăn  ( tấm Vải ), nên MẠC là Cái Màn. Như KHAI MẠC là Mở Màn, BẾ MẠC là Đóng Màn lại, là Kết thúc.
               
                      1.      2.      3.      4.    5
       Ta thấy 5 chữ trên đây đều có chữ THANH  bên phải và  đều được phiên âm là " qing " chỉ khác nhau về dấu giọng mà thôi. Nhưng âm Hán Việt của ta thì có khác. Ta sẽ lần lược đọc và tìm hiểu nghĩa của 5 chữ Hình Thanh này nhé !

      1. 请 THỈNH là MỜI, đây là chữ Giản thể, chữ Phồn thể như thế nầy 請. Chữ THỈNH nầy làm ta nhớ đến câu đối của Trạng Mạc Đĩnh Chi là : " Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên  đối 出對易,對對難,請先生先對 " để đối lại với vế xuất là : " Quá quan trì, quan quan bế, nguyện qúa khách qúa quan 過關遲,關關閉,願過客過關 " khi ông dẫn đầu sứ bộ Việt Nam đi sứ sang nhà Nguyên ở phương bắc.

      2. 清 THANH là TRONG. Chữ Thanh nầy có 3 chấm Thuỷ bên phải, ý chỉ sự trong trẽo của nước. Ta có các từ như :
       - THANH BẠCH 清白 là Trong Trắng, như Đời sống Thanh Bạch, Tâm hồn Thanh Bạch.
       - THANH CAO 清高 là Thanh nhã Cao khiết, chỉ đời sống hoặc tâm hồn trong sáng cao thượng, không vụ lợi.
       - THANH BẦN 清貧 là Nghèo mà trong sạch, không chịu lòn cúi hoặc a dua mịnh bợ.
       - THANH KHIẾT 清潔 là Trong sạch, mà cũng là Sạch Sẽ nữa. Tăng Quảng Hiền Văn có câu :        Thuỷ thái THANH tắc vô ngư,    水太清則無魚           Nhân thái khẩn tắc vô trí.         人太緊則無智。

Có nghĩa :
      * Nơi nào nước trong quá thì nơi đó sẽ không có cá.
      * Người trong lúc gấp rút qúa thì sẽ thiếu trí khôn. ( Cấp bách nhất thời,không biết phải làm sao cho đúng !).
      
3. 晴 TÌNH là NẮNG ráo. Bộ NHỰT 日 bên trái chỉ ý, có mặt trời là Trời Nắng. Từ kép của Nắng Ráo là Tình Can 晴乾 :
             Tình can bất khẳng khứ,     晴乾不肯去,
             Trực đãi vũ lâm đầu .         直待雨臨頭。
Có nghĩa :
      - Đang lúc trời Nắng Ráo thì không chịu đi, cứ rề rà mãi...
      - Đợi đến lúc trời đổ mưa lên đầu, rồi mới tính muốn đi !...
        ( Thanh niên thường cứ lôi thôi rề rà như thế đó ! ).

     4. 情 TÌNH là TÌNH CẢM. Bộ TÂM 心(忄) đứng bên trái chỉ Ý.
Nên TÌNH nầy là Tình Cảm Tình Yêu. Trong bài Trúc Chi Từ của Lưu Vũ Tích, 2 câu cuối là :
     Đông biên nhựt xuất tây biên vũ,  東邊日出西邊雨,
    
       Đạo thị vô TÌNH khước hữu TÌNH. 道是無晴卻有晴。
 
Có nghĩa:
     - Bên đông mặt trời mọc, bên tây lại đổ mưa, nên
     - Bảo là không có nắng, nhưng lại có nắng ( Vì là từ Đồng Âm, nên cũng có nghĩa : Bảo là Vô Tình, nhưng thực ra là rất Hữu Tình !).
              Image result for 竹枝詞 劉禹錫

     5. 蜻 THANH là THANH ĐÌNH 蜻蜓, là Con CHUỒN CHUỒN.
         Chữ THANH nầy có bộ TRÙNG 虫 là Sâu bọ ở bên trái chỉ  Ý. Là từ Kép chỉ Chuồn Chuồn, không sử dụng đơn độc được. Trong bài Xuân Từ cũng của Lưu Vũ Tích, 2 câu cuối là
       Hành đáo trung đình sổ hoa đóa,       
 行到中庭數花朵,   
       THANH ĐÌNH phi thượng ngọc tao đầu.
 蜻蜓飛上玉搔頭.
Có nghĩa :
     - Đi đến giữa sân trong nhà để đếm các bông hoa nở,
     - Một con Chuồn Chuồn vô tình bay đậu trên đầu cây trâm. Qủa là một cảnh tượng rất tự nhiên mà lại rất nên thơ !
  
       Trong bộ NỮ 女 ta cũng có những chữ Hình thanh rất tiêu biểu như các chữ sau đây :
            
                1,             2,           3,          4,            5,
1, 娶 THÚ là CƯỚI, là Con trai lấy vợ.
    Chữ nầy gồm phần trên là chữ THỦ 取 là Lấy chỉ Âm, phần dưới là chữ NỮ 女 chỉ Ý. Nên THÚ là Lấy một người con gái về làm Vợ. Trong Kiều, tả lúc Thúc Sinh đòi chuộc Kiều về làm vợ,  Kiều đã :
                       Nàng rằng : Muôn đội ơn lòng,
                   Chút e bên THÚ, bên TÒNG dễ đâu !
Bên THÚ 娶 là bên CƯỚI, bên TÒNG 從 là bên Theo Chồng ( Xuất gía TÒNG phu mà !). Nhớ hồi nhỏ học chữ Nho, nghe bà con đọc như thế nầy:
               Tại gia tòng phụ, xuất GIÁ tòng phu.
               Đẩy ghe vô ụ, sứt bánh lái chổng khu !

2, 嫁 GIÁ là GÃ, là Con gái lấy chồng.
    Chữ nầy gồm phần trái là chữ NỮ 女 chỉ Ý, phần bên phải là chữ GIA 家 là Nhà chỉ ÂM. Ta thường gặp từ GIÁ THÚ là Gã Cưới, GIẤY GIÁ THÚ là Giấy Hôn Thơ Hôn Thú, gọi tắt là HÔN THÚ. Có còn nhớ bài Giang Nam Khúc của Lý Ích không ?...

                  嫁得瞿塘賈,          GIÁ đắc Cù Đường cổ
                        朝朝誤妾期。          Triêu triêu ngộ thiếp kỳ
                        早知潮有信,          Tảo tri triều hữu tín
                        嫁與弄潮兒。          GIÁ dữ lộng triều nhi !
Có nghĩa :
                             Ai xui LẤY lái Cù Đường,
                        Ngày ngày bỏ thiếp sầu thương muộn phiền .
                                Đầy vơi dòng nước thường xuyên,
                              Phải dè LẤY gả chèo thuyền cho xong  !
                                                                                 ĐCĐ.
         Image result for 江南曲    

3, 婚 HÔN là Sự Cưới Gả, là Marry. Tiếng Việt ta không có từ 1 chữ tương đương với chữ HÔN.
    Bộ NỮ 女 bên trái chỉ Ý và bên phải là chữ HÔN là U Ám chỉ ÂM. Từ thường gặp là : Hôn Sự, Hôn Phối, Hôn Nhân, Hôn Lễ, Hôn Phu, Hôn Thê, Hôn Thú... và Tân Hôn, Tái Hôn, Đính Hôn, Kim Hôn ( Đám cưới Vàng ), Toản Hôn (Đám cưới Kim Cương)  ...và một từ nửa Hán nửa Nôm mới phát sinh là : Hấp Hôn !

4. 姑 CÔ là Chị Em gái của Cha.
    Ngoài chữ NỮ 女 chỉ Ý ra, bên phải là chữ CỔ 古 là Cũ chỉ ÂM  . CÔ còn có nghĩa là các Cô Gái Mới Lớn chưa có chồng, như  Thôn Cô : là Cô gái quê. Cô Nương : chỉ chung các cô mới lớn. CÔ còn có nghĩa là Bà Mẹ Chồng và Tiểu Cô là Em chồng gái. Trong bài " Tân Giá Nương " là Cô Dâu Mới, thi sĩ Vương Kiến đời Đường đã viết :
               Tam nhật nhập trù hạ,         三日入廚下,        
                      
                      Tẩy thủ tác canh thang.       洗手作羹湯。
                       
                         Vị am CÔ thực tính,              未諳姑食性,
                 
                        Tiên khiển TIỂU CÔ thường.  先遣小姑嘗 .
Có nghĩa :
       - Sau ba ngày, cô dâu mới xuống bếp.
       - Rửa tay sạch sẽ để nấu cơm canh.
       - Vì chưa am tường khẩu vị của bà Mẹ Chồng,nên...
       - Nấu xong, mới nhờ cô Em Chồng nếm thử trước !        

                Image result for 新嫁娘
Tương tự, ta có chữ ...
         DI 姨 là Dì, chị em gái của Mẹ. Chữ nầy cũng do bộ NỮ 女 và chữ DI 夷 là Bằng phẵng, Bình An làm ÂM. Ngoài nghĩa chị em của mẹ, DI còn dùng để gọi những người đàn bà lớn tuổi mà ta quý mến : A DI 阿姨 là tiếng gọi thân mật. Còn một bà DI rất khó tánh, đó chính là PHONG DI 風姨 là DÌ GIÓ, vị thần cai quản và làm ra gió, như trong thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :
               " Cát đâu ai bóc tung trời?
                  Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung?
                  Phải rằng: Dì Gió hay không?
                  Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai? “

5. 娥 NGA là Gái Đẹp.
    Bộ NỮ 女 bên trái chỉ Ý, chữ NGÃ 我 bên phải chỉ ÂM. Từ kép để chỉ Gái Đẹp là TỐ NGA 素娥, như cụ Nguyễn Du đã tả trong Kiều :
                   Đầu lòng hai ả TỐ NGA,
             Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
       Người đẹp trong truyền thuyết của cung trăng là Hằng Nga 姮娥, còn được gọi là Thường Nga 嫦娥 như trong bài thơ cùng tên của Lý Nghĩa Sơn đời Đường : 
            
        THƯỜNG NGA ưng hối thâu linh dược,
   嫦娥應悔偷靈藥,
        Bích hải thanh thiên dạ dạ tâm !   
     碧海青天夜夜心
Có nghĩa :
      - Hằng Nga chắc cũng hối hận rằng sao mình lại trộm thuốc linh đơn mà chi, để bây giờ ...
      - Trong cảnh bể biếc trời xanh, lại đêm đêm để lòng nhớ về ...Hậu Nghệ !
     * Chữ NGA 娥 lấy chữ NGÃ 我 bên phải làm ÂM. Tương tự, ta cũng có các chữ Hình Thanh lấy chữ NGÃ làm ÂM như sau :
     * Chữ NGA 俄 nầy có bộ NHÂN là người bên trái chỉ Ý, nên NGA nầy là Người NGA, là Nước NGA, do chữ NGA LA TƯ 俄羅斯nói tắt ma rà.
     * Chữ NGA 峨 nầy có bộ SƠN 山 bên trái chỉ Ý, nên NGA nầy
là tên núi NGA MY 峨嵋山 ở tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc.

           Image result for 峨眉山  Image result for 峨眉山
                 Núi NGA MY và KIM ĐỉNH trên núi.

      * Chữ NGA 蛾 nầy có bộ TRÙNG 虫 bên trái chỉ Ý, nên NGA nầy là Con Ngài. một loại bướm đêm cánh nhỏ mình to, đầu có 2 sợi râu có lông tơ xòe ra rất đẹp. Vì thế gọi chân mày đẹp là Mày Ngài, Mày Nga :
                    Chắc mày NGA phải đẹp,
                    Những kẻ được vua thương !?
như trong bài Tiệp Dư Oán của Hoàng Phủ NHiễm đời Đường.

       * Chữ NGA 莪 nầy có bộ THẢO 艸 ở phần trên đầu chỉ Ý, nên NGA nầy là tên một loại rau như Rau NGỔ của ta : Rau NGA, như trong Kinh THI chương Quốc Phong, Tiểu Nhã có vế :
                  Lạo lạo giả NGA,           蓼蓼者莪,
                  Phi NGA y Cao.             匪莪伊蒿,
                  Ai ai phụ mẫu,              哀哀父母,
                  Sanh ngã cù lao.           生我劬劳.
Có nghĩa :
                  Xanh tốt rau NGA,
                  NGA hóa ra CAO.
                  Thương thay cha mẹ,
                  Sanh ta cù lao ! ( Cù Lao là Cực khổ lao nhọc )

       * Chữ NGA 鵝 nầy có chữ ĐIỂU 鳥 là Chim bên phải chỉ Ý, nên NGA nầy là Con NGỖNG, nên NGỖNG TRỜI gọi là Thiên Nga. Nhắc chữ NGA nầy làm ta nhớ đến bài thơ đối đáp giữa Thiền Sư Pháp Thuận và Lý Giác như sau :
              Nga nga lưỡng nga nga, 鵝鵝兩鵝鵝,
            
                   Ngưỡng diện hướng thiên nha.  仰面向天涯。
             
                  Bạch mao phô lục thuỷ,            白毛鋪綠水,
          
                    Hồng trạo bãi thanh ba.            紅棹擺青波。
Có nghĩa :
                 Song song đôi ngỗng trắng,
                 Ngước nhìn chân trời thanh.
                 Lông trắng phô nước biêc,
                 Chèo hồng quẩy sóng xanh !  

       * Chữ NGẠ 餓 nầy có bộ THỰC là Ăn bên trái chỉ Ý. Nhưng lại là chữ  " Thiếu Ăn ". Vì NGẠ là ĐÓI. Ta có từ Cô hồn NGẠ QUỶ là Quỷ Đói. Theo " Sử Ký, Bá Di liệt truyện" 《史记‧伯夷列传》:thì ... 
             
             "  Bá Di đời Ân Thương, khi Vũ Vương dấy quân đánh Trụ, ông giằng cương ngựa can ngăn không cho đánh, bảo rằng, Bề tôi mà đánh chúa là làm chuyện đại nghịch bất đạo. Đến khi Vua Trụ mất nước, Vũ Vương lập nên nhà Chu, Bá Di cùng em là Thúc Tề không ăn thóc nhà Chu, bỏ lên núi Thủ Dương hái rau Vi ăn thay cơm chớ không chịu ăn gạo nhà Chu, vì cho đó là gạo của bề tôi phản nghịch. Có người bảo với Bá Di Thúc Tề rằng, Hai vị không ăn gạo nhà Chu, nhưng bây giờ Thiên Hạ là của nhà Chu, nên rau Vi cũng là rau của nhà Chu mà ! Hai người nghe nói thế, bèn nhịn ăn rồi chết đói luôn ở trên núi. ".        
         Vì nuí Thủ Dương ở phía Tây, nên người đời sau gọi Bá Di Thúc Tề là " TÂY SƠN NGẠ PHU 西山饿夫 " là " Sĩ Phu đói ở núi tây". Trong bài TÀI TỬ ĐA CÙNG PHÚ của CAO BÁ QUÁT, cũng có câu :
       " ĐÓI rau rừng, Thấy thóc Chu mà trả, đá Thủ Dương
             chơm chởm, xanh mắt Di nằm tót gáy o o; "
                      Chữ HÌNH THANH, HÀI THANH còn rất nhiều rất nhiều, vì là loại chữ dùng để phiên âm tiếng nói, mà tiếng nói có Trước chữ viết rất lâu, nên loại chữ nầy rất nhiều, hơn 80% chữ viết là dùng để phiên âm tiếng nói, cũng chính vì thế mà có một số chữ ta chưa từng học qua, thấy qua, nhưng ta vẫn đoán được PHÁT ÂM và Ý NGHĨA của nó một cách lý thú. Ví dụ :
        Hồi nhỏ đọc sách, đoạn tả về người nghèo, bỗng gặp 4 chữ sau : 衣衫襤褸 . 2 chữ đầu là 衣衫 Y SAM là " Aó quần Quần Áo " nói chung, còn 2 chữ sau 襤褸 thì chưa gặp bao giờ, bèn vận dụng  những điều đã học để " đoán ". Trước tiên ta thấy 2 chữ đều có bộ Y 衣 ( 衤) bên trái, thì chắc chắn là có liên quan đến Quần Áo. Chữ đầu 襤 bên phải là chữ LAM 藍, chữ kế bên phải là chữ LÂU 婁. Quần áo mà ...LAM LÂU... À, thì ra phải đọc là LAM LŨ ! Bốn chữ đó là Y SAM LAM LŨ 衣衫襤褸, có nghĩa là : Áo Quần Lam Lũ đó ! Nói thì chậm, nhưng lúc đó đầu óc xoay chuyển rất nhanh, nhìn một chút là biết ngay 2 chữ đó là LAM LŨ. Tương tự, lúc gặp 4 chữ 月色朦朧 thì chỉ đọc được 2 chữ đầu là NGUYỆT SẮC là Màu trăng, còn 2 chữ sau thì "Bí Xà Lù", nhưng đầu óc xoay chuyển một cái bèn hiểu ngay : 2 chữ 朦朧 đều có bộ NGUYỆT 月, còn bên phải là chữ MÔNG 蒙 là Mông Cổ và chữ LONG 龍 là Con Rồng. Màu trăng... Mông Long...là Màu trăng Mông Lung, vậy, 4 chữ đó là NGUYỆT SẮC MÔNG LUNG, có nghĩa là : ÁNH TRĂNG MỜ ẢO ! Và cứ Tương tự, Tương Tự như thế ... Tự mình đoán ra được rất nhiều rất nhiều Chữ Mới chưa học !
         Đoán ra được rồi, khoái chí qúa trời ! Từ đó càng ngày càng say mê nghiền ngẫm chữ nghĩa hơn !....

                                                         Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...