Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Hong Kong: Người Lục Địa Đi Hong Kong Mua Sách Bị Cấm Lưu Hành ở Trung Cộng

Radio FM974

Chuyện Thế Giới Trong tuần
Thứ Hai 11/01/2016
     Việc nhân viên công lực đặc khu Hong Kong, đang mở cuộc điều tra về sự mất tích một cách bí ẩn, của năm người làm nghề xuất bản và bán sách trong tuần này đã làm cho lảnh vực in ấn trở thành đề tài bàn tán khá sôi nổi trong giới báo chí.
      Tại nơi, được gọi là vùng đặc khu hành chánh của đất Trung Cộng, có rất nhiều nhà xuất bản và tiệm sách, trong nhiều năm qua, đã tung ra cho người đọc không biết bao nhiêu cuốn sách, vốn bị cấm lưu hành triệt để trong đất lục địa. Paul Tang, một người chuyên buôn bán sách nói rằng, các loại sách về những chủ đề về chính trị, tôn giáo và tình dục đều bị ngăn cấm ở Trung cộng, và tại tiệm của anh, một tiệm sách khang trang nằm ngó xuống vịnh Causeway, có tấm hình chủ tịch Mao to lớn, như một tấm bình phông, trên cửa ra vào, 50 % số sách của anh ta là số sách bị cấm xuất bản, trong đó những cuốn, có bìa in hình Bo Xilai, một đảng viên cao cấp của Trung cộng bị cầm tù, sau đợt thanh trừng tham nhũng của chủ tịch nhà nước hiện thời Xi Jinping, được bày bán bên cạnh các cuốn có tựa như “Tin Đồn Và Sự Thật Về Nhà Cầm Quyền Trung Cộng” hay “Cuộc Đổi Chác Bí Mật Giữa Giới Giàu Có Và Đảng Viên Cao Cấp”…
    Hầu hết người mua sách loại này ở Hong Kong, phải giấu kín đâu đó, trong túi xách tay, trong hành lý cồng kềnh, khi trở lại lục địa giống như đi buôn bán đồ lậu, tuy nhiên, nhân viên quan thuế Trung cộng vẫn tịch thu được một số lượng sách cấm khá nhiều, khi người đi du lịch về tới các phi trường trong nội địa. Một trong số những nhà xuất bản đáng nói là nhà xuất bản Mighty Current, chuyên in và phát hành các cuốn sách bị cấm trong lục địa, có nội dung phần lớn về những vụ xì-căn-đan hay đề tài “chó cán xe, xe cán chó”. Bốn người giám đốc của Mighty Current và vài nhân viên, vừa bị mất tích một cách bí ẩn trong tháng mười một vừa rồi, và hôm 1 tháng giêng, vợ của ông Lee Bo, chủ của một trong số các tiệm sách của nhà xuất bản này, nộp giấy bố cáo mất tích với cảnh sát Hong Kon, sau khi ông này biến đi mất dạng. Tuy nhiên, vào tối thứ hai tuần này, cảnh sát Hong Kong loan báo, đã hủy bỏ tờ bố cáo, theo lời yêu cầu của bà vợ ông Lee Bo và bà đã từ chối trả lời khi báo chí hỏi tới việc đó.
    Tiệm sách của ông Lee, có tên Causeway Bay, nằm trên tầng lầu thứ hai, tại một con đường đông người, không xa tiệm sách People của ông Paul Tang bao nhiêu. Tiệm đóng cửa hơn một tuần nay, sau ngày ông Lee mất tích, trên cửa kiếng của tiệm, bên cạnh tấm bảng ghi thông báo, người ta thấy có một tờ giấy dán gần đó, viết “trở lại nhà nay mai và ráng bình an” và “xin thượng đế phù hộ cho nhân viên và gia đình của tiệm sách này”. Với cô Stephanie Lee, người dân Hong Kong, một khách hàng quen thuộc của mấy tiệm này cho biết, sách bán ở đây rất đặc biệt, cảm thấy buồn khi đọc được thông báo đóng cửa trước tiệm. Bạn của cô, anh Michael Lee, 21 tuổi, cũng là dân Hong Kong nói thêm, “hiện có một sự thiếu sáng tỏ đáng nói, về vụ mấy người xuất bản sách mất tích, mà cảnh sát không có một lời giãi thích hợp lý, đó là một phần của những gì mà người Hong Kong hiện thời lo ngại”. Trên tờ Global Times, tờ báo của nhà nước Bắc Kinh, người chủ bút chỉ trích việc buôn bán sách của tiệm Causeway Bay, cáo buộc tiệm này đã gây ra bất ổn ở lục địa.
    Tại Hong Kong, người ta đồn nhau, những người xuất bản sách mất tích, có lẽ là đối tượng phải ngăn chận, vì đã dám chỉ trích đảng cộng sản Trung cộng đã can dự, áp lực vào việc bổ nhiệm “người tổng quản trị hành chánh” của Hong Kong, khi công khai tuyên bố “tự do báo chí, tự do xuất bản và tự do phát biểu tư tưởng được luật pháp Hong Kong bảo vệ”. Sau khi áp dụng chế độ “một quốc gia, hai thể chế” vốn được thỏa thuận giữa Trung cộng và Anh quốc, cựu thuộc địa Hong Kong đã vui hưởng mọi sinh hoạt tự do dân chủ như trước, cái mà không làm sao có được trên toàn đất lục địa. Bất chấp sự mất tích của các người xuất bản vừa qua, sách bị cấm lưu hành tiếp tục là cái khá hấp dẫn đối với nhiều người dân từ lục địa, trong số những người đến tiệm sách People hôm thứ hai, có một người đã về hưu từ thành phố phía nam Trung cộng, Guiyang, ông yêu cầu đừng nói tên, để giữ an toàn, tránh bị rắc rối khi trở lại nhà, nói ông đang tìm một số sách về lịch sử Trung Hoa, đã bị kiểm duyệt cắt bỏ ở lục địa, ông vui vẻ học hỏi được sự thật về các sự kiện lịch sử đó ở Hong Kong.
    Chủ tiệm sách People, ông Paul Tang lo ngại, chuyện không lành sẽ xảy ra cho gia đình mình, sau khi có sự mất tích của mấy người xuất bản sách nhưng cũng gượng cười nói thêm “tôi chỉ là người bán lẻ, chỉ bán sách thôi mà”, nhưng nếu chính quyền bảo ông không được bán sách nữa, thì ông sẽ đổi sang bán thứ khác, thứ mà dân chúng lục địa đang cần trả giá cao để mua được là “sửa cho trẻ em uống”. Một người dân lục địa từ Bắc kinh, đi du lịch đến Hong Kong vào cuối tuần trong tháng bảy, đã tìm đến khu phố Causeway Bay để xem tin đồn về sách có thật hay không, ông ta nói là “muốn biết những chuyện xãy ra bên trong lòng đảng cộng sản, vì sách không được mang về nhà, và cuốn sách không có gì đối với riêng cá nhân mình nhưng ở lục địa Trung cộng, không có cách nào tìm mua được nó”. Bên trong lục địa, nhà nước kiểm soát báo chí truyền thông hết sức chặt chẽ, có nghĩa là, thường thường, những phân tích chính trị hay sự kiện, có liên quan tới lịch sử Trung ho, thật sự không dễ gì tìm thấy bên phần biên giới này.
    Tuy nhiên, doanh gia ở Hong Kong, vùng hành chánh đặc biệt của Trung cộng, có tự do báo chí, đã thu hoạch khá nhiều tiền, do từ việc xuất bản và buôn bán các loại sách bị cấm cho hàng triệu người dân lục địa, đi du lịch sang Hong Kong ngày càng nhiều, với ý định tìm mua. Deng Zi Qiang, chủ tiệm sách People’s Commune, số lượng khách hàng từ lục địa tăng lên khá lớn, kể từ khi mở tiệm sách năm 2003, trong năm 2011, Hong Kong có 28 triệu 1 người đến du lịch, so với con số hơn 13 triệu 6 năm 2006, hiện giờ 95% người mua sách là người từ bên trong lục địa ra. Tiệm sách này cũng mở một trang trên mạng điện tử Sina Weibo, với mục đích cung cấp tin tức về sách mới xuất bản ở Hong Kong và cách thức đặt mua, hầu hết người mua sách là những người từ các thành phố phát triển lớn như Bắc kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, tuổi từ ba mươi tới bốn mươi và là học giả, giáo chức hay thương gia. Cũng theo lời Deng, ngay cả nhân viên nhà nước Trung cộng hay cảnh sát trưởng cũng đã vào tiệm sách của mình, họ đưa cho Deng xem thẻ hành sự khi được yêu cầu, để chứng minh họ là người của nhà nước.
    Đối với Deng, ông ta bất cần bàn tới chuyện tin đồn chính trị, đảng phái hay xì-căn-đan nhưng chuyện bán được sách nhiều hay không, mới là chuyện quan trọng, tiệm của Deng đã bán từ khoảng 200 đến 300 cuốn sách mỗi tháng. Có một điều khá lý thú là người dân Hong Kong lại không hề để ý gì nhiều tới chuyện buôn bán sách, trong một xã hội dân chủ như Hong Kong, người ta không tỏ ra đam mê với chuyện đọc sách chính trị một khi ở đây, họ có thể tìm thấy tin tức, sự việc hàng ngày và có được sách bất cứ lúc nào. Một người mua sách từ Bắc kinh, thật tình cho biết, “không phải vì bất đồng chính kiến với đảng cộng sản Trung cộng mà anh ham đọc các loại sách cấm này, cho nên nói, vì đọc nó có nghĩa là chống lại nhà nước là sai, ngược lại, nếu người ta được phép tham gia hay góp phần thêm về tiến trình quyết định chính sách thì họ có thể có thêm ý kiến và sự hiểu biết của mình để có một quyết định tốt đẹp hơn”.
    
     Rời tiệm với một chồng tạp chí chính trị kéo theo túi xách, nhìn lại hàng chữ tên tiệm sách trên cửa kiếng, ông nói thêm “ông không thấy có lý do gì để nhà nước phải cấm đoán thông tin trung thực, cần biết cho dân chúng, miễn sao nó không làm hại nền tảng căn bản của quyền sống con người” và “sau cùng, điều mà người ta muốn là đất nước được tốt đẹp và đời sống dân chúng được cải thiện hơn, thế thôi”.

 Thuyên Huy.
Du khách đại lục đến hiệu sách Causeway Bay để tìm mua các tác phẩm bị kiểm duyệt tại Trung Quốc. Ảnh: EPA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ Xướng Họa :THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vũ Linh Duy Và Các Thi Hửu

                                               Đồng Cỏ-Tranh của Vua Hàm Nghi THÁNG NGÀY CÒN LẠI Ngày tháng thoi đưa cứ tiếp liên, Sống vui,...