FUKUZAWA Yukichi (*) Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
Nếu quan sát thực tế của xã hội đang thay đổi lớn của ngày nay, chúng ta thấy có các trường hợp sau. Cuộc sống của học giả hay nhà trí thức không hẳn ai cũng an lạc, vui sướng. Trái lại trong nhóm không có học bao nhiêu, có người xây dựng nên tài sản to lớn và giàu có. Không những vậy, lại có nhiều người chỉ lo chuyên tâm học hỏi, nghiên cứu mà quên những điều cần phải tâm đắc để sống trong xã hội con người, đưa đến kết quả họ phải khổ sở vì nghèo khó.
Bởi vậy có người chủ trương: học vấn và thực tiễn (thực hành) không giống nhau; trong cuộc sống, tăng thêm kiến thức chỉ khơi mào nghèo khó; học vấn và giáo dục là hoàn toàn vô ích.
Chủ trương này nghe như một ý kiến khôn ngoan và trong thực tế không phải là không có những thí dụ như vậy. Tuy nhiên nếu suy nghĩ, xem xét các nguyên nhân cơ bản đã phát sinh của chủ trương này chúng ta sẽ thấy như sau. Hán học (Nho học) đã lưu hành và thấm nhập vào đất nước Nhật Bản chúng ta cả ngàn mấy trăm năm nay. Cái học này cách xa thực tế. Do đó ngày nay khi nói đến học vấn thì mọi người đều ghét nghe ngay, họ có sẵn định kiến rằng học vấn chỉ là lý thuyết viễn vông, không tưởng. Do đó từ đầu họ không màng suy nghĩ đến ý nghĩa của cái học mới gần đây và cái học cổ xưa của từ trước đến nay khác nhau như thế nào. Đây là nguyên nhân thứ nhất, nhưng lại còn có nguyên nhân khác.
Cái học mà tôi đã chủ trương từ trước đến nay là cái học mới chứ không phải cái Hán học cổ xưa.
Từ lúc trẻ cực khổ học tập, sau khi học xong đem kiến thức, kinh nghiệm đã học được ra thực tiễn, kiếm chi phí để sinh sống độc lập, an lạc thể xác, tinh thần, làm vậy để đạt được mục đích của đời người. Đó là cốt lõi của cái thực học (cái học thực dụng). Tuy nhiên không hiểu tại sao cái thực học này không thỏa mãn được cái lòng của người phàm tục, thật không biết phải làm sao.
Nói rõ hơn, cốt lõi của cái thực học văn minh hiện đại chỉ là học để rõ ràng các nguyên tắc chân lý của sự vật và biết phương pháp áp dụng chúng vào đời sống, chỉ có bao nhiêu đó thôi.
Một khi chưa đối diện với sự việc thực tế trong đời sống, thực tiễn ở nhà trường cũng khó nói là đã tránh thoát được cái mà người đời gọi là “tập bơi trên giường (hay trên ruộng)”.
Đối với sự việc trong xã hội, tầm quan trọng của học vấn nói tỉ dụ giống như cách chơi cờ tốt nhất của cờ tướng hay cờ vây, hoặc giống như luyện tập các tư thế căn bản của đánh kiếm, múa thương. Khi hoạt động thực tiễn, chúng là cơ sở quan trọng không bao giờ nên quên.
Những người trẻ tốt nghiệp các trường dạy văn minh cận đại nôn nóng vội vã ra đời và đối mặt với các sự việc ngoài xã hội giống như những người mới tập luyện xong các căn bản của đánh kiếm, chơi cờ lần đầu tiên ra trận không đủ trầm tỉnh hay thư thả để ứng phó muôn ngàn biến hóa, thật thật ảo ảo, cuối cùng không thể thắng trận, thắng cuộc dễ dàng.
Bởi vì có nhiều trường hợp đấu với người chưa bao giờ luyện tập cũng bị thua nên người phàm tục liền đánh giá học vấn chẳng lợi ích gì, chính người không có học mới giỏi tranh đua, khôn khéo trao đổi. Có người than phiền chọn người có học vấn để giao phó tiệm là chỉ cản trở việc buôn bán, chọn đứa giỏi trong đám đệ tử theo học nghề từ nhỏ là tốt nhất. Tuy nhiên nếu suy nghĩ xa hơn, thì cách chơi cờ tốt nhất, các tư thế căn bản của luyện kiếm giống như cơ sở của mỗi nghệ thuật, là nền tảng để ứng phó khi gặp thực tế trăm biến vạn hóa. Người không biết các căn bản này mới chính là kẻ thô lỗ, không thể nào đạt đến trình độ chuyên gia tài giỏi. Xưa nay không bao giờ sai.
Do đó những nguời cho rằng học vấn vô ích trong thực tiễn của thương mại, công nghiệp là kẻ thô lỗ không biết những nguyên tắc của sự vật, chẳng qua vì thô lỗ của mình mà cho người khác là thô lỗ. Các sự nghiệp, công trình của thế giới văn minh ngày nay đều căn cứ trên cơ sở toán học hay khoa học của học vấn, không bao giờ không có. Kẻ thô lỗ không thể nào gạt gẫm, lừa dối được.
Trường hợp những thương gia tự xưng là nhà doanh nghiệp không có học vấn hay kiến thức nhưng hiện nay vẫn duy trì được sự nghiệp của gia đình và có trường hợp là những đại gia giàu có, đó chỉ là nhờ vận may do phong trào khinh thường học vấn đã thấm nhập xã hội trong mấy trăm năm nay còn dư âm lại mà thôi.
Dòng văn minh hiện đại chuyển đổi rất nhanh. Cờ vây hay kiếm thuật của kẻ thô lỗ kết cuộc sẽ thất bại. Sự nghiệp của kẻ không có học vấn cũng sẽ tàn rụi trong tương lai không xa.
Những người từ nay theo đuổi học vấn của văn minh không nên nghe lời của kẻ phàm tục mà nên cố gắng nhanh chóng tiến bộ học vấn của bản thân.
Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2017
(*) Nguồn: Truyện số 33 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Fukuzawa Yukichi (chụp cùng con gái 12 tuổi ở San Francisco, 1860.
Nhiếp ảnh gia: Theodora Alice Shew
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa