Thứ Ba, 14 tháng 9, 2021

Truyện số 32 CẦN HỌC HỎI KHOA HỌC KỸ THUẬT (*)

Bài thứ 2 trong Chủ Đề :SỐNG KHOA HOC 



FUKUZAWA Yukichi (*)

Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

***   

Lời dịch giả

Bài viết hơn 120 năm về trước nhưng vẫn còn giá trị ở hiện tại. Thật hay cho câu “Đành rằng các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên môn là bảo vật thực sự của đất nước, là nguồn lợi ích cơ bản của toàn dân nhưng nếu không có người dân trong xã hội sử dụng các thành quả nghiên cứu của họ, thì khoa học kỹ thuật cũng chẳng mang lại lợi ích gì!” Không những các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà cả các cấp lãnh đạo quốc gia nên ghi nhớ kỹ lời này.

***

Văn minh tiến bộ theo khoa học kỹ thuật (2). Khoa học kỹ thuật nghiên cứu, phát minh các nguyên lý chân lý (những quy luật luôn luôn đúng), ứng dụng chúng thành công vào xã hội con người, và trình độ nghiên cứu càng chính xác tinh vi cùng lĩnh vực đối tượng càng rộng lớn theo thời gian. Đó là chân dung của cái gọi là văn minh tiến bộ. Và người có kiến thức khoa học kỹ thuật được gọi là người văn minh.

 

Lý do mà ngày nay người ta cho các nước Tây phương là văn minh, còn các nước Đông phương là không văn minh, không ngoài gì khác là trình độ khoa học kỹ thuật của Đông phương không bằng Tây phương.

 

Vào những năm gần đây trong đất nước Nhật Bản chúng ta, khoa học kỹ thuật đã dần dần được phổ biến và thịnh hành. Số học giả, nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật của nhiều bộ môn và ngành nghề đang tăng nhiều lên. Đành rằng các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên môn là bảo vật thực sự của đất nước, là nguồn lợi ích cơ bản của toàn dân nhưng nếu không có người dân trong xã hội sử dụng các thành quả nghiên cứu của họ, thì khoa học kỹ thuật cũng chẳng mang lại lợi ích gì.

 

Thí dụ như có những bác sĩ tài giỏi phát minh được nhiều y thuật tân tiến nhưng người chung quanh trong xã hội vì không thông hiểu khoa học kỹ thuật nên không tin tưởng các y thuật này, thì các bác sĩ cũng chỉ là những chuyên gia, và tiến bộ y học chẳng có lợi ích gì cho xã hội.

 

Đây chính là lý do người dân trong nước cần phải có kiến thức khoa học kỹ thuật.

 

Quốc gia văn minh không thể thiếu khoa học kỹ thuật giống như xã hội không thể không có tôn giáo. Những học giả lấy nghiên cứu chuyên môn làm nghề nghiệp giống như tăng lữ trên ý nghĩa nào đó. Người có kiến thức khoa học kỹ thuật do tự học hay do nghe giảng dạy của các nhà nghiên cứu chuyên môn thì giống như tín đồ của tôn giáo. Dĩ nhiên có sự chênh lệch giữa chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu và người chỉ hiểu biết đại khái.

 

Ngoài các vấn đề được các nhà chuyên môn nghiên cứu, không có sự việc, sự vật nào trong đời sống con người, dù trong giây phút ngắn ngủi mà không nằm trong phạm vi của khoa học kỹ thuật. Nếu có người tuy không có kiến thức khoa học kỹ thuật mà họ vẫn sống được, có thể nói hoặc là họ ngẫu nhiên sống theo kiến thức khoa học kỹ thuật mặc dù tự họ cũng không biết, hoặc là họ may mắn được người khác giúp đỡ.

 

Người nội trợ nấu cơm chín, kẻ giúp việc lấy được nước, bửa được củi cũng là nhờ làm việc theo nguyên lý chân lý (quy luật luôn luôn đúng) của khoa học kỹ thuật, nếu không thì chỉ có thất bại. Những công việc dễ dàng đã như thế, thì đương nhiên các công việc khó khăn không thể nào không theo các nguyên tắc khoa học kỹ thuật. 

 

Các công việc như làm tàu hủ (đậu hủ), nấu rượu, nhuộm màu, may mặc, kể cả xây nhà, sơn phết, chế tạo đồng hồ, hàn rèn, làm đồ trang sức cho đến mọi công nghệ như cắt mài đá cứng, gia công kim loại v.v., nông nghiệp chắc chắn không có thứ nào không liên quan đến kiến thức khoa học kỹ thuật. Do đó chúng ta phải luôn nhớ rằng các cơ hội ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật luôn luôn có bên cạnh chúng ta, chúng ta không nên hờ hững bỏ quaDĩ nhiên vì không phải là chuyên gia nên chúng ta không thể phát minh hay chế tạo được ngay sản phẩm, nhưng chúng ta nên có kiến thức tổng quát, biết đại khái cái đạo lý (nguyên lý) của chúng. 

 

Nhìn thấy cái đồng hồ, cần biết cây kim chỉ giờ đã được kết cấu như thế nào để có được chức năng như vậy. Kế đến, cần biết tính chất của vật liệu như cứng mềm, những nguyên tắc, nguyên lý nào đã được áp dụng. Đối với người bình thường không phải là chuyên gia, các kiến thức tổng quát này cũng quan trọng.

 

Đi trên tàu thuyền, xe lửa nhưng không biết tại sao chúng có thể di động được. Dùng điện thoại, điện tín để liên lạc nhanh chóng, sử dụng đèn khí đốt, đèn điện thắp sáng trong đêm tối, mua nước đá ăn trong mùa hè nóng bức. Phần lớn con người trong cái xã hội rộng lớn vô học này chỉ lấy làm lạ lùng, chỉ số rất ít người muốn biết cái đạo lý tại sao, làm thế nào để các phương tiện, dụng cụ có các chức năng hoặc kết quả của các sự việc vừa kể trên.

 

Những thí dụ như trên không thể nào kể hết. Chuyện này không phải chỉ xảy ra ở tầng lớp trí thức thấp kém của xã hội mà ngay cả trong giới tự xưng hay được gọi là giới trí thức văn minh, luôn nói lý lẽ, không ít người hầu như không có kiến thức khoa học kỹ thuật về dụng cụ, máy móc của văn minh. Họ nghĩ rằng các kiến thức này là chuyện của các nhà nghiên cứu chuyên môn, và người ngoài chuyên môn thì không cần biết hay phải quan tâm đến.

 

Tuy nhiên có lúc nào đó, cái vô tâm, vô học thường ngày này sẽ đem tai hại đến cho họ. Thí dụ, lúc bị bệnh nhưng không biết phương pháp để chọn thầy thuốc đúng, đưa đến kết quả thay vì có thể trị khỏi bệnh, lại phải khổ đau. Đôi khi lại có nhiều người đi hỏi những người không biết gì về sức khỏe hay bệnh lý để rồi phải sai đường lạc lối.

 

Hoặc trong một công ty vừa mới được thành lập, mặc dù được cho là khôn khéo và không có kẽ hở trong giao thiệp xã hội, người với người nhưng bởi vì không có đủ kiến thức khoa học kỹ thuật, nên đối với cấp trên và cấp dưới không biết ứng phó nhanh nhẹn, không biết tùy cơ ứng biến, nên không đem ích lợi gì đến công ty, và bị người chung quanh xem thường, bỏ rơi. Số chuyện như vậy không phải là ít.

 

Tóm lại, trong xã hội văn minh cần có nhiều nhà chuyên môn là điều dĩ nhiên không cần phải nói thêm. Tuy nhiên, trong cái xã hội rất rộng lớn này, không thể có đủ số chuyên gia để phục vụ cho tất cả mọi người mọi lúc. Do đó, người nên thành chuyên gia nên theo đuổi năng khiếu sẵn có của họ. Còn đại đa số thanh thiếu niên, thanh thiếu nữ khác, không kể thân phận, không kể giàu nghèo hay sang hèn, để phát triển kiến thức khoa học kỹ thuật không bao giờ nên chểnh mảng lơ đãng cái học của giáo dục phổ thông.

 

Nguyễn Sơn Hùng

Tháng 6/2017

 

(*) Nguồn: Truyện số 32 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.

 

Chú thích

  1. Dịch sát nguyên văn là “Việc đời cần tư tưởng của học vấn”. Tuy nhiên theo nội dung học vấn mà tác giả nói ở đây từ “khoa học kỹ thuật” chính xác hơn vì nó tìm ra quy luật luôn luôn đúng và phương pháp ứng dụng quy luật.
  2. Nguyên văn là “học lý”, môn học biết các nguyên lý của sự vật. “Học lý” còn có thể hiểu là “triết học”. Tuy nhiên, triết học đôi lúc không phải là tìm ra quy luật luôn luôn đúng, có thể là chủ trương của người đề xướng, nên ở đây dùng từ “khoa học kỹ thuật” để diễn bày tính chất khách quan của cái học mà tác giả muốn đề cập đến.

 



Mời Xem :Chủ Đề  :Truyện số 17 TT: KHOA HỌC - Tại sao Nhật Bản tiếp nhận 

được văn minh Tây phương nhanh hơn các nước khác Á châu khác?-  

1 nhận xét:

Thơ Xướng Họa :THÁNG NGÀY CÒN LẠI - Vũ Linh Duy Và Các Thi Hửu

                                               Đồng Cỏ-Tranh của Vua Hàm Nghi THÁNG NGÀY CÒN LẠI Ngày tháng thoi đưa cứ tiếp liên, Sống vui,...