ĐỊA DANH BẾN KÉO
Hai tiếng Bến Kéo làm cho nhiều người để tâm suy nghĩ. Tại sao có danh
từ Bến Kéo ? Danh từ này xuất phát từ bao lâu ?
Bến Kéo nằm trên quốc lộ 22, hướng về Sài Gòn, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 8
cây số ngàn.Trào vua Tự Đức thứ 15 (đệ thập ngũ niên). Triều đình ký
hiệp ước ngày 5-6-1862 với Pháp, giao 3 tỉnh miền Đông. Từ đó người
Pháp vào chợ Tây Ninh lập căn cứ.
Người Pháp noi theo đường Gia Định lên Trảng Bàng, Bào Đồn, Cầu Khởi
đến Tây Ninh và dùng đường thủy do con sông Vàm Cỏ Đông lên đến Bến
Kéo để vận tải quân lính, súng đạn, vật liệu cùng dụng cụ xây cất, và
thực phẩm…
Từ Bến Kéo lên đến Vàm Cái Răng để vào Tây Ninh, nhân dân có thể đi
bằng xuồng ghe theo một con rạch nhỏ và không sâu lắm.
Nơi con rạch này, tàu Pháp không đậu được nên đậu tại Bến Kéo. Họ mướn
những xe trâu, xe bò của người bổn xứ để kéo dụng cụ và lương thực vào
Tây Ninh.
Thuở đó, mỗi xe chở hàng là hai quan tiền kẽm (Sapèquesen zine).
Từ Bến Kéo vào Tây Ninh chỉ theo một con đường mòn băng qua rừng,
ruộng. Đường mòn nhiều lỗ hang, gập ghềnh lối đi vất vả, đôi khi xe sa
vào lỗ sâu bị lật ngả nghiêng.Trên đường di chuyển, mỗi đoàn xe có lối
4, 5 chục cỗ (mỗi chiếc xe gọi là một cỗ xe) cần phải đi đông dân số
như vậy để làm áp lực với thú rừng nhất là cọp. Nếu đoàn xe đi ít
người, thì dễ bị cọp ra vồ bắt trâu bò.
Ngày xưa, mỗi tuần lễ có một chuyến tàu từ Sài Gòn đến Tây Ninh. Tàu
đến thường nhằm ngày thứ sáu. Mỗi chiều thứ năm, chủ xe cho tập trung
xe bò lại Cửa Đồn (ngày nay là trường trung học Tây Ninh).
Bến Kéo, có lẽ danh từ này được gọi như vậy là vì đây là « Bến » để xe
đến « Kéo » hàng.
Từ năm 1925 về trước, Bến Kéo kể như một « giang cảng » của Tây Ninh.
Hãng tàu Pháp (Messageries Fluviales) thường lãnh chở hàng hóa. Hàng
hóa nhiều có thể chở trên ghe chài mướn của người Hoa Kiều ở Chợ Lớn,
ghe chài được tàu kéo đi. Chuyến đi thường chở rượu, đồ hộp, bận về
thì chở heo, gà, trâu bò và đồ thổ sản tỉnh Tây Ninh cung cấp cho thủ
đô Sài thành.
Bến Kéo ngày nay là ấp Long Yên xã Long Thành, một ấp mà phố phường sung túc.
Hiện nay, Bến Kéo đang tiến trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt :
nông, công, thương.
Du khách có dịp đến viếng Tây Ninh, nếu viếng tòa thánh Điện Bà, mà
không đến Bến Kéo và An Hồ (hồ Thiên Định) là một thiếu sót đáng tiếc.
Sưu tầm: Khánh Dũng
Tây Ninh xưa- TG: Huỳnh Minh.
Xem Thêm : 1/ GIẢI THÍCH ĐỊA DANH TÂY NINH CÁC BẠN CHIA SẺ ĐỂ MỌI
NGƯỜI CÙNG XEM NHÉ
2/ Đồng Ông Cộ .Nguồn gốc tên gọi “Đồng ông Cộ” và chữ “cộ” có từ đâu!
Bữa nào ghé Tây Ninh một chuyến
Trả lờiXóa