Tranh minh họa – Bảo Huân
Gặp tôi gặp trong phòng vệ sinh, Lệ kề tai hỏi nhỏ:
-Bà thấy cái đám cưới này ra sao?
Không hiểu rõ ý Lệ nên tôi dè dặt đáp:
-Ừ!… thì … sang trọng, hoành tráng và vui nhộn.
Chị ngả đầu ra phía sau, đôi mày hơi nhíu lại:
-Ngoài cái mặt nổi đó, bà không thấy gì nữa hả?
-À!…không.
Lệ hạ giọng:
-Vậy… cái bụng chình bình của cô dâu không làm bà thắc mắc sao?
-Chắc tại con bé mặc cái áo đầm hơi rộng nên tôi không để ý.
-Ðó, bà thấy chưa, từ trước tới giờ, cô dâu nào cũng mặc áo bó sát để khoe thân hình thon thả, cái bụng phẳng phiu, chứ đâu có ai mặc áo rộng thùng thình như áo bầu.
Trở ra phòng tiệc, ghé qua bàn -chỗ tôi ngồi- trao đổi vài câu thăm hỏi sức khỏe với chị Linh xong, Lệ đổi giọng thì thầm:
-Hai chị ở lại tiếp tục ăn nha, tôi về trước.
Chị Linh trố mắt ngạc nhiên:
-Ủa! sao về sớm vậy, nhà hàng mới dọn có ba món mà. Bận chuyện gì hả?
-Có bận gì đâu, nhưng…
Ðưa mắt tìm kiếm một vòng, sau cùng Lệ hất ánh mắt về phía cô dâu vừa bước ra từ phòng thay áo:
-Nói thiệt, nể tình chị Khánh… chứ đi đám cưới kiểu này xui xẻo lắm. Mà công nhận bà Khánh hay thiệt, cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra, chứ con gái tôi mà vậy, chắc tôi đuổi cổ ra khỏi nhà. Mất mặt thấy mồ còn tổ chức rình rang làm chi cho thêm nhục…
Lệ chưa nói hết lời, chị Linh đã lên tiếng hối thúc:
-Có muốn về thì dọt sớm đi, người ta chuẩn bị chào bàn rồi kìa.
-Ừ! tôi đi đây. Sẽ điện thoại nói chuyện sau nha.
Nhìn theo cái dáng nhún nhẩy của Lệ, tôi thở hắt ra như vừa trút một gánh nặng. Chị Linh gắp miếng đùi gà bỏ vào chén tôi, từ tốn nói:
-Ai có số phận nấy, phê phán làm gì cho thêm tội cái miệng.
Tôi nhìn chị cười nhẹ với cái gật đầu đồng tình.
-Thât ra, mỗi người có cách suy nghĩ khác nhau.Tôi thì khác với Lệ. Nếu con cái có lỡ dại, tôi sẽ không bỏ nó. Theo tôi, chị Khánh là người mẹ tuyệt vời. Tình thương và sự bao dung của chị dành cho con đã vượt trên mọi thứ tầm thường như thể diện, mặt mũi. Thật ra, đây là lúc đứa con lầm lỗi cần sự tha thứ và nâng đỡ của gia đình, nhất là sự chỉ bảo, săn sóc của mẹ trong lần thai nghén đầu tiên. Thiên hạ khen cũng một tiếng, mà chê cũng một tiếng, hơi đâu bận lòng cho mệt. Quan trọng là tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái vẫn tràn đầy, ấm áp.
Tàn tiệc, tôi ra về với tâm trạng buồn bã, bất an. Ánh đèn vàng trên suốt con đường dài hun hút như nhòe nhạt trong dòng nước mắt ngậm ngùi rơi xuống, vì thương xót, vì ân hận, khi tôi nghĩ đến Nhã Quyên, đứa con gái duy nhất của mình. Từng lời nói của chị Linh xoáy vào tai, chạm vào tim như một cú sốc mãnh liệt, để tôi chợt nhận ra mình đã không có được tình thương và sự bao dung của một người mẹ nhân lành như chị Khánh, mà lại hành động nông nổi và nhẫn tâm như lời phê phán đầy ác ý của Lệ, là xua đuổi đứa con khốn khổ của mình ra khỏi nhà khi nó đang xanh xao, vàng vọt vì bị thai hành. Những bước chân xiêu vẹo của Nhã Quyên không làm tôi nao lòng, vì cơn tức giận đang sùng sục như biển lửa đang ngùn ngụt cháy.
Thật ra, cũng vì thương con nên tôi muốn Nhã Quyên có chồng giàu sang để sung sướng tấm thân, khỏi phải triền miên lo lắng, vất vả như tôi, hơn nửa cuộc đời phải chật vật mưu sinh, thiếu trước hụt sau, cái ăn, cái mặc chẳng bằng ai, đôi khi còn bị người khác khinh khi vì thân phận mang lấy chữ nghèo. Với suy nghĩ đó, tôi đã xen vào chuyện tình cảm của con gái mình một cách quá đáng.Tôi buộc Nhã Quyên phải ưng người này, bỏ người kia. Tôi đã đem tình yêu của Nhã Quyên lên bàn cân để so đo vật chất. Và khi mọi chuyện đảo ngược không theo ý mình, tôi đã xua đuổi con một cách không thương tiếc. Người ta thường nói, thời gian là liều thuốc nhiệm mầu sẽ xoa dịu những vết thương lòng. Nhưng với tôi thì không. Cứ mỗi lần gặp bạn bè hỏi thăm Nhã Quyên, tôi lại có cảm tưởng họ đang chế giễu, đang chê cười tôi -vì có đứa con gái, chưa làm đám cưới đã mang bầu với người chẳng có một mảnh bằng trong tay. Thế là nỗi tức giận lại bừng bừng trỗi dậy. Quỳ khuyên tôi hãy mở lòng tha thứ để vợ chồng, con cái Nhã Quyên được trở về sống gần gũi cha mẹ. Tôi rắn giọng phản đối:
-Nó về đây thì em dọn đi nơi khác. Có nó thì không có em. Thứ con cái bất hiếu, cãi cha, cãi mẹ, anh tiếc làm gì?
Quỳ lắc đầu ngao ngán:
-Em chẳng thua gì bà mẹ ghẻ cay độc.
Mặc cho Quỳ mỉa mai, châm biếm, tôi quyết không thay đổi lập trường. Vậy mà hôm nay, những lời nói nhẹ nhàng của chị Linh như đâm thấu trái tim tôi. Thật ra, khi đứng trước ngưỡng cửa tử sinh trong cơn bệnh nguy cấp cách đây một tháng, tôi đã nhớ Nhã Quyên đến quặn lòng. Niềm khao khát duy nhất trong phút giây mà tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể nào qua khỏi, là được nắm lấy bàn tay mềm mại và ấm áp của Nhã Quyên, đứa con gái thân yêu, từ thuở lên sáu đã biết quậy nước chanh mật ong cho mẹ mỗi khi tôi bị cảm sốt. Ly nước có khi chua lè, có khi ngọt gắt cổ họng làm lòng tôi tràn ngập niềm hạnh phúc. Tôi yêu thương Nhã Quyên bằng tấm lòng dạt dào của người mẹ. Nhã Quyên là bảo vật quý giá nhất trên đời và tôi hằng cầu mong con gái mình sẽ có cuộc sống phủ phê, sung sướng hơn những bạn bè cùng trang lứa. Nhưng cuối cùng, chính tay đứa con gái xinh đẹp mà tôi đã đặt biết bao kỳ vọng đã phá vỡ niềm mơ ước đó.
Tôi không hiểu tại sao Nhã Quyên lại rời bỏ Tấn, người tôi đã từng xem như chàng rể tương lai đã mang đến cho tôi niềm hãnh diện tột cùng, khi Tấn tự đứng ra tổ chức bữa tiệc sinh nhật năm mươi tuổi của tôi, với món quà là sợi dây chuyền cùng có hột xoàn lấp lánh giữa đóa hoa năm cánh xinh xắn. Một món trang sức tôi ao ước từ lâu, nhưng không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được.
Một năm sau, khi tôi vẫn chưa hết giận vì quyết định nông nổi của Nhã Quyên, thì nó lại hẹn hò với người bạn trai mới. Không phải là chủ nhân của một cơ sở thương mại bề thế như Tấn, Vịnh chỉ là một anh thợ làm công cho tiệm sửa xe khiêm nhường ở góc phố, gần lối rẽ vào con đường nhà tôi. Không thể tả hết nỗi thất vọng của tôi. Và sự đau đớn của tôi lên đến cao độ khi Nhã Quyên vừa khóc, vừa thú nhận… “con đã có thai”. Tôi lảo đảo như người bị hụt chân rơi vào khoảng không vô tận. Cơn giận dữ khiến tôi không còn kiểm soát được mình. Cầm chiếc kéo cắt vải đang có sẵn trên tay, tôi phóng vào người Nhã Quyên, khi con bé đang đứng nơi góc nhà. Thằng rể không được tôi công nhận, ôm choàng lấy Nhã Quyên, đưa lưng che chở. Cũng may, sức tôi yếu, nên chiếc kéo bay đi chưa được nửa đoạn đường đã rơi xuống đất. Lúc đó, tôi chỉ muốn làm sao để thỏa mãn cơn giận điên người, chứ không cần biết đến hậu quả.
– Ðứa con gái hư hỏng, mất nết… ra khỏi nhà ngay tức khắc.
Tiếp theo đó là bao nhiêu từ ngữ xấu xa tôi lôi ra hết để rủa xả thằng con trai đã khiến Nhã Quyên của tôi trở nên mù quáng, mê muội. Rồi mặc cho Quỳ can ngăn, tôi ném tất cả đồ đạc của Nhã Quyên ra đường và cấm nó không được bước chân về nhà.
Nghe Quỳ kể, những ngày tôi nằm ở bệnh viện trong tình trạng mê man, Nhã Quyên có bế con vào thăm. Nhưng khi tôi bắt đầu tỉnh táo thì Quỳ khuyên ngăn Nhã Quyên đừng đến nữa, vì sợ tâm lý tôi chưa ổn định sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Tuy trong lòng đã có chút nguôi ngoai, nhưng ngoài mặt tôi vẫn dửng dưng, lạnh lùng như chẳng hề quan tâm đến Nhã Quyên. Cũng không biết tại sao tôi lại che giấu tình cảm, che giấu nỗi nhớ thương thôi thúc trong tâm hồn. Ðể rồi, có lần đi dự hội chợ tết, nhìn đứa bé gái ba tuổi xúng xính trong bộ áo dài màu hồng với đôi guốc gỗ quai da quá dễ thương, tôi lại liên tưởng đến cháu ngoại của mình, khi nghe nó thỏ thẻ “Ngoại ơi! Ti muốn ăn kẹo”. Và khi cầm gói kẹo trên tay, con bé ôm cổ bà cười rúc rích “Ti thương bà ngoại nhất trên đời”. Suốt buổi hội chợ, tôi như cái đuôi của hai bà cháu họ, cứ lẽo đẽo theo sau để nhìn và để tưởng tượng đứa cháu chưa lần thấy mặt trong niềm ao ước bất chợt vừa dấy lên.
Sau khi sức khỏe phục hồi, Quỳ muốn tôi nghỉ việc, dưỡng bệnh một thời gian. Những ngày lẩn quẩn ở nhà, nhìn tới nhìn lui chỉ có mình, tôi cảm nhận được sự hiu quạnh đáng sợ, nhất là những cuối tuần Quỳ phải lái xe đi giao hàng ở tiểu bang khác. Nhiều lúc ngồi đơn độc nơi phòng khách, tôi bỗng thèm nghe những bước chân quen thuộc của đứa con gái yêu quý, như ngày nào nó thường rón rén để hù cho tôi giật mình. Và khi tôi la hoảng lên vì sợ hãi thì nó ôm chầm lấy tôi hôn rối rít.
Nhớ quá là nhớ kỷ niệm ngọt ngào của những ngày hai mẹ con quấn quýt bên nhau từng giờ, từng phút, nhưng vì tự ái, vì cái tôi quá lớn, chưa bao giờ tôi thố lộ với Quỳ điều này.
Ðồng hồ thong thả gõ hai tiếng, tôi trở mình mấy lượt rồi ngồi bật dậy, bước ra khỏi giường.
Tần ngần trước phòng Nhã Quyên một lúc lâu, tôi đưa tay xoay nhẹ chốt cửa, chầm chậm bước vào. Lâu lắm rồi tôi chẳng hề để mắt đến căn phòng này. Cầm tấm ảnh gia đình trong ngày Nhã Quyên tốt nghiệp đại học, tôi đưa tay chạm nhẹ vào khuôn má bầu bĩnh của con. Vậy mà bốn năm rồi. Không biết bây giờ con tôi ra sao? Với những bận rộn lo toan, với trách nhiệm làm vợ và làm mẹ nặng nề, nó có còn xinh đẹp, liếng thoắng nói cười như ngày xưa? Và không biết, vợ chồng nó có hạnh phúc hay không? Bốn năm qua, với sự giận hờn cố chấp, tôi luôn xua đuổi hình ảnh Nhã Quyên ra khỏi đầu óc, quyết không bận tâm đến cuộc sống mà nó đã tự lựa chọn. Nhưng cái đám cưới vừa dự cùng những chia sẻ của chị Linh như thức tỉnh tôi. Sao mình lại có thể là người mẹ hẹp hòi như thế? Hình như chẳng bao giờ tôi nghĩ như chị Linh đã nghĩ “Ngày con gái theo chồng, tôi đã tự nhủ, dù bây giờ hay đến khi già yếu, lúc nào tôi cũng dành sẵn một bờ vai cho con gái tôi nương tựa những lúc nó gặp khó khăn trong cuộc sống, hay sóng gió trong đời sống vợ chồng”.
Lau nhẹ những giọt lệ vừa lăn xuống, tôi đưa tay cầm lấy lá thư gác trên khuôn ảnh. Bao nhiêu năm qua, Quỳ vào ra để làm công việc giữ gìn căn phòng luôn sạch sẽ, chính tay anh đã sắp xếp mọi thứ cho gọn gàng, nhưng lá thư này thì vẫn nằm ở vị trí đầu tiên -Có lẽ vậy!. Hẳn anh hy vọng một ngày nào đó, tôi bước vào đây cầm lấy và mở ra, để có thể nhìn thấu tâm sự của “đứa con gái ba thương nhất trên đời” mà thuở Nhã Quyên còn bé, anh vẫn thường âu yếm nói khi ôm nó trong vòng tay rắn chắc.
Kính thưa mẹ,
Con ngồi đây hàng giờ trước trang giấy trắng và cây bút trên tay mà không biết phải viết thế nào để mẹ hiểu được nỗi lòng của con. Con rất muốn làm một đứa con hiếu thảo, tuân theo sự sắp xếp của mẹ như mẹ vẫn từng nói, “Bây giờ không phải là thời cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng đứa khôn ngoan biết nghe lời cha mẹ thì sẽ được hạnh phúc, sung sướng. Còn cứ cho rằng mình đủ khôn ngoan, đủ sáng suốt để quyết định lựa chọn chuyện chung thân, thì sau này có ngậm đắng, nuốt cay cũng một mình gánh chịu”. Mẹ nói không sai. Nhưng thưa mẹ, con và mẹ, hai thế hệ và hai cách suy nghĩ khác nhau. Con đặt hạnh phúc trên tình yêu. Còn mẹ chỉ nhìn nó ở khía cạnh vật chất, nên con không có cơ hội để được chia sẻ cùng mẹ niềm vui, nỗi buồn của con.
Chuyện giữa con và anh Tấn -cho đến bây giờ- mẹ vẫn không tin là con chia tay với anh Tấn không phải vì một người khác. Con không biết phải giải thích thế nào để mẹ hiểu lý do khiến con quyết định xếp lại chuyện tình bốn năm. Con yêu anh Tấn, vì anh có nhiều điểm giống ba. Hiền lành. Siêng năng. Thông minh. Nhưng điều làm cho con cảm thấy thất vọng là anh quá bận rộn với công việc và dần dần con không còn quan trọng để anh Tấn gọi con, nói câu “good night” mỗi tối. Càng ngày, con càng nhận ra rằng, anh Tấn không quý trọng mối liên hệ tình cảm của hai đứa. Và con chợt nghĩ, nếu trở thành vợ anh, thì con sẽ có rất nhiều buổi tối cô đơn, một mình bên mâm cơm nguội lạnh, vì Tấn quá đam mê công việc, nể nang bạn bè, không biết từ chối khi nên từ chối. Ngay bây giờ, vì việc làm, vì tiền, anh Tấn có thể bỏ hẹn với con, để đi ăn hoặc đi chơi với một người khách hàng hay người làm ăn chung như mẹ đã nhiều lần nhìn thấy, nhưng vẫn bênh vực và cho rằng người đàn ông thành công là người đàn ông đặt sự nghiệp lên trên.
Mẹ ơi! con cần tình yêu, cần sự quan tâm, săn sóc của Tấn hơn là cái nhà đồ sộ mà anh đang có, hay chiếc xe bảy, tám chục ngàn mà Tấn hứa sẽ mua cho con, sau khi hai đứa thành hôn. Mẹ mắng con ngu si không biết tính toán. Nhưng đối với con, tình yêu mà có sự tính toán thì đó không phải là tình yêu đúng nghĩa. Mẹ đâu biết rằng, khi quyết định chia tay với Tấn, con đã đau khổ đến thế nào. Mẹ đâu biết rằng có nhiều đêm, nước mắt con rơi không ngừng. Con khóc, khóc cho đến khi mỏi mòn chìm vào giấc ngủ. Mẹ cũng đâu biết rằng, có những ngày đang làm việc, con phải lén vào phòng vệ sinh để giấu những giọt lệ buồn tủi vì dang dở mối tình đầu.
Mẹ không nhìn thấy nỗi lòng tan nát của con, nên cứ mãi trách móc con ngu si, đần độn. Con biết mẹ đánh giá người tình của con qua tiền tài và địa vị, nên bây giờ, khi con gặp được Vịnh, người đàn ông tha thiết yêu con bằng sự quan tâm và trân trọng thì mẹ lại phản đối, chỉ bởi một lý do duy nhất “Nó chỉ là thằng thợ sửa xe”. Thợ sửa xe thì có gì xấu khi Vịnh mang đến cho con niềm hạnh phúc tràn đầy. Vịnh thương yêu và nâng niu con như báu vật. Anh săn sóc, chăm lo cho con từng chút nhỏ. Cái nhăn mặt của con cũng làm anh cuống quýt âu lo. Sự vui vẻ, phấn chấn của con cũng làm anh an tâm mãn nguyện. Như thế con còn mong ước gì hơn hở mẹ?……
Tôi buông lá thư xuống, đầu óc hoang mang, không biết những gì mình đã làm là đúng hay sai? Và… bốn năm trôi qua, những gì Nhã Quyên mô tả về người đàn ông nó dành trọn trái tim có giữ được tất cả những điều tốt đẹp mà con gái tôi đã tận hưởng thuở còn là tình nhân của nhau.
Tôi ngồi xuống mép giường, lòng tự hỏi lòng, sẽ có ngày nào tôi nghe lại bước chân quen của đứa con gái mà đã có lần tôi chỉ tay ra đường, hét lên trong cơn giận dữ “Ði ra khỏi nhà và đừng bao giờ trở lại” không? Tôi nhớ câu hỏi của Quỳ khi anh mở khóa cửa, đưa tay bật công tắc điện và bắt gặp ánh mắt còn vướng ngấn lệ của tôi.
-Thấy đám cưới con gái người ta rồi chạnh lòng nhớ con mình phải không? Ngà à! ngày nào em biết chấp nhận những điều xảy ra không như mình mong muốn, thì ngày đó em mới thật sự tìm thấy hạnh phúc trong sự bình an.
Ngân Bình
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa