Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

YÊU KIỂU NGA!

 

 
Khi bà Clavia Novicova mất ở tuổi 94 tại làng Progress (Tiến bộ) vùng Viễn Đông, Nga, tiễn đưa bà chỉ có dăm ba người, không có người thân, không có bạn bè vì tất cả đã từ lâu về bên kia thế giới.
Chỉ ở Nhật Bản, các hãng truyền hình lớn nhất đã đưa tin đậm: Người vợ Nga của ông Yasaburo đã mất!
Ở đất nước mặt trời mọc, bà Clavia đã trở thành biểu tượng của tình yêu và sự hy sinh: sống chung 37 năm, bà đã khuyên chồng trở về nước, về với người thân, về với người vợ Nhật đã chờ ông hơn nửa thế kỷ...
Clavia và Yasaburo gặp nhau năm 1959 khi cả hai đều trải qua trại tập trung của Stalin. Bà bị kết án 7 năm tù vì tội "hoang phí tài sản XHCN", còn ông phải 10 năm "bóc lịch" vì là "gián điệp Nhật".
Cả hai lại cùng có nỗi đau riêng: bà đã có chồng, sinh con trai và chờ chồng trở về từ mặt trận. Nhưng khi bà bị kết án đưa đi vùng khỉ ho cò gáy là Kolyma thì chồng bà trở về đã lập gia đình khác. Ông cũng không kém bi kịch: sau khi cưới vợ ở Nhật Bản đã cùng vợ trẻ đến sống ở Triều Tiên và ở đó họ sinh 2 con, 1 trai, 1 gái
Vào mùa thu năm 1945, hồng quân Liên Xô tiến vào Triều Tiên, đã bắt gần như tất cả người Nhật và đưa về Liên Xô cải tạo với tội danh "làm gián điệp chống Liên Xô". Yasaburo ngồi tù cùng Clavia ở gần thành phố Magadan. Khi ông ra tù, người ta lại quên không đưa ông vào danh sách tù binh chiến tranh để trao trả về Nhật. Thêm nữa, ông tuyệt vọng vì cứ nghĩ vợ con mình đã chết và sợ hãi không biết đi đâu về đâu, nên rốt cục quyết định nhận quốc tịch Liên Xô, đổi tên thành Yakov Ivanovich.
Họ gặp ngẫu nhiên. Nàng Clavia thấy một người đàn ông gày gò với khuôn mặt không có nét Nga, mắt thì ngập tràn nỗi buồn mênh mang nên trái tim bỗng thắt lại vì thương cảm. Sau đó, bạn gái bà rủ bà đến sống ở làng Tiến Bộ, vùng Viễn Đông. Bà tạm biệt ông rời đi.
Yasaburo viết thư cho bà, nài nỉ đến sống cùng bà ở nơi mới. Ban đầu bà từ chối vì sợ liên lụy khi quan hệ với một hàng binh Nhật, nhưng rồi tình yêu đã thắng và họ sống chung gần 40 năm. Ông làm nghề cắt tóc, chụp ảnh và châm cứu, bà thì trồng cà chua, dưa leo, nuôi dê. Cả hai sống cơ hàn, nhưng êm ấm, hạnh phúc. Ông không bao giờ to tiếng với bà, nhưng chỉ tiếc là hai ông bà không có con.
Bà thổ lộ: "cả vùng không thể kiếm ra người đàn ông thứ hai: không uống rượu 🍷, không hút thuốc lá 🚬".
Yasaburo đã mua về 2 cỗ quan tài để nếu có chết cả hai sẽ cùng chết một ngày.
Khi bắt đầu Cải tổ và tấm màn sắt buông xuống, một người thân đã kể cho các bạn hàng Nhật về một người Nhật kỳ lạ sống với vợ Nga ở làng Tiến Bộ. Họ về Nhật kiếm tìm người thân của ông Yasaburo, tìm thấy em trai ông, con gái ông và sau đó là người vợ Nhật tên là Hisako. Bà Hisako đã từ Triều Tiên về nước và vẫn chung thủy chờ chồng (con trai họ đã mất ở Triều Tiên). Bà hành nghề y tá và cả đời ky cóp đồng lương ít ỏi để xây cho mình và cho người chồng thất lạc một căn nhà nhỏ. Dù không chắc chắn ông còn sống hay đã mất, bà Hisako vẫn để tên chồng là người sở hữu nhà và tài khoản tiền tiết kiệm gửi ngân hàng. Khi tìm ra thì con gái họ đã ngoài 50 tuổi.
Sau đó, em trai và con gái ông sang Nga đến làng Tiến Bộ khuyên ông về nước, song ông đã từ chối nói với người vợ Nga "anh không bỏ em, em là tất cả với anh".
Bà Clavia đã quyết định đưa ông về lại Nhật vì ở đó điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn với người già và nhất là thương cảm người vợ Nhật mòn mỏi chờ chồng, mòn mỏi sống với mong ước được thấy lại mặt chồng, được ôm chồng lần cuối...
Một mình bà Clavia đã xoay sở làm cho ông hộ chiếu xuất ngoại, tự bà rút tiền tiết kiệm đổi ra đô la mua vé máy bay và chi phí ăn ở, đi lại cho ông... Và lại còn ly dị ông để ở Nhật Bản ông có lương hưu cũng như có quyền sở hữu và thừa kế tài sản.
Tháng 3 năm 1997, bà mãi mãi chia tay với người chồng Nhật. Yasaburo vẫn thường gửi đồ từ Nhật về cho bà, hàng tuần cứ vào thứ bảy ông lại gọi điện thăm bà...
Sau khi biết được mối tình xuyên biên giới qua báo chí và cả phim tài liệu, truyện ký, người Nhật đã tổ chức quyên góp tiền cho chuyến đi tới Nhật của "bà Clavia".
Bà đến Nhật lúc đã ngoài 80 tuổi và lập tức trở thành nữ anh hùng ở đất nước này. Bà gặp người vợ Nhật của ông, cả hai ôm nhau khóc, họ hiểu nhau không cần phiên dịch.
Sau đó, bà còn 2 lần đến Nhật, lần cuối là có mặt dự ra mắt vở kịch viết dựa trên câu chuyện về mối tình giữa người phụ nữ Nga và một hàng binh Nhật. Ông Yasaburo và bà Hisako đều muốn Clavia ở lại Nhật Bản, song bà đã từ chối vì muốn Yasaburo của mình "được sống đàng hoàng" và bà đã quen với cuộc sống đạm bạc ở Nga.
Hay tin bà mất, chàng Yasaburo lúc đó đã rất yếu viết thư gửi về làng bằng tiếng Nga
"Clavia! Anh biết em đã mất và nỗi buồn tràn ngập trong anh. Anh đã định gọi điện cho em ngày 30/8 nhưng anh không còn sức. 40 năm sống cùng em ở Nga, em luôn bên anh, chăm sóc cho anh. Cảm ơn em về tất cả. Anh về được Nhật là nhờ những nỗ lực của em. Anh cám ơn em vô ngần. Anh còn nhớ chúng mình đã đóng quan tài cho cả hai. Giá còn sức khỏe, anh đã lao về bên em, ôm chặt em...nhưng anh không còn sức lực. Hãy ngủ ngon, Clavia yêu dấu!
Yakov của em"
 
Từ fb Tuan Mai SG
Clavia và Yasaburo

1 nhận xét:

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...