Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Cách mạng 2.0 của Tập Cận Bình

Xoay Trung Quốc về lại cội nguồn xã hội chủ nghĩa

Bình luận của: Yew Lun Tian (hãng thông tấn Reuters ngày 9 tháng 9 2021)
Người dịch: Lê Nguyễn
(Tựa đề đã được người dịch cải biên)

Người dịch Tóm tắt: Ngoài mối bận tâm cho việc phải thâu tóm Đài Loan bằng một thiệt hại nhỏ nhất cho Trung Quốc ( một hòn đảo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ quản lý ), Tập Cận Bình còn có những vấn đề khác mà ông thấy phải chấn chỉnh kịp lúc, nếu không, ông và Đảng Cộng Sản có thể bị nguy cơ mất đi tính chính danh, thậm chí sẽ suy giảm quyền lực.
Bình luận dưới đây của nhà báo Yew Lun Tian, hãng thông tấn Reuters cho thấy ông Tập Cận Bình đang tìm cách củng cố quyền lực của chính ông cũng như của Đảng Cộng Sản Trung Quốc để chuẩn bị đối phó với những điều đã nêu trên.

Khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản vào cuối năm 2012 ông tuyên bố: “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu vãn Trung Quốc” thì phần đông mọi người đều có vẻ cho đó là tuyên bố có lẽ chỉ được đề cập chiếu lệ về một khẩu hiệu cổ hủ – không được hiểu theo nghĩa đen của nền kinh tế thị trường hiện đại Trung Quốc.

Nhưng nhìn các động thái thật trong chính sách mới đang càn quét hiện nay: từ các cuộc đàn áp (xem Reuters 27-7-2021) các công ty internet trong các lĩnh vực giáo dục vì lợi nhuận (xem Reuters 8-9-2021), hay trò chơi trực tuyến (xem Reuters 30-8-2021) hoặc sự dư thừa của thị trường bất động sản, đi cùng với việc ban hành chủ trương “Sự thịnh vượng chung” – cho thấy ông Tập thật sự hành động một cách nghiêm chỉnh trong việc xoay hướng Trung Quốc trở lại nguồn gốc xã hội chủ nghĩa của nó.

Sau khi loại bỏ việc giới hạn nhiệm kỳ vào năm 2018, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông đang thúc đẩy điều mà một số nhà quan sát mô tả là một cuộc “tiểu cách mạng”, ông thật sự muốn kiềm chế sự thái quá của chủ nghĩa tư bản và xóa bỏ những ảnh hưởng văn hóa tiêu cực của phương Tây.

Nỗ lực này chạm đến mọi thứ từ chương trình giảng dạy ở trường học – bao gồm cả việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” vào sách giáo khoa – đến quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực tài sản và siết chặt những gì chính phủ coi là trò giải trí bất thiện (xem Reuters 2-9-2021), đã làm rúng động các nhà đầu tư, khiến các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước phải đứng ra xoa dịu thị trường.

Chẳng hạn, vào hôm thứ Tư, tờ Nhân dân Nhật báo chính thức đã tìm cách trấn an khu vực tư nhân và bảo với họ rằng “không có gì thay đổi”: việc có các hành động quy định gần đây chỉ là nhằm để “chấn chỉnh trật tự thị trường”, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và “hoàn thiện xã hội chủ nghĩa trong hệ thống kinh tế thị trường ”.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, mục đích của các động thái như trên là rất rõ ràng.

Rana Mitter, giáo sư lịch sử và chính trị Trung Quốc tại trường Đại học Oxford, cho biết: “Ông Tập muốn giải quyết một vấn đề rất hiện đại, cách thức của các cải cách tân tự do đã khiến Trung Quốc trở nên quá bất bình đẳng, và đã làm sống lại ý thức về sứ mệnh hình thành Trung Quốc từ thời Mao”.

Một số nhà phân tích cho rằng, sự bất bình đẳng đó, cũng như khối tài sản và quyền lực khổng lồ được tích lũy bởi một số ngành kinh tế, đang đe dọa làm suy yếu sự ổn định xã hội và cuối cùng là tính chính danh của đảng nếu không được kiểm soát.

Xác định thời điểm cho việc tiến hành các cuộc cải cách mới, phản ánh sự tự tin rằng Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề của mình thông qua hệ thống hỗn hợp của riêng mình thay vì theo mô hình của phương Tây, một chế độ bị coi là rệu rã – từ việc quản lý COVID-19 đến sự hỗn loạn của cuộc bầu cử Mỹ và việc rút khỏi A phú hãn – được mô tả nhiều lần ở Trung Quốc như một bằng chứng về sự phân rã toàn thân của mô hình chính trị phương Tây.

Chen Daoyin, một nhà bình luận chính trị sống ở Chile, trước đây là phó giáo sư tại Đại học Thượng Hải môn Khoa học Chính trị và Luật  cho biết: “Mô hình kiểm soát của nhà nước độc tài toàn trị dường như đã phục vụ tốt cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống COVID.

Ông Chen nói, ông Tập tự tin là đã đạt được sự cân bằng giữa chính phủ và thị trường, giữa quyền lực và vốn.

Chen nói: “Sẽ rất nguy hiểm nếu nhà nước không thể cưỡng lại được việc vươn ra bàn tay sắt hữu hình của mình… nó tạo ra sự bất ổn khôn lường và rủi ro chính trị cho nguồn vốn”.

Thị trường chứng khoán Hồng Kông, nơi có nhiều công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết, là mục tiêu của cuộc đàn áp, đã mất hơn 600 tỷ USD giá trị kể từ tháng 7, các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các quy định mới phải lật lại các bài phát biểu cũ để mong tìm ra manh mối cho những gì có thể sắp sửa xảy ra.

Chủ nghĩa dân túy linh động của ông Tập cũng thể hiện sự tự tin rằng ông có  đủ khả năng để vứt bỏ giới tinh hoa, những người đi ngược lại với các chính sách của ông khi ông đang củng cố hồ sơ của mình cho nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba – chứ không phải là vì có bất kỳ sự cạnh tranh lộ ra nào.

Nhưng các phép tính của ông ấy thậm chí còn vượt xa hơn thế, theo các nhà phân tích.

Yang Chaohui, giảng viên môn chính trị tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Ông Tập là một nhà lãnh đạo đầy tham vọng với tầm nhìn lớn, người thực sự muốn đi vào lịch sử với tư cách là người đã cứu đảng và đưa Trung Quốc trở nên hùng mạnh”.

Ông trùm sửa sai?

Dưới thời Mao, học thuyết đảng đã bao lần lặp đi lặp lại từ thuở ban đầu là mong muốn giải phóng người dân khỏi sự bóc lột tư bản, phá bỏ chế độ tư hữu và đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao, đã thực hiện một bước ngoặt thực dụng, cho phép các lực lượng thị trường khuyến khích sản xuất và mở ra bốn thập kỷ tăng trưởng chóng mặt, thúc đẩy sự tích lũy tài sản khổng lồ – nhưng cũng gây ra bất bình đẳng sâu sắc.

Những cải cách trong mùa hè năm nay (2021) được thực hiện nhờ việc ông Tập củng cố quyền kiểm soát kể từ khi lên nắm quyền: ông đã mở một chiến dịch chống tham nhũng lớn, loại bỏ những điều khiến gây ra bất đồng  ​​và tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản – với chính ông là “cốt lõi” – trên tất cả các khía cạnh của xã hội.

Với quyền lực đó, ông Tập đang giải quyết hàng loạt các vấn đề xã hội, từ việc khủng hoảng dân số và nỗi ám ảnh không lành mạnh về thành tích giáo dục cho đến việc tuổi trẻ đang bị căng thẳng tột độ bởi cuộc đua chen khốc liệt đến mức họ thà bỏ học và “nằm bất động” còn hơn là phải tiếp tục như vậy. Rồi các quy định mới được ban ra nhằm hạn chế giới trẻ dành quá nhiều thời gian để chơi game trực tuyến và tốn quá nhiều tiền để quảng bá các thần tượng của họ.

Ông Chen nói: “Ông Tập đã đặt ra mục tiêu giải quyết các vấn đề gây đau khổ cho người dân, chẳng hạn như các quan chức tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo”.

Trong khi nhiều người ở Trung Quốc bày tỏ sự hoài nghi rằng Bắc Kinh khó thành công trong việc khiến người dân sinh thêm con hoặc khiến giá nhà ở các thành phố lớn trở nên hợp lý hơn, thì một số động thái  khác lại có vẻ được hoan hô: nhiều bậc cha mẹ hoan nghênh việc giảm bớt gánh nặng giáo dục và việc giới hạn thời gian ba giờ một tuần cho trẻ em chơi trò chơi trực tuyến.

“Việc ủng hộ lợi ích cho những người dân bình thường đã mang lại cho ông Tập một nền tảng đạo đức cao để củng cố quyền lực của mình trong đảng và khiến các đối thủ chính trị khó tấn công ông ta. Điều cốt lõi là: ai lại đi chống lại sự bình đẳng xã hội bao giờ?”

Nguồn: ANALYSIS-Unleashing reforms, Xi returns to China’s socialist roots (by Reuters,  Reuters,Thursday, 9 September 2021 14:34 GMT)

https://news.trust.org/item/20210909055946-ao2tv

Tác giả: Yew Lun Tian
Biên tập:
Tony Munroe and Lincoln Feast

Biên dịch: Lê Nguyễn


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...