Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Giơ ngón tay' là để khen hay chửi? (BBC /Tiếng Việt )

Dùng tay để diễn tả có vẻ là một cách giao tiếp giúp dễ dàng vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhưng ý nghĩa của hành vi này thay đổi theo thời gian, và không có mấy những cử chỉ diễn tả bằng tay được cả thế giới cùng hiểu chung một nghĩa.

Đôi bàn tay là công cụ hữu ích để diễn giải thêm cho những gì chúng ta muốn nói. Chúng giúp gợi nhớ từ ngữ và hình thành nên suy nghĩ của chúng ta - chúng thậm chí có thể làm thay đổi những âm thanh mà đối phương nghe thấy chúng ta nói.

Ngay cả những người khiếm thị bẩm sinh cũng dùng tay để diễn đạt khi giao tiếp, cho nên ta có thể cho rằng có những cử chỉ biểu đạt bằng tay sẽ thể hiện cùng một nội dung như nhau. Thế nhưng thực ra không phải vậy.

Cử chỉ "giơ ngón cái" có lẽ là một cách phổ biến để biểu hiện sự đồng tình, hài lòng của bạn trên mạng xã hội, nhưng ở một số vùng thuộc châu Âu và Trung Đông thì cử chỉ này lại có thể bị coi là khiếm nhã.

Lauren Gawne, nhà ngôn ngữ học tại Đại học La Trobe ở Úc, cảnh báo rằng một cử chỉ được chấp nhận rộng rãi không có nghĩa là cả thế giới đều cùng hiểu nó giống như nhau.

Chưa kể ý nghĩa của cử chỉ còn có thể thay đổi theo thời gian.

Các bản tin tường thuật từ 2003 cho biết lính Mỹ khi đi trên đường phố Iraq đã được người dân Iraq đón chào bằng cử chỉ giơ ngón cái lên.

Điều đó biểu hiện sự hoan nghênh đối với lực lượng quân đội Hoa Kỳ của người dân địa phương hay sự thô lỗ?

Theo Viện Ngôn ngữ Quốc phòng Hoa Kỳ, một cơ quan phụ trách chương trình đào tạo ngoại ngữ cho các lực lượng Hoa Kỳ, người Trung Đông nhìn nhận cách người phương Tây giơ ngón cái lên kể từ sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất như một biểu tượng thể hiện sự ủng hộ.

Có lẽ cử chỉ ấy của họ không hề biểu thị sự thô lỗ như một số người vẫn nghĩ.

Các chuyến đi ngoại giao gần đây đến Trung Đông cũng cho thấy cử chỉ điển hình này của phương Tây đã được vận dụng rộng rãi trên thế giới.

Nhưng ngay cả ở phương Tây, việc giơ ngón cái lên không chỉ mang một ý nghĩa chung. Ví dụ, những người lặn biển sử dụng cách giơ ngón cái để báo hiệu "Tôi đang bơi hướng lên phía mặt nước".

Nguồn gốc của cử chỉ "giơ ngón cái" đang gây tranh cãi. Một số cho rằng nó đến từ thời kỳ đỉnh cao của các trận giác đấu giữa những võ sĩ, trong đó việc giơ ngón cái quyết định số phận của đấu sĩ thua cuộc.

Tuy nhiên, việc giơ ngón cái lên nghĩa là được sống, quay ngón tay cái xuống nghĩa là phải chết, hay cứ giơ ngón cái ra đã là điều tốt rồi, vẫn là điều gây tranh cãi.

Việc giơ ngón tay cái với người khác tồn tại lâu hơn cả tiếng Latin là một điều vô cùng ấn tượng, Gawne nói. Nó cho thấy tầm ảnh hưởng của một cử chỉ xuyên suốt các nền văn hóa và thời gian.

Tuy nhiên, chính nguồn gốc bí ẩn của nó và việc cách dùng nó thay đổi từ một quyết định sống chết thành "mọi thứ đều ổn cả" hoặc biểu thị một điều khiếm nhã, chứng tỏ rằng ý nghĩa của các cử chỉ tay không hề mãi mãi giữ nguyên.

Như trường hợp dân Iraq đón chào lính Mỹ, một cử chỉ có thể đồng thời mang hai ý nghĩa, hoặc hai cử chỉ khác nhau được dùng nhằm thể hiện chung một nội dung.

"Ở các vùng thuộc Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và miền nam nước Ý, có nhiều cách khác nhau để nói 'không'," Kensy Cooperrider, nhà khoa học nhận thức tại Đại học Chicago, cho biết. Bạn có thể lắc đầu hoặc rụt đầu lại, nghiêng đầu né xa người nói. "Cho nên cùng một lúc bạn có thể nhận được cả hai cử chỉ đó từ những người xung quanh."

Mặc dù chỉ trỏ gần như có ý nghĩa như nhau trên toàn thế giới nhưng bộ phận cơ thể mà chúng ta dùng tay để chỉ vào thì không

Một ví dụ khác về nhiều cử chỉ có cùng một nghĩa là chỉ trỏ. Nick Enfield, giáo sư nhân chủng học ngôn ngữ từ Đại học Sydney, cho rằng chỉ trỏ chính là tiền thân của ngôn ngữ, nó rất cần thiết cho việc giao tiếp thuở ban đầu của con người. Nhưng cách mọi người chỉ trỏ không giống nhau ở mọi nền văn hóa.

Ở các vùng thuộc châu Mỹ, châu Phi, Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương, việc chỉ trỏ vào đầu, mũi hoặc môi là phổ biến.

Cooperrider cho rằng những nền văn hóa đó hẳn đã đề cao tính thận trọng trong những tình huống như khi đi săn chẳng hạn. Khi đó việc âm thầm trao đổi với nhau về vị trí của con mồi mà không đánh động xung quanh là việc cực kỳ quan trọng.

Vậy nếu những cử chỉ (tưởng như) phổ biến toàn thế giới như sự tán thành, không tán thành và chỉ trỏ cũng có thể khác nhau giữa các nền văn hóa, thì liệu có điều gì mang chung một ý nghĩa đối với tất cả mọi người không? Và liệu rằng những cử chỉ đó có trường tồn bất biến qua thời gian?

"Ở đâu mọi người cũng có vẻ thích có những cử chỉ về thời gian, họ thích định vị ngày mai ở điểm này và ngày hôm qua ở điểm kia, chỗ mà họ định vị có thể khác nhau tùy theo nền văn hóa," Cooperrider cho biết.

Đối với những người nói tiếng Anh, thời gian di chuyển từ trái sang phải và họ có xu hướng chỉ những điều trong tương lai ở phía trước cơ thể và chỉ những điều trong quá khứ ở sau vai, ông giải thích.

Cả giáo sư Gawne và Cooperrider đều cho rằng cử chỉ "giơ ngửa hai bàn tay lên và nhún vai" dường như rất phổ biến, mặc dù nguồn gốc của nó không hề rõ ràng.

Leonardo da Vinci đã viết và vẽ về cử chỉ này từ thế kỷ 15 (ba trong số những người trong bức hoạ Bữa tiệc ly trông giống đang nhún vai). Nhưng Cooperrider cũng đã nghiên cứu các nền văn hóa hiện đại, từ Ả Rập đến Zulu, trong đó cử chỉ này dường như lại có ý nghĩa khác.

Các cử chỉ truyền đạt một ý nghĩa cụ thể, như "Tôi không biết" hoặc "mọi thứ đều ổn", được gọi là cử chỉ tượng trưng.

"Nếu so sánh giữa các nền văn hóa, những cử chỉ mang tính biểu tượng này được sử dụng để điều tiết giao tiếp giữa người với người," Cooperrider cho biết. "Chúng không được sử dụng để mô tả đồ vật. Bạn có thể tưởng tượng ra rằng mọi người có những động tác để diễn tả nước, thịt, chạy bộ, v.v... Nhưng thực tế không phải vậy. Những cử chỉ tượng trưng này về cơ bản là được con người vận dụng trong giao tiếp xã hội, để ngăn người khác làm việc gì đó hoặc để trả lời các câu hỏi."

Mặc dù có thể có những khác biệt tinh tế nhưng có một số ý nghĩa cơ bản mà hầu hết các nền văn hóa đều truyền đạt bằng tay và cơ thể con người.

Cornelia Müller, giáo sư ngôn ngữ học từ Đại học Viadrina Frankfurt châu Âu, cho rằng các nhóm hành vi cử chỉ căn bản có thể được chia thành những nhóm nhỏ hơn. Bà mô tả là có bốn kiểu cử chỉ của bàn tay: gồm các động tác tạo hình khối, vẽ, diễn tả và đại diện.

Động tác giơ ngửa lòng bàn tay và nhún vai dường như được nhiều nền văn hóa hiểu khác nhau

Động tác dùng bàn tay để phác hoạ hình một vật ngay trước mắt.

Ví dụ, một trọng tài bóng đá dùng hai bàn tay với lòng bàn tay duỗi phẳng để tạo hình một quả bóng (một cử chỉ được sử dụng để báo hiệu hậu vệ đã phá bóng hơp lệ).

Vẽ cũng giống thế, mặc dù vẽ thường liên quan đến việc sử dụng các đầu ngón tay để đi nét mô tả một vật thể (như trọng tài dùng ngón tay vẽ hình chữ nhật là động tác tượng trưng cho yêu cầu xem lại video).

Diễn tả liên quan đến việc bắt chước hành động của đối tượng, như giả vờ đang cầm bút viết, và đại diện là dùng bàn tay để thay thế cho một đối tượng (như mở lòng bàn tay ra để đại diện cho tờ giấy).

Nếu bạn muốn gọi bồi bàn "tính tiền giùm tôi" bằng cách giơ tay ra, một tay mở rộng lòng bàn tay còn tay kia giả đò viết lên đó, thì đó là lúc bạn đã thực hiện cả hai loại động tác tay cùng lúc - vừa "diễn" vừa "đại diện". Lòng bàn tay mở đại diện cho một mảnh giấy, tay kia mô phỏng theo động tác viết bút.

Nhiều bạn đọc trẻ có thể chưa bao giờ phải ký vào hóa đơn chi trả do họ quen dùng cách thanh toán không cần chạm thẻ vào máy tính tiền, và thanh toán trực tuyến qua các nền tảng ứng dụng đang trở nên phổ biến (một xu hướng đang được đẩy mạnh bởi đại dịch). Nhưng động tác tay đó vẫn sẽ được hiểu và trả lời đúng như mong đợi, chứng tỏ các cử chỉ tay có thể mất đi ý nghĩa gốc của chúng nhưng vẫn giữ được giá trị biểu tượng.

Simon Harrison, một nhà nghiên cứu cử chỉ ở trường City University of Hong Kong, cho rằng các loại động tác cơ bản được hiểu một cách phổ quát.

Mọi người thường phân biệt được một người đang tạo hình một vật hay đang mô tả một động tác với đôi tay, ngay cả khi họ không hiểu được người kia đang muốn nói gì.

Từ các loại cơ bản nói trên của cử chỉ biểu tượng, các dấu hiệu bằng tay mới có thể được tạo ra.

Harrison đã nghiên cứu các cử chỉ trong môi trường công nghiệp, chẳng hạn như ở các nhà máy sản xuất thực phẩm ồn ào nơi các công nhân phải đeo khẩu trang. Trong những môi trường đó, cử chỉ là cách hữu ích nhất để giao tiếp.

Harrison nói rằng mọi người sáng tạo ra các cử chỉ một các trực quan và hiểu được các hành động đơn giản như "dừng", "lặp lại" và "thêm nữa", đồng thời có thể quy định ngôn ngữ ký hiệu của riêng họ.

Cử chỉ sẽ mang tính chủ quan nhiều hơn khi chúng ta chỉ tập trung vào hình ảnh một bàn tay mô tả một hình dạng tượng trưng như giơ ngón cái.

Đây là những biểu tượng tùy tiện nhằm thể hiện các khái niệm mà chúng đại diện - chỉ với việc có ai đó giơ ngón tay cái với bạn không có nghĩa là mọi thứ đều ổn, đúng như nghĩa đen của cử chỉ này. Bởi vì nó hoàn toàn mang tính chủ quan, và ý nghĩa của hành vi đó có thể thay đổi vào lúc này, lúc khác, Giáo sư Gawne nói.

Cử chỉ tay nắm hình "quả vả" có nhiều ý nghĩa khác nhau và thay đổi theo từng thời kỳ

Giống như cử chỉ giơ ngón cái, động tác nắm tay hình "quả vả" có nhiều nghĩa khác nhau trên khắp thế giới, từ thô tục đến vô hại.

Đây là một trong số khoảng 20 dấu tay trong cuốn sách Cử chỉ ở Naples và Cử chỉ trong xã hội cổ điển phát hành năm 1832.

Ở Ý và một số quốc gia châu u khác, nắm tay hình "quả vả" tương đương với việc giơ ngón giữa lên nhằm chửi ai đó, mặc dù ở những nơi khác, như ở Croatia, cử chỉ này chỉ thể hiện bạn đang không có thứ mà người ta đang tìm kiếm (bạn không có gì ngoài một quả vả).

Đối với người Anh hoặc Mỹ, thì nó có thể giống một động tác tay mà người lớn hay làm với trẻ em khi họ giả vờ nhéo mũi chúng.

Harrison cho rằng ngữ cảnh cụ thể sẽ làm rõ ý nghĩa của cử chỉ tay. Mặc dù một cử chỉ tay có thể mang nhiều nghĩa, nhưng khi chúng ta kết hợp ý định của người sử dụng với ngữ cảnh - gồm những gì họ đang nói và những gì cơ thể họ đang mô tả thì sẽ xác định đúng ý nghĩa của chúng.

Việc nghiên cứu các bản vẽ mô phỏng cử chỉ bàn tay qua những quan sát từ hàng trăm năm trước sẽ chỉ cho biết rất ít về cách dùng các cử chỉ tay đó.

"Tôi cho rằng cách họ thảo luận về cử chỉ... bị giới hạn trong việc tiếp cận các mối quan hệ giữa con người với nhau," ông nói. "Chúng có vẻ rất khác biệt so với cách các nhà tư tưởng nhìn nhận về cơ thể, cử động và tâm trí."

Không có cử chỉ tay nào được hiểu một cách riêng lẻ, không đi đôi với ngữ cảnh cụ thể, chỉ ngoại trừ một loại: biểu tượng cảm xúc.

Nếu bạn từng loay hoay không biết làm sao để biểu đạt sự mỉa mai khi soạn tin nhắn, có lẽ bạn cần đến sự trợ giúp của biểu tượng cảm xúc.

Gawne nói rằng ngôn ngữ viết của chúng ta rất thiếu sót trong cách thể hiện những biểu cảm như mỉa mai bởi văn viết theo lối suồng sã còn là điều tương đối mới mẻ. Bà nói, trong hàng thiên niên kỷ, sự suồng sã vốn chỉ có mặt trong văn nói.

"Internet đã mở ra sự bùng nổ của lối văn phong giao tiếp suồng sã, và có sự hạn chế trong những thứ mà chúng ta có thể biểu đạt bằng văn phong suồng sã," bà nói. "Biểu tượng cảm xúc là một trong những tài nguyên mà chúng ta đã sử dụng để lấp đầy hạn chế đó."

Cử chỉ này có nhiều ý nghĩ trong các nền văn hóa khác nhau, nhưng ngữ cảnh cụ thể sẽ cho chúng ta manh mối để giải mã nó

Gawne đã làm việc với nhà ngôn ngữ học Gretchen McCulloch và Jennifer Daniel từ Unicode để thêm một số lượng cử chỉ tay đa dạng hơn vào từ điển chính thức của biểu tượng cảm xúc bởi Unicode.

Điều khiến bà Gawne thích thú khi giải mã các cử chỉ tay trong từ điển Unicode là ý nghĩa của chúng rất linh hoạt.

Giống như cử chỉ tay thật, việc ý nghĩa của chúng có thể thay đổi rất là hữu ích, bà nói. Hình ảnh một con sao biển trong mắt mọi người vẫn là một con sao biển, nhưng hình dạng của một bàn tay có thể mang nghĩa tùy theo ý mà người sử dụng muốn gán cho nó.

Các biểu tượng cảm xúc dạng cử chỉ tay xuất hiện sớm nhất là giơ nắm đấm, bàn tay giơ hai ngón chữ "V" và động tác xoè tay. Ban đầu những thứ này đại diện cho "búa", "kéo" và "bao", mặc dù hình chữ "V" cũng có thể tượng trưng cho "hòa bình" hoặc "chiến thắng" còn nắm đấm giơ cao đại diện cho phong trào "Black Lives Matter".

Gawne hy vọng một ngày nào đó biểu tượng cảm xúc giơ ngón tay út ​​sẽ tạo nên dấu ấn.

Cử chỉ này dễ khiến người nói tiếng Anh liên tưởng đến "lời hứa ngoéo tay" hoặc thậm chí là nhấp một ngụm trà, nhưng ở Ấn Độ, đây là chỉ dấu hữu ích để tế nhị hỏi đường đến nhà vệ sinh.

Đề xuất cho ý nghĩa của ngón tay út được gợi ý bởi Gawne và các đồng nghiệp của bà là khá đa dạng: nhằm thể hiện sự thú vị, đẳng cấp, lịch sự, hứa hẹn, nỗ lực, nhà vệ sinh và quyền lực.

Tiểu ban phê duyệt các đề xuất mới sẽ mất thời gian nhiều đây - một khi biểu tượng cảm xúc mới (emoji) được đưa vào nó sẽ được lưu vĩnh viễn.

Nhưng đối với các nhà nghiên cứu như Gawne, hồ sơ vĩnh cửu đó rất hữu ích.

"Trước khi có bản ghi hoặc video kỹ thuật số, chúng ta có thể đã mất toàn bộ dữ liệu chuyên môn về giao tiếp với cử chỉ mà không hề hay biết vì lịch sử cử chỉ tay đã bị tam sao thất bản."

Gawne vẫn tiếp tục chờ đợi biểu tượng ngón tay út giơ lên được ghi chú lại. Nếu cử chỉ này được chọn, một cách hỏi đường đến nhà vệ sinh mang đậm bản sắc văn hóa và đầy hữu ích sẽ mãi mãi được lưu trong hồ sơ kỹ thuật số của chúng ta. Có lẽ ý nghĩa của một cử chỉ nữa sẽ được lưu giữ.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.


1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...