Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Cụ Võ Văn Sâm- Một giáo chức yêu nước

 Cụ Võ Văn Sâm, sanh năm Mậu Thìn 1868, dưới đời Tự Đức năm thứ 21, tại
xã Thái Bình Châu Thành Tây Ninh trong một gia đình nho học, khá giả,
hiện nay còn lưu lại một ngôi nhà cổ kính, vách ván, lợp ngói âm
dương, đứng tán, mặc dù đã thay ngôi đổi chủ suốt một thế kỷ, vẫn còn
ngang nhiên đứng vững giữa trời, chóng chỏi với gió mưa thử thách
(ngôi nhà đã được ông Võ Văn Dung chụp ảnh ngày 2-1-1971).

Thân sinh cụ Võ Văn Sâm là cụ Võ Văn Còn một nhà nho giáo,mẹ là bà
Lương Thị Dung, nhưng cụ Võ Văn Sâm lại thọ giáo với cụ Nguyễn Văn
Bình, Hương Văn của xã Ninh Thạnh (Tây Ninh) để học Hán Văn, mãi đến
20 tuổi, vì sự bắt buộc của nhà cầm quyền Pháp, thanh niên phải đi học
Pháp Văn với trọng tâm ngày sau làm việc cho chúng.

Cụ học Pháp văn với quí vị giáo viên :

- Cụ Trần Văn Thuận, sanh 1847, dạy học 1887 tử 1900.

- Cụ Vương Quang Nhường 1848, dạy học 1886-1899.

- Cụ Lê Văn Thơm 1858, dạy học 1880-1900.

Dưới quyền Giám học là Ô. E. COUFFINAHL, người Pháp đầu tiên đem văn
hóa Âu Tây truyền bá cho dân Việt ở Tây Ninh.

Cụ Võ Văn Sâm chỉ học hết chương trình Tiểu học trong ba năm, ra làm
giáo chức năm 1891 lúc ấy cụ mới 23 tuổi rồi hoạn trường bất hạp, cụ
xin nghỉ việc năm 1894, và xin làm thơ ký nơi Ty Công Chánh Tây Ninh.
Được lối 5 năm, cụ xin thôi, vui thú hạc nội mây ngàn, viết báo cáo
cho tờ Nông-cô, Mín-đàm, Gia Định báo, Lục Tỉnh Tân Văn, trước cửa nhà
treo một tấm vải trắng quảng cáo « Đặt thi phú văn từ và làm đơn mướn
». Với nghề nầy cụ cũng đủ sống một cuộc đời bình dị và thời kỳ ấy, ai
có lỗi chi với xã hội đều sợ cụ đặt vè châm biếm, hoặc người khác mướn
đặt vè đặt thơ, có công chép ra nhiều bổn (thời kỳ ấy chưa có máy đánh
chữ) hoặc viết bằng mực in (encre à policobie) rồi in bằng xu xoa,
phát ra cho học sinh học thuộc lòng, rồi đến chung quanh nhà kẻ bị
châm biếm xúm nhau đọc lên, những người lớn nghe vè lạ tai đọc có vần,
đến xin ra nhiều bổn để học chơi trong khi nhàn rỗi.

Cụ Võ Văn Sâm là giáo chức, nên thiên hạ kêu là giáo Sâm, hoặc gọi là
Võ Sâm, phần đông lại kêu là Giáo Xôm, thành ngữ nầy được sử dụng rất
nhiều với lớp bình dân còn thấp kém về văn hóa. Tánh tình cụ cương
trực, ngay thẳng, ghét tà vạy, thường mặc áo dài đen, quần trắng, giày
bố trắng, đội nón trắng (casque gauloise) đi lễ quan hôn tang tế thì
vận khăn đen, không bao giờ mặc âu phục.

Ông Yết Ma D… trụ trì chùa hang Núi Điện Bà năm 1914, say mê một nữ đệ
tử, vợ một thương gia Hoa Kiều ở Chợ Lớn, mà tiếng tăm chấn động cửa
thiền, cụ làm bài thơ sau đây dán cùng Núi và in báo :

Rủ nhau thừa hứng viếng chùa hang 

Phong cảnh nguy nga một cõi nhàn

Bầy vượn véo von chòm tục lụy

Cửa thiền công quả khách hường nhan

Trăng soi liêu vải năm canh tịch

Gió giật cành dương mấy độ tàn

Kẻ mến giang san người mộ sãi

Thích tình quên lửng mối gia cang.

Tóm lược phần tiểu sử cụ Võ Văn Sâm, theo tài liệu của cụ Lâm Tuyền
biên soạn. Cụ Sâm là một nhân vật nổi tiếng có tài xuất khẩu thành thơ
thi văn lưu loát, lắm người nghe danh biết tiếng, các thi hữu ở bốn
phương thời trước thường đến tiếp xúc với cụ, trao đổi văn thơ xướng
họa cụ đã ra người thiên cổ, nhưng tên tuổi đến ngày nay được nhiều
người nhắc nhở.
 

Sưu Tầm: Khánh Dũng.
 

Tây Ninh xưa và nay- TG: Huỳnh Minh.

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...