Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Hoa Thịnh Đốn – Kabul: Chuyện Tình Buồn Của Người Thông Dịch Viên A Phú Hản Và Cô Y Tá Hoa Kỳ

 11/9/2021

 Hình ảnh người lính trong quân phục đủ ba màu đá xanh, nâu và đen khác thường đập vào mắt mình, khi anh đi băng qua sân cỏ trại Fort Benning, một căn cứ quân sự tại biên giới hai tiểu bang Georgia – Alamaba. Đó là một buổi trưa mùa Thu năm 2012, lúc cô cùng đứa con trai đến đó khi nó tham gia ngày cắm trại và cô và người lính lạ đã nói chuyện làm quen nhau trong nhà ăn.

    Anh ta khá đẹp trai, nhỏ hơn cô 18 tuổi, đang theo học khóa huấn luyện thành lính của lực lượng đặc biệt A Phú Hản, cô là một người y tá ở Glastone, phụ cận thành phố Kansas, lớn lên trong một gia đình có quân nhân hải quân và giọng nói của miền nam nước Mỹ. Hai người trao đổi số điện thoại và người lính này chỉ nhờ giúp một điều giản dị là, khi anh trở lại quê nhà, cô vẫn liên lạc và giúp anh trau dồi tiếng Anh. Anh muốn nói với cô về nơi anh lớn lên và cô cảm thấy thích thú biết thêm nhiều thứ nữa, nhất là về những người lính Mỹ đang trấn đóng ở đó. Năm này qua năm khác, họ cứ liên lạc nhau, ngày càng thấy gần nhau hơn dù người ở hai nơi, cách nhau 12 ngàn cây số, người Missouri kẻ Kabul.

    Chồng cô mất, người lính A Phú Hản hôn nhân gãy đổ, sinh nhật đến rồi đi, cháu trai của anh lớn theo kích thước đôi giày. Họ nói chuyện ba bốn lần một tuần và gởi tin nhắn về chiến cuộc, gia đình và đời sống của hai người. Qua điện thoại có hình ảnh, cô nhìn được sơ qua hình ảnh cuộc sống ở Kabul, đứa cháu trai của anh lòng vòng phía sau lưng hay anh chạy ra ngoài đường tìm làn sóng điện thoại mạnh hơn. Có một vài hôm giọng của anh trong điện thoại xem ra mệt mỏi và chán nản, anh gởi tin nhắn gọi cô đón anh, cô cứ tưởng là anh đùa qua mấy cái chuyện bằng tranh hoạt họa. Dần dần khả năng tiếng Anh khá nhiều, anh được phái đến làm việc cùng với quân lính Anh quốc, Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi.

    Hai người bàn về kế hoạch gặp nhau nhưng thời điểm dường như không thành như họ mong muốn. Anh được thăng cấp bậc nhanh trong hàng ngủ quân đội Quốc gia A Phú Hản và được điều động đi tham dự vào những chiến dịch ngày càng nguy hiểm hơn trong khi đó tình hình chiến trận cũng thay đổi. 

Giữa năm 2021, Taliban bắt đầu tiến quân tấn côngtrên khắp cả nước, chiếm từ vùng nông thôn tới các làng mạc thị trấn nhỏ, coi như đang vững tiến đường về thủ đô Kabul một ngày không xa. Hai người có lẽ chưa sẳn sàng nhìn nhận chuyện này nhưng họ đã yêu nhau, dù bị cách ngăn giữa hai lục địa nhiều năm qua và cuộc chiến kéo dài 20 năm.

    Một ngày tháng Bảy, người lính A Phú Hản đã phải ngừng ngang nhiều lần điện thoại thường kỳ khi đạn hỏa tiển nổ gần xe của anh đậu bên ngoài dinh tổng thống ở Kabul. Sức nổ làm bể tung cửa sổ, tường gạch văng xối xả trên đầu mình. Đó là ngày hội lễ thánh Hồi giáo, Eid ul – Adha, và bên trong hàng rào tường dinh, tổng thống Ashraf Ghani, xem như là những tuần lễ cuối trong văn phòng, được ống kính truyền hình cho thấy ông đang cầu nguyện khi nhân viên an ninh chạy tới nơi có chổ bị trúng đạn nổ. Người lính tức khắc gọi lại cho cô y tá, giọng run run, chiếc xe hư hại nhưng anh không bị thương tích gì nặng, cô bảo anh lấy nước đá đắp lên chỗ bị thương và đi về nhà. Trong những ngày trước khi thành phố Kabul thất thủ, anh gọi điện thoại ít hơn và khẩn cấp nhiều hơn. Họ cảm nhận hiện có gì đó bất bình thường, họ tưởng chừng như đó là lần gọi sau cùng. Cuối cùng, cô hỏi chuyện gì đang xảy ra, anh trả lời là, quân Taliban đang ở ngay trước cửa nhà và họ sẽ giết anh.

    Ngày quân Taliban vào tới Kabul, anh ở trong văn phòng khi anh bạn đồng nghiệp chạy hớt hãi tới cửa cho biết quân chính phủ A Phú Hản đã cổi bỏ quân phục và bỏ chạy hết rồi. Anh ngồi nhìn quân phục ba màu của mình, bộ quân phục mà anh đã mặc, đập vào mắt cô y tá Mỹ hôm họ gặp nhau hơn 8 năm trước tại căn cứ Fort Benning. Anh thay quần áo dân sự thường, tắt máy điện toán, xuống lầu ra đường vắng tanh, đi về hướng phi trường nhưng sau đó lại đón xe qua ngang, quay lại nhà nơi anh có thể lấy một vài thứ vật dụng cá nhân cần thiết trước khi tìm đường ẩn trốn. Anh nói anh đã hãnh diện phục vụ đất nước này, trung thành với đất nước của mình, nhưng anh biết có hai ấn dấu sẽ hằn sâu trong anh mãi mãi, đó là mục tiêu tìm diệt dưới chế độ Taliban mới.

    Thời hạn chót quân đội Mỹ rời A Phú Hản gần kề, anh vẫn chờ từ nơi ẩn trốn này tới nơi ẩn trốn khác, trong sự lo sợ đời mình sẽ ngắn đi nếu anh để mặt lộ diện trên đường phố Kabul. Anh quan sát nhiều tuần khi người dân A Phú Hản đổ dồn đông nghẹt tại cổng phi trường, cố tìm cách lên máy bay trốn chạy một cách tuyệt vọng của các lực lượng anh được huấn luyện và làm việc bên cạnh như Anh quốc, Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi. Nhưng anh không thể để mình lọt vào vòng nguy hiểm nếu tìm cách đến phi trường, anh chỉ có sổ thông hành duy nhất là sổ chứng nhận là quân nhân làm việc với quân đội ngoại quốc đã hết hạn. Anh nghĩ tới mấy đứa cháu, trai cũng như gái và người yêu, những người có thể sẽ không bao giờ anh gặp nữa.

    Cô y tá giờ đã 59 tuổi, góa phụ và hưu trí, người lính A Phú Hản đã là cái mà đời sống cô cần tới, cả hai mơ ước anh sẽ trốn thoát được tới Mỹ nơi họ sẽ nói với nhau về chuyện kết hôn, sẽ có buổi lễ cử hành, như anh đề nghị, một cho gia đình bên này và một cho gia đình bên kia. Nhưng rồi cứ nhiều thêm rồi thêm nữa, tim cô đập liên tục trong lo lắng mỗi lần điện thoại cô reo lên với tin nhắn từ anh, anh cho biết quân Taliban đã đi lục xét từng nhà, tìm bắt những cựu quân nhân của quân đội Quốc gia A Phú Hản. Cô chỉ muốn nghe những gì cũng được từ anh, đó là cách duy nhất mà cô biết là anh còn sống. Phút giây mà cô run sợ nhất là, tưởng tượng đường dây điện thoại không kêu và không một chữ nào của tin nhắn từ A Phú Hản, và không còn nói cũng như nghe tiếng người trong điện thoại nữa.

    Trong những lúc tạm lo, rảnh rổi, cô đem những tấm hình của hai người ghép lại bên nhau, cô bắt đầu làm một tập ảnh điện tử của hai người, đặt mặt của họ kề cận nhau trước phong cảnh một buổi hoàng hôn xuống hay những cánh hoa muôn màu. Nhưng bây giờ, người lính cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ đã rời Kabul, hy vọng còn lại cho sự trốn thoát của anh đang tan biến như sương khói mù mờ.

   Văng vẳng như còn bên tai lời anh trong điện thoại, “chắc chắn là nếu Taliban bắt được, anh sẽ bị tra tấn tàn bạo và họ sẽ đem ra đứng trước mặt gia đình anh rồi giết anh một cách không thương xót”.  Ngước mặt nhìn lên trời cao ngoài sân, cô bật khóc.

Thuyên Huy

 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...