Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Chùm Chuyện Cực Ngắn của Thái Doãn Hiếu

NVTPHCM- Viết tiểu thuyết như người đi trên đại lộ, viết truyện ngắn như ngồi trong cửa sổ nhìn ra. Nó chỉ là một nhát cắt. Nhát cắt sắc hay cạn tùy thuộc ở tay nghề và năng lực thẩm thấu cuộc sống của người cầm bút. Tôi vốn bình sinh viết nghiên cứu và phê bình văn học nhưng thể loại văn xuôi này chẳng xa lạ với tôi. Xin gửi tới bạn đọc một chùm  truyện cực ngắn viết theo phong cách cố sự tân biên (truyện cũ viết lại) của văn hào Lỗ Tấn để thấy rằng lối tư duy hình tượng đã giúp cho những trang văn tư duy tư biện khảo cứu văn hóa của tôi thêm sinh khí. (TDH)
 

Ôm lấy của nợ đó mà làm gì ?
 

Đang thủng thỉnh giảng bài cho các môn đệ ở nhà học thì bỗng nghe tiếng lao xao ở đầu ngõ. Khổng Tử dứt mạch đàm đạo, cáo lỗi các môn sinh đến đứng bên gốc thiên tuế, nghe ngóng. Một lát, thấy hai vị nhà nho tóc xổ, quần áo xộc xệch, mặt đỏ gay, đang vừa đi vừa xỉa xói nhau riết róng. Nhà này tự cho mình là nho sĩ chân chính, mạt sát nhà kia là hủ lậu không hợp thời và ngược lại. Lời quăng qua, câu ném lại không biết bao hiệp mà chẳng ngã giá được thua. Không ai chịu ai, họ túm áo điệu nhau đến nhờ sư biểu phân giải.

Lắng nghe hai phía phân trần, Khổng Tử vội vàng xuống thềm thi lễ, chắp tay cung kính, nhỏ nhẹ :

- Học thuyết của ta rất uyển chuyển, rộng vô cùng và không bó buộc bắt ai cũng phải giống ai. Cả hai vị đều là những vị túc nho chân chính, Khâu này rất lấy làm kính mộ. Vị nào nói cũng đều có lý cả, làm sao ai lại có thể bài bác ai là kẻ hủ nho, vô dụng và giả dối được ?

Nghe được khen tặng, mặt nở mày nang mãn nguyện, hai nhà liền quên phắt ngay những quan điểm đất đồng vừa đấu khẩu, hể hả dương dương tự đắc ra về. Đám học trò rất đỗi ngạc nhiên quây lấy Khổng Tử, chất vấn :

- Thật là lạ lùng, tại sao thầy lại đưa lên tận mây xanh hai lão đồ gàn dốt nát lắm lời đó để làm gì ?

Khổng Tử vuốt râu bình đạm :

- Kẻ  sĩ muôn đời có cái dở là bội thực tự hào về học vấn. Họ bao giờ cũng cho mình là tinh hoa của giống nòi, đứng trên muôn loài. Bọn sĩ nửa mùa thường hiếu thắng. Âu đó cũng là khiếm khuyết của hóa công. Thế gian thiếu gì loại người gàn quải này. Đối với họ chỉ cần nịnh khéo dăm ba câu để họ xéo đi cho khuất mắt là được, ôm lấy của nợ đó mà làm gì !?

Đám đệ tử nghe, thở phào.
 
 

Rượu bất tử
 

Có một sủng thần khúm núm dâng bình rượu “bất tử” lên Hán Vũ đế, văn thần Đông Phương Sóc liền nhón lấy, thản nhiên rót ngự tửu uống ngay giữa triều trước mắt bá quan văn võ. Hán Vũ đế nổi đóa, xuống lệnh thét võ sĩ chém đầu.

Rất điềm tĩnh, Sóc tâu :

- Thần vì ham sống sợ chết nên khi thấy rượu “bất tử” là ham ngay, liều uống. Bây giờ rượu đã trôi hỏi cổ họng, bệ hạ giết thần, thần cũng không chết. Nếu thần chết thì đúng là rượu dỏm, không phải là rượu “bất tử” nhằm sát hại đấng tối thượng, bệ hạ phải nghiêm trị thật nặng kẻ dâng rượu !

Hán Vũ đế nghe ra có lý, nguôi giận, cười, tha ngay !
 

LỜI BÌNH : Trong tất cả các lại bồ đào mỹ tửu làm gì có thứ rượu gọi là “bất tử”. Bọn nịnh thần nhan nhản thời nào cũng bày ra lắm tò ma để bịp. Khốn nỗi vua chúa xưa nay vốn thường ưa cái giả ngụy đó, vì nó ngọt tai, nên bọn nịnh thần mới có đất sống.

Bằng một phát tên, Đông Phương Sóc bắn trúng diệt một lúc hai đích : vạch mặt ngón lừa đảo của kẻ nịnh và thức tỉnh cái đầu u mê của người nghe nịnh (dẫu là vua).

Muốn diệt cho tiệt giống nịnh, trước hết phải chấn chỉnh những cái tai ưa nghe nịnh.
 
 

Sáng ba chiều bốn…
 

Đâu đó có tiếng đồn Thư Công nước Tống ưa khỉ nên nuôi trong nhà một bầy khỉ khá đông đúc. Ai được may mắn vào thăm đều khá khen : chuồng trại tinh tươm, thức ăn cho khỉ xài toàn hạt dẻ. Thiên hạ nghĩ chắc là túc hạ muốn triết lý một cái gì đó chứ chẳng phải để chơi kiếng như những kẻ nhàn cư rỗi tiền vẫn thích đua đòi chơi hoang!?

Năm đó, ông trời quái ác làm hạn hán kéo dài, mất trắng mùa dẻ. Thư Công bấm bụng nhìn đám khỉ ông, chỉ bố, khỉ mẹ, khỉ lau nhau chí chóe lúc nhúc cả một bầy háu đói đến thê thảm, thở dài lẩm nhẩm tính toán.

Bầy khỉ tinh ý nhận ra ông chủ có ý định bớt khẩu phần ăn của chúng liền nhảy nhót tứ tung khọt khẹt nhao nhao phản đối.

Thư Công trấn an :

- Việc gì phải nhặng xị ngậu lên kêu gào. Trước đây, ta cho mỗi ngươi mỗi ngày : sáng ba hạt, chiều bốn hạt, nay các người không ưng ý thì ta đổi lại vậy: sáng bốn chiều ba, được chưa nào ?

Bầy khỉ tưởng được tăng lương, reo hò ầm ĩ!
 

LỜI BÌNH : 3+4 = 7; 4+3 cũng bằng 7. Trong sách toán cấp I, mấy đứa nhỏ thường ra rả đọc : “Khi ta thay đổi  vị trí các số hạng thì tổng của nó không thay đổi”. Lợi dụng sự thay đổi vị trí như một ảo ảnh, nhà triết học đã khéo léo đánh lừa được khá trót lọt tổ tiên của loài người. Thảo nào về sau này con cháu của khỉ toàn bị đánh lừa theo kiểu thô thiển đó !

Không tin, bạn thử ngẫm xem ?


 

Hát hay - học dở
 

Tại Quảng Ngãi.

Một sáng thăng đường muộn. Đào Tấn uể oải bước ra, lòng đầy khoái cảm. Đêm qua, dường như ông thức trắng đêm để soạn cho xong kỳ được vở Vạn bảo trình tường  mà Diên Khánh vương mới viết được hai phần.

Đang lần giở tập hồ sơ chuẩn bị phê án thì một người lính hớt hải từ ngoài chạy vào.

- Bẩm quan lớn. Nguy to rồi ạ !

- Nguy cái gì ?

- Dạ bẩm, không biết một thằng cha nào đó táo gan bạo phổi viết bậy ở cổng dinh bên này hai chữ “hát hay” và bên kia hai chữ “học dở”, chắc là để chế quan lớn chỉ ưa soạn tuồng mà không chăm việc quan. Con thấy dân chúng ngang qua bu lại đàm tiếu lao xao. Dám xin cụ lớn cho phép con bôi 4 chữ hỗn xược ấy đi, rồi hãy truy tầm thủ phạm sau.

Đào Tấn cười :

- Hay ! Hay ! Cứ để yên đó đừng xóa.

Nói xong, Đào Tấn lại cúi xuống đống hồ sơ cao lù lù, chán ngát, bình thản như chẳng có việc gì xảy ra.

Sáng hôm sau, dân chúng tỉnh lỵ Quảng Ngãi vô cùng sửng sốt trước một câu đối ngồ ngộ, rất mực chỉnh tề với nét chữ bay bướm, tài hoa :

             Hát hay chính kép Quy Nhơn thiệt

             Học dở làm quan Quảng Ngãi chơi.

Thì ra, đêm qua, tự tay mình, Đào Tấn đã “nối điêu” vào mỗi bên thêm mấy chữ.

Chẳng bao lâu, mưa nắng giãi dầu nhưng đôi câu đối này đã truyền lan khắp tỉnh.

 

 

Tại sao thành Vĩnh Long  
lại gọi là thành Quỳ ?

 

Lần ấy xuống Vĩnh Long, tôi – Thái Doãn Hiểu gặp và hỏi đường một ông già ở ngoại vi thị xã.

- Ông hỏi đường vô thành Quỳ ? Đường hơi khúc mắc, để qua dẫn đi.

Chúng tôi đi vào phố. Ông già nghiêng nón dứa trắng hỏi :

- Bồ vô thành Quỳ có việc chi ?

- Dạ, tìm người hiền ạ.

Ông lão trợn tròn mắt :

- Thời buổi ni làm chi có người hiền, chỉ là kẻ tục thôi – ông già ha hả cười rung rinh cả chòm râu bạc lẫn búi tó củ hành sau ót gáy.

Tôi tò mò :

- Tại sao thành Vĩnh Long lại gọi là thành Quỳ kỳ khôi vậy a cụ ?

Ông già sóng vai tôi vừa đi vừa thủng thẳng kể :

- Chuyện như vầy nè bồ : Ở thế kỷ trước, sau khi mất ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (ngày 5-6-1862), quan Nghè Phan Thanh Giản được triều đình cử làm Kinh lược sứ ba tỉnh miến Tây Nam Kỳ : Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Ngài đóng tổng hành dinh ở đây. Một bận, tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển rủ án sát Vĩnh Long Võ Doãn Thanh đến thăm. Thấy dinh cơ của quan thầy bày biện hết sức đạm bạc, nghèo nàn, người hầu kẻ hạ thưa thớt, chỉ duy có tấm kim khánh vua Tự Đức ban khắc 4 chữ LIÊM, BÌNH, CẦN, CÁN là sáng chói chỗ đầu sập ngài ngồi, thật không bù được một phần trăm lối sống quá ư vương giả của bề dưới bọn họ. Được vài tuần trà, nhân lúc vui vẻ, Uyển mới mon men hỏi : “Bẩm quan lớn, sao cụ lớn không dùng tiện nữ hầu hạ ?”. Cụ Phan quắc mắt “Việc nước việc dân ngập mặt lo từ sáng chí tối không xuể, không chu tất được, đâu còn rảnh ranh tính chuyện hầu thiếp !”. Uyển tròn xoe mắt ướm hỏi: “Vậy ngoài việc công, cụ lớn thích tiêu khiển gì nhất ạ ?”. Phan Tiên sinh vuốt râu từ tốn đáp: “Bình sinh ta chỉ ưa mỗi thứ hoa quỳ (hoa hướng dương) vì sắc vàng tự nhiên đậm đà, hương không gắt, và đặc tính trỗi nhất của nó là rõ ràng ngay thật, có thế mới dám nhìn thẳng vào Mặt trời mà không chút hổ ngươi, e thẹn”.

Bồ ạ - Kể đến đây ông già hạ giọng – Có lẽ quan Sứ họ Phan chỉ thích độc hoa Quỳ nên bấy giờ trong và ngoài thành Vĩnh Long người ta bắt chước đua nhau trồng tuyền một màu hoa mặt trời vàng khươm ấy thôi, đến mức dân xứ này quen gọi thành Vĩnh Long là thành Quỳ, lâu riết thành quen.

Ông già kể xong, vừa lúc chúng tôi đến ngã ba đường. Đột nhiên, ông cầm lấy tay tôi xiết mạnh, cắp mắt sáng lạnh soi vào mắt tôi, kiếu biệt làm tôi không kịp có lời từ tạ.

Tôi đứng sững nhìn theo dáng ông lão quắc thước nho nhã trong bộ bà ba trắng toát lừng lững thoắt biến trên nền lúa xanh thẫm. Phải chăng, đó là một nhân chứng còn sót lại của thế kỷ trước trong phút chốc hiện về để nhắn gửi tới hậu thế một điều hê trọng  ?

 

 

Tài - tai

 

Không một thiên tài nào là không bị bức hại

                                                              VONTER

Lê Ngô Cát ngồi Tri huyện Thất Khê đã được mấy niên!

Ông huyện trẻ không thấy non nước Cao Bằng thơ mộng như trong ca dao ai đó từng nỉ non tủi hờn “ Nàng về nuôi cái cùng con - Để cho anh trẩy nước non Cao Bằng”, mà chỉ thấy từng giải rừng thiêng chập chùng hoang vắng, suối reo róc rách, chim hót líu lo, mang hoẵng tác váng thung ghê rợn cả hoàng hôn. Có chăng nét gợi cảm đến rưng lệ là thành quách nhà Mạc trơ gan cọ mãi với nắng mưa năm tháng như một thoáng hoài cổ mơ hồ. Mấy lần bệnh sốt nước ngã nước quái ác quật ông xuống hành cho trụi lủi râu tóc. Lê Ngô Cát phập phồng sống trong tâm trạng buồn nhớ quê nhà, bất đắc chí vì cuộc đời này đầy rẫy bất công !

Cao Bằng là u tì quốc dành riêng cho những người như loại ông có tài nhưng không chịu luồn cúi và chẳng biết đứng về phe phái nào hết.

Một sáng thăng đường (Mậu Ngọ, Tự Đức thứ 11, năm 1858), liền có chiếu chỉ của vua Tự Đức triệu ông về Huế. Ông tức tốc lên đường ngay. Mừng lo lẫn lộn khôn xiết. Không biết số phận mình sẽ ra sao đây ?

Đến kinh, Cát vào thẳng Đại Nội bái mạng vua. Tự Đức phán :

-         Trẫm biết rõ tài khanh nên phong cho khanh chức Hàn lâm viện Biên tu và giao Quốc sử quán cho khanh đó. Khanh hãy vì trẫm mà san định lại lịch sử nước nhà cho tử tế ?

Lê Ngô Cát rập đầu :

-         Muôn tâu, thần xin phụng mệnh.

Thế là từ đó cuộc sống đế đô bắt đầu : ơn vua lộc nước, áo mão xênh xang, ăn trắng mặc trơn. Ngày ngày, ngồi ở Quốc sử quán, Các lục lọi bí thư các sắp xếp chỉnh lý tài liệu, xắn cao tay áo viết tiếp lịch sử thời vua Lê chúa Trịnh đến hết thời Lê Chiêu Thống, rồi vắt qua đương triều. Cát viết miệt mài ngày đêm, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này qua năm kia - viết theo lệnh của đức vua ! Dĩ nhiên, ăn cơm chúa phải múa… thành ra cái gì của triều Nguyễn cũng phải hay phải đẹp. Sự nghiệp cát cứ Nam Hà của chúa Nguyễn là chính danh, thuận lẽ trời, hợp lòng người, Còn những gì ở phía bên kia nhà Tây Sơn đều là ngụy tặc, xấu xa đáng căm ghét phỉ nhổ, Cát nhúng bút vào hắc ín bôi đen tuốt. Còn Nhân Dân ? – Nhân Dân  ư ? Ồ, họ chỉ là đám đông mù quáng trong tay một nhúm người có thiên mệnh chỉ lối đưa đường cho lịch sử.

Cặm cụi mấy năm, năm 1860, Cát hoàn thành bộ sách. Sách dâng lên vua. Thật là độc đáo : toàn bộ lịch sử nước nhà được gói gọn trong 3.774 câu lục bát khá uyển chuyển, một bộ sử diễn ca bằng thơ ! Tự Đức ngự đọc, rất hài lòng  “Khanh đã làm trúng ý trẫm”.

Cát viết thế chỉ vì tùy thời và chiều vua. Tu chùa nào phải tụng kinh chùa ấy, Vả, Cát cũng ngã lòng buông xôi chữ tiết. Mỗi khi nghĩ tới Cao Bằng, Cát hãy còn rùng mình, sởn ốc. Ngòi bút của Cát chỉ sáng bừng lên khi viết về những cuộc chiến tranh chống xâm lăng huy hoàng của dân tộc, nó mang hơi thở sử thi cổ đại đầy tráng khí khi Cát dành cho cuộc khởi nghĩa Hai bà Trưng chống quân Nam Hán, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần, cuộc kháng chiến mười năm nằm gai nếm mật của Lê Lợi - Nguyễn Trãi. Ngòi bút của Cát bừng bừng nộ khí khi tả hành động tội ác trời không dung đất không tha của quân cướp nước. Cát châm biếm sâu cay những kẻ rước voi về giày mả tổ, những kẻ ích kỷ phản nước hại nòi. Cái hay của văn là khi nó nói được những thực chất của lòng mình, mọi lời dối trá chẳng lòe được ai. Ta hãy nghe ông nói một đoạn về bà Triệu :

Vú dài ba thước dắt lưng

Cưỡi voi đánh trống trong rừng bước ra

Cũng toan gánh vác sơn hà

Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam !

Tự Đức - vẫn ông vua hay chữ ấy ngự lãm đến đoạn này đã vỗ đùi cười ha hả, khuyên tròn rồi phết một sổ thật dài vào cạnh, tiện bút chữa chữ “cũng toan” thành “ghé vai”, rồi quay ra xởi lởi với đám quần thần :

-         Ba thước vú ! Đàn bà vú vê chi dài dữ khiếp rứa. Thế còn bọn đàn ông nước Nam chết rấp mô cả mà chỉ còn đàn bà con gái đánh giặc làm cho bọn Ngô thấy mặt anh thư của nước Việt thôi sao ?

Tự Đức cười, bá quan văn võ cười theo. Nhà vua cho gọi sử gia Lê Ngô Cát vào, ban thưởng cho Cát một tấm lụa với hai đồng tiền ngự bằng bạc!

Nghe tin vui, các bạn hữu nườm nượp đến tận quý xá mừng đòi tác giả bộ Đại Nam quốc sử diễn ca phải có rượu khao. Mọi người chúc tụng hỉ hả. Cát lâng lâng trong khoái cảm công thành danh toại .

Khi rượu đã ngà ngà, một bạn hứng chí đòi chủ nhân phải có thơ tức sự về việc vua ban “lộc”, Cát bèn ngất nga ngất ngưởng đọc :

Vua khen thằng Cát có tài

Ban cho cái khố với hai đồng tiền !

Ít lâu sau, đùng một cái, Lê Ngô Cát nhận chiếu chỉ thăng Án sát kiêm Tán dương Quân vụ Cao Bằng. Lệnh phải lên ngay !

Mãi về sau, ông mới vỡ nhẽ : hai câu thơ của ông đã đến tai Tự Đức. Ui chao, bệnh do mồm ăn vào, tai vạ do mồm nói ra. Đức kim thượng cho ông có ý xỏ ngọt vua keo kiệt (cho một tấm lụa đủ thửa cái khố và hai đồng tiền công may) nên đã “biếm” ông “trẩy” trở lại “non nước Cao Bằng” cho bõ ghét !

 Vợ chồng nhà phê bình Thái Doãn Hiểu,ảnh từ trang NVTPHCM


LỜI BÌNH CỦA TỪ ANH TUẤN :

       Lỗ Tấn viết "cố sự tân biên" bằng những truyện ngắn khá dài. Vì vậy, Ông có đất để sáng tạo. Trong những "cố sự tân biên" của Ông thì "Luyện kiếm" là một sáng tạo kì tài. Cách đây hơn 50 năm, khi còn là một học sinh cấp II, tôi đã mê mẩn truyện ngắn đó và đã đọc đi đọc lại mấy lần liền mà không biết chán.

      "Cố sự tân biên" mà viết bằng truyện ngắn mi ni thì cực khó vì nhà văn phải diễn tả "cố sự" ấy như một vở kịch cực ngắn mà vẫn có lớp lang, có nhân vật, có tình tiết, có kịch tính...Và cái chính là phải nêu lên được một triết lí, một kết luận...nhằm gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc, buộc họ phải suy ngẫm.

       Đã là "cố sự" thì thường là nhiều người biết và đã định hình. Hơn nữa phải "viết lại" chứ không phải "chép lại". Khi viết lại, nhà văn phải sáng tạo như thế nào đó để người đọc "thuận tai", không thấy nhàm chán. Đó là một yêu cầu không dễ thực hiện. Sáng tạo là cốt lõi, là điều bắt buộc của "cố sự tân biên". Anh chọn thể loại truyện ngắn mi ni để  “viết lại” những "chuyện cũ”  thì Anh đúng là "người dũng" trong văn chương!
       Trong dăm truyện ngắn mi ni Anh gửi cho, tôi thích nhất truyện "Ôm lấy của nợ đó
mà làm gì?”.

       Tôi nhớ, trước đây, trong bài tham luận gửi Đại hội các nhà văn Việt Nam ( tôi quên mất năm nào), Nguyễn Huy Thiệp có kể rằng, khi học trò hỏi Khổng Tử là nếu làm chính trị thì Ông sẽ làm gì trước tiên. Nguyễn Huy Thiệp bảo lúc ấy Khổng Tử cau mặt, càu nhàu trả lời: "Ta sẽ chính danh trước”.

      "Chính danh" là một trong những học thuyết nổi tiếng khoảng 2500 năm nay của Khổng Tử, một bậc "Thánh nhân"", một "Vạn thế sư biểu". Mỗi câu mỗi chữ của Ông đều thành "Kinh", thành "Điển". Vậy mà ngày nay Nguyễn Huy Thiệp diễn tả Khổng Tử cau mặt, càu nhàu khi trả lời học trò việc mình phải "chính danh" trước khi làm chính trị là một sáng tạo rất tài hoa.

      Trong truyện "Ôm lấy của nợ đó mà làm gì?”, Anh lại diễn tả Khổng Tử " vuốt râu bình đạm" (tôi thấy hình như Ông ấy còn tủm tỉm cười) khi trả lời "thắc mắc" của học trò, rằng Ông đã dùng mẹo khích tướng nhằm đuổi hai kẻ hủ nho gàn dở đến quấy rầy mình cũng là một sáng tạo rất lí thú.

1 nhận xét:

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...