Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

FM974 Úc Châu :Ấn Độ: Xóm Mahul - Nơi Những Người Nghèo Nhất Mumbai Sống Chờ Chết

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 05/03/2018

   Xóm Mahul, nằm cách thành phố ồn ào, chật cứng người xe Mubai về phía đông không xa bao nhiêu là một cái làng đánh cá cũ, vốn đã bỏ hoang từ lâu, nay là chỗ ở của hơn 30 ngàn người dân nghèo sau khi khu nhà ổ chuột của họ bị chính quyền thành phố san bằng để dọn đường cho các dự án của kế hoạch phát triển thành phố.
   Những người này cư ngụ trong một cao ốc 72 tầng lầu, tường gạch loang lở núp bóng sau các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện và một số hảng xưởng làm phân bón, không khí nặc mùi hóa chất từ ngày tới đêm, chưa kể mùi hôi thúi từ các đường cống cầu tiêu chảy lấp xấp ven lề mấy con đường chật hẹp, tại cái bệnh viện công gần nhất, cách xóm Mahul chừng 15 cây số, bênh nhân sắp hàng chờ tới phiên mình, mang vải che miệng, ho xù xụ từng hồi một. Theo văn phòng kiểm soát ô nhiểm trung ương Ấn, tình trạng ô nhiểm không khí ở Mahul đang ở mức độ báo động, trong bản thăm dò của bênh viện KEM thành phố Mumbai, tìm thấy 67.1% người sống ở đây cho biết họ thường xuyên bị khó thở, 86.6% bị ngứa mắt và 84.5% từng cảm thấy bị nghẹt thở.
   Anita Dhole, một người đàn bà 40 tuổi, dọn về Mahul ở, sau khi nhà bà bị giựt sập để chính quyền lập ra một vùng an toàn quanh các đường ống dẫn dầu Tansa 12 tháng trước đây nói rằng, tại xóm Mahul, không có trường học, bênh viện, tiệm thuốc tây hay bất cứ cái gì gọi là có sự sống cả, nhưng lại có nhiều ống khói cao mịt mù đục ngầu và nhà thiêu người chết, theo bà, điều này được hiểu ngầm là, khi chính quyền đưa họ, những người nghèo của khu nhà ổ chuột tới Mahul, đến đây để chờ chết không hơn không kém. Cơ quan phụ trách dịch vụ nhân dụng thành phố Brihanmumbai (BMC) bắt đầu cho người đến Mahul ở từ 6 năm trước, sau khi tòa tối cao Ấn ra phán quyết buộc hội đồng thành phố này phải giải tỏa một khoảng rộng 10 thước ở hai bên đường ống dẫn dầu vì lý do an ninh và sức khỏe công cộng, sau khi cơ quan BMC thi hành việc đuổi nhà xây cất bất hợp pháp không lâu, người bị đuổi lục tục trở về dựng lều dựng chòi trở lại như trước.
   Tháng 9 năm ngoái, chính quyền đưa ra một kế hoạch mới với chi phí 45 triệu đô la, làm con đường riêng cho xe đạp và người chạy bộ dài 50 cây số dọc theo chiều dài của đường ống Tansa, chia làm hai đoạn, một từ xóm Mahul ở phía đông bắc tới Dharavi, trung tâm thành phố, hai từ Ghatkopa ở phía đông tới vùng Sion phía nam. Con đường này nhằm hai mục đích, dẹp bỏ được các khu nhà bất hợp pháp, tạo ra các khu vực trống trải và thoáng khí chung quanh các đường ống dẫn dầu cho công chúng và cũng có được một con đường với môi trường trong sạch thân thiện băng ngang qua thành phố Mumbai, vốn lúc nào cũng ứ đọng xe cộ và người, kế hoạch này sẽ bắt đầu vào tháng tư và hoàn tât trong vòng hai năm. Cho tới hôm nay, đã có 16 ngàn căn nhà hay lều bị giải tỏa dọc theo đường ống dẫn dầu, 6 ngàn cái nữa sẽ giựt sập trong những ngày tới, phần lớn người bị mất nhà sẽ được sắp xếp chỗ ở mới tại xóm Mahul. Rishi Agarwal, một chuyên viên về thiết kế đô thị ở Mumbai tin rằng, kế hoạch phát triển của chính quyền thành phố chỉ là việc dồn ép người dân nghèo vào đường cùn mà thôi, trong hai thập niên qua, chủ đích của chính quyền là đã đẩy người dân thấp cổ bé miệng ra ngoại ô hẻo lánh để xây nhà cửa gần trung tâm thành phố cho người giàu có hơn. Họ đã quăng những người nghèo mất nhà này vào các khu trú ngụ cũ kỹ, thiếu thốn mọi dịch vụ, phương tiện sinh sống căn bản như dọn dẹp rác rưới, nước uống, xe cộ di chuyển công cộng và đáng nói hơn cả, xóm Mahul chỉ là một thứ địa ngục trần gian.
   Kusum Gangavne, một kỹ sư điện toán, có cả hai cha mẹ đều chết sau 6 tháng họ về Mahul ở, hai ông bà khỏe mạnh trước khi tới đây, cô bùi ngùi nói thêm, nhưng ngay khi vừa tới Mahul không bao lâu, ông bà bắt đầu khó thở và bị suyễn khá nặng, họ qua đời trong vòng vài tháng. Chính bản thân cô, tay chân bị sưng phù, khó thở, ho khan thường xuyên và sụt cân không rõ lý do, cô đã bán vòng vàng của bà mẹ để mua bánh mì hàng ngày nhưng cô biết chắc, số tiền này sẽ không kéo dài hoài được, không giống như cái nhà khu ổ chuột trước đây nơi cô ở, cái này cũng gọi là nhà, có tường, có phòng tắm có nhà bếp nhưng để làm gì khi nó cũng là một lò hơi ngạt, chính quyền đuổi người dân đến đây bất cần nghĩ tới những nhu cầu căn bản trong đời sống của họ, chính quyền chỉ cần cung cấp những bức tường xi măng, vậy thôi, không có gì thêm nữa.
   Chưa kể đến chuyện nước xài nước uống, phẩm chất quá tồi tệ, một khi trong nước có lẩn cả màng dầu, nhiều người đã bị đau bao tử, một người khác, Subhash Jadhav, 52 tuổi, bị bệnh ngoài da ngứa sau khi đến Mahul ở, anh này  than phiền sự việc cho cơ quan BMC nhiều lần nhưng họ trả lời là không có đủ người làm cũng như quyền hạn. Không có trường học tại Mahul, cho nên hơn 130 trẻ em không được học hành đầy đủ, Bilal Khan, người tranh đấu cho nhà cửa người nghèo cho biết, sau khi anh than phiền, cơ quan BMC đã dựng tạm một cái trường dã chiến trong xóm nhưng không có lợi ích thiết thực gì cả, học sinh tuổi từ 6 tới 9 xếp chật cùng một lớp học và học cùng một bài, không có lớp nào cao hơn.Trạm xe lửa được gọi là gần nhất cũng cách xa Mahul hơn 8 cây số, cách di chuyển duy nhất là đi xe buýt nhưng theo dân sống ở đây, xe chạy không thường xuyên và họ có khi không có đủ tiền mua vé.
   Khi được hỏi liệu hội đồng thành phố Mumbai BMC có thể làm gì hơn thế nữa, ông MK Magar, nhân viên của BMC lắc đầu mà tin rằng, vấn đề ở xóm Mahul đã tới mức không dễ gì cải thiện, nếu không nói là quá trễ, theo ông, những người đang sống ở Mahul muốn được ở gần chỗ cũ, dù là chòi lều hơn là nơi này. Theo án lệnh của tòa án tối cao Ấn năm rồi, cơ quan BMC cho biết họ sẽ đưa ra dự án xây một trung tâm y tế và một trường học và bảo đảm là nước uống ở Mahul sẽ trong sạch, hợp vệ sinh, không bị nhiễm độc. Theo Agarwal, chuyên viên thiết kế đô thị nói trên, anh không cảm thấy hứng thú gì về dự án này, anh nói rằng, không phải chính quyền không có đủ tài lực hay nhân lực để làm nhưng chỉ vì họ không có một sự thông cảm nào dành cho hạng người nghèo khó.
   Với Sushila Yadav, một người thường dân nghèo ở xóm Mahul, bà e rằng nếu có một sự thay đổi nào xãy ra thì cũng đã quá trễ, bà mất đứa con trai 11 tuổi, Aman, ba năm sau ngày dời tới ở đây, do từ mùi hôi chất hóa học, bui khói ô nhiễm, chuyện bắt đầu từ việc khó thở, ho suyễn rồi lan ra tới nghẹt phổi, con bà chết vì những cái này, hiện đứa con gái 20 tuổi của bà, Komal cũng có những triệu chứng tương tự.
   Bà chán nản, tay bịt mũi, nhìn khói đen mù mờ trên đầu cái cao ốc xám xịch màu tường gạch, than thở, trước khi gia đình bà dọn tới Mahul theo lời của chính quyền, bà với chồng và bốn đứa con ở trong một căn chòi rộng không hơn 20 thước vuông, nằm sát bên cạnh đường cống cầu tiêu, khổ sở thật đó nhưng ít nhất mọi người đều sống được, giờ thì bà quyết đinh, sẽ bỏ Mahul cùng gia đình dắt díu nhau trở lại làm người sống bên lề đường chốn cũ hơn là ở đây chờ chết.
   
Thuyên Huy
Monday 05.03.2018

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...