Khoa học phát triển vượt bậc, nhưng đến tận giờ phút này chúng ta vẫn bó tay trước ung thư? Tại sao vậy?
Khi ung thư đang dần trở thành một vấn
nạn của thế kỷ, nhiều người cũng đặt ra một câu hỏi xem chừng rất khó
trả lời. Đó là tại sao chúng ta đã biết đến ung thư từ rất lâu, cùng với
sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, vậy mà vẫn không thể
ngăn chặn được nó?
Tại sao đến giờ phút này, phương thuốc chữa ung thư vẫn chưa được tìm ra?
Thực ra nếu đây cũng là thắc mắc của bạn, thì vấn đề là vì bạn và rất nhiều người, chúng ta không thực sự hiểu ung thư là gì.
Đầu tiên là về cơ bản, 2 chữ “ung thư”
không được dùng để chỉ một loại bệnh nhất định, mà là hàng trăm loại. Có
nghĩa, phương thuốc để “chữa ung thư” là những từ thực sự mơ hồ, không
hoàn toàn có ý nghĩa về mặt khoa học.
Tiếp theo, mỗi loại ung thư sẽ có triệu
chứng và bệnh lý khác nhau. Thậm chí riêng với 1 loại ung thư thôi cũng
có rất nhiều biến thể. Điều này có nghĩa việc tìm ra một phương thuốc
trị tất cả các loại ung thư là điều cực kỳ khó khăn, hay chưa muốn nói
là không thể, ít nhất là ở thời điểm hiện tại
Tất nhiên điều này không có nghĩa rằng
khoa học vẫn giậm chân tại chỗ. Ví dụ như với chứng ung thư tinh hoàn ở
nam giới, hiện tại tỷ lệ sống sót với căn bệnh này đã là 98% chỉ sau 1
thập kỷ. Ung thư da (melanoma) cũng vậy, với tỉ lệ sống sót đạt mốc 89%
Nhưng sau tất cả, việc điều trị ung thư
thực sự là rất khó khăn vì chính bản chất của căn bệnh. Ung thư vốn phát
sinh từ chính tế bào của chúng ta, khi các ADN bị đột biến khiến cho
một số loại tế bào phát triển mạnh, gây hại cho cơ thể.
Với mỗi cá nhân, chúng ta có hàng tá hệ
thống giúp ngăn chặn điều này, nên thực chất tỷ lệ phát sinh ung thư do
tế bào đột biến là tương đối thấp. Tuy nhiên, vì tế bào nhân bản và phân
chia đến hàng tỉ tỉ lần, rõ ràng cơ hội để ung thư xuất hiện là có thể
xảy ra.
Và cũng vì phát sinh từ chính tế bào,
nên hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể cũng rất khó để nắm bắt. Các bác sĩ
cũng vậy, họ cũng không thể chỉ nhắm vào các tế bào ung thư để điều
trị, mà vô tình tấn công cả tế bào lành tính nữa. Đó là lý do các bệnh
nhân ung thư khi điều trị đều rất yếu, vì các tế bào khỏe mạnh cũng bị
triệt tiêu rồi.
Hiện tại với mỗi trường hợp ung thư, các
bác sĩ phải lên phác đồ điều trị. Thông thường họ nhắm đến 2 hướng,
hoặc sử dụng thuốc để tấn công tế bào, hoặc tìm cách “đánh dấu” tế bào
ung thư để hệ miễn dịch tự triệt tiêu nó.
Nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Cùng một phương pháp điều trị, mỗi trường hợp lại cho phản ứng khác nhau. Một loại thuốc hiệu quả với người này, chưa chắc đã dùng được với người kia, dù họ mắc cùng một loại ung thư.
Tóm lại, chúng ta hiện tại (cũng có thể
là mãi về sau) không có thuốc chữa ung thư, nhưng vẫn có thể điều trị
được bệnh. Một số loại ung thư có thể dễ dàng xử lý, một số khác khó
hơn. Nhưng có lẽ trong tương lai được đầu tư nghiên cứu thêm, con người
sẽ tiệm cận đến những phương pháp hiệu quả với nhiều trường hợp ung thư
hơn so với hiện tại.
Tham khảo: IFL Science
Oct,Nguồn: Kênh 14
Hy vọng sẽ có thuốc chữa ung thư
Trả lờiXóa