Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Những vụ sát hại bằng chất độc chấn động nhất thế giới

Thế giới từng ghi nhận nhiều vụ án giết người bằng chất độc hóa học để gây khó dễ cho quá trình điều tra, trang News.com.au (Úc) đã liệt kê những trường hợp đáng chú ý nhất. 
Chất độc Xyanua và sát thủ máu lạnh
Sát thủ Mafia Richard “Iceman” Kuklinski từng thừa nhận giết hại hàng trăm người, bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng xyanua là loại chất độc mà y ưa thích nhất. Sát thủ khét tiếng Richard “Iceman” Kuklinski từng thừa nhận rằng hắn đã giết hại hàng trăm người.
Kuklinski phô trương thanh thế  bằng những vụ giết người dã man, bao gồm việc sử dụng súng, cuốc đá, nỏ hay thậm chí là khiến nạn nhân bị chuột ăn sống trong hang động.
Sau này, Kuklinski thừa nhận, vũ khí ưa thích nhất của hắn là đầu độc nạn nhân bằng xyanua (cyanide). Loại chất độc chết người này ngăn tế bào nhận oxy, khiến cho nạn nhân bị suy hô hấp hoặc suy tim.
Xyanua
Xyanua là một trong những chất độc nguy hiểm nhất.

Chi tiết những tội ác của Kuklinski được mô tả trong cuốn sách “Sát nhân máu lạnh: Lời thú tội của một sát thủ mafia” và bộ phim tài liệu cùng tên trên HBO.
Kuklinski nói rằng, hắn đã giết hại nhiều nạn nhân bằng cách xịt lên mặt họ chất độc. Mọi dấu vết sẽ biến mất sau vài ngày, khiến cho các nhà điều tra không thể xác định chính xác nguyên nhân cái chết.
Lần đầu Kuklinski sử dụng chất độc xyanua là khi sát hại người thân trong gia đình Trung úy Bonanno tại một sàn Disco ở New York. Sát thủ này đeo mặt nạ, cầm bơm tiêm chứa đầy xyanua và đâm vào mục tiêu ở sàn nhảy. Nạn nhân chết ngay tại chỗ, trước khi Kuklinski rời khỏi hiện trường.
Sát thủ Richard ‘The Iceman’ Kuklinski rất thích sử dụng chất độc xyanua.

Để kiểm tra độ mạnh của chất độc, Kuklinski còn dạo bước trên phố, tay bịt mũi và xịt vào một người đàn ông ngẫu nhiên hắn nhìn thấy. Nạn nhân ngã xuống đường, chết ngay lập tức. Các bác sĩ pháp y sau này xác định người đàn ông qua đời vì đau tim.
Kuklinski từng trộn bánh sandwich với xyanua cho 4 người cùng tham gia cướp tài sản ăn, khiến những người này mất mạng.
Sát thủ máu lạnh thậm chí chỉ đơn giản là tẩm xyanua vào quần áo của nạn nhân. Chất độc thấm vào da khiến họ chết không lâu sau đó.
Trong tất cả các phương thức này, Kuklinski nói xịt thuốc độc vào mặt nạn nhân là hiệu quả nhất, vì họ sẽ hít chất độc vào phổi.
Kuklinski bị cáo buộc 5 tội giết người và nhận án tù chung thân. Sát thủ máu lạnh này qua đời tháng 10/2005 ở tuổi 70.
Đầu độc bằng phóng xạ polonium-210
Tháng 11/2006, cựu điệp viên Nga Alexander Livinenko được cho là bị ám sát bởi Andrei Lugovoi and Dmitri Kovtun.
Hai điệp viên này lừa Litvineko đến khách sạn Millennium ở quảng trường Grosvenor, London. Tại đây, Litvinenko uống phải một tách trà chứa polonium-210. Theo nghiên cứu, nguyên tố phóng xạ này độc hơn xyanua dạng lỏng 250 tỷ lần.
Cơ chế hoạt động của polonium-210 khác biệt so với xyanua nên không làm nạn nhân chết ngay tức khắc mà hủy hoại cơ thể từ từ, không gì có thể ngăn chặn được. Ước tính chỉ 5 gam plutonium đủ để đầu độc cả nhân loại
Được dự đoán là có thể sống trong 138 ngày nhưng Litvinenko đã qua đời ngay trong tháng 11. Một khi được hấp thụ, chất phóng xạ này nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, đánh cắp electron từ bất cứ phân tử nào nó gặp phải, phá vỡ liên kết hóa học trong các tế bào sống, khiến cho tế bào chết dần.

Cựu điệp viên Nga
Cựu điệp viên Nga Alexander Livinenko bị nhiễm độc phóng xạ polonium-210.

Cựu điệp viên 44 tuổi này được chẩn đoán nhiễm độc phóng xạ, triệu chứng đầu tiên bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, rụng tóc và suy giảm hệ miễn dịch.
Litvinenko qua đời 3 tuần sau đó, sau khi phóng xạ lan đến xương tủy, gây tổn hại các cơ quan nội tạng.
Nhà nghiên cứu Nathaniel Cary nói, việc khám nghiệm tử thi Litvinenko là một trong những công việc “nguy hiểm nhất” ở phương Tây. Các chuyên gia phải mặc hai lớp đồ bảo hộ, găng tay, mũ với hệ thống cung cấp oxy riêng trong suốt quá trình khám nghiệm.
Andrei Lugovoi và Dmitri Kovtun đều phủ nhận cáo buộc giết người của Anh. Nga từ chối dẫn độ hai người này theo đề nghị của Anh.
Vụ tấn công bằng khí độc Sarin ở Tokyo
Gần 22 năm trước, một vụ tấn công khủng bố ở Nhật đã khiến 13 người thiệt mạng và 6.000 người khác phải chịu những di chứng của khí độc sarin gây tê liệt hệ thần kinh.
Ngày 20/3/1995, kẻ tấn công đặt một túi nhựa chứa sarin dạng lỏng trên các chuyến tàu điện ngầm trong giờ cao điểm.

Một người đàn ông bất tỉnh khi hít phải khí độc Sarin ở Tokyo năm 1995.

Vụ tấn công diễn ra đồng thời ở 5 địa điểm, do những kẻ sùng bái tôn giáo Aum Shinrikyo (Chân lý tối thượng) tiến hành.
Được phát triển bởi phát xít Đức những năm 1930, sarin là chất lỏng trong suốt, không màu, không mùi, không vị và bốc hơi thành dạng khí.
Một khi hít vào phổi hoặc hấp thụ qua da, loại khí này làm tê liệt cơ bắp, hệ thần kinh trung ương và cuối cùng khiến nạn nhân chết vì ngạt thở.
Những người may mắn được điều trị kịp thời dù bảo toàn tính mạng những vẫn có thể bị tổn thương vĩnh viễn ở phổi, mắt, hệ thần kinh. Đó là những nỗi đau mà các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố tàu điện ngầm 22 năm trước ở Tokyo vẫn phải gánh chịu cho đến ngày nay.
Theo nguồn tin trên tờ New York Times, các nạn nhân trúng độc loạng choạng bước ra khỏi tàu điện ngầm, một số ngã gục dưới sàn. “Khung cảnh lối vào tàu điện ngầm giống như một bãi chiến trường. Nhiều người bị chảy máu ở phần mũi và miệng”.
Khoảng 200 thành viên giáo phái Aum Shinrikyo bị kết tội giết người, trong đó 13 người bị tử hình, bao gồm thủ lĩnh Shoko Asahara.
Cái chết bí ẩn của vệ sĩ Putin

Roman Tsepov
Roman Tsepov

Trong khi đa số các vụ giết người bằng chất độc đều được xác định, không phải trường hợp nào cũng như vậy.
Cựu vệ sĩ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Roman Tsepov bị sát hại một cách bí ẩn sau khi dùng đồ ăn và thức uống.
Sau một chuyến đi đến Moscow, Tsepov phải nhập viện và qua đời 3 tuần sau đó.
Tiến sĩ Pyotr Pirumov nói, ông chưa từng gặp trường hợp nào như của Tsepov.
“Anh ta bị đầu độc giống như không bị đầu độc… Nó giống như hệ miễn dịch đột ngột ngừng hoạt động”.
Quá trình khám nghiệm tử thi cho thấy, có chất phóng xạ được sử dụng trong vụ giết người. Một số nguồn tin khác nói rằng, đây là loại thuốc sử dụng trong việc điều trị bệnh bạch cầu.
Mặc dù vậy, nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của vệ sĩ này không bao giờ được xác định.
Kim Jong-nam bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX
Cảnh sát Malaysia ngày 24/2/2017 tuyên bố phát hiện chất độc thần kinh VX trên mặt người đàn ông mang hộ chiếu công vụ Triều Tiên có tên Kim Chol. Malaysia và Hàn Quốc cho rằng, người đàn ông này là Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, các chuyên gia chưa thể lý giải được vì sao hai người phụ nữ tấn công nạn nhân lại không bị nhiễm loại chất độc được Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách vũ khí hóa học này.
Nghi phạm người Indonesia khai nhận bị nôn mửa vì chất độc thần kinh VX. Malaysia sau đó đã tẩy độc toàn bộ sân bay đề phòng trường hợp thuốc độc vẫn có thể phát tán. Vụ án hiện vẫn đang được điều tra.

Kim Jong-nam
Kim Jong-nam (giữa) anh trai lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Salafy News)

Chất độc thần kinh Novichok
Vụ đầu độc chấn động thế giới gần đây nhất xảy ra vào ngày 4/3/2018 tại Anh. Cảnh sát Anh ngày 7/3 đã xác nhận, cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia là nạn nhân trong một vụ mưu sát bằng chất độc thần kinh Novichok.
Ông Skripal, 66 tuổi, cùng con gái Yulia, 33 tuổi, hôm 4/3 tới nghĩa trang thăm mộ vợ ông là bà Liudmila vài giờ trước khi bị phát hiện bất tỉnh trên ghế băng ngoài trung tâm mua sắm thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh.
Vụ đầu độc kinh điển này nhanh chóng đẩy mối quan hệ của Anh và Nga lên nguy cơ đối đầu, khi hai nước liên tiếp đưa ra tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã lên tiếng ủng hộ nước Anh.
Ngày 15/3, Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố chung với Pháp, Đức và Anh Quốc, lên án Nga tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông bằng chất độc Novichok, một tác nhân thần kinh cực độc do quân đội Liên Xô phát triển, theo Nhật báo Phố Wall (WSJ).
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái của ông bị đầu độc tại một công viên ở miền Nam nước Anh. (Ảnh: ITB News)
Minh Đức tổng hợp

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...