Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

BÀ TÁM LÀ AI ,,,? (Hồ Nguyễn)


Trong khẩu ngữ Việt nam, người ta hay dùng từ “Tám” hay hai tiếng “Bà Tám” để chỉ việc tán gẫu kéo dài; chỉ đến những người nhiều chuyện, nhiều lời như:
        “Vừa thôi Bà Tám ơi! Rảnh quá hả!”hay “Thôi bỏ đi Tám”.
         Nguồn gốc từ ngữ “Tám”, hay “Bà Tám” có từ đâu?
       “Bà Tám” là một hình thức giao phỏng (loan translation), có lẽ bắt đầu ở tiếng Việt miền Nam, chỉ có ở miền Nam. Mà ở miền Nam thì bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông là “pát phò”[八婆], đọc theo âm Hán Việt là “bát bà”, dịch đúng nghĩa gốc là “bà tám”. Đây là một đặc ngữ của tiếng Quảng Đông ở Hồng Kông, dùng để chỉ người phụ nữ hay để ý hoặc bàn tán đến chuyện của người khác; hiểu rộng ra, là người đàn bà nhiều chuyện (talkative woman). Ở những địa phương khác của Trung Quốc, thì gọi hạng đàn bà nhiều chuyện này là “trường thiệt phụ” [長舌婦], nghĩa đen là “con mẹ lưỡi dài”.
       Trực tiếp đóng góp vào sự ra đời của danh ngữ “Bà Tám” này trong tiếng Việt là dân làm ăn liên quan đến ngành điện ảnh và truyền hình. Sau khi phim Tàu, đặc biệt là phim Hồng Kông nói tiếng Quảng Đông, được một vài đài truyền hình phát sóng thì phát sinh yêu cầu phải thuyết minh và lồng tiếng. Để làm vậy, trước hết phải dịch. Nhưng khổ thay, người dịch có lẽ cũng chạy theo nhịp điệu hối hả của thị trường chứ nào thực sự yêu mến tiếng Việt, thực sự thấu hiểu từ nguyên. Chưa kể, trong đó có thể có cả những tay người Việt gốc Hoa thì làm sao tránh khỏi chuyện “pát phò” trở thành “Bà Tám”! Trong khi đó, tiếng Việt đâu có thiếu từ, hay những chữ tương ứng với khái niệm “con mẹ Tám” của gốc Tàu Quảng Đông! Nguồn trực tiếp đem đến từ ngữ này là phim. Từ thời xa xưa, các phim Trung Quốc dần nhập vào nước ta, do đó việc dịch thuật và lồng tiếng phim đã chuyển từ tiếng Hán trên thành từ "bà Tám", được gọi lần đầu tiên ở miền nam Việt Nam sau đó được gọi cho đến ngày nay ở khắp đất nước.
                           Thôi bỏ đi Bà Tám; hoặc Thôi bỏ đi Tám!
      “Bà Tám” dần dần đưa đến từ “tám” phái sinh bằng cách ngắt bỏ từ “bà” đằng trước, nhiều phần cũng là do nhu cầu động từ hóa. Thế là có động từ “tám” và danh ngữ “bà tám” - mẹ đẻ của nó - tồn tại song song trong khẩu ngữ. “Bà Tám” dùng để chỉ những người nhiều chuyện, còn “tám” thì dùng để chỉ hành động của những người này. Người ta ngày nay gọi các bà, các cô thường hay ngồi nói phết về chuyện người khác là “Hội các bà Tám” hay “Hội các bà nhiều chuyện” (Talkative women association). Hội nầy qui tuj các bà có khả năng “chuyện không nói có; chuyện có ít nói ra nhiều, thêu dệt quá đáng”. Thật là các bà quá rảnh. Còn TÁM và TÁN có liên quan gì không?
       Cứ như trên thì TÁM là do BÀ TÁM mà ra. Còn TÁN thì chẳng có liên quan gì đến TÁM về mặt nguồn gốc vì đó là một từ Việt gốc Hán chính tông, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [讚] mà âm Hán Việt chính thống hiện đại chính là… TÁN. Ở đây, TÁN [讚] có nghĩa là “khen”, “ca ngợi”, như có thể thấy trong TÁN DƯƠNG, TÁN MỸ, TÁN TỤNG, v.v... Nó cũng được dùng như danh từ để chỉ một thể văn có nội dung ca ngợi một người, một vật hoặc một sự việc nhất định.
       Từ này cũng được ngôn ngữ Phật giáo dùng để chỉ hành động ca ngợi Đức Phật và cũng biến nó thành danh từ để chỉ những bài kinh ca tụng Đức Phật. Nghĩa của TÁN trong TÁN GÁI thực ra cũng bắt nguồn từ cái nghĩa “khen”, “ca ngợi” này của chữ TÁN [讚]. Chẳng có chàng trai nào đi tán gái mà lôi khuyết điểm về tư cách hoặc dung nhan của “đối tác” ra mà chê. Chẳng “em có khuôn mặt trái xoan ưa nhìn” thì cũng “miệng em cười rất duyên, môi em đỏ thắm” hoặc “em ơi, sao em không bớt đẹp đi cho anh đỡ ngày thương đêm nhớ”, v.v... Tán gái, suy đến cùng, chẳng qua là dùng ngôn từ quyến rũ làm phương tiện để ve gái mà thôi. Thế là nghĩa gốc của chữ TÁN [讚] vẫn còn nằm trong cái lõi của ngữ động từ TÁN GÁI. Trong TÁN DÓC, TÁN GẪU, nó đã đi xa hơn, rộng hơn nhưng cũng xuất phát từ đó.
       Trong ca dao hay thơ bình dân người ta cũng có nghe vài mẫu “Bà Tám”như:
"Bà con ơi, ra đây mà coi,
Con cá thòi lòi nó bò lên bờ.
Hai mắt trơ trơ nhìn trước nhìn sau,
Giống như bà Tám, thiệt là ở không.
Lê la nghe ngóng xóm dưói làng trên,
Cái số hỏng chồng lo chuyện bao đồng.
Hay:
Ơi Tám ơi!
Bà Tám ơi!
Con ngựa có sừng, cán cuốc trổ bông.
Mèo gáy, chuột kêu, chuyện không nói có,
Nắng mưa vui buồn đen trắng thị phi.
Nhiều chuyện mà làm chi,
Chẳng hay ho gì.
Đừng để bà con cô bác thị phi chê cười.
       Đó là hình ảnh các Bà Tám trong dân gian thường biếm nhẽ.
       Hồ Nguyễn cũng có bài thơ tếu sau đây:
          MẤY BÀ TÁM
Bà Tám ham mê nói chuyện người,
Cả ngày bố láo giọng lười ươi.
Chuyện người chỉ một nâng lên tám,
Việc có hay không ném đến mười.
Sáng sớm vây quanh ngồi mách lẽo,
Chiều sang dựng thóc thọc chê cười.
Khen cho cái đám ngông Bà Tám,
Rảnh quá ngồi lê mách chuyện người!
                       Hồ Nguyễn (2018)
Tài liệu do Hồ Xưa sưu tầm và viết lại_

* Ảnh của Văn Nghệ,chỉ minh họa____________________________________________

1 nhận xét:

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...