KHUÊ OÁN
Vương Xương Linh
閨怨 KHUÊ OÁN
王昌齡 Vương Xương Linh
閨中少婦不知愁, Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
王昌齡 Vương Xương Linh
閨中少婦不知愁, Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
春日凝妝上翠樓。 Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu.
忽見陌頭楊柳色, Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
忽見陌頭楊柳色, Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
悔教夫婿覓封侯。 Hối giao phu tế mịch phong hầu.
Chú Thích :
Ngưng Trang : là Trang điểm hoàn hảo, lộng lẫy.
Thúy Lâu : là Lầu Thúy, lầu có hoa cỏ xanh biếc chung quanh.
Hốt : là Bất chợt. Hốt Kiến :là Chợt trông thấy.
Mạch Đầu : là Đầu đường, nơi ngã ba ngã tư.
Hối Giao : Giao vốn là chữ GIÁO 教, có nghĩa là DẠY. Ở đây được sử dụng như Phó Từ, có nghĩa là Thúc Giục, là Thôi Thúc. Nên...
Hối Giao là Hối hận vì đã thúc giục.
Mịch : là Tìm kiếm.
Phong Hầu : là Hầu tước, là Làm quan, ở đây chỉ Công danh.
Nghĩa Bài Thơ :
Nỗi Oán Hờn Trong Phòng Khuê
Nàng thiếu phụ trong phòng khuê không hề biết đến sầu muộn là gì. Ngày xuân nàng mới trang điểm lộng lẫy bước lên lầu thúy. Bất chợt nàng trông thấy sắc liễu xanh tươi ở đầu đường, mà động lòng hối tiếc về việc đã thúc giục phu quân của nàng đi tìm chữ công danh.
Đây là bài thơ Khuê Oán nổi tiếng trong văn học cổ, diễn tả lại cái tâm lý biến đổi của những nàng mệnh phụ trẻ đang tràn đầy sức sống với lòng xuân phơi phới. Câu đầu dùng phép phản diện đi ngược lại với chủ đề bằng 3 chữ " Bất tri sầu " để chỉ cái tâm lý vô tư của nàng thiếu phụ trong nếp sống vàng son. Kịp đến câu 2 khi xuân đến, nàng mới trang điểm thật đẹp để lên lầu thưởng xuân ngắm cảnh. Bài thơ tứ tuyệt 4 câu đã đi hết 2 câu đầu rồi, mà vẫn chưa thấy OÁN ở đâu cả. Nên câu 3 phải đột biến bằng chữ HỐT là Bỗng nhiên, là Bất chợt trông thấy vẻ xanh om tươi tốt tràn đầy sức sống xuân của cây liễu ven đường, mà mình thì cô đơn vò vỏ có một mình trong cảnh tình xuân đang độ, đưa đến sự hối hận của câu 4. Hối hận vì trước đây đã lỡ xúi giục, thôi thúc khuyên chàng đi lập chữ công danh, nên giờ mới cô đơn chiếc bóng một mình đơn độc trong cảnh mùa xuân tràn đầy nhựa sống !
Bài thơ chỉ sử dụng 3 chữ " bất tri sầu " và không có một chữ Oán nào cả, nhưng oán và sầu lại bàng bạc tràn đầy sau sự hối hận tiếc nuối của nàng cô phụ vọng phu !
Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc đoạn diễn tả nỗi lòng của người chinh phụ, Đặng Trần Côn cũng mượn 2 câu cuối của bài nầy và đã được Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm rất hay như sau :
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
Diễn Nôm :
Khuê phòng thiếu phụ sầu chưa biết,
Trang điểm lên lầu ngắm cảnh xanh.
Chợt thấy ven đường màu liễu thắm,
Hối khuyên phu tướng lập công danh.
Lục bát :
Phòng khuê nàng chửa biết sầu,
Ngày xuân trang điểm lên lầu ngắm xuân.
Chợt nhìn sắc liễu bâng khuâng,
Hối khuyên chàng vội tìm đường công danh.
Vương Xương Linh (698-756) tự là Thiếu Bá, người đất Thái Nguyên Sơn Tây, là thi nhân nổi tiếng thời thịnh Đường. Thơ của ông cùng xếp ngang hàng với Cao Thích, Vương Chi Hoán.
Ông đậu Tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 15 đời Đường Huyền Tông, nổi tiếng về thơ biên tái, tả lại những cảnh hùng vĩ hiểm ác của chiến trường. Ông chuyên về thơ Thất ngôn Tứ tuyệt, nên có mỹ hiệu là " Thất Tuyệt Thánh Thủ " và là "Thi Thiên Tử " của đương thời.
(Trích tập :Đường Thi tuyển Độc-Đỗ Chiêu Đức)
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc, xin cảm ơn
Trả lờiXóa