Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

CÂU ĐỐI CỦA CÔ HÀNG PHỞ ( Từ Bâng Khuâng.Blog )

Câu chuyện này in trong cuốn CHƠI CHỮ, xuất bản ở miền Nam năm 1960 của tác giả Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, tại hạ đọc khá lâu giờ ghi lại theo trí nhớ, nội dung chuyện - nhất là các câu đối bảo đảm đúng 100%. (hơi tự hào chút xíu). Còn lời văn tại hạ viết theo "cái gì sót lại sau khi đã mất" trong miền ký ức, không như ý muốn.
Mời quý bác có nhã hứng để bổ sung câu đối nhé!

CÂU ĐỐI CỦA CÔ HÀNG PHỞ


Một quả phụ tài sắc, lại chịu ở lâu trong cảnh hiu quạnh, mở ngôi hàng phở để mưu sống qua ngày. Khách ùn ùn kéo đến, không hẳn chỉ vì phở thôi mà ắt hẳn vì nhan sắc của nàng, khiến cho nàng phải tính dẹp bớt sự tấn công nham nhở của cánh đàn ông đủ mọi thành phần, mọi nghề nghiệp, bằng cách ra vế đối :

NẠC MỠ NỮA LÀM GÌ, EM NGHĨ CHÍN RỒI, ĐỪNG NÓI VỚI EM CÂU TÁI GIÁ




Câu đối này thật hóc búa, vì những chữ về phở đều có hai nghĩa: nạc, mỡ, chín, tái, giá.

Một ông chủ hớt tóc vẫn đeo bám đã phản pháo lại cô hàng phở:

TÓC TƠ ĐÂU PHẢI DỠ, TỚ LIỀN KÉO LẠI, CHỚ HÒNG TRỐN TỚ CHUYỆN DAO (GIAO) ĐẦU.

Một ông hai thứ tóc cũng gùn ghè :

MUỐI TIÊU CHI ĐÁNG NGẠI, LÃO CÒN GÂN CHÁN, HÃY VUI CÙNG LÃO TÁT GẦU DAI.

Ông thứ ba có lẽ là "giang hồ đại ca", sau nhiều lần tán tĩnh nhưng bị người đẹp từ chối khéo, tỏ ra nóng nảy:

HÀNH TỎI VỪA THÔI CHỨ, KHÁCH HĂNG TIẾT ĐẤY, KHÔNG NGHE THỬ KHÁCH CHÚT RĂM MÙI

Ông hàng cá lên tiếng:

CÁ NƯỚC VUI ĐI CHỨ, TỚ LÊN SỐT SẴN, NỠ NÀO ĐỂ TỚ PHẢI OM TÔM!

Ông thầy bói cũng lao vào xủ quẻ cầu tình:

CÀN KHÔN ĐÂU CŨNG MẶC, LÃO XIN GIEO LẠI, BỀ NÀO LÃO CŨNG CHẲNG CAN CHI

Ông thầy lang muốn "bốc hốt" nhiều thang thuốc và chích dạo... nên ra chiều hăm doạ:

THUỐC THANG CHƯA ĐỠ HẢ, TỚ CÒN BỐC NỮA, KHÔNG NGHE THÌ TỚ SẼ TIÊM LIỀU.

Anh hủ nho Bắc Hà thủ thỉ thầm thì tán tỉnh nàng bằng cách vẽ ra chuyện trăm năm:

THỊT XƯƠNG TÌM CHỐN GỬI, MỖ XIN TÔ NỮA, THỬ VUI CÙNG MỖ CUỘC DAO CHANH (GIAO TRANH)

Sau cùng thì một ông già bán tiết canh nói ngọng sau khi đọc các câu đối trên, bèn suy nghĩ:
Có một bông hoa thôi mà bấy nhiêu con bướm lượn, thiết tưởng để nàng được tiết hạnh trăm năm là hơn, hắng giọng lên tiếng :

TIẾT XƯƠNG (SƯƠNG) THÔI GIỮ VẸN, LÃO KHÔNG HÀNH NỮA, BIẾT THÂN RỒI, LÃO CHẲNG CHANH (TRANH) LÈO!

Lúc này cô hàng phở tâm hồn xao xuyến, nhưng vẫn còn lưỡng lự chưa biết chọn anh hào nào.
Thấy vậy, Kha Tiệm Ly hảo hán - bằng hữu của tại hạ, hiên ngang tham gia tranh đoạt "vưu vật" bằng vế đối sau:

TA TÀU CHI CŨNG VẬY, MỖ MÀ XỈN TỚI, CHỚ HÒNG HỎI MỖ CHUYỆN ĐÔNG TÂY.

Nhìn chung thì cũng khá chỉnh, nếu nói tới rượu thì cũng có "Ta, Tàu, xỉn, Đông, Tây" so với "nạc, mỡ, chín, tái, giá" trong vế xuất.
Biết đâu cô nàng lại gieo tú cầu nhằm chọn Kha huynh rồi bỏ hàng phở để tái giá cũng nên!
Nhưng vế đối của Kha Hảo Hán buộc cô hàng phải thêm chữ rượu trước các chữ Ta, Tàu, Đông, Tây (trừ chữ xỉn) mới rõ nghĩa để các thí sinh khác khỏi thắc mắc nếu Kha hảo hán bắt trúng quả tú cầu do cô hàng phở gieo.
Qúy bác nào có hứng khởi, thì viết vế đối để "báu vật để đời" không chỉ dành cho Kha Tiệm Ly Hảo Hán hưởng thụ thôi nhé!

                                                                        La Thụy sưu tầm

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...