Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Kẻ cắp xe đạp-1 phim hay-Bình luận của Nguyễn Nhật Ánh


Kẻ cắp xe đạp

1. Trong nghệ thuật thứ bảy, có nhiều bộ phim liên quan đến xe đạp nhưng Kẻ cắp xe đạp của đạo diễn người Ý Vittorio De Sica có lẽ là bộ phim nổi tiếng nhất. Phim đen trắng 33 li, sản xuất từ năm 1948, đến bây giờ xem lại vẫn rưng rưng xúc động.

Cốt truyện đơn giản: Vợ chồng Ricci và hai đứa con nhỏ sống nhờ vào chiếc xe đạp, phương tiện để Ricci đi dán áp phích quảng cáo mỗi ngày. Trước đó, do đời sống khó khăn, Ricci đã đem chiếc xe đạp đi cầm. Để chuộc chiếc xe ra khỏi tiệm cầm đồ, vợ anh buộc lòng tháo tất cả drap trải giường đem bán. Rồi một ngày kia, chiếc xe đạp của Ricci bị kẻ gian đánh cắp. Đó là một thảm họa: trong thời kỳ kinh tế suy sụp sau Thế chiến 2, mất chiếc xe đạp đồng nghĩa với mất công ăn việc làm. Sau một thời gian truy tìm trong vô vọng, Ricci nảy ra ý định ăn cắp xe đạp của người khác. Anh bị bắt và áp giải trong nỗi phẫn hận và nhục nhã giữa đám đông, đặc biệt trước cặp mắt đứa con trai bé bỏng của anh.

Các nhà phê bình điện ảnh đánh giá rất cao bộ phim Kẻ cắp xe đạp, xem nó như viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho trường phái tân hiện thực. Ảnh hưởng của nó được tìm thấy trong nhiều tác phẩm của các đạo diễn tài danh khác, kể cả các đạo diễn đương đại.

Vào năm 1958, 10 năm sau ngày ra mắt, tại Hội chợ triển lãm quốc tế Brussels, Kẻ cắp xe đạp được các đồng nghiệp bình chọn là một trong 10 bộ phim xuất sắc nhất thời đại.

Không chỉ chinh phục giới hàn lâm, Kẻ cắp xe đạp cũng mê hoặc cả đại chúng. Nó đứng đầu bảng xếp hạng các phim hay nhất trên tạp chí điện ảnh Sight & Sound của Anh 10 năm liền. Kẻ cắp xe đạp nổi tiếng đến mức Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ lần đầu tiên buộc phải trao bằng khen cho một phim không nói tiếng Anh. Từ tiền lệ này, giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất ra đời như một hạng mục mới. 



                                Hai bố con Ricci - Bruno trong phim Kẻ cắp xe đạp.

2. Tôi không nhớ tôi đã xem bộ phim này lần đầu tiên vào năm nào, có lẽ đã khá lâu. Sau đó thỉnh thoảng tôi vẫn lôi ra xem lại và quả thực tôi không làm sao quên được gương mặt và đôi mắt của cậu bé Bruno do Enzo Staiola thủ vai.

Các bài báo viết về phim này thường nhắc đến người bố Ricci do diễn viên nghiệp dư Lamberto Maggiorani thể hiện. Dĩ nhiên Lamberto Maggiorani với khuôn mặt xương xương, hiền lành, cam chịu đã vào vai một Rucci bị số phận giày vò đến tuyệt vọng một cách xuất sắc. Nhưng nhân vật ám ảnh tôi nhiều nhất là chú bé Bruno.

Bruno là một chú nhóc chừng 7 tuổi, ngây thơ, lanh lợi. Giống như bố, chú cũng đi làm. Chú phụ việc ở một cây xăng nhỏ trong thị trấn. Mỗi buổi sáng, Ricci đặt con ngồi trên chiếc đòn ngang phía trước xe đạp, chở tới cây xăng. Bruno ngồi gần như lọt thỏm trong lòng bố, gương mặt rạng ngời hạnh phúc, chốc chốc lại ngước mắt nhìn bố đầy yêu thương. Sau đó hai bố con tạm biệt nhau trước khi Ricci, thang trên vai và xô hồ dán treo toòng teng trên ghi đông, chở xấp áp phích đi dán ở các bức vách dọc phố.

Ngày Ricci bị kẻ gian đánh cắp xe đạp, cũng là ngày đầu tiên Bruno theo bố đi bộ từ cây xăng vềø nhà. Kể từ lúc đó, gần như Bruno luôn lẽo đẽo theo bố trong quá trình truy tìm chiếc xe đạp bị mất. Chú cũng xông ra chợ trời (nơi bán đồ phi pháp), cũng láo liên, lùng sục, bị các chủ sạp quát mắng xua đuổi, trượt ngã khi chạy theo bố trong mưa, thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn bố bằng ánh mắt chia sẻ, thăm dò - trong vô vọng.

Khi Ricci quá mệt mỏi giữa ma trận truy lùng, hoàn toàn tuyệt vọng trong việc tìm lại chiếc xe đã mất, viễn cảnh túng đói đang hiện về mồn một trong tâm tưởng, ông chợt nhìn thấy một chiếc xe ai đó dựng hớ hênh ngoài quảng trường. Thế là ông nảy ra ý định đánh cắp chiếc xe. Dĩ nhiên Ricci không muốn con trai nhìn thấy ông từ kẻ đi bắt cắp đột ngột trở thành kẻ cắp. Ông phân vân đi tới đi lui, đấu tranh tư tưởng, cuối cùng móc tiền đưa con: “Đi xe điện đến Monte Sacro chờ bố!”.

Bruno vâng lời bố, cầm tiền bỏ đi, nhưng chẳng may khi chú tới nơi xe điện cũng vừa rời trạm. Thế là Bruno thất thểu quay lại quảng trường, vô tình chứng kiến cảnh bố chú bị mọi người vây bắt vì tội đánh cắp xe đạp. Lúc đó, ánh mắt của Bruno trên màn ảnh thể hiện một thứ tình cảm rất phức tạp khiến người xem cảm thấy nhói lòng. Chú chen vào đám đông, níu lấy tay bố, chỉ biết thốt lên tiếng kêu xé lòng: “Bố ơi”.

3. Khi mọi người áp giải Ricci đi, Bruno lủi thủi phía sau, cúi xuống nhặt chiếc mũ bố chú đánh rơi, vừa phủi bụi trên chiếc mũ vừa thổn thức. Vẻ mặt của chú vừa ngơ ngác, vừa lo lắng, vừa hoang mang - vẻ mặt không thể nhầm của một thiên thần bất ngờ lạc ra khỏi thiên đường tươi đẹp quen thuộc.

Mặc dù Ricci được chủ chiếc xe tha bổng, nhưng chắc chắn trong thâm tâm ông đau đớn biết mình đang đứng trước vành móng ngựa của đứa con bé bỏng. Mà đứa con bé bỏng đó, rất yêu bố mặc dù có thể nó không ý thức được tình cảnh cùng đường của người bố giữa thời cơm áo khó. Bruno đi cạnh bố, rón rén nhét chiếc mũ vào tay ông. Và khi bố nó nhìn nó rồi bật ra tiếng nức nở, nó đã thò tay nắm chặt tay ông, như để sẻ chia, để sưởi ấm trái tim người bố lỡ vận bằng tình yêu thơ dại con trẻ.

Phim kết thúc bằng cảnh người bố lầm lũi bước, mặt nhàu đi như ai vò, đứa con bảy tuổi lếch thếch bên cạnh, chốc chốc lại ngước mắt nhìn ông - như trước giờ vẫn thế.

4. Tôi đã xem đi xem lại phim này nhiều lần, lần nào cũng dằn vặt với ý nghĩ: Đứa bé kia đang nghĩ gì? Tâm trạng của nó ra sao? Cõi lòng người bố thì ai cũng có thể hình dung được. Nhưng chú bé Bruno thiên thần kia, chú còn quá bé để nhìn thấy lý do biện minh cho hành động của bố chú. Xưa nay, chú rất hay ngước nhìn bố, bao giờ cũng ngước nhìn bố, như hoa hướng dương luôn ngước về phía mặt trời, yêu thương, tin cậy và ngưỡng mộ. Như mọi đứa trẻ khác, người bố luôn luôn là thần tượng trong mắt Bruno. Nhưng sau sự việc tồi tệ kia, thần tượng trong lòng chú có sụp đổ? Giả như điều đó xảy ra, chú có kịp lớn để thông cảm cho bố chú và để hiểu rằng người lớn cũng có thể mắc phải sai lầm nếu chẳng may sa chân vào nghịch cảnh, hay chú sẽ mãi mãi đánh mất niềm tin vào cuộc sống và con người?

Tôi không trả lời được thắc mắc đó nhưng ngay khi thắc mắc vẫn còn là thắc mắc, tôi kịp nhận ra rằng trước khi làm bất cứ điều gì sai trái, dù nhỏ nhặt, nếu người lớn biết nghĩ đến tâm hồn trong sáng mỏng manh và dễ tổn thương của trẻ con, chắc chắn họ sẽ kịp dừng lại trước khi đối diện với tòa án của lương tâm và bị nỗi đau cầm tù suốt phần đời còn lại...

NGUYỄN NHẬT ÁNH 



1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...