Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

NGÀY MỚI ĐẦU NĂM - Thơ Duy Anh Và Bài Họa Của Các Thi Hửu


NGÀY MỚI ĐẦU NĂM

Thức dậy, kéo rèm, đón cái hên!
Vợ còn say ngủ, cuộn ôm mền.
Êm êm hơi thở đều kề cạnh
Dịu dịu mùi hương thoảng kế bên.
Sương muối ngoài vườn đang đọng lá
Bài thơ trong trí đã thành tên...
Nhâm nhi thưởng thức cà-phê sáng
Ngày Mới Đầu Năm, nắng đã lên!
DUY ANH (01/01/2025)


Thơ Họa:

1./ BUỔI SÁNG ĐẦU NĂM

Lâu rồi quên bẵng chuyện xui, hên
Dẫu biết minh niên, vẫn quấn mền
Xác lão nằm trơ vơ giữa tết
Tay gầy níu rỗng trống hai bên
Vườn sau rộn bướm ong mừng tuổi
Ngõ trước vang tùng bách xướng tên
Hội trẩy xuân đời vui chúc tụng
Lửa lòng tôi nhóm đợi bùng lên
Lý Đức Quỳnh
1/1/2025

2./ SÁNG ĐẦU NĂM

Năm mới rồi ư , thấy quá hên
Đạp tung tất cả mớ chăn mền
Ra vườn chạnh nhớ, người xa tít
Vô bếp thả buồn, lửa sát bên
Lời hát mừng Xuân nghe rộn tuổi
Bài thơ chúc Tết gởi quen tên
Chờ nhau xông đất, cùng thăm viếng
Hoa nở ngạt ngào hương ngát lên …
Hawthorne 31 - 12 - 2024
CAO MỴ NHÂN



3./ CẦU


Cầu chúc đôi người sẽ được hên
Xuân nầy được đắp lên da mền
Không cần vào bếp hơ hơi lửa
Chẳng muốn ra ngoài ngắm khói bên
Ai đốt pháo hoa vui đón tết
Mình nhìn khung cảnh vẻ ra tên
Cà phê buổi sáng cùng chiêm ngưỡng
Thời khắc êm đềm khẽ nói lên.
2024-0101
Võ Ngô


HỌA 4 : MÌNH HÊN!

Năm sang hy vọng mọi điều hên,
Vợ vắng mình ên chỉ có mền.
Một bóng phòng không trơ kẻ cạnh,
Cô đơn chỉ có gối mền bên.
Ngoài hiên gió thổi lao xao lá,
Cạnh góc nhà kề vẳng gọi tên.
Trằn trọc suốt năm canh đến sáng,
Giựt mình cửa đập gọi “mau lên!”
*
Vẳng bên hàng xóm tiếng “mình hên!”
HỒ NGUYỄN (01-01-2025)


HỌA 5 : THỬ VẬN ĐẦU NĂM.

Thử vận ngày đầu thiệt quá hên!!?
Bầu cua thua đậm mặt như mền
Bài cào bù mãi chung trơn túi 
Xì dách hoắt hoài chạy đổi bên 
Tiu nghỉu về nhà, lòng trách dạ
Âm thầm vô cửa, vợ kêu tên 
Bao ngày dành dụm giờ bay sạch 
Bà xã cằn nhằn,nổi đóa lên!!
LAN.
(01/01/2024).


HỌA 6 :KHAI BÚT CHÀO NĂM MỚI

Thức trọn đêm đầu để lấy hên
Liền tay gõ phím …chẳng quên mền
Từng dòng chậm rãi dàn trãi cạnh
Bấy chỗ lừng khừng gạt xuống bên
Ngẫm lại suy đi chưa thuận ý
Truy cùng xét lại nỏ hợp tên
Nghiêng đầu một lúc trời đà sáng
Tỉnh dậy nom trời rạng hẳn lên…
Mai Vân-VTT, 01/01/25.

HỌA 7 :   GIAO THỪA

Giao thừa năm mới thức cầu hên 
Ngái ngủ ông kêu bà quấn mền 
Thêm nữa ngủ ngon rồi sẽ tính 
Dần dà cứ sát cạnh gần bên 
Đầu làng chuông đổ chùa kinh sáng 
Mừng tuổi cháu con đứng nhắc tên 
Nắng ấm ửng hồng chim ríu rít 
Bình minh êm đẹp hẳn tươi lên ..
                     Yên Hà 
                    1/1/2025 


HỌA 8 :CỤ TÚ THAN

Buồn thay chỉ thấy rủi nào hên!
Được tiếng đăng khoa cụ Tú Mền (*)
Bèn ả phù dung kề tận miệng,
Thêm nàng đào hát cặp kè bên?
Bao lần vác chõng vẫn là Tú,
Mấy lượt đề bảng chẳng có tên.
Khoa bảng ngày xưa sao khó thế!
Để đồ này ngóng muốn điên lên!
Đỗ Quang Vinh 
phụng họa
ngày đầu năm 2025

HỌA 9 :HẠNH PHÚC ĐẦU NĂM

Sát Tết mà còn gặp dịp hên
Được mua giảm giá bộ drap mền
Cho con ấm dạ nằm kề cận
Để vợ an lòng ngủ kế bên
Trời lạnh càng thêm in đậm Tết
Thân mềm lại khiến khắc sâu tên
Gia đình hạnh phúc mừng xuân mới
Câu hát yêu đời ngân vút lên...
Sông Thu
( 02/01/2025 )


HỌA 10./ XUÂN MỚ


Thức trọn countdown để được hên

Hải Đường ngày ấy vẫn nằm bên

Đầu kề chân tựa nghiêng làm gối

Thân giữ  chăn bao cuộn lấy mền

Tin nhắn vừa trao liền đáp bạn

Email sắp gởi mãi tìm tên

Bình minh ló dạng sau rèm cửa

Tia nắng xuân nồng ấm hẳn lên 

Hưng Quốc 

Texas 1-1-2025


Chú Thích của Đỗ Quang Vinh:
(*) Tú, kép, mền, đụp là tên gọi dân gian chỉ các lần đỗ Tú tài trong khoa bảng nước ta thời phong kiến. Khoa thi Hương ở nước ta được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1396 đời Trần Thuận Tông. Thi Hương được tổ chức tại các trường (“Hương” có nghĩa là quê hương của người thi), nhưng không phải tỉnh nào cũng
được tổ chức. Trường thi chia ra làm nhiều vùng. Ba bốn trấn hoặc tỉnh cùng thi
ở một nơi, thí dụ trường Nam là tập trung thí sinh ở các tỉnh chung quanh Nam Định, trường Hà tập trung thí sinh các tỉnh chung
quanh Hà Nội...

Các đời vua Lê Thái Tông (1434-1439), Lê Nhân Tông (1443-1453), quy định thi
Hương có 4 kỳ, gọi là bốn trường. Kỳ 1: kinh nghĩa, thư nghĩa; Kỳ 2: chiếu, chế, biểu; Kỳ 3: thơ phú; Kỳ 4: văn sách. Nếu thi qua cả bốn kỳ thì được đỗ Hương cống (sau năm 1828 gọi là Cử nhân). Ông Cống, ông Cử được bổ dụng làm quan ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp trung ương, hoặc được đi làm quan các huyện, sau dần dần mới lên các chức vụ cao hơn. Nếu chỉ thi qua được 3 kỳ thì đỗ Sinh đồ (sau năm 1828 gọi là Tú tài), dân gian gọi ông Đồ, ông Tú có nguồn gốc từ đó. Tuy có tiếng thi đỗ nhưng các ông Đồ, ông Tú này thường không được bổ dụng ra làm quan. Nhiều người đi thi lại nhiều lần để cố đạt cho được học vị Cử nhân. Bởi theo lệ thường, những người đỗ Tú tài phải thi Hương lại cho đến khi nào đỗ Cử nhân mới được vào thi Hội. Vì thế, mới có những vị Tú Kép hay “ông Kép” (đỗ 2 khoa Tú tài), Tú Mền hay “ông Mền” (đỗ 3 khoa Tú tài), Tú Đụp hay “ông Đụp” (đỗ 4 khoa Tú tài).

Ở nước ta có nhà thơ Trần Tế Xương (1870-1907) người làng Vị Hoàng, thành
phố Nam Định, đi thi trước sau 8 khoa nhưng vẫn chỉ đỗ Tú tài. Dân gian chỉ gọi tới mức 4 lần đỗ Tú tài là Tú Đụp, với nhà thơ Thành Nam đỗ 8 lần Tú tài, dân gian không biết gọi thế nào, chỉ đơn giản gọi là “Tú Xương”.
Dưới Tú Xương một bậc là người đồng hương Nam Định với ông, ông Đặng Viết
Hòe đỗ 7 lần Tú tài, người làng Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông Hòe đỗ đến 3 lần Tú tài thì được dân làng gọi là “Mền Hòe”, ở nhà dạy con mình là Đặng Xuân Bảng và tiếp tục đi thi mấy khoa nữa. Xuân Bảng đỗ Tú tài năm 18 tuổi (năm 1846), đến khoa thi sau lại đỗ Tú tài một lần nữa, người đời gọi ônglà “Kép Bảng”. Đến năm 22 tuổi, triều vua Tự Đức, ông đỗ Cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). 
Khoa thi Bính Thìn 1856, Xuân Bảng 28 tuổi, vào Huế thi Hội và đỗ Tiến sĩ, đỗ
thứ nhì khoa ấy. Văn sách bài thi của ông lẽ ra đáng đỗ Hoàng giáp, nhưng cuối bài có câu can vua về thanh sắc tuần du khiến vua không ưng, hạ mức đỗ xuống đầu tam giáp Tiến sĩ. Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến tiệc xong, vua hỏi “Người ở nhà học ai?”, Xuân Bảng bẩm: “Tâu bệ hạ, từ thuở bé đến lớn, hạ thần chỉ học cha ở nhà thôi”. “Cha ngươi đỗ gì?”. “Tâu bệ hạ, cha hạ thần đỗ bảy khoa Tú tài”. Vua liền ban cho bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con thi đỗ Đại khoa). Như thế cũng đủ an ủi phần nào cho người cha 7 lần đỗ Tú tài! 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VẤN AN THI SĨ LIÊU XUYÊN : Cao Mỵ Nhân,Lý Đức Quỳnh,LAN,Như Thu, Minh Thúy Thành Nội, Hồ Nguyễn

VẤN AN THI SĨ LIÊU XUYÊN ( Niên trưởng xướng họa ) LIÊU XUYÊN, ông vắng mặt lâu rồi Sao chẳng tin về cho chúng tôi Phong Lãng vẫn chờ người ...